Vietnamdefence.com

 

Mỹ cải tổ lực lượng tác chiến mạng

VietnamDefence - NSA bị tước quyền tiến hành chiến tranh mạng.

Thượng tướng Keith Alexander (Brendan Smialowski / AFP)
Bộ chỉ huy Tác chiến không gian mạng Mỹ (USCYBERCOM) có thể bị đưa khỏi quyền quản lý của Cục An ninh Quốc gia NSA, tờ The Hill dẫn các nguồn tin giấu tên trong NSA đưa tin hôm 4/11/2013.

Các quan chức quân sự cao cấp Mỹ đang nghiêng về hướng rút CYBERCOM khỏi NSA, một cựu quan chức cao cấp tiết lộ.

Dự đoán, sau khi Giám đốc NSA đương nhiệm Keith Alexander về hưu vào mùa xuân tới, các chức vụ Giám đốc NSA và Tư lệnh USCYBERCOM sẽ được phân chia. Tuy nhiên, quyết định chính thức về việc cắt giảm thẩm quyền của NSA còn chưa được thông qua.

Nhưng Lầu Năm góc đã lên danh sách các ứng viên dân sự làm Giám đốc NSA, cựu quan chức này cho hay. Một sĩ quan quân đội sẽ đứng đầu CYBERCOM, lực lượng hacker quân sự được huấn luyện để thực hiện các cuộc tấn công mạng và bảo vệ các hệ thống máy tính của Mỹ. Chính quyền Mỹ cũng có thể sẽ quyết định bổ nhiệm 2 sĩ quan quân đội đứng đầu 2 cơ quan này.

Thông tin về khả năng rút đơn vị tác chiến mạng khỏi NSA thành một đơn vị riêng đã được Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Carl Levin xác nhận. Theo ông Levin, vấn đề chia tách các chức vụ này quả thực đang được Thượng viện Mỹ xem xét.

Việc Mỹ xem xét khả năng tách CYBERCOM khỏi NSA không phải là hậu quả của việc tiết lộ các chiến dịch theo dõi của NSA, nhưng nó cho thấy có sự lo ngại gia tăng về quyền lực của Giám đốc NSA và việc thiếu khả năng giám sát ở vị trí này. Điều đó cũng cho thấy tầm quan trọng gia tăng của các cuộc tấn công mạng trong các chiến dịch quân sự.

Jason Healey, Giám đốc Cyber Statecraft Initiative tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) cho rằng, hợp nhất hai cơ quan làm tập trung quá nhiều quyền lực vào tay một viên tướng.

“Một số thứ sẽ tốt hơn nếu có 2 trung tâm quyền lực. Nếu ta chỉ có một, nó sẽ hiệu quả hơn, nhưng sẽ đưa ra những quyết định ngu ngốc”, ông Healey nói.

Ông lập luận rằng, cơ cấu bộ máy hiện nay của NSA dẫn nước Mỹ tới việc tiến hành hoạt động theo dõi nhiều hơn và hung hãn hơn trong việc tấn công các mạng máy tính của kẻ thù. Chính phủ Mỹ sẽ không nên chẳng hạn giao cho một ông tướng phụ trách thu tin tình báo ở Trung Quốc, đồng thời chỉ huy các lực lượng ngầm chống Trung Quốc và hoạch định chính sách đối với Trung Quốc.

“Chúng ta giờ đã tạo ra một trung tâm quyền lực mà chúng ta sẽ không bao giờ cho phép có ở bất kỳ lĩnh vực nào khác”, ông Healey nói. “Và chắc chắn điều đó không được cho phép trong một việc quá thiết yếu đối với tương lai và an ninh quốc gia của chúng ta như Internet và không gian mạng”.

Adam Segal, một nghiên cứu viên cao cấp ở Hội đồng Đối ngoại (Council on Foreign Relations) nói rằng, cơ cấu bộ máy chỉ huy hiện nay khiến cho ai cũng khó lòng kiểm soát đầy đủ Tướng Alexander.

Là Giám đốc NSA, Alexander báo cáo với James Clapper, Giám đốc Tình báo Quốc gia. Nhưng với trọng trách tại CYBERCOM, ông chịu trách nhiệm trước Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ.

Cũng có một sự giám sát chia xẻ như vậy ở Quốc hội Mỹ khi các ủy ban tình báo thì giám sát các chương trình theo dõi, còn các ủy ban quân lực có thẩm quyền đối với các chiến dịch mạng quân sự. Ông Segal cho rằng, rất khói để các nghị sĩ đánh giá chi phí và lợi ích của các hoạt động do thám và các chiến dịch mạng quân sự, do đó nên tách rời sẽ dễ đánh giá hiệu quả hơn.

Bản thân Tướng Alexander trước đó đã tuyên bố phản đối sự chia tách đó. “Tôi nghĩ rằng, các chức vụ này cần để kiêm nhiệm. Nếu địch chia tách chúng tôi thì chúng ta sẽ có 2 đội làm việc riêng rẽ. Đất nước chúng ta không thể đủ sức, nhất là trong tình hình tài chính hiện nay, để cho một đội cố tái lập cái mà đội khác đang làm”, Giám đốc NSA nhấn mạnh.

Ông Alexander cho rằng, quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates để CYBERCOM trong NSA vẫn đúng và cảnh báo việc tách 2 cơ quan này sẽ gây ra sự đấu đá về nguồn lực và các quyết định chỉ huy.

Jim Lewis, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, thừa nhận là có việc tập trung quá nhiều quyền lực ở một vị chỉ huy, nhưng lo ngại là CYBERCOM vẫn chưa có đủ năng lực kỹ thuật để hoạt động độc lập và vẫn phải phụ thuộc vào NSA.

CYBERCOM được thành lập vào tháng 6/2009 với các nhiệm vụ chính là tiến hành các chiến dịch nhằm bảo đảm quyền tự do hành động của Mỹ và đồng minh trong không gian mạng, cũng như hạn chế quyền tự do này của các nước đối địch. Tướng Alexander lãnh đạo CYBERCOM từ khi thành lập và bộ chỉ huy này cũng có trụ sở tại Fort Meade, Maryland cùng với NSA.

Dư luận về việc cải cách NSA xuất hiện trong bối cảnh xã hội Mỹ tiếp tục thảo luận về tính hợp pháp của nhiều chương trình do NSA tiến hành. Sau khi báo chí đăng tải vào mùa hè năm 2013 các tài liệu mật về hoạt động theo dõi quy mô lớn của NSA đối với người dùng mạng, một ủy ban đặc biệt theo yêu cầu của Tổng thống Obama đã tiến hành điều tra hoạt động của NSA. Các tài liệu do cựu nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ đã gây ra chấn động lớn.

Nguồn: The Hill, Lenta, 5.11.2013.

Print Print E-mail Print