VietnamDefence -
Bắc Kinh trông cậy vào chiến lược quốc phòng tích cực.
|
Quân đội Trung Quốc đang ráo riết luyện tập tác chiến viễn chinh (mod.gov.cn) |
Quân đội Trung Quốc đang tiến hành đợt cải cách tổ chức quy mô lớn. Đại hội XIX đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc đây đã đặt ra những nhiệm vụ mới của đợt cải cách này đã đặt ra cho quân đội nước này. Dưới đây xin giới thiệu nội dung trao đổi của Tùy viên quân sự đại sứ quán Trung Quốc tại Nga, Thiếu tướng Qi Yan-wei với nhà bình luận, Đại tá Viktor Litovkin về cách thức quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện các quyết định của đại hội XIX, về những cải cách cực kỳ quan trong trong lục quân và hải quân, về các kẻ thù tiềm tàng của Trung Quốc và mục đích hướng đến của sức mạnh gia tăng của quân đội Trung Quốc.
- Đại hội ХIХ đảng Cộng sản đã xác định những cải cách lớn trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Trong đó có việc xây dựng và tiếp tục củng cố sức chiến đấu của quân đội Trung Quốc. Đó là những cải cách nào? Nền tảng của những cải cách đó là gì? Cải cách quân đội Trung Quốc sẽ dựa trên những nguyên tắc nào?
- Trung Quốc sẽ tiếp tục đi sâu cải cách quốc phòng và quân đội, cụ thể là đi sâu cải cách các nguyên tắc chính trị và các hệ thống quan trọng nhất như hệ thống chuyên nghiệp hóa sĩ quan, hệ thống quản lý nhân lực phục vụ tại ngũ, hệ thống nghĩa vụ quân sự, thúc đẩy cải cách một cách cách mạng hệ thống chỉ huy quân đội, hoàn thiện và phát triển hệ thống quân sự XHCN đặc sắc Trung Quốc. Chúng tôi sẽ đặc biệt chú ý đến khoa học và công nghệ như là hạt nhân của sức mạnh chiến đấu, đến yêu cầu khuyến khích những đổi mới công nghệ quan trọng nhất, đẩy mạnh hình thành hệ thống đào tạo chuyên gia quân sự, xây dựng quân đội nhân dân kiểu mới. Quan trọng là thực hiện lãnh đạo quân đội toàn diện, nghiêm khắc, khuyến khích cải cách triệt để các hình thức lãnh đạo, nâng cao việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực xây dựng quốc phòng và quân đội. Xây dựng và cải cách quân đội Trung Quốc sẽ tuân theo hai nguyên tắc chính.
|
Tùy viên quân sự tại Nga, thiếu tướng Qi Yan-wei |
Một là bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội. Xây dựng quân đội đặt dưới sự lãnh đạo của đảng có khả năng giành chiến thắng và có phong cách kiểu mẫu - đó là điểm tựa chiến lược để đạt các mục tiêu với thời hạn hoàn thành đặt ra vào dịp hai kỷ niệm 100 năm (100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021 và 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa vào năm 2049), cũng như để thực hiện giấc mộng Trung Hoa về đại phục hưng dân tộc Trung Hoa. Chúng tôi sẽ thực hiện toàn diện tổ hợp các nguyên tắc và thể chế nền tảng liên quan đến sự lãnh đạo của đảng đối với quân đội, khẳng định vị thế lãnh đạo cuiar tư tưởng của đảng về củng cố quân đội trong thời đại mới trong lĩnh vực xây dựng quốc phòng và quân đội.
