Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc 'vạch áo cho người xem lưng'

VietnamDefence - Đoạn băng ghi lại cảnh một vị tướng Trung Quốc than phiền về việc nhiều quan chức cao cấp “thoái hóa”, bán bí mật cho nước ngoài, trong đó có cả cựu giám đốc chương trình hạt nhân Trung Quốc.

Người xuất hiện trong đoạn băng bị rò rỉ trên là thiếu tướng Kim Nhất Nam, trưởng phòng nghiên cứu chiến lược và đào tạo Học viện quốc phòng Trung Quốc, viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và thành viên của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc.

Đoạn băng đề cập tới nhiều chi tiết bí mật và nhạy cảm về hoạt động của điệp viên Trung Quốc tại nước ngoài. Qua đoạn băng, không rõ ở đây và lúc nào viên tướng đưa ra những thông tin này, nhưng nhiều khả năng chuyện này xảy ra trong giờ giảng tại chính Học viện quốc phòng chắc. Bộ quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận gì vụ rò rỉ thông tin này. Hãng AP đã liên hệ với Học viện quốc phòng Trung Quốc nơi viên tướng làm việc nhưng không được.

Ngồi sau chiếc bàn với tách trà, viên tướng kể cho các học viên những tin tức động trờ về việc một loạt các quan chức nhà nước có tiếng bị kết án gần đây vì tội danh chính thức là tham nhũng, song thực tế họ bị trừng phạt vì tội làm gián điệp, trong đó Lý Tân, cựu đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc, người bị kết án 7 năm vì tội tham nhũng.

Tướng Kim cho hay, thật ra ông Lý bị phát giác tiết lộ các bí mật cho Hàn Quốc, về thỏa hiệp của Trung Quốc trong cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân của Bắc Triều Tiên, làm tổn hại vị thế của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Chính quyền Bắc Kinh không thể chính thức thừa nhận việc đó nên ông Lý đã bị kết án 7 năm tù vì tội nhận hối lộ.

Họ cũng xử lý như thế với Khang Nhật Tân, cựu giám đốc chương trình năng lượng hạt nhân của Trung Quốc, người bị kết án chung thân vào tháng 11.2010 vì tội tham nhũng. Ông Kim nói rằng, ông Khang trên thực tế đã bán các bí mật về chương trình này cho một nước khác (ông Kim không nói rõ nước nào), nhưng điều này được coi là quá nhạy cảm khi đưa ra tòa án. Vì thế, ông này bị cáo buộc tội danh thay thế là tham nhũng.

Theo tướng Kim, ông Khang là đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc và là một trong những quan chức cao cấp nhất dính líu đến tội làm gián điệp. “Hạt nhân lãnh đạo của đảng đã cực kỳ lo ngại. Họ ra lệnh tiến hành các cuộc thanh tra toàn diện và không thương xót một ai”, ông Kim nói.

Ông Kim cũng nói đến Đông Đạt Ninh, cựu quan chức ủy ban nhà nước về phát triển và cải cách, người bị tử hình năm 2006 về tội làm gián điệp cho Đài Loan. Theo tướng Kim, ông Đông đã tiết lộ cho Đài Bắc những bí mật về chế độ quản lý tiền tệ của Trung Quốc, giúp Đài Loan tránh được tổn thất lớn khi thay đổi tỷ giá hối đoái.

Trong số các trường hợp gián điệp liên quan tới giới quân sự, ông Kim nói rằng, đại tá Từ Tuấn Bình, người đã đào thoát sang Mỹ năm 2000, không thể tiết lộ các bí mật kỹ thuật nào. Từ chỉ làm công tác tổ chức các chuyến thăm nước ngoài của giới quân sự Trung Quốc, nhưng biết rất nhiều chuyện riêng tư về họ. Ông Từ đã cung cấp cho Mỹ các thông tin chi tiết về giới lãnh đạo quân sự chóp bu, thái độ và thói quen, vị thế của một số tướng lĩnh mà ông ta đã đi theo phục vụ họ trong các chuyến đi nước ngoài.

Ông Kim còn nói đến một trường hợp quan chức cao cấp khác bị bắt vì tội gián điệp. Cha ông này trước đây từng hoạt động tình báo nhưng là phục vụ Trung Quốc, chứ không phải chống Trung Quốc.

Phát biểu của tướng Kim rõ ràng là để cảnh báo học viên Học viện quốc phòng không sa vào con đường phản bội tổ quốc.

Ngoài YouTube, đoạn băng có thể tiếp cận được trong một thời gian trên một số site Trung Quốc, nhưng sau đó đã nhanh chóng bị gỡ bỏ toàn bộ. Tuy nhiên, các bức ảnh chụp màn hình, phần âm thanh và một số đoạn ghi lại ý kiến của ông Kim vẫn được tìm thấy trên một số trang web của Trung Quốc. Hiện nay, văn bản nội dung phát biểu của tướng Kim vẫn còn trên trang blog Sina Weibo's.

Được biết, chính quyền Trung Quốc kiểm soát ngặt nghèo internet và loại bỏ mọi nội dung không mong muốn. Ở Trung Quốc site YouTube bị khóa, một site tương tự của Trung Quốc thì phải kiểm tra mọi đoạn băng và gỡ bỏ các tài liệu đáng ngờ cho đến khi có chỉ thị tương ứng của chính quyền.

Nhưng bản thân việc rò rỉ đoạn ghi hình nói trên có thể xem là thất bại của chế độ bảo mật Trung Quốc mà trước đó chính quyền nước này chưa từng để xảy ra. Qua đoạn băng, có thể thấy rằng, nó được ghi hình bằng thiết bị chuyên dụng chứ không phải là do một người tham gia nào đó bí mật quay được.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa có phản hồi chính thức cho các câu hỏi liên quan tới đoạn video rò rỉ.

Kênh truyền hình ntdtv.ru đưa tin câu chuyện về đoạn băng này vốn là kênh tiếng Hoa, có trụ sở ở Mỹ và có tiếng là thân cận với giáo phái Pháp luân công bị cấm ở Trung Quốc.

  • Nguồn: VZ, 29.8, ĐV, 30.8.11.

Print Print E-mail Print