Vietnamdefence.com

 

Mỹ, Trung cãi lộn vì cựu điệp viên CIA

VietnamDefence - Cựu điệp viên CIA và NSA Snowden là kẻ phản bội và gián điệp Trung Quốc, cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney tuyên bố. Trung Quốc thì bác bỏ và tìm cách tránh dẫn độ Snowden.

Edward Snowden là kẻ phản bội hay gián điệp Trung Quốc?

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Richard Cheney tuyên bố rằng, Edward Snowden, kẻ đã tiết lộ thông tin mật của tình báo Mỹ là kẻ phản bội và có thể đã làm gián điệp cho Trung Quốc.

Ông Cheney bình luận như trên trong cuộc phỏng vấn của Fox News Sunday.

Dick Cheney, nhân vật chủ chốt trong việc đưa ra các quyết định trong lĩnh vực an ninh của Mỹ dưới thời Bush con, cũng như mọi khi đã xông vào bảo vệ các cơ quan quyền lực và tình báo Mỹ.

Ông ra cho rằng, “việc thu thập thông tin về các kẻ thù của chúng ta, để ngăn chặn được sự tấn công của chúng trước khi nó xảy ra” là cần thiết. Còn những kẻ để lộ điều đó là kẻ thù của quốc gia.

Ông Cheney đã nói chi tiết về cá nhân Edward Snowden, người đã tiết lộ cho công chúng thông tin gây nên vụ bê bối chưa từng có về việc theo dõi người dùng qua mạng điện thoại và Internet.

Miêu tả Snowden như “kẻ phản bội”, ông Cheney cũng đánh giá quyết định của cựu điệp viên CIA chạy sang Hongkong và liên hệ việc đó với phỏng đoán Snowden đang làm việc cho tình báo Trung Quốc.

“Tôi nghi ngờ (anhta) vì anh ta đã đến Trung Quốc. Đó không phải là nơi bạn muốn có mặt nếu như bạn quan tâm đến tự do”, ông Cheney nói thêm rằng, Trung Quốc “có lẽ sẽ sẵn sàng cung cấp quyền miễn trừ cho Snowden hoặc quy chế tị nạn cho anh ta để đổi lấy những gì anh ta được cho là biết hoặc không biết”.

Ông Cheney cũng cho rằng, Snowden vẫn chưa có quyền tiếp cận các nguồn với thông tin mật.

Trước đó, đại diện chính quyền Mỹ, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Denis Richard McDonough đã bình luận thông tin về việc Cục An ninh Quốc gia Mỹ NSA nghe lén điện thoại của Tổng thống Nga Medvedev và Tổng thống Mỹ Obama.

Ông McDonough đã gọi khẳng định của Snowden về việc anh ta có thể nghe lén bất kỳ cuộc nói chuyện nào, kể cả của tổng thống Mỹ là phóng đại.

“Điều đó là không đúng sự thật. Tất nhiên, tôi cho rằng, đây là sự phóng đại từ phía anh ta”, ông McDonough nói và cho biết thêm rằng, trong những ngày tới, Tổng thống Obama sẽ lên tiếng về vấn đề này.

Tờ báo Anh The Guardian dẫn nguồn tài liệu do Snowden cung cấp còn cho biết, Trung tâm Liên lạc chính phủ Anh đã sử dụng các công nghệ do thám tiên tiến để do thám các đại biểu dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2009, trong đó có các đại diện từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi, kể cả ông Medvedev, kể cả các cuộc nói chuyện của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev.