Hai là quân đội phải luôn sẵn sàng chiến đấu. Bởi vậy, trong mọi công việc cần luôn xuất phát tè các tiêu chí khả năng chiến đấu của quân đội và tập trung nâng cao kỹ năng chiến đấu thuần thục của bộ đội và nghệ thuật giành chiến thắng. Cần tiến hành một cách cơ bản công tác huấn luyện chiến đấu trên tất cả các hướng chiến lược. Trên cơ sở hoạch định thống nhất, khuyến khích huấn luyện chiến đấu nhằm giải quyết các vấn đề thách thức an ninh truyền thống và mới nổi. Phát triển một lực lượng chiến đấu và một lực lượng bảo đảm kiểu mới. Triển khai đào tạo quân sự theo cách mô phỏng chioeens tranh thực. Đẩy mạnh sử dụng lực lượng vũ trang, tăng tốc trí thức hóa công tác quân sự, tăng cường tiềm lực tiến hành các chiến dịch quân sự liên hợp bao trùm tất cả các lĩnh vực tự nhiên và dựa trên hệ thống mạng thông tin. Cũng như xây dựng bầu không khí thuận lợi để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, kiểm soát các tính huống khủng hoảng và ngăn ngừa chiến tranh, còn nếu cần thì giành chiến thắng trong chiến tranh.
- Cải cách quân đội Trung Quốc đã bắt đầu mấy tháng trước đại hội ХIХ lịch sử của đảng Cộng sản Trung Quốc. Được biết, trong quân đội Trung Quốc, các đại quân khu đã được cải cách, số lượng các quân đoàn bị cắt giảm, diễn ra những cải cách trong các cơ quan lãnh đạo quân đội… Còn những thay đổi nào chờ đợi quân đội và hải quân Trung Quốc? Chúng nhằm những mục đích gì?
- Ngày 24-26/11/2015, tại Bắc Kinh đã diễn ra hội nghị của Quân ủy trung ương Trung Quốc về vấn đề cải cách quân đội. Nó đánh dấu sự bắt đầu đợt cải cách lịch sử quân đội Trung Quốc vốn đã dẫn đến những thay đổi tận gốc. Đã thành lập Lực lượng tên lửa và Lực lượng chi viện chiến lược, cũng như Bộ tư lệnh lục quân; cải tổ và thành lập các cơ quan thuộc Quân ủy trung ương; thành lập 5 chiến khu và hệ thống chỉ huy liên hợp các chiến khu; thành lập Lực lượng bảo đảm hậu cần liên hợp. Ngoài ra, đã thành lập hệ thống lãnh đạo và chỉ huy mới xác định vai trò của Quân ủy trong thực hiện lãnh đạo chung, cũng như vai trò của các chiến khu trong tiến hành tác chiến của các quân binh chủng và trong xây dựng quân đội. Trong cơ cấu tổ chức quân đội và hệ thống lực lượng vũ trang như vậy đã diễn ra một cuộc cải tổ có tính cách mạng.
Hiện nay, công tác xây dựng quốc phòng và quân đội đang ở một giai đoạn lịch sử mới. Trung Quốc kiên định lập trường thống nhất tăng cường tiềm lực kinh tế và quân sự của đất nước, tăng cường sự lãnh đạo chung đối với quá trình này, thiết kế trên cấp cao, cải cách và đổi mới, cũng như thực hiện những dự án quan trọng nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách khoa học quân sự, hoàn thiện công nghệ và hỗ trợ công nghiệp quốc phòng, sẽ hình thành kiến trúc liên kết sâu quân-dân sự và xây dựng hệ thống chiến lược quốc gia tích hợp với tiềm lực tương ứng. Chúng tôi sẽ hoàn thiện hệ thống động viên quốc phòng, tiếp tục xây dựng các hệ thống phòng thủ biên giới, biển và phòng không mạnh mẽ, vững chắc và hiện đại. Chúng tôi đang hiện đại hóa các cơ quan bảo đảm và quản lý quân nhân phục viên, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của quân nhân và thành viên gia đình họ, biến nghề nghiệp của người bảo vệ đất nước thành nghề nghiệp có được kính trọng và danh dự trong xã hội. Chúng tôi cũng sẽ phải cải cách sâu thêm Cảnh sát vũ trang nhân dân (Vũ cảnh).
