Vietnamdefence.com

 

Những cái chết bí ẩn trong dòng họ Bhutto

VietnamDefence - Bhutto là một trong những dòng họ danh giá và quyền lực bậc nhất không chỉ ở Pakistan mà của cả vùng Nam Á, sánh ngang gia tộc Nehru-Gandhi của Ấn Độ. Tuy nhiên, hầu hết những thành viên trong triều đại chính trị nổi tiếng thế giới này đều hứng chịu sự sát hại thảm khốc mà mới nhất là cái chết của bà Benazir Bhutto.

Người cha bị treo cổ

Bà Benazir Bhutto

Không chỉ đến thời bà Benazir, dòng họ Bhutto mới nắm quyền lực ở Pakistan. Cha của bà là Zulfikar Ali Bhutto (1928-1979) từng giữ các chức vụ cao nhất tại quốc gia Nam Á này vào thập niên 70 của thế kỷ trước, như Tổng thống từ năm 1971 đến 1973 và Thủ tướng từ năm 1973 đến 1977. Chính phủ của ông cũng có một vị trí đặc biệt ở Pakistan 30 năm sau độc lập vì không phải do quân đội nắm giữ.

Ông Zulfikar chính là người sáng lập ra đảng Nhân dân Pakistan (PPP), một trong những chính đảng lớn và có nhiều ảnh hưởng nhất Pakistan và là di sản quan trọng nhất trong triều đại Bhutto. Trong thời gian cầm quyền với các chức vụ Tổng thống và Thủ tướng, ông Zulfikar cũng trở thành cha đẻ của chương trình hạt nhân, mở đường cho Pakistan trở thành quốc gia Hồi giáo duy nhất trên thế giới hiện nay sở hữu vũ khí nguyên tử.

Do chương trình hạt nhân, chính quyền của ông Zulfikar đã rơi vào thế đối đầu với Mỹ khi đó và ông ngày càng chịu sự chỉ trích và chống đối gia tăng từ trong nước. Nội bộ đảng PPP bắt đầu lục đục càng đẩy người sáng lập ra nó lâm vào thế khó khăn trên chính trường. Các phe phái đối lập chính ở Pakistan còn lập ra một liên minh chung để hợp sức chống lại ông.

Các thành viên gia đình Bhutto chụp năm 1978: gồm bà Benazir(ngồi hàng trên bên phải), bên cạnh là cha Zulfikar Ali Bhutto, em trai Shahnawaz và mẹ Nusrat Bhutto. Anh trai bà Benazir là Murtaza và em gái Sanam ngồi hàng dưới.

Đỉnh điểm của sức ép là sự kiện ngày 5/7/1977, ông Zulfikar và các thành viên trong gia tộc Bhutto bị binh sĩ bắt giam theo lệnh của tướng Muhammad Zia-ul-Haq với cáo buộc gian lận trong bầu cử. Tổng chỉ huy quân đội Pakistan này còn ban bố thiết quân luật, bãi bỏ hiến pháp, giải tán Quốc hội và tống giam các lãnh đạo của đảng PPP lẫn của liên minh đối lập.

Sau khi được thả vào cuối tháng 7/1977, ông Zulfikar không chịu đầu hàng mà lập tức đi khắp Pakistan vận động nhằm trở lại chính trường. Do đó không lâu sau ông đã bị bắt trở lại và vợ ông là bà Nusrat Bhutto trở thành lãnh đạo mới của đảng PPP.

Tháng 10/1977, Zulfikar bị đưa ra tòa với cáo buộc đã ra lệnh sát hại một thủ lĩnh đối lập là Ahmed Raza Kasuri và ông bị tuyên án tử hình vào năm sau.

Dù bị phương Tây gây sức ép đòi thay đổi bản án đối với cựu lãnh đạo dân sự Zulfikar, nhưng tướng Zia vẫn không thay đổi quan điểm. Cuối cùng cha của bà Benazir Bhutto bị hành quyết bằng hình thức treo cổ vào sáng ngày 4/4/1979. Đây bị coi là hành động thủ tiêu nhân vật đối lập của tướng Zia và các vụ bạo loạn đã nổ ra khắp Pakistan sau vụ hành quyết này, giống như những gì diễn ra sau vụ ám sát bà Benazir Bhutto vừa qua.

