VietnamDefence -
Trong cuốn “Thuyền trưởng tàu không số đầu tiên trên biển Đông” Nhà xuất bản Trẻ năm 2006, nhà báo Nguyễn Trọng Xuất có viết: “Là “dân Tây”, học trường Tây nhưng khi Việt Nam bước vào kháng chiến, ứng xử của Lê Văn Một đậm nét văn hóa Việt, hơn nữa là văn hóa mang đặc thù tính cách Nam Bộ: yêu nước nồng nàn, cởi mở, dám dấn thân, lăn vào thử thách, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giành chiến thắng”.
Từ con đường xuyên Tây...
|
Tàu không số chở vũ khí
vào miền Nam
|
Lê Văn Một sinh năm 1921, thuộc dòng dõi gia tộc thủ khoa yêu nước Nguyễn Hữu Huân đất Tiền Giang. Ông có tên Pháp là Abel René. Abel René là con thứ 11 trong một gia đình giáo học quốc tịch Pháp có 13 anh em. Cha là Đốc học Lê Văn Giỏi nổi tiếng đất Mỹ Tho (Tiền Giang). Cậu bé Abel René từ nhỏ đã tỏ ra thông minh, sáng dạ, chăm chỉ học tập, được bố mẹ cho học ở nhiều trường như Trường tiểu học Mỹ Tho, Trường Lê Bá Cang - Sài Gòn, học ở Huế rồi ra Hà Nội học ở Trường Thăng Long.
Đến tuổi trưởng thành, Abel René vào lính thủy, làm nghĩa vụ với mẫu quốc Pháp, là hoa tiêu trên tàu Lamotte Picquet - tuần dương hạm lớn nhất Đông Dương.
Cách mạng Tháng Tám 1945, một bước ngoặt mới đến với Abel René. Luồng gió mới thổi vào đời ông. Abel René bừng tỉnh: La france ce n’est pas ma Ptrie! (Nước Pháp không phải là quốc mẫu của tôi!). Ông cùng bạn bè tìm đường theo cách mạng kháng chiến. Abel René đổi tên thành Lê Văn Một.
Tháng 12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Lực lượng vũ trang Nam Bộ “thuốc súng kém, chân đi không” đành phải lùi dần về Đồng Tháp Mười và rừng U Minh, sau này trở thành hai “thánh địa” của Nam Bộ Thành đồng Tổ quốc. Xứ ủy Nam Kỳ đã nhận định, phải có súng mới đánh Pháp được, khí thế cao trào tầm vông, giáo mác trên vai đã qua rồi. Ban sưu tầm vũ khí ở nước ngoài được thành lập. Lê Văn Một và 12 người nữa được đồng chí Năm Phúc (tức nhà lão thành cách mạng Dương Quang Đông) chọn vào lực lượng vận tải vũ khí, lên đường sang Băng Cốc (Thái Lan) bằng ghe buồm để tìm mua vũ khí và tổ chức con đường xuyên Tây, vận chuyển vũ khí từ Thái Lan về Nam Bộ.
Lê Văn Một được giao trọng trách mang theo 25 kg vàng, bỏ trong ruột tượng, ngày đêm cột chặt quanh mình. Số vàng này là kỳ tích của “Tuần lễ vàng” vì lòng yêu nước của nhân dân quyên góp để mua vũ khí.
Thời điểm này tại Thái Lan có nhiều Việt kiều sinh sống. Tuy sống xa Tổ quốc nhưng họ luôn hướng về quê hương và sẵn sàng phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ đã giúp đỡ anh Một lo việc mua bán và cất giấu vũ khí. Một tìm cách tổ chức “con đường xuyên Tây” để đưa vũ khí về nước. Đến biên giới Kô Kông, một tỉnh miền núi Campuchia, giáp Thái Lan, có nhiều người dân Thái sinh sống, Lê Văn Một đã ở nhờ nhà một gia đình người Thái tốt bụng - ông bà Bượn Kiểu Cachi, được ông bà rất thương, “thương Út Một còn hơn con trong nhà. Nó xa cha mẹ, rời quê hương lo việc nước”. Một đã đem lòng yêu mến cô con gái tuổi đôi mươi của ông bà, cô La O Khiểu Cachi và kết hôn với người con gái Thái vào năm 1950, sinh được 8 người con. Bà La O Khiểu Cachi hiện sống tại TP Hồ Chí Minh.