Mục tiêu của xây dựng lực lượng vũ trang Trung Quốc là: căn cứ vào các xu hướng phát triển cuộc cách mạng mới trong quân sự và đáp ứng các nhu cầu bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, nâng cao toàn diện chất lượng và hieeujh quả xây dựng quốc phòng và quân đội, bảo đảm cơ giới hóa quân đội, đạt được sự tiến bộ thực chất trong lĩnh vực thông tin hóa quân đội và tăng mạnh tiềm lực chiến lược của quân đội vào năm 2020. Quá trình hiện đại hóa đất nước đòi hỏi hiện đại hóa toàn diện lý luận quân sự, các hình thức tổ chức quân đội, đào tạo cán bộ quân sự, cũng như vũ khí và trang bị. Chúng tôi sẽ hướng tới vào năm 2035, cơ bản hoàn thành hiện đại hóa quốc phòng và quân đội, còn vào giữa thế kỷ này thì đưa quân đội Trung Quốc trở thành lực lượng vũ trang đẳng cấp thế giới.
- Những người trong quân đội hiểu rằng, việc củng cố an ninh đất nước và khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang diễn ra trên cơ sở đánh giá sâu sắc tình hình quốc tế, các mối đe dọa, nguy hiểm và nguy cơ đối với đất nước từ phía các kẻ thù tiềm tàng hoặc từ các yếu tố gây mất ổn định khác. Quân đội Trung Quốc phải đối phó với những mối đe dọa và nguy cơ nào? Lãnh đạo đất nước và quân đội Trung Quốc sẽ làm gì để vô hiệu hóa những mối đe dọa này?
- Theo Chiến lược quân sự Trung Quốc (Sách Trắng quốc phòng lần thứ 9, xuất bản vào tháng 5/2015), sự phát triển của Trung Quốc sẽ vẫn có vai trò quan trọng để củng cố các khả năng chiến lược thực chất, để tự tin đáp trả các thách thức của môi trường bên ngoài. Trong quá trình phát triển này, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, các thông số sức cạnh tranh quan trọng nhất của quốc gia, khả năng đối phó với các mối đe dọa phát sinh được củng cố. Vị thế quốc tế và ảnh hưởng của Trung Quốc được nâng cao. Mức sống của nhân dân Trung Quốc đượch cải thiện, bầu không khí xã hội Trung Quốc được ổn định. Nhưng trong khi trở thành một quốc gia đang phát triển lớn, Trung Quốc vẫn đối mặt với những mối đe dọa đa dạng và phức tạp đối với an ninh của mình, sự gia tăng các mối đe dọa và thách thức từ bên ngoài, sự đan xen lẫn nhau của các vấn đề bảo đảm khả năng quốc phòng và an ninh hiện hữu trước các thách thức truyền thống và phi truyền thống.
|
Ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc thống nhất quyết tâm xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh và hiện đại (Reuters) |
Hiện nay, tham vọng bá chủ thế giới của một số quốc gia, chính sách vũ lực thô bạo và chủ nghĩa can thiệp mới lại ngóc đầu dậy. Các đấu thủ quốc tế khác nhau đang nỗ lực leo thang tranh giành quyền lực và phân phối lại các nguồn tài nguyên vật chất, phớt lờ lợi ích hợp pháp của các nước láng giềng. Hoạt động ráo riết của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, gia tăng mâu thuẫn tổn giáo, tranh chấp lãnh thổ đang dẫn tới sự xuất hiện những điểm nóng trên bản đồ thế giới đang thay đổi. Các cuộc chiến tranh cục bộ không ngơi nghỉ, các cuộc xung đột vũ trang liên tục, những cuộc khủng hoảng kinh tế thường xuyên vẫn là tình trạng quen thuộc ở một số khu vực. Thế giới vẫn đối mặt với mối đe dọa hiện thực và tiềm tàng của một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Chẳng hạn, tồn tại nhiều yếu tố bất ổn và bất định trong tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á.
Chúng ta đang chứng kiến hoạt động gia tăng của khủng bố, ly khai và cực đoan trong khu vực, gây tổn hại cả đến an ninh ở các khu vực đã được ổn định của Trung Quốc. Mối đe dọa lớn nhất để phát triển hài hòa Đài Loan và Trung Quốc vẫn là các thế lực ly khai và cuộc đấu tranh của họ đòi “độc lập cho Đài Loan”. Lực lượng ly khai “Đônhg Turkestan” và Tây Tạng, các lực lượng chống Trung Quốc chuẩn bị thực hiện cách mạng màu cũng là những mối đe dọa nghiêm trọng. Các nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị và ổn định xã hội là rất khó khăn.
Cùng với sự mở rộng liên tục lợi ích quốc gia của chúng tôi, sự bất ổn trên thế giới và trong khu vực, chũ nghĩa khủng bố, nạn cướp biển, các vụ thiên tai và dịch bệnh lớn, cũng như các nguy cơ khác có thể đe dọa an ninh của Trung Quốc. Đang nổi lên đầy đủ là các vấn đề bảo đảm an ninh ở nước ngoài của Trung Quốc: đang diễn ra cuộc đấu tranh giành các nguồn tài nguyên năng lượng, an ninh các tuyến đường trung chuyển chiến lược và an ninh của các chi nhánh công ty Trung Quốc ở nước ngoài, nhân viên và tài sản của họ đang bị đe dọa. Chúng tôi cần phái tính đến tất cả những điều đó trong hoạch định quân sự của mình.
Trên thế giới đang triển khai cuộc cách mạng kỹ thuật quân sự mới, đang thực hiện sự quá độ sang vũ khí tầm xa công nghệ cao, sự trí tuệ hóa sâu hơn công tác quân sự, đang diễn ra sự quá độ sang không quân không người lái và công nghệ tàng hình. Không gian vũ trụ và không gian mạng đang trở thành những địa điểm đối kháng chiến lược mới. Sự quá độ từ các hình thức chiến tranh truyền thống sang đối kháng thông tin đang được đẩy nhanh. Những thay đổi có tính cách mạng trong lĩnh vực công nghệ quân sự và hình thức tiến hành chiến tranh đang có ảnh hưởng to lớn đến chính sách quốc tế trong lĩnh vực quân sự và tiềm ẩn những thách thức nghiêm trọng đối với an ninh quân sự quốc gia của Trung Quốc.
Trong những điều kiện lịch sử mới, để đối phó hiệu quả với những tình huống khẩn cấp, các mối đe dọa quân sự và thách thức khác nhau, Trung Quốc sẽ thực hiện chiến lược quân sự phòng thủ tích cực đáp ứng các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, đòi hỏi của chiến lược phát triển quốc gia và chính sách đối ngoại hòa bình. Để thích ứng với những hoàn cảnh bên trong và bên ngoài mới, chiến lược quân sự phòng thủ tích cực đã bắt đầu được bổ sung nội hàm mới, đáp ứng các xu thế của thời đại và thể hiện những hình thức mới nhưng vẫn giữ được tinh thần chính của mình. Đó là những thay đổi sau.
Một là phương châm đánh thắng cuộc chiến tranh cục bộ thông tin hóa. Do những mối đe dọa trong lĩnh vực an ninh quân sự và sự phát triển tăng tốc xây dựng quân đội Trung Quốc thông tin hóa, đã xác định phương hướng mới có tính đến các hoàn cảnh quân sự đa chiều (trên bộ và trên biển, trên không, vũ trụ và không gian mạng) có sử dụng vũ khí điện tử. Chúng tôi đặt trọng tâm vào chuẩn bị căn bản cho quân đội có khả năng giành chiến thắng nhanh chóng trong cuộc chiến tranh cục bộ thông tin hóa.
