VietnamDefence -
Khi tôi ghé thăm, Đại tá Nguyễn Hoàn Kiếm, Phó chánh Thanh tra - Bộ Công An vẫn đang tỉ mẩn mở máy tính xách tay lướt web, lục tìm và sưu tập những bài báo liên quan đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968. Năm nào cũng thế, ông vẫn gắng tìm, tìm mãi mà chưa gặp, nhưng vẫn cư le lói hy vọng...
|
Đại tá Nguyễn Hoàn Kiếm - xạ thủ B41 của 40 năm trước
|
Như một nốt lặng giữa những ngày ầm ào bom đạn, hình ảnh bà má và căn hầm nhỏ ở chợ Thiếc đã cưu mang ông cùng hai đồng đội vẫn hằn in trong ký ức. Đã 40 năm, nhưng với ông, tất cả hình như vẫn chỉ là chuyện của mới hôm qua, không quên được...
Xạ thủ B41 của "Tiểu đoàn 17"
Áp tết Mậu Thân, đội giao liên hỏa tốc cánh đô Bình Tân (bao gồm các xã Tam Tân vùng Tân Bình, Bình Chánh, ven đô Sài Gòn) cùng nhiều đơn vị lẻ khác được lệnh gấp rút tập trung để thành lập Lực lượng vũ trang quận 6 (Chợ Lớn). Ngày 26 tết các đơn vị nhận lệnh về ém ở Xóm Hố, Phú Định, quận 6. Biết là sắp đánh lớn, Nguyễn Hoàn Kiếm và đồng đội đều rất háo hức.
Đêm 30 tết, đơn vị 17 chiến sĩ của Nguyễn Hoàn Kiếm chia làm hai mũi đánh chiếm cầu Đờ Nôn (quận 6). Sáng mùng 1, địch đổ quân cố chiếm lại cầu. Không hiểu tin tình báo sai lệch thế nào, địch tưởng lầm đơn vị 17 chiến sĩ của Nguyễn Hoàn Kiếm là... Tiểu đoàn 17. Chúng điều động 2 đại đội bộ binh, có một đơn vị xe tăng yểm trợ, cố đẩy bật Việt Cộng ra. Hai lô cốt dã chiến được Quân giải phóng dựng lên phía đầu cầu làm nơi cầm cự. Là xạ thủ B41 duy nhất của cánh quân nên Nguyễn Hoàn Kiếm cứ phải di chuyển vị trí như con thoi để bắn chặn xe tăng.
Rất may mắn, giao tranh ác liệt suốt 3 ngày trời, hầu như không phút nào chợp mắt, anh vẫn không hề dính một mảnh đạn. Quân số đông hơn gấp bội, địch vẫn không thể đẩy lùi được đơn vị của anh ra khỏi vị trí đầu cầu. Trên đầu, trực thăng vũ trang của địch quần đảo liên tục, vừa phóng rốc két xuống trận địa, vừa ra rả gọi “các cán binh Việt Cộng thuộc... tiểu đoàn 17 hãy buông súng đầu hàng, trở về với chính nghĩa quốc gia”.
Sáng mùng 4 tết, các đơn vị chốt chặn của quân đội Sài Gòn bị đánh bật. Đoàn Quân giải phóng, trong đó có cả những đơn vị văn nghệ sĩ nườm nượp hành quân theo đường Hậu Giang, Minh Phụng vào Chợ Lớn. Đơn vị của Nguyễn Hoàn Kiếm cũng nhập vào một đại đội 47 người trẩy theo đoàn quân, vừa di chuyển vừa chiến đấu. Một cậu bé tên Nhỏ tình cờ gặp trên đường Hậu Giang dứt khoát không chịu quay lại, cứ bám theo chân Kiếm, lúc này được bầu làm đại đội phó. Bất đắc dĩ, anh đành phải mang cậu theo đoàn.
Ba ngày tiếp theo, những đơn vị Quân giải phóng đã lọt vào nội thành bị địch bao vây tứ phía. Các đơn vị đánh nhau ác liệt, giành giật với địch từng góc đường, dãy nhà quanh chợ Thiếc, khu trường đua Phú Thọ, khu dân cư Sư Vạn Hạnh. Thương vong rất lớn, cả ngàn chiến sĩ chỉ còn lại chừng hơn 500 người. Cứ nơi nào có xe tăng hay thiết giáp địch mò tới, Nguyễn Hoàn Kiếm lại được chỉ huy điều đến phụt B41 tiêu diệt.
Đêm mùng 6 tết, địch điều xe phun lửa đến đốt rụi khu dân cư đường Sư Vạn Hạnh để buộc các đơn vị Quân giải phóng phải rời khỏi các điểm cố thủ. Khói lửa ngút trời. Các đơn vị phải đục tường thông từ nhà này sang nhà kia, lấy đường chui qua lửa rút ra đường Tổng Đốc Phương. 7 giờ sáng, đang nép mình di chuyển dưới những mái phố, đơn vị của Nguyễn Hoàn Kiếm lọt vào ổ mai phục.
