Vietnamdefence.com

 

Tình báo điện tử Đức: “Dàn nhạc đỏ” (4)

VietnamDefence - Trạm chặn thu tại thành phố Đức Kranz ở Đông Phổ (từ năm 1946 trở thành thành phố Zelenograd, tỉnh Kaliningrad của Nga) có nhiệm vụ chuyên trách truy tìm các phiên liên lạc của các điện đài bí mật.

Đêm 25 rạng sáng 26 tháng 7 năm 1941, nhân viên trực ban đài này ghi  lại các tín hiệu gọi: “KLK từ PTX, KLK từ PTX, KLK từ PTX...” Sau đó một bức điện gồm mấy nhóm số đã được gửi đi. Nhân viên trực đã viết báo cáo về việc phát hiện ra một đài phát bí mật mới, kèm theo bước sóng hoạt động của đài này.

Theo thuật ngữ chuyên môn của các cơ quan phản gián Đức, trưởng lưới tình báo đối phương được gọi là “nhạc trưởng” bởi vì cũng giống như nhạc trưởng, nhân vật này bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng của những người dưới quyền, tạo ra một một loại “dàn nhạc” độc đáo. Nhạc công solo chính trong “dàn nhạc” đó là báo vụ viên, người này giống như nhạc công piano cũng bấm phím máy phát vốn có cái tên đặc biệt “chiếc hộp âm nhạc” của mình.

Khi trạm chặn thu ở Kranz phát hiện ra “nhạc công piano” có tín hiệu gọi “PTX”, lãnh đạo Abwehr và thậm chí cả Funkabwehr (cơ quan tình báo Đức chuyên trách vô hiệu hoá các điện đài của đối phương) không chú ý lắm đến việc này. Từ khi quân Đức tiến vào lãnh thổ Liên Xô, toàn bộ châu Âu bị Đức chiếm đóng đều chơi “nhạc”. Cuộc tấn công sang phía Đông là một thứ tín hiệu cho các “nhạc công piano”, do đó theo logic có thể phỏng đoán rằng, người nghe “nhạc” của họ ngồi ở Moskva.

Từ góc độ của người Đức, tất cả đang diễn ra quá tốt đẹp nên một điện đài bí mật mới xuất hiện trên làn sóng điện cũng chẳng hề hấn gì. Tiếp sau Ba Lan, Đan Mạch, Nauy, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Nam Tư và Hy Lạp, đến lượt Liên Xô bị Hitler giày xéo. Trong bối cảnh những chiến thắng vang dội của vũ khí Đức thì một nhóm tình báo nào có nghĩa gì ! Các “dàn nhạc” sẽ theo nhau câm tiếng khi mà sẽ chẳng còn ai ở Moskva nghe “nhạc” nữa.

Nhưng mấy ngày sau khi ghi được tín hiệu gọi “PTX”, trạm chặn thu ở Kranz đã bắt được tín hiệu của một đài phát nữa. Các chuyên gia ở đây phối hợp với các đồng nghiệp ở thành phố Đức khác là Breslau đã cố định vị đài phát này. Báo cáo về công việc được tiến hành đã được gửi đến Berlin. Sau khi đọc báo cáo, người ta đã run bắn như bị điện giật. Không còn nghi ngờ gì nữa, điện đài mà các thủ đoạn hoạt động của nó trùng với phong cách của điện đài “PTX” đang hoạt động ngay tại thủ đô Đức.

Đảng Cộng sản Đức đến lúc đó đã bị đập tan. Sống sót từ chính đảng một thời đông đảo nhất Tây Âu này chỉ là các tổ đảng nhỏ lúc nhúc bọn chỉ điểm. Trước đây, tình báo Liên Xô hoạt động như cá với nước trong môi trường phong trào cộng sản. Mất môi trường đó, lưới tình báo Liên Xô tất yếu không thể sống sót. Ngay trước cuộc chiến chống Liên Xô, Hitler đã nhận được từ chỉ huy các cơ quan phản gián Đức một báo cáo khẳng định nước Đức đã hoàn toàn sạch bóng các gián điệp Xô-viết.