Hai là chúng tôi duy trì chính sách đổi mới sáng tạo các quan niệm cơ bản về tác chiến. Điều đó có nghĩa là lực lượng vũ trang Trung Quốc, trong khi hiểu rõ bản chất của chiến tranh thông tin và cơ chế giành chiến thắng, cho rằng, việc làm chủ thông tin là phương thức chủ chốt để duy trì ưu thế trên chiến trường. Chính vì vậy, quân đội Trung Quốc sẽ giáng những đòn đánh điểm vào hệ thống tác chiến của kẻ thù và tiến hành các chiến dịch bằng cách sử dụng tất cả các quân-binh chủng.
Ba là cần hoàn thiện chiến lược quân sự. Căn cứ vào các bối cảnh địa-chính trị chiến lược, các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và các nhiệm vụ chiến lược của quân đội, Trung Quốc hiểu rõ tầm quan trọng của hoạch định chiến lược và phân bố đúng đắn các lực lượng quân sự vốn bao gồm việc điều phối chung các hành động, phân công trách nhiệm theo các khu vực và sử dụng liên hợp các lực lượng và phương tiện trong quá trình các chiến dịch. Ngoài ra, Trung Quốc đang chú ý thích đáng cả đến các lĩnh vực an ninh truyền thống (trên bô, trên biển và trên không), lẫn các lĩnh vực an ninh mới (trên vũ trụ và trên mạng), củng cố sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc tế tại các khu vực tương ứng ở nước ngoài.
Bốn là chúng tôi tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc chỉ đạo chiến lược. Các nguyên tắc chỉ đạo chiến lược là sự cụ thể hỏa và đồng thời là sự mở rộng tư tưởng chỉ đạo chiến lược và là các tiêu chí chính cần tuân theo. Các nguyên tắc này bao gồm: tuân thủ các mục tiêu chiến lược quốc gia; tạo tình thế chiến lược thuận lợi cho phát triển hòa bình đất nước; nắm vững thế chủ động chiến lược trong đấu tranh quân sự; sẵn sàng đối phó với các tình huống phức tạp và khó khăn; theo đuổi một khái niệm an ninh hướng vào bảo đảm an ninh chung và an ninh tổng hợp, cũng như hợp tác trong lĩnh vực với các đối tác của mình và tích cực mở rộng không gian hợp tác trong lĩnh vực an ninh quân sự.
|
Lính Trung Quốc chuẩn bị cho duyệt binh kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội |
- Quân đội Trung Quốc được coi là một trong những quân đội mạnh nhất thế giới, nằm trong số 3 quân đội mạnh nhất, trong đó có Mỹ và Nga. Mặc dsuf chi phí quân sự của quân đội Trung Quốc ít hơn gần 4 lần so với Mỹ (Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm - SIPRI), Mỹ chi quốc phòng 650 tỷ USD, còn Trung Quốc là 170 tỷ), song tiềm lực quân sự của Trung Quốc không thua kém nhiều so với Mỹ. Điều đó đạt được nhờ cái gì? Trung Quốc sẽ ưu tiên trước hết phát triển những quân chủng nào và trông cậy vào những lực lượng nào? Tên lửa? Hải quân? Lực lượng tác chiến đặc biệt? Không quân?
- Đúng vậy, Trung Quốc chi ít hơn nhiều so với Mỹ trong lĩnh vực xây dựng quân sự, nhưng đã nâng cao được tối đa trình độ vũ khí trang bị và khả năng chiến đấu thực tế. Vì cái gì? Vì dựa vào những nguyên tắc và thể chế nền tảng mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói đến tại Đại hội ХIХ đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong đó có: sự lãnh đạo chính trị tuyệt đối đối với xây dựng quân đội, củng cố quân đội bằng cải cách, củng cố quân sự bằng sức mạnh của khoa học và công nghệ, lãnh đạo quân đội trên cơ sở luật pháp, tập trung chú ý của quân đội vào việc chuẩn bị cho chiến tranh thực tế, coi trọng hơn vai trò khuyến khích đổi mới, tập trung nỗ lực xây dựng hệ thống huấn luyện quân đội, nâng cao cường độ và hiệu quả huấn luyện chiến đấu và huấn luyện chuyên ngành, cũng như cho tích hợp quân-dân sự. Cụ thể là vào chuyển hóa quân đội từ các lực lượng ưu thế về số lượng sang các lực lượng ưu thế về chất lượng và hàm lượng khoa học.