Những người thân lần lượt bị sát hại bí ẩn

Ông Zulfikar Ali Bhutto có 4 người con gồm 2 trai và 2 gái. Anh trai của bà Benazir là Murtaza Bhutto là một chính trị gia cánh tả bỏ chạy khỏi Pakistan sang Afghanistan sống lưu vong, sau khi chính phủ của cha sụp đổ năm 1977. Từ Afghanistan và nhiều nước khác tại Trung Đông như Libya, Syria và Libăng, Murtaza đã lãnh đạo nhóm chiến binh Al-Zulfikar thực hiện một chiến dịch chống lại chính phủ quân sự Pakistan.

Nhóm chiến binh do Murtaza đứng đầu đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công nhằm vào quân đội và các cơ sở hạ tầng ở Pakistan. Trong số này nổi tiếng nhất là vụ cướp một chiếc máy bay của Hãng Hàng không PIA Airlines tháng 3-1981 và giết một nhà ngoại giao Pakistan trên máy bay. Sau một thời gian dài hoạt động lưu vong, năm 1993 Murtaza đã tham gia tranh cử với vai trò ứng viên độc lập và giành một ghế trong chính quyền tỉnh Sindh của Pakistan.

Ngay sau đó, Murtaza Bhutto hồi hương và thời gian này em gái ông là Benazir Bhutto đang làm Thủ tướng Pakistan. Tuy nhiên, ông phản đối dữ dội các hoạt động tham nhũng của chồng bà Benazir là Asif Ali Zardari, đồng thời đòi xóa ảnh hưởng của ông này ra khỏi đảng PPP đang cầm quyền. Do em gái không ủng hộ và quyết tâm đứng về phía chồng của mình, Murtaza bắt đầu trở thành một người chỉ trích chính phủ do Benazir đứng đầu.

Trong khi đó, chồng bà Benazir là Zardari ra sức chống lại các hoạt động chính trị của anh vợ. Căng thẳng giữa hai bên lên đến đỉnh điểm bằng vụ xô xát, trong đó Murtaza đã hạ nhục Zardari bằng cách cạo một nửa bộ ria của ông này. Sau đó không lâu, Murtaza Bhutto đã bị ám sát một cách khó hiểu cùng 6 người ủng hộ vào ngày 20/9/1996. Nhiều người cho rằng, cảnh sát đã giết ông với sự hỗ trợ của Zardari vốn căm thù anh vợ do vụ cạo râu.

Murtaza Bhutto đã bị bắn nhiều phát tại khu vực gần nhà riêng ở thành phố Karachi, trong đó viên đạn trúng cổ kết thúc cuộc đời ông đã được bắn theo kiểu hành quyết. Bản thân chồng bà Benazir là Zardari sau đó bị tạm giam vì tình nghi dính líu đến vụ ám sát nhưng nhanh chóng được thả do không có bằng chứng. Hiện trường vụ ám sát cũng bị xóa sạch trước khi cảnh sát bắt đầu cuộc điều tra và không có ai bị kết tội vì vụ này.

Bà Benazir Bhutto còn có một em trai là Shahnawaz Bhutto (1958-1985) cũng bước vào con đường hoạt động chính trị. Khi cha bị chính quyền quân sự của tướng Zia hành quyết năm 1979, Shahnawaz đang theo học tại Đại học Oxford của Anh. Trước đó, cậu con út trong 4 người con của ông Zulfikar đã cùng anh trai là Murtaza khởi động một chiến dịch quốc tế nhằm cứu cha nhưng bất thành.

Sau đó, Shahnawaz tiếp tục các hoạt động chính trị chống chính quyền quân sự ở trong nước nhưng theo cách thức ít bạo lực hơn so với ông anh Murtaza. Tuy nhiên, kết cục của vị chính trị gia năng nổ xuất phát từ dòng họ danh giá ở Pakistan này cũng không khá hơn. Rồi ông được phát hiện đã chết tại căn hộ ở thành phố Nice của Pháp, năm 1985.

Cái chết của Shahnawaz Bhutto, 27 tuổi, diễn ra trong một hoàn cảnh đầy bí ẩn và các thành viên trong gia đình Bhutto khẳng định người thân của họ đã bị đầu độc. Tuy không có ai bị chính thức bắt giam vì cái chết này, nhưng Cảnh sát Pháp đã đưa vợ của Shahnawaz là Rehana vào diện tình nghi và nhiều lần tạm giam người này.

