Vietnamdefence.com

 

Giáo hoàng và lần thoát hiểm tại Vatican năm 1981

VietnamDefence - Ngày 23.2.2005, lần đầu tiên Giáo hoàng John Paul II công bố cuốn sách kể về những giây phút sau khi ông bị mưu sát hơn 2 thập kỷ trước. Vết đạn của hung thủ làm người đứng đầu toà thánh bị thương nặng, nhưng ông qua khỏi và tiếp tục sứ mệnh của mình.

Sát thủ Mehmet Ali Agca

Trong cuốn sách mới nhất mang tên "Memory and Identity: Conversations Between Millenniums", Giáo hoàng đã kể lại cảm xúc sợ hãi và đau đớn sau khi bị bắn. Nhưng ông "vẫn có cảm giác kỳ lạ về niềm tin" mình sẽ sống.

Cuốn sách chủ yếu ghi lại các cuộc nói chuyện bằng tiếng Ba Lan giữa Giáo hoàng với những người bạn thân thiết như triết gia Krzysztof Michalski và đức cha quá cố Jozef Tischner.

Các cuộc đàm đạo diễn ra năm 1993 tại nhà nghỉ mùa hè của Giáo hoàng gần Rome. Cuốn sách được in bằng tiếng Italy và xuất hiện tại các hiệu sách từ ngày 23/2, sau đó sẽ được dịch sang tiếng Anh.

Giáo hoàng John Paul II được đánh giá là người làm thay đổi toà thánh Vatican nhiều nhất so với các vị tiền nhiệm trong thế kỷ XX. Trên cương vị người đứng đầu toà thánh, ông chủ động gắn liền với nền chính trị thế giới, khác hẳn với lối sống khép kín truyền thống. Do đó, sự kiện ông bị mưu sát ngày 13/5/1981 đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống quan hệ quốc tế lúc đó.

Giáo hoàng John Paull II ngã xuống
sau khi bị bắn

Vào ngày định mệnh tháng 5/1981, như thường lệ Giáo hoàng John Paul II ngồi trên một chiếc xe Jeep mui trần màu trắng tiến ra quảng trường St. Peter, trung tâm của Toà thánh Vatican để gặp gỡ các tín đồ. Trong khi hàng nghìn người đang hân hoan chào đón ngài thì đột nhiên một tiếng súng vang lên từ vị trí cách người đứng đầu toà thánh không xa.

Giáo hoàng lập tức quỵ xuống vì đau đớn rồi từ từ ngã trong vòng tay các cận vệ. Ngay sau đó, hung thủ thực hiện vụ mưu sát bị cảnh sát tóm gọn. Nhưng kẻ tòng phạm đứng cách đó một đoạn xa thì nhanh chóng cao chạy xa bay.

May mắn viên đạn không bắn trúng chỗ hiểm mà chỉ gây vết thương ở phần bụng và bàn tay trái nên Giáo hoàng John Paul II đã qua khỏi. Sau hai tháng điều trị tại một bệnh viện ở Rome, ngài lại trở về để đảm đương trọng trách lãnh đạo toà thánh Vatican.

Do xảy ra vào thời điểm vô cùng nhạy cảm của cuộc Chiến tranh Lạnh nên vụ mưu sát Giáo hoàng John Paul II trở thành một trong những sự kiện quốc tế nổi bật và gây nhiều tranh cãi nhất trong năm 1981.

Hiện trường vụ mưu sát, vòng tròn trắng là hình tên sát thủ
đang chuẩn bị bóp cò

Hung thủ bị bắt ngay tại nơi gây án là Mehmet Ali Agca, 32 tuổi. Sau nhiều lần vòng vo khai về quốc tịch và tung tích bản thân, cuối cùng các nhà điều tra Italy cũng xác định được Mehmet Ali Agca là người Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên một tổ chức cực hữu ở nước này. Từ đây bắt đầu xuất lộ một vụ án kéo dài và chứa đầy những âm mưu của các thế lực trong cuộc Chiến tranh Lạnh.

