Vietnamdefence.com

 

Fidel đã cứu TT Hugo Chávez năm 2002 như thế nào?

VietnamDefence - Máu của người Cuba đã đổ xuống cùng với máu của công dân nhiều nước Mỹ Latinh, và cùng với dòng máu Cuba–Mỹ Latinh của Che, người đã bị giết hại theo lệnh của bọn tay sai Mỹ ở Bolivia trong tình trạng đã bị thương, bị bắt và vũ khí đã bị hỏng trong khi chiến đấu.

Máu của những công nhân xây dựng Cuba đang giúp hoàn thiện sân bay quốc tế có tầm quan trọng sống còn đối với nền kinh tế của hòn đảo Grenada nhỏ bé, sống dựa vào du lịch, cũng đã đổ xuống trong chiến đấu bảo vệ đất nước trước cuộc xâm lược của Mỹ với những lý do hèn mạt.

Máu của người Cuba cũng đã đổ ở Nicaragoa khi các chuyên gia thuộc lực lượng vũ trang của chúng tôi giúp huấn luyện những người lính dũng cảm ở đó chống lại cuộc chiến tranh bẩn thỉu do Mỹ tổ chức và trang bị nhằm lật đổ cuộc Cách mạng Sandino.

 

Fidel và nhà báo Ramonet

Tôi không thể kể hết tất cả các trường hợp. Hơn 2.000 các chiến sĩ quốc tế anh hùng Cuba đã hy sinh khi thực hiện sứ mệnh thiêng liêng ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng, giành độc lập của các dân tộc anh em khác. Cuba không có tài sản ở bất cứ một nước nào trong số đó. Không có đất nước nào khác trong thời đại ngày nay có được trang sử chói sáng đến như vậy về tình đoàn kết chân thành và vô tư.

Tôi dừng lại ở đây, chắc anh nghe đã phát mệt, nhưng tôi vẫn có thể nói thêm nữa...

- Nhà báo Ignacio Ramonet: Đó là bản tổng kết ấn tượng. Ông nghĩ lịch sử sẽ phán quyết ông như thế nào?

Fidel Castro Ruz và Hugo Chavez

- Fidel Castro Ruz:
Đó là điều không đáng quan tâm. Anh có biết tại sao không? Bởi vì nhân loại đã mắc rất nhiều sai lầm, đã làm nhiều điều ngốc nghếch, mà nếu tồn tại được, khả năng này đang được thể hiện, trong vòng 100 năm nữa, những thế hệ tương lai sẽ nhìn chúng ta như những bộ lạc man rợ, thiếu văn minh đến nỗi không đáng nhớ tới.

Có thể họ sẽ nhắc một giai đoạn lịch sử mà nhân loại hầu như biến mất, và đã xảy ra những điều khủng khiếp, khi chúng ta vẫn là những kẻ man rợ, thiếu văn minh. Đó là quan niệm mà có thể thế hệ tương lai vào năm 2100 sẽ nghĩ về chúng ta. Họ sẽ nhìn chúng ta như chúng ta đã nhìn con người tiền sử, cho đến gần đây, tôi tin là như vậy. Mỗi thập niên của thế kỷ XXI có tính chất quyết định này trôi qua, sẽ có giá trị bằng khoảng thời gian 1.000 năm.

Vì vậy, sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi nói đến sự phán quyết sau này của lịch sử. Tôi nghĩ như thế, một cách chân thực. Tôi quan tâm nhiều hơn đến uy tín mà đất nước này có thể có được nhờ cuộc đấu tranh của mình, nhờ cuộc chiến đấu của ngày hôm nay, chứ không phải những gì nhất thiết liên quan đến bản thân tôi.

Tôi đã đọc rất nhiều về những nhân vật xuất chúng nói về niềm vinh quang. Napoléon từng nói về niềm vinh quang, ông ấy thường xuyên quan tâm đến vinh quang. Nhưng ở rất nhiều nước hiện nay, Napoléon nổi tiếng nhờ các nhãn hiệu rượu Cognac có mang tên ông ấy, chứ không phải vì những gì mà ông đã làm trên chiến trường. Vậy thì tôi nói: quan tâm để làm gì?
Những người như Bolívar cũng nói rất nhiều đến vinh quang. Tôi luôn là người rất ngưỡng mộ Bolívar. Có lần, trong bài phát biểu ở Trường đại học Trung tâm Venezuela, tôi đã nói: “Bolívar đã từng nói đến vinh quang, nhưng ông không phải là một người đi chinh phục các dân tộc mà là người đi giải phóng các dân tộc”. Alejandro là người đi chinh phục các dân tộc và là người lập ra các đế chế. Còn rất nhiều nhân vật vĩ đại được thế giới ngưỡng mộ trong nhiều thế kỷ qua như Aníbal, Julio César, tất cả họ đều là những người đi chinh phục và là những chiến binh.

- Nhà báo Ignacio Ramonet: Hoặc chỉ nói đến “những kẻ xấu xa” như Atila chẳng hạn.

- Fidel Castro Ruz:
Nhưng ông ấy đã đánh chiếm phương Tây. Nếu Cristóbal Cólon đoán đúng và không có một châu lục xuất hiện trên đường đi thì ông ấy đã đến Trung Hoa, và sau đó, nếu muốn, ông ấy sẽ tìm cách chinh phục đất nước đó chỉ với 12 con ngựa và vài khẩu súng hỏa mai, nếu tôi không nhầm, như họ đã từng chinh phục Cuba. Nhưng nếu gặp phải quân Mông Cổ, với hàng trăm nghìn kị binh thì Cólon sẽ chỉ được nhắc đến như một kẻ không may mắn và có ý tưởng điên rồ đặt chân đến Trung Quốc và đã biến mất chỉ trong vòng 15 phút sau khi đến nơi nếu thực sự muốn chiếm mảnh đất đó.

Nên nhớ rằng, nếu ông ấy đi Marco Polo thì sẽ được hoan nghênh, nhưng nếu định thôn tính đất đai nhân danh đức vua Cơ Đốc giáo, bằng cây thánh giá và thanh gươm, thì ông ấy sẽ chỉ tồn tại được 15 phút, và Cortes cũng như những người khác sẽ đều như vậy.

Nhưng có những nhân vật khác, lịch sử thường không nhắc đến. Những nhà khoa học vĩ đại, những nhà sáng tạo vĩ đại, những nhà nghiên cứu đã có nhiều đóng góp cho nhân loại... Có thể nói, lịch sử không hề nhắc đến họ. Có thể có một số người nhớ đến họ. Nhưng các nhà lãnh đạo chính trị thì không có những thành tựu đáng để được nhắc đến.

- Nhà báo Ignacio Ramonet: Ông có nói rằng ông rất ngưỡng mộ Hugo Chávez, Tổng thống Venezuela?

- Fidel Castro Ruz: Đúng như vậy, chúng ta lại có một người da đỏ khác, Hugo Chávez một thổ dân kiểu mới mà như ông ấy nói: "Là sự pha trộn giữa người da đỏ và người lai"; thực ra ông ấy nói rằng mình mang trong người một ít của da đen, một ít của da trắng và một ít của da đỏ.

Khi nhìn Chávez, anh sẽ thấy một người con chính thống của Venezuela, người con của dân tộc Venezuela với sự pha trộn về nòi giống, với tất cả những nét cao quý và một tài năng xuất chúng. Tôi thường nghe các bài phát biểu của Chávez, và ông ấy tỏ ra tự hào về nguồn gốc thấp hèn và về chủng tộc lai tạp của mình, trong đó có mỗi thứ một ít, nhưng chủ yếu là của những người da đỏ bản địa, hay của những người nô lệ được đem từ châu Phi tới. Có thể ông ấy có mang một số gien của người da trắng và điều đó không phải là xấu; sự pha trộn những cái gọi là chủng tộc luôn luôn là tốt, làm phong phú nhân loại.

- Nhà  báo Ignacio Ramonet: Chắc ông theo dõi sát diễn biến tình hình Venezuela, đặc biệt là những âm mưu làm mất ổn định chống lại Tổng thống Chávez?

- Fidel Castro Ruz: Có chứ, chúng tôi đã chăm chú theo sát những sự kiện đó. Năm 1994, Chávez đã đến thăm chúng tôi, 9 tháng sau khi ông ấy được ra tù, và 4 năm trước ngày ông trúng cử tổng thống lần thứ nhất. Ông ấy đã rất dũng cảm, vì bị chỉ trích mạnh mẽ khi quyết định thăm Cuba. Ông ấy đã tới đây và chúng tôi đã chuyện trò với nhau. Chúng tôi phát hiện ông ấy còn là con người có văn hóa, thông minh, rất tiến bộ, là một chiến sĩ Bolivariano đích thực (Bolivariano - người theo tư tưởng và tấm gương của Simón Bolívar, người Venezuela, thủ lĩnh của phong trào đấu tranh giành độc lập của các nước Mỹ Latinh, nhân dân ở châu lục này gọi ông là Nhà giải phóng).

Sau đó, ông ấy thắng cử, thắng một vài lần nữa. Ông ấy đã thay đổi  Hiến pháp, được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân. Các lực lượng chống đối đã tìm cách lật đổ ông bằng bạo lực hoặc bằng các đòn kinh tế. Ông ấy biết đương đầu với mọi cuộc công kích của tầng lớp thống trị truyền thống trong nước và chủ nghĩa đế quốc chống lại quá trình cách mạng Bolivariano.

Fidel Castro Ruz
và TT Hugo Chávez

Ở Venezuela, trong  40 năm của các nền dân chủ "nổi tiếng" trước thời Chávez, theo sự tính toán mà chúng tôi có được với sự hỗ trợ của những cán bộ ngân hàng dày dạn kinh nghiệm, thì đã có khoảng 300 tỉ USD bị tuồn ra khỏi Venezuela. Đáng lẽ Venezuela có thể có nền giáo dục như của Thụy Điển, nếu như họ có một nền dân chủ phân quyền thực sự, nếu như những cơ chế đó được vận hành, nếu như trong tất cả sự mị dân đó và sự quảng cáo tuyệt vời của họ có một chút xác thực và đáng tin.

Ở Venezuela, kể từ khi chính phủ của Chávez lên nắm quyền cho tới khi hối đoái được kiểm soát vào tháng 1/2003, theo chúng tôi tính toán có thêm khoảng 30 tỉ USD bị tuồn ra khỏi đất nước. Như chúng tôi đã nêu, tất cả những hiện tượng đó làm cho các trật tự hiện hữu ở bán cầu này đã không còn vững chắc.

- Nhà  báo Ignacio Ramonet: Ngày 11/4/2002, xảy ra cuộc đảo chính ở Caracas chống lại Chávez. Ông có theo dõi sự kiện đó không?

- Fidel Castro Ruz: Vào trưa ngày 11/4, khi thấy cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức đã bị bọn đảo chính lái chệch hướng và họ tiến gần tới Dinh Miraflores, tôi hiểu ngay rằng, các sự kiện nghiêm trọng đang đến gần. Thực ra thì chúng tôi quan sát cuộc biểu tình qua Đài Truyền hình Venezuela, lúc đó vẫn còn hoạt động. Những cuộc khiêu khích, những tiếng súng nổ, những nạn nhân, đã diễn ra ngay tức thì. Ít phút sau, những tín hiệu sóng của Đài Truyền hình Venezuela bị cắt. Tin tức nhận được khá rời rạc và qua nhiều đường khác nhau.

Chúng tôi biết rằng một vài sĩ quan cao cấp đã tuyên bố công khai chống lại Tổng thống. Họ khẳng định rằng đơn vị bảo vệ Phủ Tổng thống đã rút đi, và quân đội sẽ tấn công Dinh Miraflores. Một số nhân vật Venezuela lúc đó đang gọi điện thoại cho những người bạn của họ ở Cuba để vĩnh biệt, vì họ sẵn sàng kháng cự và hy sinh, họ đã nói cụ thể là sẽ hy sinh.

Lúc ấy tôi đang họp ở cung Đại hội cùng Ban Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng. Từ trưa hôm đó,  một phái đoàn chính thức của Xứ Vasco do ông Thủ hiến dẫn đầu có cuộc gặp và dự bữa cơm trưa cùng với tôi, trong khi không một ai tưởng tượng được sự kiện sẽ diễn ra trong cái ngày bi thảm đó. Chính họ đã chứng kiến những sự kiện xảy ra vào khoảng thời gian từ 13h đến 17h ngày 11/4.

Chiều hôm đó,  từ sớm anh em đã cố gắng để tôi điện đàm với Tổng thống Venezuela. Nhưng không thể được. Mãi tới sau nửa đêm, vào lúc 24h38' đêm 12/4, tôi được báo là Chávez đang chờ điện thoại.

Tôi hỏi ông ấy về tình hình vào thời điểm đó. Ông ấy trả lời: "Ở đây, chúng tôi đang cố thủ trong Dinh Tổng thống. Chúng tôi đã mất lực lượng quân sự để có thể quyết định. Chúng tôi đã cắt tín hiệu vô tuyến truyền hình. Tôi hiện không có lực lượng để cơ động và đang phân tích tình hình". Tôi đã hỏi ông ấy rất nhanh: "Anh có bao nhiêu lực lượng ở đấy?".

- Từ 200 đến 300 người đã rất kiệt sức.

Tôi lại hỏi: "Anh có xe tăng không?".

- Không. Trước có xe tăng nhưng bây giờ chúng đã rút hết về doanh trại rồi.

Tôi lại hỏi: "Vậy anh còn nắm lực lượng nào?".

Và Chávez trả lời: "Còn vài lực lượng khác ở xa. Nhưng tôi không liên lạc được với họ". Ông ấy nói tới Tướng Rául Isaias Baduel và quân nhảy dù, Sư đoàn thiết giáp và các lực lượng khác, nhưng đã mất hết liên lạc với các đơn vị ủng hộ phong trào Bolivariano và trung thành đó.

Rất tế nhị, tôi nói với ông ấy: "Anh cho phép tôi nêu một ý kiến". Ông ấy trả lời: "Vâng".

Tôi nói thêm với ông ấy với một giọng có tính thuyết phục nhất có thể: "Anh hãy đặt điều kiện về một hiệp ước danh dự và xứng đáng, và hãy bảo toàn mạng sống của những con người mà anh đang có, họ là những người trung thành nhất. Anh đừng có hy sinh họ và cũng đừng hy sinh bản thân mình".
Chávez xúc động trả lời: "Tất cả mọi người ở đây đều sẵn sàng chết!".

Chávez có ba sự lựa chọn: hoặc cố thủ ở Miraflores và kháng cự đến chết; hoặc rời khỏi Dinh Tổng thống và tìm cách tập hợp lại quần chúng để phát động một cuộc kháng chiến toàn quốc, với rất ít khả năng đạt kết quả trong hoàn cảnh lúc đó, hoặc rời khỏi đất nước, không từ bỏ, cũng không từ chức để tiếp tục cuộc đấu tranh với triển vọng đạt kết quả thực tế và nhanh chóng.

Không để mất một giây, tôi nói thêm: "Tôi hiểu điều đó, nhưng tôi cho rằng tôi có thể suy nghĩ bình tĩnh hơn anh trong lúc này. Anh không nên bỏ cuộc, hãy đòi hỏi những điều kiện trong danh dự và được đảm bảo để anh không trở thành nạn nhân của sự phản trắc, bởi vì tôi nghĩ rằng anh phải bảo tồn sinh mạng. Hơn nữa, anh còn có nghĩa vụ với các đồng chí của anh, đừng tự hy sinh bản thân mình".

Tôi nhận thức rất rõ sự khác nhau sâu xa giữa tình cảnh của Allende ngày 11/91973 và tình huống của Chávez ngày 12/4/2002. Allende lúc đó không có lấy một người lính. Còn Chávez thì có rất nhiều binh lính và sĩ quan quân đội, đặc biệt là những quân nhân trẻ.

"Anh đừng bỏ cuộc! Anh đừng từ chức!". Tôi nhắc lại với Chávez.

Chúng tôi nói với nhau về những đề tài khác nhau: cách mà tôi nghĩ tới lúc đó là Chávez có thể tạm thời rời khỏi đất nước, liên lạc với một quân nhân nào đó có thực quyền trong hàng ngũ bọn đảo chính, đặt vấn đề với ông ấy  rằng anh sẵn sàng rời khỏi đất nước, nhưng không từ chức. Từ Cuba, chúng tôi đã cố gắng vận động Đoàn Ngoại giao ở nước chúng tôi và ở Venezuela, chúng tôi có thể sẽ gửi 2 máy bay với Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi và một nhóm các nhà ngoại giao bay sang bên đó đón họ. Chávez đã suy nghĩ trong giây lát và cuối cùng chấp nhận gợi ý của tôi. Bây giờ tất cả còn tùy thuộc vào viên chỉ huy quân sự thù địch.

Trong cuộc phỏng vấn ông José Vicente Rangel, lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng và hiện là Phó tổng thống, người đã ở bên cạnh Chávez vào thời điểm đó, các tác giả của cuốn sách "Chávez của chúng ta", đã ghi lại nguyên văn: "Cuộc gọi điện thoại của Fidel lúc đó có tác dụng quyết định, quyết định để tránh khỏi sự hy sinh. Ông ấy tỏ ra rất dứt khoát. Lời khuyên của ông ấy đã giúp chúng tôi rất nhiều, khiến chúng tôi nhìn rõ hơn trong bối cảnh đen tối".

- Nhà  báo Ignacio Ramonet: Lúc đó ông có khuyến khích ông ấy kháng cự với vũ khí trong tay không?

- Fidel Castro Ruz: Không, mà ngược lại. Đó là điều mà Allende đã làm, theo ý kiến tôi thì việc làm của Allende là đúng đắn trong hoàn cảnh lúc đó, và ông ấy trả giá một cách anh hùng bằng mạng sống của mình, như ông đã hứa trước đó.

Còn Chávez có ba sự lựa chọn: hoặc cố thủ ở Miraflores và kháng cự đến chết; hoặc rời khỏi Dinh Tổng thống và tìm cách tập hợp lại quần chúng để phát động một cuộc kháng chiến toàn quốc, với rất ít khả năng đạt kết quả trong hoàn cảnh lúc đó, hoặc rời khỏi đất nước, không từ bỏ, cũng không từ chức để tiếp tục cuộc đấu tranh với triển vọng đạt kết quả thực tế và nhanh chóng. Chúng tôi đã gợi ý với Chávez về khả năng thứ ba: những lời cuối cùng của tôi để thuyết phục ông ấy trong cuộc điện đàm đó thực chất là: "Anh hãy giữ mạng sống của những con người thật quý giá đó đang ở bên cạnh anh trong cuộc chiến đấu chưa thật cần thiết lúc này".

Ý tưởng của tôi xuất phát từ niềm tin rằng, một người lãnh đạo bình dân và quý hiếm như Chávez bị lật đổ bằng hình thức phản trắc, trong hoàn cảnh đó, nếu chúng không giết ông, thì nhân dân - trong trường hợp này với sự ủng hộ của những bộ phận tốt nhất trong các lực lượng vũ trang - sẽ hướng tới ông ấy với một sức mạnh lớn hơn và sự trở về của ông sẽ là điều tất yếu. Do vậy, tôi đã nhận trách nhiệm kiến nghị với ông ấy điều tôi đã đề xuất.

Vào thời điểm cụ thể đó, khi còn có khả năng thực tế một cuộc trở về thắng lợi và nhanh chóng, không có chỗ cho khẩu hiệu chiến đấu tử thủ, như Allende đã từng làm rất tốt. Và cuộc trở về thắng lợi đó đã diễn ra, còn sớm hơn nhiều so với sự tưởng tượng của tôi.

- Nhà  báo Ignacio Ramonet: Vào lúc đó, các ông có tìm cách nào đó để giúp Chávez không?

- Fidel Castro Ruz: Là thế này, trong thời khắc đó, chúng tôi chỉ có thể tiến hành bằng việc sử dụng các nguồn ngoại giao. Chúng tôi đã triệu tập tất cả các vị đại sứ có mặt ở La Habana họp vào lúc trời chưa sáng và đề nghị họ đi cùng với Felipe (Perez Roque) Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi sang Caracas để giải thoát một cách hòa bình cho Chávez, vị Tổng thống hợp pháp của Venezuela.

Tôi không có chút nghi ngờ gì, rằng Chávez trong một thời gian rất ngắn, sẽ quay trở lại trên những đôi vai của nhân dân và quân đội công kênh ông. Còn bây giờ việc phải làm là cứu sống ông ấy.

Chúng tôi đã đề nghị đưa hai máy bay sang để đón Chávez, trong trường hợp lực lượng đảo chính chấp nhận để ông ấy ra đi. Nhưng tên chỉ huy quân sự lực lượng đảo chính đã bác bỏ phương án trên, ngoài ra còn thông báo với ông ấy rằng sẽ đưa ông ra Hội đồng chiến tranh. Chávez mặc bộ quân phục của lính dù và chỉ có người trợ lý trung thành đi theo, đó là Jesus Suárez Chourio - khi được đưa tới pháo đài Tiuna trụ sở Bộ Tư lệnh và Sở Chỉ huy quân sự của lực lượng đảo chính.

Khi tôi gọi lại cho Chávez, hai giờ sau như chúng tôi đã thỏa thuận, thì Chávez đã thành tù nhân của bọn đảo chính và tôi đã mất mọi liên lạc với ông ấy. Đài truyền hình nhắc đi nhắc lại tin "ông đã từ chức" để làm nản lòng những đồng đội của ông và toàn dân.

Một vài giờ sau, khi đã sang ngày 12/4, Chávez đã tìm cách để thực hiện được một cuộc gọi điện thoại, và nói chuyện được với con gái ông ấy là Maria Gabriela. Ông khẳng định rằng ông không từ chức, rằng ông là một tổng thống bị cầm tù. Ông nhờ con gái thông báo với tôi điều đó, để tôi thông báo với thế giới.

Cô con gái ông ngay sau đó đã gọi cho tôi vào lúc 10h2' sáng ngày 12/4 và truyền đạt cho tôi lời nhắn của cha cô. Tôi liền hỏi cô: "Cháu có sẵn sàng thông báo với thế giới bằng chính tiếng nói của cháu không?". "Vì bố cháu, có gì mà cháu không thể làm?". Đấy là câu trả lời chính xác, đáng khâm phục và kiên quyết của con gái Chávez.

Không để mất một giây, tôi gọi ngay cho Randy Alonso, nhà báo và Giám đốc chương trình "Bàn tròn", một chương trình truyền hình rất quen thuộc đối với công chúng. Với điện thoại và máy ghi âm trong tay, Randy gọi cho số máy mà Maria Gabriela đã gọi cho tôi. Lúc đó vào khoảng 11h trưa. Họ đã ghi âm lại những lời nói rõ ràng, rất tình cảm và có sức thuyết phục của cô con gái, những lời nói đó ngay lập tức được chép lại và gửi tới các hãng thông tấn có đăng ký hoạt động ở Cuba và được công bố trong Bản tin thời sự trong nước của Đài Truyền hình (Cuba-ND) vào 12h40' ngày 12/4/2002 bằng chính giọng nói của Gabriela.

Cuộn băng ghi âm đã được sao lại và gửi cho tất cả các hãng truyền hình quốc tế có đại diện ở Cuba. Trong khi Hãng CNN đang hí hửng truyền đi những tin tức từ Venezuela, do các lực lượng đảo chính cung cấp, thì nữ phóng viên của họ ở La Habana, ngược lại, đã rất nhanh phát đi từ Cuba vào buổi trưa hôm đó những lời lẽ rất sáng tỏ của Maria Gabriela.

- Nhà báo Ignacio Ramonet: Và sau đó, kết quả ra sao?

- Fidel Castro Ruz: Là thế này, hàng triệu người Venezuela, đa số chống lại đảo chính, và những quân nhân trung thành với Chávez, những người mà bọn chúng định lừa dối và làm cho tê liệt với thông tin bịa đặt về cái gọi là sự từ chức của Tổng thống, đã nghe được lời thông báo của chính con gái ông ấy.

Vào lúc 23h15' hôm đó, Gabriela lại gọi. Giọng của cô ấy có vẻ bi quan. Không để  cô ta nói hết những lời mở đầu, tôi hỏi ngay: "Có việc gì vậy?". Cô trả lời: "Chúng đã chuyển bố cháu vào buổi tối trên một chiếc trực thăng, không biết đi đâu". "Hãy nhanh lên", tôi nói với cô, "Ngay lập tức, cháu phải tố cáo việc này bằng chính giọng nói của cháu".

Đúng lúc Randy đang ngồi với tôi trong một cuộc họp bàn về chương trình "Cuộc chiến tư tưởng", với các đồng chí lãnh đạo thanh niên và những cán bộ khác. Randy có trong tay chiếc máy ghi âm và ngay lập tức anh lặp lại thao tác nghiệp vụ giống như vào buổi trưa hôm đó. Dư luận Venezuela và thế giới nhờ vậy đã được thông tin về việc Chávez bị đưa đi một cách khác thường vào ban đêm, tới một nơi nào không rõ. Tin tức đó được phát đi vào thời gian giữa đêm 12 và rạng sáng ngày 13.

Thứ bảy ngày 13, từ rất sớm tôi đi dự Diễn đàn Công khai được tổ chức tại Guira de Melena, một huyện của tỉnh La Habana. Khi trở về văn phòng, trước 10 giờ sáng, thì nhận được một cuộc gọi điện thoại nữa của Maria Gabriela thông báo rằng: "Bố mẹ của Chávez rất lo lắng, các cụ muốn nói chuyện với tôi từ Barinas, và muốn đưa ra một tuyên bố".

Tôi bảo với cô ấy rằng có một tin điện của một hãng thông tấn quốc tế cho biết Chávez đã được chuyển đến Turiamo, một căn cứ hải quân ở Aragua, vùng bờ biển phía bắc của Venezuela. Tôi giải thích với cháu là theo ý tôi, với loại thông tin như vậy và những chi tiết được đưa ra có vẻ như đấy là tin xác thực. Tôi khuyên cô nên thăm dò thêm trong khả năng có thể. Cô nói rằng tướng Lucas Rincon, Tổng thanh tra các lực lượng vũ trang muốn nói chuyện với tôi, và ông ấy cũng muốn ra một tuyên bố công khai.

Bố và mẹ của Chávez nói với tôi: "Tất cả đều bình thường ở bang Barinas". Mẹ của Chávez cho biết viên chỉ huy quân sự của đơn vị đồn trú vừa nói chuyện với chồng bà, ông Hugo de los Reyes Chávez, Thống đốc bang Barinas và là thân sinh của Chávez. Tôi đã động viên để các cụ yên tâm.

Hugo Chaves thăm Fidel trên giường bệnh, tháng 2/2009

Ông thị trưởng thị trấn Sabaneta, nơi Chávez sinh ra, ở Barinas, cũng liên lạc với tôi. Ông ấy cũng muốn đưa ra một tuyên bố. Tiện thể, ông ta nhận xét rằng tất cả các đơn vị quân đội đồn trú ở đây đều trung thành với Chávez. Có thể thấy rõ ông ấy rất lạc quan.

Sau đó, tôi nói chuyện với Lucas Rincón. Ông này khẳng định rằng Lữ đoàn Dù, Sư đoàn Thiết giáp và  căn cứ máy bay ném bom F-16 đều chống lại đảo chính và sẵn sàng hành động. Tôi liền gợi ý với ông ấy nên làm tất cả những gì có thể để tìm giải pháp không xảy ra trận chiến giữa các quân nhân. Rõ ràng là cuộc đảo chính đã thất bại. Không có tuyên bố nào của ông tổng thanh tra, vì thông tin bị gián đoạn, và tôi không thể liên lạc lại được với ông ấy.

Ít phút sau, Maria Gabriela lại gọi: cô ấy nói với  tôi là tướng Baduel, chỉ huy Lữ đoàn Dù, muốn nói chuyện với tôi, và các lực lượng trung thành ở Maracay muốn ra một tuyên bố với nhân dân Venezuela và dư luận quốc tế.

Do quá sốt ruột muốn biết về tin tức nên tôi đã hỏi kỹ Baduel ba hoặc bốn câu ngắn về tình hình, trước khi tiếp tục cuộc đối thoại. Baduel đã làm thỏa mãn sự tò mò của tôi một cách nghiêm túc, mỗi câu trả lời của ông đều thể hiện rõ tính chiến đấu. Ngay lập tức, tôi nói với ông: "Tất cả đã sẵn sàng để ông đưa ra lời tuyên bố". Nhưng ông ấy nói: "Xin ngài chờ cho một phút, tôi xin chuyển điện thoại cho Trung tướng Julio Garcia Montoya, Thư ký thường trực Hội đồng An ninh và Quốc phòng. Ông ấy vừa đến đây để ủng hộ lập trường của chúng tôi".

Viên sĩ quan này có thâm niên cao hơn các sĩ quan trẻ ở Maracay, nhưng hiện tại không có lực lượng dưới quyền.

Lữ đoàn Dù của Baduel đã từng là một trong những trụ cột chủ yếu của lực lượng xe tăng, bộ binh cơ giới và máy bay ném bom hùng mạnh được bố trí ở Maracay, thuộc bang Aragua. Baduel được giới sĩ quan kính trọng. Ông ta đưa máy nói cho Tướng Montoya. Phát biểu của viên sĩ quan cấp cao  này thật thông minh, có tính thuyết phục và phù hợp với tình hình. Ông khẳng định về cơ bản, các lực lượng vũ trang Venezuela luôn trung thành với hiến pháp. Với điều này, ông đã nói lên tất cả.

Tôi ngẫu nhiên trở thành một loại phóng viên tiếp nhận và truyền đi những tin tức và thông điệp công khai, với những phương tiện đơn giản gồm 1 điện thoại di động và 1 máy ghi âm trong tay của Randy. Tôi thành nhân chứng của cuộc chống đảo chính tuyệt vời của nhân dân và các lực lượng vũ trang Bolivariano của Venezuela.

(Trích: Một trăm giờ với Fidel / Ignacio Ramonet.-H.: Chính trị Quốc gia, 2009). 

  • Nguồn: ANTG, 02 và 05.10.2009

Print Print E-mail Print

Các tin khác