“Người đàn bà thép của Pakistan” và cái chết định mệnh

Sự bất hạnh trong gia tộc Bhutto đầy quyền lực đã lặp lại vào ngày 27/12/2007, khi cựu Thủ tướng Benazir Bhutto bị ám sát bằng súng và đánh bom khi đang vận động tranh cử ở thành phố Rawalpindi. Cái chết của bà đến nay vẫn còn gây tranh cãi, khi chính phủ cho rằng bà thiệt mạng do đập đầu vào thành xe sau vụ nổ, còn những người ủng hộ bà khẳng định thủ lĩnh của họ bị bắn.

Bà Benazir Bhutto sinh năm 1953 tại tỉnh Sindh của Pakistan và từng học tại hai ngôi trường danh tiếng bậc nhất trên thế giới là Đại học Harvard của Mỹ và Đại học Oxford, Anh. Bà nhận được sự tín nhiệm của quần chúng do ảnh hưởng của người cha. Đỉnh cao quyền lực của Benazir Bhutto là hai lần làm Thủ tướng Pakistan từ năm 1988 đến 1990 và từ năm 1993 đến 1996.

Sự nghiệp chính trị của Benazir Bhutto chứa đựng đầy những cơn sóng gió, với nhiều lần lên đến đỉnh cao quyền lực nhưng cũng không ít thời điểm bị sụp đổ. Vào thời điểm có nhiều ảnh hưởng nhất sau cuộc bầu cử đầu tiên để trở thành Thủ tướng năm 1988, bà được coi là một trong những nữ lãnh đạo có nhiều quyền lực nhất thế giới và được mệnh danh là “Người đàn bà thép của Pakistan”.

Quan điểm kiên định và không chịu nhượng bộ nổi tiếng của bà Benazir lần đầu tiên được bộc lộ rõ sau khi cha bị cầm tù và treo cổ năm 1979. Bản thân bà cũng bị bắt và biệt giam suốt 5 năm sau đó trong điều kiện mà bà mô tả là cực kỳ hà khắc. Trong thời gian được ra tù để đi chữa bệnh ở nước ngoài, bà đã kịp lập ra một văn phòng của đảng Nhân dân Pakistan (PPP) tại London và bắt đầu một chiến dịch chống lại tướng Zia ul-Haq.

Benazir Bhutto quay lại Pakistan năm 1986 và thu hút những đám đông khổng lồ chào đón như các cuộc tuần hành chính trị. Sau khi tướng Zia ul-Haq chết trong một vụ nổ máy bay năm 1988, bà trở thành một trong những nữ Thủ tướng đầu tiên được bầu tại một quốc gia Hồi giáo. Trong cả hai lần nắm quyền, vai trò của chồng bà là Asif Zardari đều gây ra những tranh cãi gay gắt. Ngoài những khuất tất liên quan đến cái chết của Murtaza Bhutto, anh trai bà Benazir, Zardari còn bị buộc tội đánh cắp tiền từ ngân khố quốc gia.

Cựu Thủ tướng Benazir Bhutto rời Pakistan năm 1999 để ra nước ngoài sống, nhưng những trăn trở về tình hình đất nước vẫn tiếp tục theo đuổi nữ chính trị gia này. Tới tháng 10/2007, bà mới được đương kim Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf ân xá và cho phép trở về quê hương sau những năm sống cùng các con ở Dubai và hoạt động ở nhiều nước phương tây.

Nhưng ngay sau khi trở về, thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa bà Benazir Bhutto với Tổng thống Musharraf đã đổ vỡ. Bà trở thành thủ lĩnh phe đối lập có nhiều khả năng nhất trong việc thách thức quyền lực của vị đương kim Tổng thống. Nhưng vụ ám sát gây chấn động vào thời điểm áp chót năm 2007 đã chấm dứt tất cả. Sự kiện bi thảm này đã đưa con trai bà là Bilawal Bhutto Zardari vào con đường chính trị với vai trò kế tục mẹ lãnh đạo đảng PPP

  • Nguồn: ANTG, 21.01.2008.

Print Print E-mail Print