Từ trên lầu, những tên địch náu mình dùng dây thép xâu từng chuỗi cả chục trái lựu đạn, chờ đúng lúc tiểu đội của Kiếm đi qua, chúng thi nhau thả xuống. Kiếm chỉ kịp hét lên: “Lựu đạn!” và lăn nhanh qua gầm một xe tải. Hàng tràng tiếng nổ chát chúa dội lên. Cả tiểu đội 9 người chỉ còn mình anh sống sót nhưng bị mảnh lựu đạn xé toang đùi trái, máu tuôn lênh láng. Sau khi được băng bó, anh lại cố nén đau, cùng đồng đội tìm diệt những ổ đề kháng của địch để mở vòng vây.
Nhận nhiệm vụ mở đường và cản đường để đưa một số đồng chí trong Bộ chỉ huy tiền phương thoát vòng vây đang dày đặc, Kiếm và khoảng một trung đội cụm vào một ngôi nhà ba tầng gần bùng binh làm nơi cố thủ. Kiếm bị thương, không leo cầu thang nổi, nằm tạm dưới tầng trệt cùng trung đội trưởng Nam Sơn, cắt 2 chiến sĩ khác gác cửa.
Khoảng 8 giờ sáng mùng 8 tết, một toán cảnh sát dã chiến bất ngờ ập vào. Hai chiến sĩ đứng gác bị trúng lựu đạn địch hy sinh. Trung đội trưởng Nam Sơn cũng bị đạn bắn vào đầu. Dù đang bị thương, Nguyễn Hoàn Kiếm cũng cố lăn ra, kéo được Nam Sơn vào nhà và nổ súng chặn địch. Trên lầu, những anh em khác cũng ném lựu đạn xuống tới tấp khiến toán cảnh sát địch phải kéo xác đồng bọn tháo lui.
Vết thương quá nặng, người trung đội trưởng không qua khỏi. Kiếm xé vội một tờ giấy trong sổ tay ghi mấy chữ: “Đồng chí Nam Sơn, bộ đội giải phóng, quê ở Thanh Hà, Bến Lức, Long An. Nhờ đồng bào lo mai táng và giúp đỡ để sau ngày thống nhất, mặt trận có thể tìm lại hài cốt”. Ghim tờ giấy cẩn thận lên ngực người đồng đội xong, anh vội tìm đường dẫn những người còn lại rút lui gấp theo lệnh.
Loanh quanh mãi, gặp địch là đánh, đến hết ngày mùng 8 tết, cả trăm chiến sĩ vẫn bị vây chặt trong khu trường đua Phú Thọ. Khi tìm cách vượt qua đường Nguyễn Văn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt), đơn vị lại bị địch phát hiện và chặn đánh, thương vong quá nửa. Nguyễn Hoàn Kiếm và 13 người khác, đa số đều đã bị thương, di chuyển chậm bị kẹt lại.
Kiểm điểm lại quân số, anh thấy đại đội cũ gồm 47 người, hiện chỉ còn lại anh và cậu Nhỏ nhập đoàn ở Phú Định sống sót. Những người khác đều là chiến sĩ của những đơn vị khác, bị lạc, mới nhập lại với nhau. Tất cả đều nhất trí bầu Kiếm làm chỉ huy.
Khoảng 11 giờ đêm, sau khi trinh sát kỹ lưỡng vẫn không thấy địch có động tĩnh, Nguyễn Hoàn Kiếm quyết định cho số người còn lại vượt qua lộ Nguyễn Văn Thoại. Sau hiệu lệnh của Kiếm, cả đơn vị đồng loạt chạy ào qua lộ. Nhưng mới nửa đường, địch phát hiện, nổ súng theo xối xả. Đột nhiên thấy bước chạy lầy nhầy làm trật dép, Kiếm biết mình lại bị thương lần nữa. Lần này, mảnh đạn M79 đã cắt đứt gân chân phải, phía ống quyển ngay trên mắt cá. Có 5 chiến sĩ hy sinh trong cuộc vượt lộ chỉ kéo dài chưa đầy 1 phút này.
Ẩn mình trong vòng vây
Dắt díu nhau vừa tránh đạn, vừa di chuyển, đến 2 giờ sáng, 9 người còn lại mới đến được ngã 3 Lý Nam Đế, gần chợ Thiếc, chia thành 3 tổ tỏa đi 3 hướng tìm lại các đơn vị cũ để hạn chế bớt thương vong. Kiếm, Nhỏ và Lệnh (quê Bình Chánh, chiến sĩ Tiểu đoàn 6) lần vào khu chợ Thiếc lúc đó chỉ còn một ánh đèn dầu leo lét phía giữa chợ. Nhỏ và Lệnh cầm AK ở lại cảnh giới. Kiếm mang theo 1 súng lục, lưng mang xanh tuya đạn, 2 quả lựu đạn và 1 quả pháo dù thận trọng tiến về sạp chợ có ánh sáng.