Vậy thì báo cáo từ thành phố Kranz là thế nào đây? Chấp nhận nó có nghĩa là nghi ngờ bản báo cáo đã gửi cho Hitler. Cuối cùng tất cả nhất trí với một giải pháp thoả hiệp: trước tiên phải cải tiến thiết bị kỹ thuật định vị vô tuyến dùng để phát hiện những “chiếc hộp âm nhạc”, sau đó là phải làm rõ “nhạc công piano” có đang ở Berlin hay không.

Các máy định vị vô tuyến với tư cách phương tiện do thám vô tuyến điện tử lần đầu tiên xuất hiện trong quân đội thường trực các nước vào năm 1915-1916. Máy định vị vô tuyến đã mang lại một chất mới cho ngành tình báo vô tuyến điện tử và về nguyên tắc, đã mở rộng khả năng của nó. Nhờ các phương tiện này, người ta đã bắt đầu định vị được các đài vô tuyến điện đối phương và bằng cách đó định vị được các bộ tham mưu, đơn vị, binh đoàn, thời gian bắt đầu và hướng di chuyển của chúng. Bằng các máy định vị vô tuyến, người ta đã phát hiện ra những lần lên sóng và định vị các đài phát của các điệp viên đối phương.

Trước hết, Funkabwehr cần có các thiết bị định vị tầm xa để định vị gần đúng vị trí đài phát. Trạm chặn thu ở Kranz đã khẳng định “PTX” có thể nằm trong khu vực bao gồm Bắc Đức, Hà Lan, Bỉ và Bắc Pháp. Tuy vậy, để truy tìm nó, ít ra cần phải xác định được thành phố nào. Lúc đó thì có thể sử dụng máy định vị tầm gần để xác định điện đài phát đi từ ngôi nhà nào.

Điện đài ở Berlin còn hoạt động thêm ba tuần nữa, sau đó đã im tiếng khiến những người đang tìm mọi cách dập vụ xì căng đan liên quan đến điện đài này bằng cách chứng minh rằng trạm chặn thu Kranz đã mắc sai sót rất hả hê. Nhưng vào đầu tháng 8, các buổi phát của điện đài này lại nối lại và tiếp diễn gần hai tuần. Sau đó lại hoàn toàn im lặng. Các chỉ huy Funkabwehr chỉ còn lại một vật chuẩn tin cậy - đó là tín hiệu gọi “PTX” của điện đài đầu tiên định vị được ở Kranz. Đến ngày 7 tháng 9 năm 1941, thông tin chặn thu tích luỹ được là 250 báo cáo và các chuyên gia mã thám Đức cố giải phá chúng. Do không có cách nào lần ra “nhạc công piano” ở Berlin, Funkabwehr đã quyết định tập trung nỗ lực vào người anh em cần mẫn hơn của anh ta vì nhịp tín hiệu gọi, lựa chọn tần số và thời gian liên lạc của cả hai cực kỳ giống nhau, rõ ràng là họ được huấn luyện ở cùng một trường tình báo. Chỉ cần bắt được một người là có thể hy vọng lần ra dấu vết người kia.

Trong khi đó, các chuyên gia ở Kranz đang xiết chặt gọng kìm. Trước hết, họ loại trừ Đức và Pháp, sau đó là Hà Lan. Chỉ còn lại Bỉ. Theo họ, “PTX” đã gửi các tín hiệu từ đâu đó ở bờ biển nước Bỉ, đúng hơn là từ Brugget. Một số chỉ điểm viên Đức cũng được phái đến đó để phát hiện manh mối phăng ra báo vụ viên tình báo Liên Xô. Cuộc đi săn lớn bắt đầu.

