Vietnamdefence.com

 

Bắt Snowden: Mỹ cần, Hongkong không vội

VietnamDefence - Chính quyền Hongkong đã không trả lời yêu cầu của Mỹ dẫn độ cựu nhân viên NSA/CIA Edward Snowden, người sẽ bị cáo buộc làm gián điệp, trong khi đó, Snowden tiếp tục đưa ra những cáo giác mới.

Hiện tại, không biết chính xác nơi trú ngụ của Snowden và cũng không biết đến nay, anh ta còn ở Hongkong hay không.

Báo chí sở tại đăng tin nói Snowden đang ở một căn hộ bí mật dưới sự bảo vệ của cảnh sát, nhưng sau đó chính quyền Hongkong đã bác bỏ thông tin này.

Giữa Mỹ và Hongkong tồn tại một hiệp định về dẫn độ. Tuy nhiên, báo chí cho rằng, bởi lẽ vấn đề liên quan đến quan hệ quốc tế và an ninh nên chính quyền đại lục có thể can thiệp. Ngoài ra, Hongkong có thể từ chối giao nộp Snowden bằng cách công nhận anh ta là tị nạn chính trị. Song chính quyền Hongkong thông báo, hiện tại họ chưa nhận được đơn xin tị nạn chính trị của Snowden.

Mỹ đã đe dọa quan hệ với Hongkong có thể xấu đi vì Snowden. Ngày 22/6/2013, Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Mỹ đã yêu cầu Hongkong dẫn độ Snowden. Đại diện chính thức của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Caitlin Hayden xác nhận, “Mỹ đã liên hệ với chính quyền Hongkong để yêu cầu dẫn độ Snowden liên quan đến đơn kiện (đối với anh ta) ở quận Đông, bang Virginia, và theo hiệp định Mỹ-Hongkong về việc giao nộp những người trốn tránh pháp luật”.
 
Còn đại diện chính quyền Mỹ đe dọa Hongkong là quan hệ của họ với Washington sẽ căng thẳng một khi Hongkong trì hoãn xem xét yêu cầu dẫn độ Snowden và nhấn mạnh, “Nếu như Hongkong không hành động nhanh” theo yêu cầu của Washington, thì “điều đó sẽ làm phức tạp quan hệ song phương và đặt ra những câu hỏi về sự thượng tôn pháp luật của Hongkong”.

Tuy nhiên, các cơ quan công lực Mỹ cũng thừa nhận rằng, việc nghiên cứu yêu cầu dẫn độ Snowden có thể cực kỳ kéo dài và mất nhiều tháng.

Tên tuổi Snowden được cả thế giới biết đến vào đầu tháng 6/2013 sau khi tiết lộ thông tin NSA đang thu thập dữ liệu về các cuộc gọi điện thoại và liên lạc Internet của khách hàng các công ty viễn thông/Internet Mỹ.

Snowden tuyên bố, anh ta đã quyết định hy sinh lợi ích của bản thân để ngăn chặn “sự hủy diệt đời tư, quyền tự do trên Internet và những quyền cơ bản của con người trên toàn thế giới bởi bộ máy tình báo khổng lồ” do chính phủ Mỹ thiết lập.

Trước đó, phát biểu tại cuộc điều trần của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ về vụ scandal các chương trình nghe lén và chặn thu điện tử mà Snowden tiết lộ, Giám đốc NSA Keith Alexander cho biết, nhờ các chương trình này, Mỹ đã ngăn chặn được ít nhất 50 vụ khủng bố, 10 trong số đó lẽ ra đã xảy ra trên lãnh thổ Mỹ. Trong các mục tiêu khủng bố có cả thị trường chứng khoán New York. “Tôi thích thảo luận các bài báo hơn là giải thích vì sao chúng ra đã không ngăn chặn được một vụ 11/9 mới”, Tướng Alexander nói.

Ông Alexander và Phó Tổng công tố Mỹ James Cole thông báo rằng, việc nghe lén các cuộc gọi điện thoại của công dân Mỹ và theo dõi Internet đối với người nước ngoài đã được tiến hành dưới sự kiểm soát bên ngoài sát xao, trong đó có của hệ thống tòa án. “Đây không phải là chiến dịch tự tiện nào đó do những điệp viên tình báo đê tiện tiến hành”, Giám đốc NSA phân trần.

Đáng chú ý là các nghị sĩ Mỹ lại ủng hộ các hành động của tình báo Mỹ. Chủ tọa phiên điều trần, hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Michigan, ông Mike Rogers cho rằng, chương trình là nhằm bảo vệ người Mỹ. Hạ nghị sĩ Dân chủ bang Maryland, ông Dutch Ruppers tuyê bố, những cáo giác của Snowden đe dọa an ninh của Mỹ và đồng minh.

Còn Tổng thống Mỹ Barack Obama thì trấn an các đại diện của xã hội dân sự rằng, tình báo Mỹ không nghe lén điện thoại và không xem trộm thư điện tử của công dân Mỹ.

“Tổng thống sẵn sàng cung cấp cho các thành viên Hội đồng tất cả những tư liệu mà họ cần để thực hiện các chức năng giám sát và tham vấn”, đại diện chính quyền Mỹ thông báo tại cuộc gặp các đại diện của Hội đồng giám sát về quyền và tự do dân sự.

Hội đồng này được Quốc hội Mỹ thành lập theo đề nghị của Tổng thống, gồm 5 thành viên với nhiệm vụ chủ yếu là bảo đảm cho các quyền và tự do của công dân Mỹ được thực thi theo luật pháp và các văn bản pháp quy, cũng như theo chính sách chống khủng bố mà chính quyền hành pháp đang tiến hành.

Trong khi Mỹ-Hongkong đang bận bịu về chuyện dẫn độ Snowden, nhân vật này tiếp tục đưa ra những cáo giác mới. Snowden tiếp tục đưa ra những cáo giác mới về chuyện tình báo Mỹ theo dõi tin nhắn của công dân Trung Quốc.

Cựu nhân viên CIA Edward Snowden khẳng định rằng, các nhân viên NSA đang theo dõi trao đổi tin nhắn của công dân Trung Quốc bằng cách xâm nhập mạng của các công ty viễn thông Trung Quốc, tờ South China Morning Post ngày 23.6.2013 đưa tin.

“NSA đang làm nhiều thứ, chẳng hạn như xâm nhập các công ty liên lạc di động Trung Quốc để đánh cắp toàn bộ dữ liệu về các tin nhắn sms của các bạn”, Snowden nói và cho biết, anh ta đang nắm giữ các chứng cứ đó.

Tin nhắn sms là một trong những phương tiện liên lạc phổ dụng nhất ở Trung Quốc. Năm 2012, ở Trung Quốc, đã có 900 tỷ tin nhắn văn bản được gửi đi. Công ty China Mobile với 735 triệu thuê bao là nhà mạng di động lớn nhất thế giới.

Snowden còn cung cấp cho South China Morning Post các tài liệu xác nhận các cuộc tấn công nhiều lần của tình báo Mỹ vào các mục tiêu ở Trung Quốc. Ví dụ, bị tấn công có các máy chủ của Đại học Thanh Hoa, một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc đang nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Năm 2009, các nhân viên NSA đã đột nhập các máy tính của công ty viễn thông Pacnet có trụ sở ở Hongkong.



Nguồn: Newsru, 18, 22.6.2013, VZ, 23.6.2013, South China Morning Post, 23.6.2013.

Print Print E-mail Print