Mehmet Ali Agca, kẻ mưu sát giáo hoàng, là thành viên nổi bật của tổ chức cực hữu khát máu tại Thổ Nhĩ Kỳ mang tên Phong trào Quốc xã. Chúng chuyên cấu kết với những phần tử phát xít mới ở Tây Đức, Italy và một số người Thổ Nhĩ Kỳ lưu vong gây rối an ninh ở nhiều nơi.

Ali Agca là một trong những thành viên trẻ và cực đoan nhất của Phong trào Quốc xã (PND). Sát thủ này nằm trong nhóm được mệnh danh là "Những con sói xám" gồm các phần tử mang nặng tư tưởng phát xít nhất của tổ chức PND.

Cảnh sát Italy áp giải Ali Agca

Theo một số nguồn tài liệu, cục tình báo trung ương Mỹ CIA cũng bị coi là có nhiều dính líu tới các hoạt động của PND. Chi nhánh của CIA đã tổ chức các khoá huấn luyện vũ trang chuyên nghiệp cho “những con sói xám“ của PND ngay trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có sát thủ Ali Agca.

Đóng vai trò chính trong việc xây dựng mối quan hệ giữa CIA với các tổ chức cực đoan ở Thổ Nhĩ Kỳ là Rudi Nadet, một quân nhân Liên Xô đào ngũ sang hàng ngũ phát xít Đức năm 1941. Ban đầu Nadet làm việc cho cơ quan mật vụ Gestapo của Đức Quốc xã. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nadet chuyển sang làm việc cho CIA từ tháng 5/1945 và được cử tới Thổ Nhĩ Kỳ năm 1959. 

Giáo hoàng John Paul II sau khi bị mưu sát

Qua cầu nối CIA, PND còn xây dựng được mối liên hệ chặt chẽ với tổ chức mật vụ Mossad của Israel. Mossad thời kỳ này xem Vatican và bản thân Giáo hoàng John Paul II là đối địch bởi ông nhiều lần lên án các cuộc tấn công của Israel ở Trung Đông. Ngoài ra, PND còn cấu kết với tổ chức Tam Điểm P2 vốn đối đầu với Giáo hoàng John Paul II vì quan điểm chống hội Tam Điểm của ông.

Do đó, PND đã đặt vị đứng đầu toà thánh Vatican vào danh sách những người cần phải bị tiêu diệt và Ali Agca được chọn để thực hiện âm mưu này. Bản thân Agca từng viết một bức thư doạ sẽ giết Giáo hoàng khi ông tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ tháng 2/1979 và coi ông là “thủ lĩnh của cuộc Thập tự chinh” chống lại người Hồi giáo.

Sở dĩ Mehmet Ali Agca được PND "chọn mặt gửi vàng" vì đây là một trong những “con sói xám“ khét tiếng nhất trong tổ chức. Người này từng dính líu đến nhiều vụ giết người ở Thổ Nhĩ Kỳ, điển hình là vụ giết hại nhà báo Abdi Ipekci ngày 1/2/1979 tại thành phố Istanbul. Abdi Ipekci nguyên là chủ bút tờ báo Milliyet và viết nhiều bài vạch trần hành động tội ác của nhóm phát xít mới tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sau vụ đó, Ali Agca trốn ra nước ngoài và bị toà án Thổ Nhĩ Kỳ tuyên án tử hình vắng mặt.

Trở lại với vụ mưu sát năm 1981, sau khi bị cảnh sát Italy bắt giữ Ali Agca đã khai nhận rằng, trước khi quyết định chọn Giáo hoàng John Paul II làm mục tiêu tấn công, hắn đã nhận được một danh sách những người đang bị đưa vào kế hoạch ám sát gồm Nữ hoàng Anh, Tổng thống Tunisia Habib Bourguiba, Thủ tướng Malta Dom Mintoff, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Simone Weil và thủ lĩnh phong trào đoàn kết Ba Lan Lech Welesa (sau trở thành tổng thống Ba Lan).