Thế là mặc nhiên một trạm của “con đường xuyên Tây” được đặt ngay tại nhà La O Khiểu Kachi.
Trạm thứ hai đặt ở Mai Ruột, tỉnh cực Nam Thái Lan, do một người quê ở Cà Mau phụ trách.
Chuyến đầu tiên, Lê Văn Một tổ chức 10 xe bò, 10 voi và lực lượng vận chuyển 70 người, cả người Việt và Khơme vận chuyển bằng đường bộ qua Campuchia về nước. Voi mang 200 kg, người 50 kg, cứ men theo chân núi Tà Lơn (Campuchia). Súng theo voi, đạn đeo lưng người. Trải qua 16 ngày vượt núi, qua sông, địch luôn luôn ngăn đường, chặn lối, đơn vị vừa hành quân vừa tác chiến 11 trận trên đất Campuchia.
Đầu tháng 1/1948, khi về nước, kiểm lại quân số thấy chết và mất tích 11 người. Chuyến đi đầu tiên thắng lợi, anh em vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, vận chuyển đường bộ vất vả, hiệu quả thấp. Phải tính cách vận chuyển bằng đường biển. Sử dụng các tàu “Độc Lập”, “Toàn Thắng”, “Sông Lô” có trọng tải lớn dần để chở vũ khí về Nam Bộ. Vận chuyển đường biển cũng gian nan không kém. Lần thì gặp địch, lần thì gặp sóng to, gió lớn, lúc thì bị mắc cạn, có lần bị máy bay bắn nát, tàu địch đến bắt, mất hết... Nhiều người đã hy sinh.
Có lần đoàn vận tải Lê Văn Một - Bông Văn Dĩa gặp gió “Lồng Chung” trên Vịnh Thái Lan, thứ gió mà người đi biển có nghề cũng phải sợ. Đi không được cả đoàn phải ghé vào đảo Phú Quốc, ngẫu nhiên vào đúng Bến Ngự của Vua Gia Long ngày trước. Gần một tháng nằm tại đây, phải đào củ chuối rừng ăn cầm hơi... Cứ như vậy, suốt mấy năm liền, đi đi, về về trên Vịnh Thái Lan, trên “con đường xuyên Tây” này, đơn vị đã vận chuyển được hàng trăm tấn vũ khí, hàng hóa về Nam Bộ. Những chiến công thầm lặng đó đã góp gió thành bão cho quân dân Nam Bộ thêm vũ khí đánh Pháp và đặc biệt là tiền đề cho ý tưởng vĩ đại mở con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển Đông, đưa vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
...Đến mở đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển
Năm 1960, phong trào cách mạng ở miền Nam phát triển mạnh mẽ, mở đầu là phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre rồi lan rộng khắp các tỉnh Nam Bộ. Nhu cầu vũ khí cho chiến trường miền Nam rất lớn. Con đường Trường Sơn đang hình thành. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã chỉ thị cho các tỉnh ven biển Nam Bộ chuẩn bị bến bãi và đưa thuyền ra Bắc để nhận vũ khí, đồng thời nghiên cứu con đường vận chuyển chiến lược trên biển để sử dụng lâu dài. Từ cuối năm 1961, đầu năm 1962, lần lượt 6 thuyền gỗ của các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Bà Rịa, Trà Vinh (trong đó thuyền gỗ Cà Mau do Bông Văn Dĩa phụ trách) đã ra đến miền Bắc an toàn. Con đường vận chuyển trên biển Đông khẳng định là “có thể đưa vũ khí vào được”.