Sự phục hưng quân đội nhờ khoa học và kỹ thuật và phát triển tích hợp quân-dân sự có ý nghĩa lớn đối với việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển quân đội Trung Quốc, nâng cao khả năng chiến đấu và khả năng giành chiến thắng của lực lượng vũ trang. Sự phát triển khoa học kỹ thuật đã trở thành động lực cho những cải cách quân sự của chúng tôi. Ngay khi tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng cho các mục đích quân sự thì điều đó tất yếu dẫn tới những thay đổi sâu sắc trong vũ khí trang bị, hệ thống huấn luyện chiến đấu, trong các các quy luật đấu tranh vũ trang và văn hóa tư tưởng. Hiện nay, quân đội các nước hàng đầu thế giới đang xúc tiến cuộc cách mạng công nghệ thông tin và đẩy nhanh vòng xoay cải cách quân sự mới, đây là bước đi chưa từng có trong lịch sử xây dựng quân sự thế giới. Ví dụ, quân đội Mỹ đang đẩy nhanh thực hiện “Chiến lược bù đắp thứ ba” (Third Offset Strategy) để tìm cách bằng cách đó xác lập ưu thế kỹ thuật áp đảo mới.
Nếu như Trung Quốc sẽ không đưa ra được những phát minh, đổi mới trong lĩnh vực quốc phòng thì điều đó sẽ tạo ra khoảng cách công nghệ và đặt Trung Quốc vào vị thế bất lợi trong quá trình cạnh tranh. Chúng tôi không thể chấp nhận chuyện đó.
Những đổi mới khoa học kỹ thuật ngày càng trở thành yếu tố then chốt để chiến thắng trong chiến tranh hiện đại. Quân đội Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc quá độ chuyển sang những biến chuyển có tính cách mạng. Đang diễn ra sự quá độ thần tốc từ cơ giới hóa sang thông tin hóa, còn cơ cấu tổ chức quân đội thì từ cơ cấu tổ chức được xây dựng theo kiểu nền tảng trung tâm sang cơ cấu tổ chức định hướng vào thông tin mạng, hệ thống chỉ huy từ các liên binh đoàn hợp thành sang các liên binh đoàn liên khu vực, các mô hình lãnh đạo từ rộng rãi đến chuyên sâu, các mô hình phát triển từ sự phân chia tương đối các lĩnh vực quân sự và dân sự đén việc tích hợp sâu sắc các lĩnh vực này. Chỉ dựa trên vai trò cách mạng của khoa học và kỹ thuật và tăng cường định hướng đổi mới của hiện đại hóa quân sự, có thể hỗ trợ cho việc chuyển đổi chiến lược quân đội Trung Quốc và giúp quân đội đạt đẳng cấp thế giới.
Đối diện những thay đổi sâu sắc trong lĩnh vực an ninh quốc gia và các yêu cầu của kỷ nguyên xây dựng quốc gia hùng mạnh và lực lượng vũ trang hùng mạnh, lực lượng vũ trang Trung Quốc phải đưa vào cuộc sống một cách hoàn toàn và đầy đủ tư tưởng của đảng về củng cố quân đội trong kỷ nguyên mới, thực hiện đường lối chiến lược quân sự với định hướng vào những điều kiện mới. Cần xây dựng lục quân, hải quân, không quân, lực lượng tên lửa và lực lượng chi viện chiến lược hiện đại hóa hùng mạnh, xây dựng một cơ quan lãnh đạo vững vàng và hiệu quả các chiến dịch quân sự liên hợp trong chiến khu, xây dựng hệ thống chiến đấu hiện đại với đặc sắc Trung Quốc để gánh vác xứng đáng sứ mệnh và các nhiệm vụ của kỷ nguyên mới mà đảng và nhân dân giao cho quân đội.
- Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc thường được gọi là đối tác chiến lược. Quân đội hai nước chúng ta thường tiến hành các cuộc tập trận chung, trao đổi kinh nghiệm chiến đấu, kể cả kinh nghiệm chống khủng bố. Các phái đoàn quân sự của Bắc Kinh và Moskva thường thăm viếng lẫn nhau… Sự hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự Nga-Trung sẽ ảnh hưởng thế nào đến cải cách quân đội Trung Quốc? Những hướng nào của sự hợp tác đó ông coi là quan trọng nhất? Và nếu có thể thì ông hãy nói chi tiết về những ví dụ hợp tác hiện nay và trong tương lai gần.
- Quả thực là gần đây, quan hệ Nga-Trung trong lĩnh vực quân sự có phát triển rất mạnh. Trong những năm gần đây, các cuộc trao đổi giữa các cơ quan tham mưu được đẩy mạnh, đẩy mạnh việc trao đổi đoàn và các loại diễn tập, thăm viếng các đơn vị quân đội, nơi chúng tôi tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng quân đội, còn tiến hành tập trận là để chúng tôi mài dũa khả năng chiến đấu thành thục cho binh lính và sĩ quan của chúng tôi. Ví dụ, Bộ Quốc phòng Nga hàng năm tiến hành Hội nghị Moskva về các vấn đề an ninh quốc tế và các cuộc thi đấu quân sự quốc tế, và các phái đoàn quân sự Trung Quốc thường xuyên tham gia cả các hội nghị, lẫn các cuộc thi đấu quân sự. Năm 2016, tham gia các cuộc thi đấu quân sự quốc tế có 12 đội thi gồm 1.000 quân từ Trung Quốc, còn năm 2017 là 6 đội với hơn 500 quân.
|
Lính Trung Quốc luyện tập tại căn cứ huấn luyện ở Bayingol |
Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đã tiến hành 5 cuộc tập trận chung lớn “Hợp tác trên biển”. Trong năm nay, các cuộc tập trận chung “Hợp tác trên biển - 2017” đã diễn ra thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 ở vùng biển Baltic vào cuối tháng 7/2017 và giai đoạn 2 ở vùng biển Nhật Bản và biển Okhotsk vào giữa tháng 9/2017. Các cuộc tập trận này là bước đi cụ thể nhằm tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ở giai đoạn mới và nhằm thúc đẩy sự hợp tác có tính thực giữa hải quân hai nước.
Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Trương Vạn Toàn đã gặp gỡ đồng nhiệm Nga Sergei Shoigu ở thủ đô Astana, Kazakhstan vào ngày 7/6/2017 trong hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Cũng hôm diễn ra cuộc gặp giữa hai bộ trưởng, Trung Quốc và Nga đã ký “lộ trình: hợp tác quân sự. Theo thông tin của Bộ quốc phòng Trung Quốc, “lộ trình” là kế hoạch hợp tác tổng thể giữa Trung Quốc và Nga giai đoạn 2017-2020. Việc ký kết “lộ trình” cho thấy sự tin tưởng lẫn nhau và hợp tác chiến lược ở mức độ cao. Cả hai nước đã vấp phải những mối đe dọa và thách thức mới trong lĩnh vực an ninh và cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực. Ở giai đoạn tiếp theo, hai bên sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển hợp tác quân sự.
Hai nước có một chương trình rất phong phó, không hề có giới hạn nào để tăng cường hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự, quan hệ song phương trong lĩnh vực quân sự là cởi mở và minh bạch. Trung Quốc và Nga không hợp tác để chống lại ai, việc đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi giữa hai nước trong lĩnh vực quân sự là nhằm củng cố an ninh khu vực và toàn cầu.