Bên ngọn đèn leo lét chỉ có một bà má khoảng 50 tuổi đang lui cui dọn dẹp sạp vải. Một chị phụ nữ và một cháu bé đang nằm ngủ trong chiếc mùng mắc ở sạp bên cạnh. Kiếm chào, bà má không chào lại, cũng không buồn ngẩng lên nhìn anh. Chào hai ba lần vẫn thế. Trong mùng, chị phụ nữ hình như đã thức nhưng vẫn nằm im, không dậy cũng chẳng ra lời. Ngơ ngác một lúc, Kiếm lờ mờ hiểu ra nguyên nhân của sự thờ ơ lạnh nhạt: họ sợ. Giao tranh đang diễn ra dữ dội khắp nơi, người dân sợ cướp phá, sợ địch trá hình để bắt bớ những người có cảm tình với Cách mạng.
Vững tin, anh gọi 2 đồng đội ở bên ngoài vào luôn. Kiếm thưa với bà má: “Tụi con là bộ đội Quân giải phóng, bị lạc đơn vị. Nhờ má chỉ giúp một chỗ núp, tối mai tụi con mới có thể tìm đường về đơn vị được”.
Nhìn khắp một lượt, ba anh lính giải phóng đang bị thương, áo quần ám khói súng rách te tua, như thể khẳng định chắc chắn một lần nữa họ không phải là cảnh sát trá hình, bà má mới chỉ cho họ ngồi tạm vào mép sạp. Chị phụ nữ cũng trở dậy, bưng ra một tô cháo. Đang đói nhưng quá lo lắng nên cả ba chỉ húp vội được lưng chén. Vẫn không nói câu nào, bà má đem bông băng, thuốc đỏ ra, cùng chị phụ nữ tỉ mẩn lau rửa và băng bó vết thương cho ba người lính. Thỉnh thoảng, Kiếm lại nhắc đến chuyện tìm chỗ trốn nhưng hai mẹ con bà má vẫn im lặng.
Gần 4 giờ sáng, người dân quanh chợ Thiếc đã lục tục trở dậy. Kiếm sốt ruột và lo lắng, định nhắc chuyện chỗ trốn thêm lần nữa. Bất ngờ, bà má bảo: “Ba chú đi theo tôi”. Hóa ra chẳng đi đâu xa, mới hai bước chân, bà đã dừng lại mở nắp sạp vải. Hai mẹ con bà má dỡ bớt hàng hóa trong căn hầm nổi chứa vải rộng chừng 9m2 ra và ấn ba anh lính xuống. Hầm chỉ cao hơn 1m, lại chứa đầy vải vóc nên chật chội và ngột ngạt. Cả ba phải ngồi khom lưng mới khỏi đụng đầu vào thành hầm, vũ khí cầm sẵn. Kiếm ngồi ngay nắp hầm cảnh giới. Xin tờ giấy, anh viết vội tên vài loại thuốc men nhờ bà má đi mua giúp để chữa vết thương.
Đóng nắp lại, căn hầm tối như bưng và nóng hầm hập. Nhưng vì ngồi cạnh cửa nên Kiếm vẫn nghe rất rõ những tiếng chân đi, tiếng người hỏi giá mua bán ở bên ngoài. Anh nghe người đi chợ gọi bà má là má Năm, còn chị phụ nữ là chị Hai. Má Năm bán vải còn chị Hai bán cháo sáng ở ngay bên cạnh. Một toán cảnh sát đến ăn sáng, chửi bới om sòm. Câu chuyện rời rạc, đầy tiếng chửi tục của họ khiến Kiếm mừng rơn: các đơn vị giải phóng vẫn còn quanh quẩn đâu đây chứ chưa đi xa. Nghe có cả tiếng chị Hai gắt với anh lính nào đó: “Súng ống để gọn vô chút coi, đổ cả nồi cháo bây giờ!”.
Ba người đều không dám ngủ. Sáng, má Năm đưa bánh mì thịt và nước xuống. Buổi trưa, má đưa cơm thịt kho, chiều lại tiếp tế cháo nóng. Đói, khát, nhưng cả ba đều chỉ ăn qua loa và uống rất dè sẻn, sợ không kiềm được nhu cầu mà tiêu, tiểu ra giữa hầm thì nguy to. Bình thường thì cửa hầm đóng chặt, má còn cẩn thận chèn cả súc vải lên trên để người ta khỏi chú ý. Nhưng hễ khách mua vừa đi khỏi, má Năm lại mở nắp hầm và luôn tay quạt đẩy gió xuống cho ba anh em đỡ nóng nực. Đến tối, khi chợ đã vắng người thì nắp hầm được mở hẳn. Bà má gọi: “Yên rồi, mấy đứa lên đi!”.