Do sự xuất hiện của kỹ thuật, nhân loại đã mất đi cơ hội trải qua những cảm giác mạnh. Chẳng hạn, săn bắn cũng hoàn toàn không còn như trước đây. Tuy vậy, thay vào đó, kỹ thuật đã tạo ra một thứ săn tìm hấp dẫn, tàn bạo và cổ xưa nhất trong các hình thức đi săn - đó là săn người. ở đây, đóng vai con thú là “nhạc công piano” đang lẩn khuất trong một thành phố lớn và cũng khó săn bắt giống như một con thú trong rừng rậm. Để tìm ra vết con thú, phải có những con chó biết đánh hơi. Báo vụ viên cũng để lại “dấu vết” của mình là bước sóng phát bức điện lên làn sóng. Để thu được những dấu vết đó không khó. Hơn nữa, lần theo các dấu vết đó có thể xác định hướng phát bức xạ, còn theo một chuỗi buổi phát có thể xác định vị trí điện đài.

Giống như con thú bị truy đuổi, “nhạc công piano” cố xoá “dấu vết” của mình. Anh ta làm việc ở một bước sóng nhất định, đài thu đợi anh ta vào thời gian đã định ở đúng bước sóng đó. Ngay khi báo vụ viên để lộ mình thì cả các “thợ săn” cũng chỉnh vào bước sóng của anh ta. Nhưng báo vụ viên có thể từ bỏ “đường đi” quen thuộc trên làn sóng, nghĩa là thay đổi bước sóng, mặc dù đó là việc khó khăn bởi vì nó đòi hỏi phải có sự thống nhất hành động đầy đủ với đài thu và không được để đài thu mất “vết” đài phát vì các thủ thuật này. Xin lấy kế hoạch phát của một báo vụ viên Liên Xô làm ví dụ. Anh ta phát các tín hiệu gọi của mình ở bước sóng 43 m. Moskva xác nhận thu ở bước sóng 39 m. Lúc đó, “nhạc công piano” sẽ phát điện đi ở bước sóng 49 m. Còn một mẹo nữa: khi chuyển từ bước sóng 43 m sang bước sóng 49 m, “nhạc công piano” thay đổi tín hiệu gọi để đánh lạc hướng các “thợ săn” khiến họ tin rằng còn có một đài phát nữa đang hoạt động.

Nhờ các mưu mẹo này mà, họ đã giành thêm được thời gian, nhưng cuối cùng kẻ địch vẫn đoán ra. Họ buộc phải sáng tạo ra những thủ đoạn ngày một mới. Về mặt kỹ thuật, điều đó là khả thi nhưng con người thì rõ ràng là không đủ sức vì họ rất dễ lầm lẫn bởi kế hoạch phát rắc rối như mê cung.

Có thể thay đổi vị trí tiến hành phát. Những “thợ săn” truy tìm các “nhạc công piano” liền tăng cường vây ráp đối phó với thủ đoạn. Lúc đó, các báo vụ viên liền bỏ lại tại chỗ điện đài của mình, còn chính họ thì di chuyển. Vì thế buộc phải có nhiều “chiếc hộp âm nhạc” cho mỗi một “nhạc công piano”, hoặc quy định thứ tự sử dụng một “chiếc hộp âm nhạc” cho nhiều “nhạc công piano”.
Các “nhạc công piano” thường giảm thời gian buổi phát để che giấu “dấu vết” của mình trên làn sóng. Còn các “thợ săn” lại dùng cách gây nhiễu các buổi phát để buộc họ phải phát lại mấy lần các bức điện khiến họ mất đi những phút dự trữ quý giá. Đáp lại, các “nhạc công piano” bố trí quanh “cái hang” của mình những người quan sát để theo dõi sự xuất hiện của những chiếc ôtô phủ vải bạt có giấu các trạm định vị bên trong. Nhưng các “thợ săn” liền rất nhanh chóng cải trang các xe ôtô của mình thành xe cấp cứu hay xe tải chở bánh mì.