Chỉ hơn một tháng sau vụ mưu sát Giáo hoàng, toà án xét xử Mehmet Ali Agca đã được thành lập tại Rome. Sát thủ người Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận việc ám sát là nhằm phục vụ cho âm mưu khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 22/6/1981, toà tuyên Mehmet Ali Agca mức án tù chung thân (luật pháp Italy không có án tử hình). Tòng phạm của Ali Agca ở quảng trường St. Peter là Orran Stelish, kẻ lo hộ chiếu và vạch kế hoạch hành động, bị phát lệnh truy nã quốc tế.

Vụ mưu sát Giáo hoàng John Paul II năm 1981 như thế có thể được khép lại, nhưng một số thế lực lại không muốn như vậy. Do đó, phần phức tạp và gây ảnh hưởng nhất của sự kiện này đã được họ tạo ra nhằm đáp ứng cho những toan tính chính trị. Kết quả là Ali Agca bất ngờ phản cung và một nghi phạm mới được dựng lên.

Giáo hoàng John Paul II vào nhà giam thăm
và tha lỗi cho Ali Agca


Sự can thiệp của phương tây khiến vụ mưu sát Giáo hoàng John Paul II năm 1981 chuyển sang một hướng khác. Theo nhiều tài liệu, CIA bí mật gặp Ali Agca tại phòng biệt giam và ngay sau đó, sát thủ này lên tiếng đòi “khai thực” và phiên toà xét xử vụ mưu sát phải mở lại.

Lần này, Ali Agca phủ nhận tất cả những lời khai trước và khẳng định đã nhận tiền và vũ khí của Bulgaria để thực hiện vụ ám sát. Theo đó, cùng thực hiện kế hoạch khủng bố tại Vatican còn có 3 người Thổ Nhĩ Kỳ và 3 người Bulgaria.

Giới truyền thông phương Tây, đặc biệt là Mỹ ngay sau đó đồng loạt đưa tin về “âm mưu của Cộng sản nhằm giết hại Giáo hoàng John Paul II”. Chỉ huy các hoạt động của CIA tại Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 1974- 1977 là Paul Henze cũng tích cực tham gia vào làn sóng này.

Paul Henze cho xuất bản cuốn Âm mưu giết hại Giáo hoàng (Plot to Kill the Pope), trong đó đưa ra những thông tin mà ông này coi là bằng chứng nhằm buộc tội chính quyền Bulgaria và cơ quan tình báo Liên Xô KGB đã tham gia vào tội ác tại Vatican.

Paul Henze tìm mọi cách để công bố “điều tra” của mình trên các tạp chí Reader’s Digest, Newsweek và hãng tin NBC. Một tác giả khác là Clair Sterling cũng đưa thêm cuốn sách Cơ hội của những tên sát thủ (Time of Assassins) mang quan điểm tương tự với Paul Henze.

Ba người Bulgaria mà Ali Agca nhắc đến là Sergei Antonov, nhân viên văn phòng đại diện Hãng hàng không Balkans tại Rome cùng hai nhân viên ngoại giao là G. Vasilev và T. Ivadov. Ngày 25/10/1982, cả 3 bị toà án Rome ra lệnh bắt giam.

Ali Agca đang được dẫn độ từ Italy về Thổ Nhĩ Kỳ

Trong thời gian những công dân Bulgaria bị giam giữ, nhiều nước đã lập các uỷ ban đấu tranh đòi Italy trả tự do cho họ. Một số nhà điều tra độc lập cũng vào cuộc, trong đó nổi bật là nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ Ugur Mumcu. Trong cuốn Agca Dosyasi, Mumcu đã chứng minh hành động của sát thủ Ali Agca không hề có liên quan đến Bulgaria hay KGB, mà xuất phát từ tư tưởng phát xít mới của nhóm “Những con sói xám” thuộc đảng PND.