- Một số nhà phân tích và nhà báo Nga chuyên viết về mảng quân sự dè chừng với sự gia tăng sức mạnh chiến đấu của quân đội Trung Quốc. Họ nhiều lần viết về điều đó trên báo chí vì lo ngại rằng, sức mạnh đó có thể một lúc nào đó chuyển hướng chống lại đất nước chúng tôi. Ông có thể trả lời gì cho những lo ngại đó?
- Chính trị quyết định đường lối quân sự, còn chiến lược chính trị quyết định chiến lược quân sự. Việc một nước gây ra mối đe dọa cho những nước khác thường không phụ thuộc vào sức mạnh và quân đội của nước đó, mà vào chính sách đối nội của nó. Sự biến chuyển Trung Quốc từ một nước cực kỳ yếu và nghèo thành một chủ thể kinh tế lớn thứ hai thế giới được thực hiện không phải nhờ bành trướng quân sự và chiếm đoạt thực dân mà nhờ sự yêu lao động của nhân dân và mong muốn duy trì hòa bình bằng mọi giá của nhân dân.
Như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố trong báo cáo tại Đại hội ХIХ đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc sẽ giương cao lá cờ hòa bình, phát triển, hợp tác và thành công chung, cương quyết đi theo mục tiêu chính của chính sách đối ngoại của mình là bảo vệ hòa bình trên toàn thế giới và hỗ trợ cho phát triển chung. Trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, chúng tôi sẽ quyết tâm phát triển tình hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, khuyến khích hình thành mối quan hệ quốc tế kiểu mới dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và công bằng, hợp tác và thành công chung. Trung Quốc luôn sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình, cương quyết đi theo chính sách quân sự có tình phóng thủ. Sự phát triển của Trung Quốc không là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào. Dù Trung Quốc đạt đến trình độ phát triển nào thì cũng sẽ không bao giờ tham vọng ngôi vị bá quyền, sẽ không bao giờ tiến hành chính sách bành trướng.
Tháng 7/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm nhà nước đến Nga. Đây đã là chuyến thăm Nga thứ 6 của ông sau khi nhậm chức chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013. Trong chuyến thăm, nguyên thủ hai nước đã ký và công bố Tuyên bố chung về tiếp tục phát triển sâu sắc hợp tác toàn diện, đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược, thông qua Kế hoạch hành động nhằm hiện thực hóa Hiệp ước về láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác giai đoạn 2017-2020, quyết định thúc đẩy kết nối sáng kiến “Vành đại, con đường” và Liên minh Kinh tế Á-Âu, hỗ trợ phát triển và phồn vinh trên lục địa Á-Âu. Có thể nói rằng, chuyến thăm này đã tạo xung lực mới cho sự phát triển đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược Nga-Trung.
Tập Cận Bình và Tổng thống Putin nhất trí ở chỗ cho rằng, hiện nay quan hệ Trung-Nga đang trải qua thjowif kỳ tốt đẹp nhất trong suốt lịch sử. Dù tình hình bên ngoài có thay đổi thế nào, sự quyết tâm và tin tưởng của hai nước vào sự phát triển và làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược vẫn là không thể lay chuyển. Hai nước cũng sẽ tiếp tục coi quan hệ song phương là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình, tiếp tục ủng hộ lẫn nhau về các vấn đề liên quan đến các lợi ích quan trọng sống còn của nhau, tích cực xúc tiến hợp tác đa phương diện để quan hệ song phương phát triển ở trình độ cao, trở thành động lực sự phát triển của mỗi bên và nâng cao vị thế hai nước chúng ta, cũng như là hòn đá tảng duy trì hòa bình và ổn định trên toàn thế giới.
Nguồn: Viktor Litovkin // Tass, NVO, 8.12.2017.