Không có điện đài thì lưới tình báo trở nên vô dụng. Với mục đích thu thập tin mật, lưới tình báo chỉ mang lại hiệu quả cần thiết khi các tin tức mà nó thu được được chuyển kịp thời về đúng địa chỉ sử dụng. Nhưng điện đài vừa đem lại ý nghĩa cho sự tồn tại của lưới tình báo, đồng thời lại vừa làm cho nó dễ bị ăn đòn. Chẳng hạn, bọn cầm đầu Abwehr không hề nghĩ là có một lưới tình báo Liên Xô hoạt động ở Bỉ, nhất là ở Đức cho đến khi các “nhạc công piano” dẫn chúng lần ra dấu vết tồn tại của lưới. Chính Moskva đã tạo điều kiện thuận lợi cho các “thợ săn”  vì đã bắt “nhạc công piano” “PTX” phải phát năm giờ một ngày đêm. Đó là một mệnh lệnh thiếu suy nghĩ có nghĩa giônga như một bản án tử hình. Và hậu quả của nó đã đến rất nhanh.

Tại sao đài phát ở Berlin lại làm việc ngắt quãng? Theo Funkabwehr, đó là để cố ý gây khó khăn cho việc phát hiện. Trên thực tế, những lần ngắt quãng đều là do “nhạc công piano” thiếu kinh nghiệm. Anh ta đã cắm điện sai cho chiếc điện đài mà các nhân viên sứ quán Liên Xô chuyển cho trước khi họ buộc phải rời khỏi Berlin và làm nó bị cháy. Khi chữa được điện đài hỏng thì “nhạc công piano” lại nhầm lẫn khi thực hiện các hướng dẫn. Những cái này xem ra không vừa sức với một anh chàng nghiệp dư. Cuối cùng, người ta tìm ra được một nhà cộng sản lão thành mà từ trước chiến tranh đã học lớp báo vụ viên ở Moskva để dạy nghề cho chàng tân binh. Nhưng lại có một điều không may mới: các đội truy tìm của Funkabwehr bắt đầu ráo tiết truy tìm đài phát ở Berlin. Trong tháng 10, điện đài này buộc phải im lặng. Theo lệnh từ Moskva, toàn bộ tin tức do lưới ở Berlin thu được phải chuyển qua Brussels.

Sau khi thất bại ở Berlin, Funkabwehr đã nhận thấy “PTX” gia tăng hoạt động. Xét theo số lượng và bước sóng của các bức điện phát đi, báo vụ viên “PTX” đã gánh vác cả công việc của người anh em của mình ở Berlin đã buộc phải im lặng. Nhờ thái độ làm việc thận trọng, chính xác của các chuyên gia ở Kranz và Breslau, cuối cùng quân Đức đã xác định được đài phát này nằm ở đâu đó trong thành phố Brussels. Funkabwehr lập tức phái đến đó một toán đặc nhiệm trang bị các ôtô lắp máy định vị và một máy định vị xách tay. Nhờ các máy định vị cơ động, công việc đã nhanh chóng diễn ra thuận lợi. Bọn Đức thậm chí còn lắp một máy định vị lên máy bay và cho bay trên thành phố. Một yếu tố thuận lợi nữa cho chúng là đài phát bí mật hoạt động quá dài  - tới năm giờ liền.

Đêm 12, rạng sáng ngày 13 tháng 12 năm 1941 được đánh dấu bằng thắng lợi đầu tiên của quân Đức. Trong ngôi nhà số 101 trên phố Atrebatow ở ngoại ô Brussels, quân Đức đã bắt được một báo vụ viên và một nữ nhân viên cơ yếu. Sau đó có thêm hai người nữa lọt vào bẫy phục kích tại ngôi nhà này. Trong bản báo cáo về thắng lợi giành được, quân Đức đã gọi lưới tình báo với các thành viên bị bắt ở phố Atrebatow là “Dàn nhạc đỏ”.

Tuy vậy, bất kể những sai sót của “nhạc công piano” ở Berlin và đổ vỡ ở Bỉ, “Dàn nhạc đỏ” vẫn không ngừng chơi “bản giao hưởng” của mình. Funkabwehr điên cuồng tức giận vì vụ bắt giữ điện đài ở phố Atrebatow mới chỉ là đòn đánh trượt mục tiêu. Việc loại bỏ một “nhạc công piano” nào có ý nghĩa gì nếu lưới tình báo tiếp tục tồn tại? Những người bị bắt im lặng một cách bướng bỉnh, còn nữ nhân viên cơ yếu thì tự sát. Các chiến lợi phẩm thu được thật ít ỏi...

Một khi không buộc được các báo vụ viên lên tiếng thì chỉ còn mỗi một cách cố đọc các bức điện mật mã của “PTX” mà cơ quan chặn thu ghi được trong mấy tháng gần đây. Các bức điện mã mà Funkabwehr cung cấp đã khiến các chuyên gia mã thám của Wehrmacht tuyệt vọng. Hệ mã mà “Dàn nhạc đỏ” sử dụng cực kỳ phức tạp và khó giải phá. Họ có thể dùng hệ mã này để mã tới năm ngàn bức điện thì mới xuất hiện các từ lặp gây chú ý.

Nhưng Funkabwehr không chịu đầu hàng. Các chuyên gia mã thám của chính cơ quan này cũng đã vào cuộc. Họ đã mời riêng một chuyên gia nổi tiếng là giáo sư Kludow và 15 sinh viên, nhà toán học và ngôn ngữ học để vị giáo sư truyền dạy nghệ thuật của mình.

Các bức điện vô tuyến chặn thu được nằm ở Brussels nên Funkabwehr đã yêu cầu đưa chúng về Đức ngay. Brussels đã dửng dưng trả lời là đã quẳng chúng vào lửa vì cất giữ các bức điện mã không giải được là vô nghĩa. Mọi chuyện thế là tắc tị ư? Không, bởi lẽ các trạm nghe lén của Đức bắt buộc phải lưu bản sao các bức điện vô tuyến chặn thu được trong vòng ba tháng. Một sĩ quan Funkabwehr đã được cử tới kiểm tra cả bốn trạm chặn thu từng nghe các buổi phát của “PTX”. Ban đầu, kết quả thật nghèo nàn, tuy nhiên ở Kranz, tên sĩ quan này đã được dẫn xuống tầng hầm cất giữ những bao tải to tướng đựng đầy các bức điện vô tuyến cần tiêu huỷ. Sau mấy ngày bỏ ra để phân loại các giấy tờ này, tên sĩ quan đã trở về Berlin với một chiến lợi phẩm. Hắn đã cứu được gần 300 bức điện vô tuyến. Nhưng điều đó vẫn là chưa đủ như trước.

Ngoài các bức điện vô tuyến, Kludow còn có trong tay các tài liệu tìm được khi lục soát ngôi nhà trên phố Atrebatow. Báo vụ viên đã quẳng chúng vào lò sưởi, nhưng một tên cảnh sát cảnh giác đã kịp giật các giấy tờ này ra khỏi ngọn lửa. Sau mấy ngày làm việc kiên trì, Kludow đã tìm ra được một từ. Thật may mắn cho Kludow, đó là một cái tên riêng - Proctor, vốn là tên một nhân vật trong một cuốn sách. Tình báo Liên Xô nhiều khi áp dụng phương pháp mã hoá bằng một cuốn sách, một bản do tình báo viên mang ra nước ngoài, còn một bản để lại ở Moskva.

Funkabwehr lại nhen nhóm hy vọng vì chỉ cần thu lại những cuốn sách để lại trên phố Atrebatow và nghiên cứu kỹ để tìm ra cuốn sách dùng để mã hoá các báo cáo gửi về Moskva. Hy vọng đã tan biến tức thì khi chúng biết rằng, cuộc phục kích trên phố Atrebatow kéo dài những mấy ngày và sau khi chấm dứt phục kích, có hai người đàn ông đã chở toàn bộ thư viện ở đó về hướng nào không biết.

Thế còn bà canh cửa thì sao? Bà ta có lẽ đã từng phe phẩy mấy cuốn sách của những người sống tại ngôi nhà số 101 trên phố Atrebatow để quạt. Có thể bà ta nhớ đuợc tên của chúng? Bà canh cửa đã gọi được tên năm cuốn sách. Người Đức đã tìm được bốn cuốn trong số đó trong các cửa hàng sách ở Bỉ và Đức. Để mua cuốn sách thứ năm, họ đã phải cử một nhân viên chạy tin hoả tốc đến Paris.

