Nhưng để làm việc đó, chúng phải được Trepper tự nguyện cộng tác vì chỉ Trepper mới có thể làm cho các bức điện vô tuyến của bọn Đức có dấu ấn phong cách không khiến Moskva nghi ngờ. Trepper đã nhận lời đề nghị tham gia trò chơi vô tuyến điện và “Trò chơi Lớn”, mật danh bọn Đức đặt cho chiến dịch này, đã bắt đầu.
Bọn Đức biết là Trepper thường gửi các bức điện quan trọng nhất của mình thông qua các đài phát của Đảng Cộng sản Pháp nên chúng đã tìm mọi cách để tìm ra sợi chỉ dẫn đến các đài phát đó. Mắt xích đầu tiên của đường dây có thể dẫn đến Đảng Cộng sản Pháp là một phụ nữ có tên Julietta, một nhà hoạt động lão thành của phong trào cộng sản Pháp. Trepper đã được bọn Đức đưa cho một văn bản để sau đó Julietta phải chuyển cho ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp để chuyển về Moskva. Vấn đề khó khăn là mã hoá bức điện này.
Về mặt logic thì phải mã nó bằng mật mã được dùng để chuyển theo kênh liên lạc của “đảng” về Moskva. Khi quân Đức đòi Trepper giao mật mã này, ông đã cười rộ nói: “Chả lẽ một tình báo viên tầm cỡ như tôi mà lại mất thời gian cho mấy chuyện vặt vãnh như mã hoá điện tín hay sao?” Do không có loại mật mã thích hợp nhất, nên bọn Đức đã mã bức điện này bằng mật mã mà “Dàn nhạc đỏ” sử dụng ở Brussels.
Nhân lúc bọn bảo vệ lơ đễnh, Trepper đã soạn một báo cáo của mình gửi về Moskva. Trong báo cáo, ông trình bày kỹ lưỡng về vụ bắt giữ, nêu ra danh sách các điệp viên đã bị bọn Đức phát giác và giải thích “Trò chơi Lớn” là gì. Cuối cùng, Trepper thông báo ông đang chuẩn bị chạy trốn và trình bày mấy phương án chạy trốn. Báo cáo được viết bằng thứ hỗn hợp ba thứ tiếng Yddisch, Ivrit (Yddisch - ngôn ngữ của một bộ phận người Do Thái sống ở châu Âu, châu Mỹ, Nam Phi và Israel, thuộc họ ngôn ngữ Đức. Ivrit - dạng hiện đại của ngôn ngữ cổ Do Thái, thuộc họ ngôn ngữ Do Thái và hiện là ngôn ngữ chính thức của Israel - ND) và tiếng Ba Lan. Nếu bọn Đức có phát hiện ra báo cáo này thì chúng cũng phải có ba phiên dịch viên mới đọc được báo cáo của Trepper, mà như thế sẽ giúp ông có thêm mấy tiếng đồng hồ. Báo cáo này của Trepper cùng với bức điện vô tuyến do bọn Đức làm giả đã đến được tay Julietta.
“Trò chơi Lớn” đã chấm dứt ngày 13 tháng 9 năm 1943 khi Trepper thực hiện một trong các kế hoạch chạy trốn của mình. Một ngày trước đó, bọn Đức đã thông báo cho Trepper rằng, chúng sẽ hộ tống ông sang miền Nam Pháp, nơi mà Funkabwehr đã phát hiện ra một đài phát và nhân đó đã lấy được một số lượng lớn bản sao các bức điện mã. Kludow cũng đã trên đường sang Pháp để đọc các bức điện đó. Chiếc điện đài bị phát hiện, theo Funkabwehr, chính là chiếc điện đài đã gửi về Moskva bức điện giả mà Trepper chuyển cho Julietta.
Đây đúng là một thảm hoạ. Nếu như điện đài này đã chuyển đi bức điện mà tình báo quân sự Đức Abwehr đứng tên Trepper soạn ra khi tiến hành “Trò chơi Lớn” thì trong số các bản sao điện mã bị thu giữ tại miền Nam Pháp, chúng có thể tìm ra cả bản báo cáo của Trepper mà ông đã viết để phá tan trò chơi vô tuyến điện của bọn Đức và nó sẽ bị Kludow đọc được một cách nhanh chóng. Lập luận đó là logic, nhưng không đúng. Những người cộng sản Pháp đã không dám dùng điện đài chuyển báo cáo của Trepper về Moskva mà gửi nó bằng giao thông viên qua London về Moskva. Nhưng Trepper không thể biết được điều đó, bởi vậy ông đã quyết định chạy trốn và gia nhập lực lượng kháng chiến Pháp.
Năm 1945, số phận thật trớ trêu khi cả Trepper và Pannwitz, nhân viên cao cấp của Tổng cục An ninh Đế chế đã được tin cậy giao cho nhiệm vụ lãnh đạo chiến dịch “Trò chơi Lớn”, đều bị giam trong cùng một nhà tù của NKGB, đúng là chỉ cách nhau mấy mét. Sau khi Paris được giải phóng, nhà tình báo Xô-viết lỗi lạc Leopold Trepper, người đã cảnh báo trước Liên Xô về cuộc tấn công của Đức phát xít tháng 6 năm 1941 nhưng đã không được Stalin tin, được đưa về Moskva trên chiếc máy bay riêng của Stalin và bị bắt giữ ngay khi về đến Liên Xô vì bị buộc tội gián điệp.
Trepper đã ngồi tù 10 năm ở Liên Xô và đến năm 1957, ông đã trở về Ba Lan đoàn tụ với vợ và ba con trai. Sau đó, ông đã viết một cuốn sách về “Dàn nhạc đỏ”. Trước làn sóng bài Do Thái bùng lên ở Ba Lan sau cuộc chiến sáu ngày (năm 1973) giữa Israel và một số nước Arập, Leopold Trepper, một người Ba Lan gốc Do Thái, đã quyết định di cư sang Israel.
Sau một chiến dịch quốc tế phản đối việc chính phủ Ba Lan từ chối không cho ông ra đi, cuối cùng, Leopold Trepper đã đến được Jerusalem và mất ở đó ở tuổi 77. Còn Pannwitz, kẻ muốn lập công chuộc tội trong thời chiến tranh nên đã không chỉ tình nguyện cộng tác với NKGB, mà còn cung cấp cho NGKB các danh sách điệp viên Đức hoạt động trên lãnh thổ Liên Xô, thậm chí cả loại mật mã dùng để bảo mật điện tín liên lạc giữa Churchill và Roosevelt mà bọn Đức giải phá được.