Thoát khỏi căn hầm ngột ngạt, cả ba anh em không còn phải dè dặt, chén sạch nồi cháo vịt nóng hổi mà chị Hai vừa dọn lên. Như thể đón người thân đến chơi tết, má Năm và chị Hai vừa luôn tay múc cháo, xé thịt, vừa luôn miệng hỏi thăm, thái độ hoạt bát hẳn. Một số người ở các sạp hàng khác đều trông thấy rất rõ nhưng không ai nói năng hay có động tĩnh gì. Chịu khó quan sát, Kiếm đoán chắc bà má là một cơ sở, chí ít cũng là người có cảm tình với Cách mạng. Những người ở các sạp chung quanh có lẽ biết rất rõ má Năm và chị Hai đang nói chuyện với người lạ nhưng họ vẫn bình yên, càng chứng tỏ má Năm, chị Hai là người có uy tín và giỏi công tác vận động quần chúng.
Cơm nước xong xuôi, Lệnh và Nhỏ rời chợ đi trinh sát. Một lát, họ quay lại báo là đã tìm được Tiểu đoàn 6, Kiếm mừng quá vội xin phép má Năm và chị Hai lên đường ngay. Ngoài hai cái tên và độ tuổi, má Năm chừng ngoài 50, chị Hai chừng 27-28, 3 anh giải phóng cũng chẳng biết thêm thông tin gì về hai mẹ con bà má. Giúi cho họ ít thức ăn mang theo, má Năm và chị Hai ôm hôn họ thắm thiết nhưng không hề nói gì về bản thân, cũng không hỏi tên tuổi, quê quán của họ. Điều đó chứng tỏ má Năm, chị Hai giữ đúng nguyên tắc hoạt động của "cơ sở".
Gặp lại đơn vị, tổ của Nguyễn Hoàn Kiếm nhanh chóng hành quân về hướng Bình Chánh. Trên đường, họ còn đụng nhau với địch nhiều trận. Mùng 10 tết, khi vượt qua Nhị tỳ Quảng Đông (khu vục gần Đầm sen, quận 11 hiện nay), Kiếm lại bị thương thêm lần nữa. Đơn vị rút về Tân Kiên, còn anh thì được đưa thẳng lên căn cứ ở Campuchia điều trị...
Ngay sau giải phóng, Nguyễn Hoàn Kiếm đã nhiều lần quay lại khu vực chợ Thiếc tìm tung tích má Năm và chị Hai. Chiến tranh đã khiến chợ bị san bằng, người dân ly tán nên anh không biết đâu mà tìm. Cùng với anh Ba Dũng, phường đội trưởng, anh đã đảo tung cả khu vực quanh chợ Thiếc lên tìm nhưng vẫn không thấy. Hàng chục năm sau, nhờ anh em Công an khu vực hỗ trợ, anh đã cố công dò hỏi mà tin tức họ vẫn bặt vô âm tín. Dù vậy, anh vẫn tiếp tục tìm, với chỉ một tia hy vọng. Anh bảo: “Tròn 40 năm, má Năm chắc không còn nữa. Chị Hai chắc cũng đã thành bà nội, bà ngoại từ lâu lắm rồi. Hy vọng con cháu họ, có ai đọc được câu chuyện này để số phận run rủi cho tôi gặp lại họ, dù chỉ là để nắm chặt tay người còn sống và thắp một nén nhang cho người đã khuất, kể cũng là mãn nguyện”.
Như thể sợ tôi không hiểu giải thích thêm: “Không có má Năm, chị Hai, anh em tụi tôi chắc chẳng còn sống được đến giờ. Giải phóng lâu rồi mà chưa gặp được họ, tôi cứ thấy như mình có lỗi”.
Riêng chuyện này thì người lính Mậu Thân của 40 năm trước dường như đã quá lo xa. Tôi hiểu chứ. Không phải chỉ mình anh mà còn hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ khác đã lành lặn trở về nhờ sự quả cảm và hy sinh âm thầm của những người vô danh hoặc chỉ còn lại cái tên trong ký ức như má Năm, chị Hai. Độc lập, thống nhất có phần đóng góp lớn lao của họ. Thế hệ đi sau sẽ không ai quên hay được phép quên điều đó.
Chính vì thế, tôi mới viết lại chuyện này. Biết đâu, đầu xuân lại may mắn có thêm một niềm hạnh ngộ bất ngờ!