Đầu tháng 6 năm 1942, Kludow và đội của mình đã bắt tay vào giải mã các bức điện mã của “PTX”. Ngay trong tháng 6, họ đã đọc được 2-3 bức điện mật mã trong một ngày. Nội dung của chúng ư? Điều đó không làm Kludow và các thuộc cấp của ông bận tâm lắm. Thông thường, các chuyên gia mã thám khi tập trung giải phá các bức điện mật mã thường không chú ý đến ý nghĩa của chúng. Nhiệm vụ chính của họ là phá thủng “vỏ giáp” của mật mã. Bởi vậy, việc nội dung bản văn mật mã cho thấy những thất bại lớn của quân Đức cũng chẳng liên quan trực tiếp đến các chuyên gia mã thám của Funkabwehr.

Đó là việc của các cơ quan phản gián Đức. Bọn cầm đầu các cơ quan này rất kinh hoàng. Các bức điện giải mã cho thấy rằng, trên thực tế không có bí mật chính trị, kinh tế và quân sự nào của Đức mà Moskva không biết cặn kẽ. Năm 1942, lần đầu tiên sau khi khai chiến chống Liên Xô, Bộ Tổng tham mưu Đức đã gặp phải tình cảnh tất cả những kế hoạch cao siêu của họ đều bị kẻ địch lần lượt đoán ra. Các sư đoàn tăng Đức đang cố xiết chặt kẻ thù vào các “gọng kìm”, cuối cùng đã chỉ bao vây được vùng đất trống rỗng. Bứt xa khỏi quân Đức, Hồng Quân đã buộc chúng phải đánh ở nơi mình muốn, vào lúc mà mình chọn.

Ngày 30 tháng 6 năm 1942, phản gián Đức đã khám phá ra thêm một nhóm tình báo thuộc “Dàn nhạc đỏ” hoạt động trên lãnh thổ Bỉ. Trưởng nhóm là Johann Wentzel, người có kiến thức xuất sắc về kỹ thuật vô tuyến điện, có biệt danh “giáo sư” đã bị bắt cùng với điện đài của mình. Sự hiểu biết sâu rộng của “giáo sư” này về hệ thống liên lạc mật mã của các điệp viên Xô-viết mà ông ta đã khai ra khi bị tra tấn đã giúp bọn Đức giải mã được các bức điện mã chặn thu được trước đó.

Trước tiên, các chuyên gia mã thám Đức xử lý các báo cáo tin mã hoá mà các “nhạc công piano” của “Dàn nhạc đỏ” gửi về Moskva. Nhưng sau đó một tên cầm đầu Abwehr đã khuyên Kludow thử đọc các bức điện mã gửi từ Moskva. Ngày 14 tháng 7 năm 1942, Kludow đã giáng một đòn chí tử vào lưới tình báo Liên Xô ở Berlin. Bản rõ bức điện mật mã ngày 10 tháng 10 năm 1941 mà ông ta giải được nói rằng: “Gặp khẩn cấp ở Berlin tại ba địa chỉ...” Tại sao Moskva không cử đến Brussels một liên lạc viên mang theo các địa chỉ này và ngậm sẵn viên thuốc độc xianua phòng khi bị rơi vào móng vuốt của kẻ thù. Nếu thời gian thúc ép đến thế thì có thể chia các địa chỉ ở Berlin để viết vào ba bức điện mã bằng các mật mã khác nhau cho đỡ mạo hiểm. Rõ ràng là ở Moskva người ta đang có xu hướng cho rằng, nên vứt mẹ nó các nguyên tắc an toàn đi một khi từ Điện Kremlin đã có thể nhìn thấy xe tăng Đức! Mạng sống của tình báo viên còn có ý nghĩa gì nữa nếu sự hy sinh ấy giúp cứu được thủ đô Liên Xô khỏi bị quân xâm lược giày xéo?

Print Print E-mail Print