Lê Văn Một lúc đó đang tập kết ngoài Bắc, làm Cảng trưởng cảng Cẩm Phả, được điều chuyển ngay về Đoàn 759 - Bộ Quốc phòng (Tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân) chuẩn bị làm nhiệm vụ đặc biệt này, nhiệm vụ mở đường đưa vũ khí từ Bắc vào Nam trên những “con tàu không số”. Phải nói rằng Quân ủy Trung ương đã khéo chọn, khéo sắp xếp một “cặp bài trùng”, Lê Văn Một - Thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa - Chính trị viên, cùng chung chuyến mở đường, cũng như họ đã từng kề vai sát cánh trên Vịnh Thái Lan thời chống Pháp đưa vũ khí về Nam Bộ. Họ đã biết tính nết nhau, tôn trọng nhau, đoàn kết yêu thương nhau, chèo lái “con tàu không số” đầu tiên vượt biển Đông mở đường tiếp viện quan trọng đưa vũ khí vào miền Nam đánh Mỹ.
Trong nhật ký của mình, Thuyền trưởng Lê Văn Một có viết: “...Chính mình cùng đồng chí Dĩa công tác với nhau lâu nhất từ năm 1947 trong Bộ đội Hải ngoại Cửu Long. Chính đồng chí là người giới thiệu mình vào Đảng đầu năm 1948 và mấy năm sau cùng làm chung công tác vận tải Thái Lan về Nam Bộ, chỉ trừ thời gian hòa bình, đồng chí ở lại trong ấy, mình tập kết ra Bắc mới xa nhau. Mặc dầu đồng chí có phần chậm chạp, ít nói, ít lý luận, nhưng là người có lập trường tư tưởng vững...” .
Ngày 11/10/1961, tại Bến K15, Đồ Sơn, Hải Phòng, “Bến K15 vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia”, con tàu gỗ Phương Đông 1 lặng lẽ nhổ neo ra khơi, hướng về phía Nam, chở 30 tấn vũ khí, mang theo cả niềm tin, tình thương của Đảng, của Bác Hồ, của nhân dân miền Bắc tới đồng bào miền Nam. Chuyến đi mở đường đã thành công. Một lần nữa hai người chỉ huy Lê Văn Một - Bông Văn Dĩa lại ghi tên mình vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Họ đã cùng nhau thành công trên “con đường xuyên Tây” và giờ đây, lại tiếp tục giành thắng lợi trên con đường biển mang tên Bác Hồ kính yêu, con đường vận tải chiến lược trên biển Đông.
“Người đi lo một, người chờ tin, lo mười”
Phó Thủ tướng Phạm Hùng ngày đó đã căn dặn 12 thành viên con tàu gỗ Phương Đông 1 trước giờ xuất phát: “Đây là chuyến đi đầu tiên, nên cực kỳ quan trọng, một việc hệ trọng và lâu dài, do vậy nếu gặp địch phải khôn khéo, mưu trí, trường hợp xấu phải hủy hàng, hủy tàu để giữ bí mật con đường, các đồng chí nên nhớ, người đi lo một, người ở lại chờ tin, lo mười...”. Chuyến đi với bao khó khăn nguy hiểm bởi phương tiện nhỏ bé, thô sơ, bởi sóng gió thời tiết thất thường của biển cả và đặc biệt là sự rình rập của kẻ thù trên mỗi chặng đường. Nhiều lúc hai đồng chí Một và Dĩa đã phải giằng co trên biển trong tình huống đan xen: “Giông bão và địch”, phải đối phó làm sao để bảo vệ mình và con tàu đầy ắp vũ khí.
Ông Sáu Lai, một trong hai người còn lại của tàu Phương Đông 1, hiện sống tại Cần Thơ kể lại: “Có lần gặp tàu địch bám theo hướng chạy của ta, chúng nã pháo dữ dội. Anh em nhanh trí xổ cả buồm lái và mũi cho thuyền căng gió lướt trên ngọn sóng. Chỉ huy tàu phát lệnh chiến đấu. Toàn tàu xác định, khi cần dùng tốc độ vượt lên, để tàu địch phía sau, rồi cho nổ bom phá áp tàu giặc, dùng tiểu liên, lựu đạn đánh địch, người lái thì cứ cho tàu chạy thoát. Nếu không thoát thì cho nổ 3 trái bom còn lại, quyết không để tàu và vũ khí rơi vào tay giặc. Một và Dĩa dự kiến, nếu địch bắt cả tàu thì lợi dụng trời tối cắt dây cho anh em bơi vào bờ, còn Một và Dĩa ở lại dùng bom thủ tiêu tàu. Một nói với Dĩa: “Nếu phải thủ tiêu để một mình tôi thôi! Anh cùng anh em may ra còn sống sót về Trung ương báo cáo...”.