Đại diện Nga ở G8, ông Aleksei Kvasov cho biết, Nga không lo ngại trước tiết lộ về việc các cuộc gọi điện thoại của ông Medvedev tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2009 bị nghe lén trong bối cảnh đang tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh G8 ở London,

Còn Thủ tướng Anh David Cameron từ chối bình luận việc tình báo Anh theo dõi ông Medvedev và các đại biểu dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2009. Trả lời câu hỏi của phóng viên là liệu Thủ tướng Anh có thể bảo đảm rằng, một chiến dịch nghe lén tương tự không được tiến hành tại Hội nghị G8 ở Lough Erne, Bắc Ireland hiện nay, ông Cameron tuyên bố: “Chúng tôi không bao giờ bình luận các vấn đề an ninh hay tình báo, và lúc này tôi cũng sẽ không làm việc đó”.

“Tôi không bình luận về các vấn đề tình báo hay an ninh, không một chính phủ nào trước đó từng làm việc đó”, ông Cameron nói.

Dư luận cho rằng, ông Cameron sẽ vấp phải những “câu hỏi khó chịu” và yêu cầu giải thích về vụ bê bối này từ phía những người đứng đầu nhà nước và chính phủ tham gia Hội nghị G8.

Trong khi đó, Bắc Kinh bác bỏ Snowden làm gián điệp cho Trung Quốc.  Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying tuyên bố hôm 17/6/2013 rằng, phỏng đoán nói cựu nhân viên CIA Edward Snowden làm gián điệp cho Trung Quốc là không đúng sự thật và Mỹ phải đưa ra giải thích về chuyện này. Đây là bình luận chính thức đầu tiên của Bắc Kinh về vụ Snowden.

Trước đó, một tờ báo Trung Quốc viết rằng, việc giao nộp Snowden cho Mỹ sẽ là sự thất vọng đối với thế giới và phá vỡ hình ảnh của Hongkong và Trung Quốc. Họ cho rằng, các hành động của Snowden đáp ứng lợi ích của cộng đồng quốc tế, còn việc giao anh ta cho Mỹ sẽ là “sự phản bội đối với bản thân Snowden và làm thế giới thất vọng”.

Tờ báo này cho rằng, “những hậu quả của việc dẫn độ Snowden về Mỹ sẽ nguy hại hơn là một phương án khác, bởi lẽ phản ứng của dân chúng địa phương có thể gây khó khăn cho cả Hongkong”, cả cho Trung Quốc đại lục. Vài ngày trước, ở Hongkong đã diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ Snowden.

Đầu tháng 6/2013, Snowden đã tiết lộ cho báo chí thông tin về chương trình mật theo dõi điện tử người dùng của các công ty Internet và các mạng xã hội có mật danh PRISM mà FBI và NSA đang tiến hành. Hai cơ quan tình báo này trong nhiều năm đã có quyền truy cập trực tiếp các máy chủ của các công ty Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, Skype, YouTube, PalTalk, AOL và Apple. Tình báo Mỹ thu thập các file âm thanh và video, ảnh, thư điện tử, tài liệu và thông tin kết nối của người dùng vào các trang mạng, qua đó theo dõi được di chuyển và các mối quan hệ của người dùng.

Liên quan đến việc nghe lén điện thoại, Giám đốc FBI cam đoan với các nghị sĩ Mỹ rằng, tình báo Mỹ chỉ theo dõi các số điện thoại và thời gian các cuộc gọi, chứ không phải nội dung của chúng.

Snowden còn tiết lộ cả hoạt động gián điệp mạng của Mỹ chống Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Thông tin của Snowden gây ra sự chấn động xã hội lớn, Snowden bị sa thải khỏi CIA và bị khởi tố. Bản thân Snowden đang trốn ở Hongkong. Nếu bị dẫn độ về Mỹ, Snowden có thể bị tù chung thân vì tội tiết lộ thông tin mật.

Dù Snowden có là gián điệp của Trung Quốc hay không thì việc Snowden đang nằm trong tay Trung Quốc là một con bài giá trị trong cuộc đấu khẩu gián điệp mạng Trung-Mỹ, là thắng lợi to lớn của Trung Quốc và một thất bại đau đớn của tình báo Mỹ.

Print Print E-mail Print