VietnamDefence -
Đầu thế kỷ XX, nhà nước Đức đã có thái độ khá xem thường đối với tình báo vô tuyến điện tử. Người Đức cho rằng, quân đội của họ sẽ có thể chiến thắng vinh quang chỉ bằng sức mạnh của vũ khí giống như năm 1870.
Cái gì không thể ra lệnh thì thầm
thì nó sẽ được chứng minh
bằng kinh nghiệm.
K. Prutkov. "Những trước tác"
Đầu thế kỷ XX, nhà nước Đức đã có thái độ khá xem thường đối với tình báo vô tuyến điện tử. Người Đức cho rằng, quân đội của họ sẽ có thể chiến thắng vinh quang chỉ bằng sức mạnh của vũ khí giống như năm 1870. Họ thậm chí còn không phỏng đoán được vô tuyến điện sẽ được sử dụng rộng rãi như thế nào trong cuộc chiến sắp tới và nhiều thông tin quan trọng sẽ đi qua các kênh vô tuyến điện. Bởi thế mà Bộ Tổng tham mưu Đức đã biết quá ít về công tác cơ yếu trong quân đội các nước khác và đã không đầu tư sức người, sức của cho những công việc mà theo họ là không cần thiết như chặn thu và mã thám.
Vậy là nước Đức bước vào Thế chiến I mà không hề có một cơ quan mã thám nào. Chiến sự bắt đầu thì sự thiếu vắng vai trò tạo ổn định của các chuyên gia mã thám đã dẫn đến việc họ phải chuyển liên tục từ hệ mã này sang hệ mã khác. Và nếu như người Đức vẫn không bị trừng trị vì điều đó ở mặt trận phía Đông thì chẳng qua chỉ vì nước Nga đối địch cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Tuy nhiên, ngay trong những tháng đầu chiến tranh này, bộ chỉ huy Đức đã kịp rút ra cho mình những bài học bổ ích về các ưu thế mà tình báo vô tuyến điện tử mang lại.
Trước Thế chiến I, Nga đã tiến hành một trong những chiến dịch tình báo lớn nhất thời đó bằng cách buộc đại tá Alfred Riedle cung cấp cho Nga các kế hoạch chiến lược của Bộ Tổng tham mưu Áo-Hung. Vì sợ sự xuất hiện của một Riedle như thế ngay ở Nga, trưởng phòng cơ yếu quân đội Nga Andreyev cho đến tận phút cuối trước khi chiến sự nổ ra vẫn phản đối việc phân phát các bản sao của loại mật mã mới dùng cho thời chiến. Biện pháp phòng ngừa này đã dẫn đến những hậu quả đáng buồn.
Theo các kế hoạch tiến hành chiến dịch quân sự chống Đức, phía Nga trù tính đưa hai tập đoàn quân tiến vào Đông Phổ. Tập đoàn quân 1 dưới quyền tướng Pavel Rennenkampf có nhiệm vụ tấn công theo hướng Tây và cầm chân quân Đức bằng các hoạt động chiến sự. Tập đoàn quân 2 của tướng Alexander Samsonov triển khai chếch về phía Nam được giao nhiệm vụ đi vòng qua các đầm lầy Masur, tiến vào hậu phương quân Đức, cắt đường lui và tiêu diệt chúng. Dĩ nhiên là để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi phải có sự hiệp đồng nhịp nhàng và chặt chẽ giữa hai tập đoàn quân Nga.
Đáng tiếc là cơ quan thông tin liên lạc Nga đã hoàn toàn không đáp ứng được các yêu cầu đặt ra với nó. Khi các tập đoàn quân của Rennenkampf và Samsonov bị chia cắt bởi đầm lầy Mazur nên phải bắt đầu liên lạc với nhau chủ yếu bằng vô tuyến điện thì mới phát hiện ra là tập đoàn quân Rennenkampf đã nhận được mật mã mới và đã huỷ mật mã cũ, còn tập đoàn quân của Samsonov lại vẫn sử dụng mật mã cũ. Kết quả là các cuộc điện đàm giữa hai tập đoàn quân trong một thời gian phải nói rõ trực tiếp qua vô tuyến điện.
Cũng phải nói thêm là cả việc bảo đảm vật chất kỹ thuật cho các tập đoàn quân Nga cũng rất kém. Tập đoàn quân Samsonov có trong tay khoảng hơn 600 km dây dẫn và nhanh chóng bị dùng hết. Công tác bảo đảm yếu kém như thế khác hẳn với công tác hậu cần cho quân Anh và Pháp khi mà họ mỗi ngày sử dụng số dây dẫn lớn hơn gần 10 lần ở mặt trận phía Tây. Trong khi đó, các phương tiện liên lạc chỉ được sử dụng ở bộ tham mưu của hai tập đoàn quân Nga và bộ tham mưu các quân đoàn trực thuộc. Bộ tham mưu các sư đoàn và các đơn vị cấp thấp hơn không có phương tiện liên lạc vô tuyến điện. Bởi vậy, các bộ tham mưu quân đoàn đã buộc phải sử dụng phương tiện liên lạc hữu tuyến để liên lạc với các sư đoàn. Còn bộ tham mưu hai tập đoàn quân về phần mình lại phải bỏ ra lượng dự trữ dây dẫn ít ỏi của mình để liên lạc với bộ chỉ huy hậu cần. Bởi vậy, vô tuyến điện là phương tiện liên lạc duy nhất giữa bộ tham mưu các quân đoàn và các tập đoàn quân.
Nội dung điện tín liên lạc vô tuyến của các bộ tham mưu đó không còn là bí mật đối với địch. Sự thiếu hiệu quả tổng thể của công tác động viên do Nga tiến hành đã phản ánh một cách tai hại cả ở việc đưa đến cho quân đội các loại mật mã quân sự mới và các loại khoá mã kèm theo. Chẳng hạn, quân đoàn 13 của Samsonov không có các khoá mã để đọc các bản điện mã do quân đoàn 6 đóng bên cạnh gửi đến. Hai tuần sau khi chiến tranh bắt đầu, lính thông tin Nga thậm chí còn chưa định mã hoá các bức điện của mình mà vẫn truyền bản rõ của chúng qua vô tuyến điện.
Đông Phổ vào cái thời xa xôi đúng nghĩa của từ đó đã chằng chịt đầy những dây dẫn điện thoại. Từ bất kỳ một trang trại nhỏ bé heo hút nào, người Đức cũng có thể báo về di chuyển của các tập đoàn quân Nga về ngay bộ tham mưu của mình. Tình báo quân sự Nga đã phát hiện ra các máy điện thoại giấu kín trong các hầm chứa, thậm chí trong các tổ ong. Do thiếu nguồn dây dẫn dự phòng, bộ chỉ huy quân Nga đã tiến hành điện đàm qua điện thoại ở các nhà dân địa phương, điều đó không hề có tác dụng bảo mật nội dung các cuộc điện đàm này.
Theo các kế hoạch chiến lược, tập đoàn quân Rennenkampf vào ngày 17 tháng 8 đã bắt đầu tiến sâu vào Đông Phổ. Để phòng thủ khu vực này, quân Đức chỉ để lại một tập đoàn quân là tập đoàn quân 8, vì các kế hoạch chiến lược của họ trước hết trù tính đánh bại Pháp nhanh chóng. Tập đoàn quân Đức này không yếu hơn bất cứ tập đoàn quân nào trong số hai tập đoàn quân Nga, nhưng sẽ yếu hơn binh lực hợp nhất của chúng. Bởi vậy Bộ Tổng tham mưu Đức dự kiến tấn công lần lượt từng tập đoàn quân Nga một.
Sau trận đánh với Rennenkampf gần Gumbinnen, quân Đức đã bỏ lại trận địa của mình và vội vã tháo lui. Họ chỉ dừng lại khi đã rút lui được 30 km. Dù sao quân Đức ở mức độ nào đó đã quần tơi tả tập đoàn quân Rennenkampf nên tập đoàn quân này đã dừng tiến công thay vì tiếp tục phát huy chiến quả.
Tướng tư lệnh Đức Max von Prittwitz hãi hùng đã sẵn sàng bỏ lại vùng Đông Phổ. Ông ta đã báo cáo ý đồ của mình cho bộ chỉ huy tối cao khiến họ liền phải tìm người thay thế ông ta. Nhưng trung tá Max Hoffmann, vị tham mưu trưởng tài năng của ông ta, đã báo cáo rằng, tập đoàn quân Samsonov đã tiến rất sâu vào lãnh thổ nước Phổ và thuyết phục được chỉ huy của mình tấn công cánh quân Nga này. Ông ta đề xuất rút bỏ khỏi mặt trận hai quân đoàn Đức đang đối địch với Rennenkampf để điều chúng bằng đường sắt hoạt động tuyệt vời của Đức sang hướng Nam và tấn công bất ngờ vào nhóm quân phía Nam do Samsonov chỉ huy.
Khi vị tư lệnh Đức mới là tướng Paul von Hindenburg (1847-1934),và tham mưu trưởng của ông ta là Eric Ludendorff tới nơi thì cuộc chuyển quân đã bắt đầu. Họ giữ nguyên không thay đổi chiến dịch dự kiến. Tại khu vực phía Bắc chiến tuyến, Ludendorff đã bố trí kỵ binh bọc sườn để yểm trợ cho quân đội rút khỏi các trận địa đang chiếm lĩnh và theo dõi quân của Rennenkampf. Phân tán binh lực là vi phạm học thuyết quân sự chiến lược của Đức vì nền tảng của nó là nguyên tắc tập trung binh lực. Ngày 24 tháng 8, khi bộ tham mưu Đức đang bàn luận tất cả các ưu nhược điểm của phương án Hoffmann thì một binh sĩ đi môtô đã đưa đến hai bức điện vô tuyến chặn thu được của Nga do trưởng đài vô tuyến điện ở pháo đài Koenigsberg gửi đến. Các thuộc cấp của ông ta do rỗi việc vì chẳng có nhiều tài liệu để gửi đi nên đã nghe lén hoạt động của các đài vô tuyến điện Nga để giải trí.