Có lúc, gặp giông bão, tàu nhỏ, chở đầy hàng rất nguy hiểm, không vào bờ, dễ “chết ở ngoài khơi”, vào bờ dễ “làm mồi cho giặc”, Thuyền trưởng Một và Chính trị viên Dĩa phải tính toán cân nhắc đến mức căng thẳng.
Người đi trên biển thì như vậy, người ở nhà chờ tin thì sao? Trung tướng Đồng Văn Cống - nguyên Cục phó Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng, kiêm Trưởng phòng chuyên trách công tác chi viện cho chiến trường miền Nam, người trực tiếp theo dõi diễn biến của “con tàu không số” đầu tiên, có kể lại: “Theo kế hoạch dự kiến đi 5 ngày thì đến. Sáng nào đến giờ giao ban Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hỏi: “Thế nào rồi? Có tin tức gì không?”... Tôi sốt ruột lắc đầu, rồi ngày thứ sáu, thứ bảy, thứ tám cũng không tin tức gì! Không biết việc gì đã xảy ra với con tàu... Trên tàu có điện đài nhưng không liên lạc được. Điện đánh đi không có trả lời... không biết còn sống hay đã chết rồi...
Sáng ngày 19/10/1962, tức ngày thứ chín, Quân ủy Trung ương đang họp giao ban. Tôi bước vào. Đại tướng ngẩng đầu nhìn tôi đăm đăm. Lần này tôi gật đầu, mặt tươi sáng. Đại tướng đứng dậy ôm chầm lấy tôi, Đại tướng khóc. Mừng quá, không sao kể xiết...”.
Chuyến đi thắng lợi, tàu Phương Đông 1 đã cập bến Vàm Lũng - Cà Mau an toàn sau 9 ngày lênh đênh trên biển Đông, mở đầu con đường huyền thoại, đường “Hồ Chí Minh trên biển” với nét độc đáo, đặc sắc, sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, với bao kỳ tích, bao câu chuyện cảm động về lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình của người chiến sĩ đoàn “tàu không số” và tình cảm gắn bó keo sơn với quân dân các bến.
Một năm sau, Lê Văn Một lại được cử làm thuyền trưởng tàu gỗ 41, đưa vũ khí vào miền Đông Nam Bộ, mở bến Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu) ngay trước đồn Phước Hải, đêm 3/10/1963. Đây là một chuyến đi gian khổ bởi tàu bị mắc cạn ngay trước đồn địch. Lê Văn Một đã ứng xử rất linh hoạt, thông minh, đảm bảo đưa hàng tới bến an toàn. Hai chuyến đi này đều ghi những dấu ấn đặc biệt trong hành trình vận chuyển vũ khí bằng đường biển của những “con tàu không số”. Đây là những chuyến mở đường, vào bến mới, đầy khó khăn và thử thách. Bằng kinh nghiệm đi biển, bản lĩnh dày dạn, đặc biệt là tinh thần quả cảm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Thuyền trưởng Lê Văn Một đã xử trí rất thông minh nhiều tình huống phức tạp trong hiểm nguy và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Lê Văn Một mất năm 1982. Chiến công của ông đã được ghi trong Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, được đánh giá cao trong tập chuyên khảo mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển Bà Rịa - Vũng tàu” do Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 1993. Ba năm sau ngày ông mất, Viện Bảo tàng cách mạng Hồ Chí Minh phối hợp với gia đình tổ chức cuộc họp mặt, đánh giá công lao đóng góp của ông trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là thành tích đóng góp cho việc mở đường, vào những bến mới trên con đường Hồ Chí Minh trên biển Đông. Ông được Nhà nước công nhận liệt sĩ và truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba vì những đóng góp của ông vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng chiến công anh hùng của tập thể tàu Phương Đông 1 mà người chèo lái con tàu đó là Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa, những con người đã dũng cảm đi tiên phong, “khai sơn phá thạch” một con đường, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu sẽ mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng kiên cường của dân tộc ta, trở thành huyền thoại mãi mãi không bao giờ nhạt phai trong tâm trí chúng ta, làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam