VietnamDefence -
Cảm giác các mạng xã hội là tay chân của NSA và CIA càng mạnh bao nhiêu thì vai trò của chúng trong việc phổ biến các giá trị dân chủ ở nước ngoài càng kém hiệu quả bấy nhiêu.
“Tất cả đã nghe thấy rằng, các mạng xã hội như Twitter, Facebook và Youtube đã hậu thuẫn cho việc phổ biến dân chủ trên thế giới bằng cách động viên quần chúng và tạo điều kiện lật đổ các nhà độc tài. Nay chúng ta nhìn thấy khía cạnh hắc ám hơn của chúng”, nhà bình luận Dominic Basulto của tờ The Washington Post viết.
Điều đặc biệt đáng ngại đối với ông là câu chuyện với mạng “Twitter giả của Cuba”: hoạt động thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ USAID, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tổ chức xây dựng mạng xã hội ZunZuneo để động viên dân chúng Cuba lật đổ chế độ Casrtro.
Trong các trường hợp khác, các mạng xã hội là bộ phận không thể tách rời của các chiến dịch tung tin giả của chính phủ nhằm chiêu an các phong trào đối lập. Danh sách các thủ đoạn rất dài: từ các “bẫy tình” kỹ thuật số cho đến các mưu toan cực kỳ tinh vi nhằm phá hoại uy tín, danh dự. Ở các nước như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, thông tin mạng xã hội còn được dùng để xác định vị trí của người biểu tình qua GPS hay địa chỉ IP.
Khía cạnh hắc ám mới của mạng xã hội có nhiều hậu quả đối với nền ngoại giao Mỹ. Ban đầu, Twitter, Facebook và Yotube đã giúp kể với cả thế giới rằng, nước Mỹ là xứ sở của bóng chày, bánh táo và dân chủ cho tất cả. Tuy nhiên, tác giả hiểu rằng, tất cả đang đi đến cái gì: cảm giác các mạng xã hội là tay chân của Cục An ninh quốc gia NSA và Cục Tình báo trung ương Mỹ CIA càng mạnh bao nhiêu thì vai trò của chúng trong việc phổ biến các giá trị dân chủ ở nước ngoài càng kém hiệu quả bấy nhiêu. “Nếu như lối sống Mỹ nghĩa là sự theo dõi từ phía chính phủ, cũng như nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư trực tuyến và thu thập thông tin cá nhân vì các mục đích chính trị, thì liệu có thể sử dụng nó để chinh phục trái tim và khối óc của các nước ngoài không?” - Dominic Basulto viết.
Cũng cần ghi nhận các dịch vụ Twitter và Facebook: họ phản đối và chống lại sự theo dõi của chính phủ Mỹ đối với việc trao đổi online. “Ví dụ nổi bật nhất là Mark Zuckerberg dã kêu gọi Tổng thống Obama chấm dứt sử dụng NSA để theo dõi hoạt động của cộng đồng hơn 1 tỷ dân mạng xã hội. Tuy nhiên, điều đó không cản trở chính phủ Mỹ tạo ra “Twitter giả” hay “Facebook giả”, đúng không nào?”, Basulto viết.
Nguồn: The Washington Post, 8.4, Inopressa, 9.4.2014