Cả hai bức điện đều do bộ tham mưu quân đoàn 13 của tướng Samsonov gửi đi bằng bản rõ vì bộ tham mưu quân đoàn này vẫn chưa nhận được các khoá mã tương ứng cho các mật mã. Trong các bức điện có nêu chính xác điểm đến của các đơn vị của quân đoàn, thời gian dự kiến đến nơi của chúng và các kế hoạch tác chiến. Các tin tức này hoàn toàn trùng khớp với nội dung của chỉ lệnh mới tìm thấy trong túi một sĩ quan Nga chết trận. Các bức điện chặn thu được này không cho biết được điều chủ yếu là ý đồ của Rennenkampf. Nhưng bất kể điều đó, Ludendorff đã quyết định là với những tin tức đó trong tay, để giành chiến thắng hoàn toàn trước Samsonov thì cần phải mạo hiểm. Lệnh tái bố trí các đơn vị Đức còn lại được ban ra.
Sáng hôm sau, sau cuộc họp tại bộ tham mưu Đức đã xuất hiện một tài liệu xoá tan mọi nghi ngờ của Hindenburg và Ludendorff. Đó là một bức điện vô tuyến chặn thu được. Rennenkampf đã gửi nó ở dạng bản rõ cho quân đoàn 4 của mình. Trong bức điện đó có nói tập đoàn quân của ông ta sẽ tiếp tục tấn công và nêu ra tuyến mà đội quân của ông định tiến tới. Thế là quân Đức biết rằng, Rennenkampf vẫn có ý định tiếp tục tiến lên với tốc độ như rùa.
Dấu vết rút lui vội vàng của quân Đức mà tướng Rennenkampf đã phát hiện thấy khi đủng đỉnh tiến qua các trận địa mà quân Đức bỏ lại đã một lần nữa củng cố nhận định sai lầm của ông là quân Đức đã rút lui toàn bộ sau trận Humbinnen. Ông không định gây áp lực mạnh với quân Đức bởi vì sợ sẽ đẩy quân Đức ra khỏi Đông Phổ sớm hơn khi Samsonov có thể đánh tan chúng.
Về phần mình, quân Đức lập tức kết luận rằng, Rennenkampf sẽ không kịp tiến đến một tuyến xuất phát nào để tấn công vào hậu phương quân Đức trước thời điểm Samsonov bị đánh bại theo dự kiến. Sau một thời gian nghỉ ngơi, quân Đức quyết định tung toàn lực chống lại tập đoàn quân Samsonov.
Buổi sáng hôm đó, lính thông tin đã trao cho Hoffmann thêm một bức điện vô tuyến chặn thu được, cũng gửi bằng bản rõ. Samsonov đã gửi nó vào 6 giờ sáng cho quân đoàn 13 xấu số là đơn vị vẫn chưa có mật mã. Trong đó có nêu đầy đủ tình hình và mô tả chi tiết các hành động tiếp sau của tập đoàn quân Samsonov. Đây là một việc chưa từng có tiền lệ trong toàn bộ lịch sử chiến tranh.
Khi xây dựng các kế hoạch của mình, quân Đức đã tính đến điểm yếu trong thế trận của quân Nga. Trận đánh lớn bắt đầu ngày 26 tháng 8 và đến ngày 30 tháng 8, quân Đức đã quây quân Nga trong một vành đai sắt và chỉ vẻn vẹn có 2 ngàn quân Nga thoát được ra khỏi đó. Tập đoàn quân Samsonov đã bị xoá sổ. Vị tư lệnh tập đoàn quân cũng hy sinh bằng cách tự sát trong tuyệt vọng. Sau chiến thắng này, Hindenburg đã nổi tiếng đến mức được cử làm Tổng tư lệnh tối cao, còn sau chiến tranh thì trở thành tổng thống Đức.
Hoffmann, tác giả của ý đồ tiến hành chiến dịch oanh liệt này, trong cuốn sách "Cuộc chiến của những cơ hội bị bỏ qua" của mình, đã nêu ra nguyên nhân thắng lợi chưa từng có của chiến dịch: "Một đài vô tuyến điện Nga đã gửi mệnh lệnh ở dạng không mã hoá và chúng tôi đã chặn thu được nó. Đây là mệnh lệnh đầu tiên trong một chuỗi vô số các mệnh lệnh khác mà lần đầu tiên người Nga phát đi một cách cẩu thả không thể tưởng tượng dược như thế... Sự cẩu thả đó đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho chúng tôi tiến hành chiến tranh ở phía Đông, đôi khi chỉ nhờ nó mà chúng tôi mới có thể tiến hành các chiến dịch nói chung". Người ta đã nói rõ tất cả. Việc chặn thu được các bức điện không mã hoá của quân Nga đã giúp quân Đức giành thắng lợi trong trận đánh đầu tiên trong lịch sử thế giới có kết cục bị quyết định bởi sự kém cỏi về vấn đề mật mã.