Sau thời gian tranh tụng liên tục hơn 10 tháng, ngày 29/3/1986 phiên toà xử vụ mưu sát Giáo hoàng John Paul II năm 1981 mới kết thúc và 3 công dân Bulgaria đều được tuyên bố trắng án. Trong 25.000 trang hồ sơ, biên bản 97 phiên họp của toà án Rome cộng với nỗ lực của thẩm phán Ilario Martella đều không thể đưa ra một bằng chứng nào buộc tội các công dân Bulgaria. Bản thân Ali Agca cũng rút lại lời tuyên bố buộc tội Bulgaria khi trước.

Trước đó, tháng 12/1983 Giáo hoàng John Paul II đã thể hiện lòng nhân từ bằng cách vào thăm kẻ mưu sát mình là Ali Agca trong tù và tuyên bố tha lỗi cho người này. Tháng 1 năm 2000, theo yêu cầu của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, Mehmet Ali Agca được dẫn độ từ Italy về nước để xét xử vụ án ám sát nhà báo Abdi Ipekci năm 1979. Năm 1991, mức án tử hình của Agca về vụ án này cũng được ân giảm xuống còn 10 năm tù.

Sau 19 năm ngồi tù ở Italy, Ali Agca vào năm 43 tuổi mới được hồi hương. Nhưng điểm đến của người này vẫn là một nhà tù.

***

Kẻ mưu sát giáo hoàng sắp thành triệu phú 

Mehmet Ali Agca. Ảnh: Press TV

Người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ bắn giáo hoàng John Paul II vừa được trả tự do hôm qua (18.1.2010) sau 30 năm bóc lịch và tuyên bố sẽ bán thông tin cho báo chí.

Mehmet Ali Agca, 52 tuổi, cho biết muốn đến thăm Rome, gặp gỡ Giáo hoàng Benedict XVI và cầu nguyện trước mộ giáo hoàng John Paul II. Ông ta cũng có ý định kết hôn.

Các luật sư của Agca nói rằng thân chủ của họ đã nhận được 50 lời đề nghị viết sách và làm phim từ nhiều nhà xuất bản và sản xuất. Ông ta có thể thu được hàng triệu USD.

"Tôi sẽ trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vụ mưu sát đó trong vài tuần tới", Ria Novosti trích đoạn bức thư mà Agca gửi cho luật sư của ông ta trước khi ra tù.

Agca bắn giáo hoàng John Paul hôm 13/5/1981 khi ngài ngồi trên một chiếc xe Jeep mui trần tiến ra quảng trường St. Peter, trung tâm của Toà thánh Vatican, để gặp gỡ các tín đồ. Giáo hoàng bị thương ở bụng, bàn tay trái và cánh tay phải nhưng đã qua khỏi sau hai tháng điều trị.

Theo AP, ngay sau khi bị bắt, Agca tuyên bố ông ta ra tay một mình. Vụ mưu sát đó nhằm vào người đứng đầu tòa thánh vẫn còn là bí mật lớn dù cách đây 4 năm, một ủy ban quốc hội Italy cáo buộc các nhà lãnh đạo Liên Xô và mật vụ Bulgaria đứng sau âm mưu đó.

Một lần Agca nói rằng các gián điệp Bulgaria ra tay thay Matxcơva và lực lượng an ninh của Liên Xô KGB đứng sau kế hoạch đó. Tuy nhiên, sau đó ông ra rút lại lời.

Người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ này bị kết án 19 năm tù vì vụ tấn công trên. Năm 1983, giáo hoàng John Paul II đã gặp kẻ rmưu sát trong tù và tha thứ cho ông ta. Agca bị dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ năm 2000 và sau đó phải trở lại tù vì tội giết một phóng viên năm 1979.

  • Nguồn: VnExpress.

Print Print E-mail Print