Trên cơ sở kết quả phân tích các cuộc tập trận chiến lược và các công trình nghiên cứu khoa học, giới lãnh đạo chính trị-quân sự Trung Quốc cho rằng, chỉ các hệ thống tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) và tầm trung cơ động mới có khả năng sống còn cao, tính bí mật và tính độc lập trong hoạt động, có các khả năng chiến đấu để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương, bảo vệ và né tránh các cuộc tiến công toàn cầu của vũ khí siêu vượt âm. Người ta nhấn mạnh rằng, sau khi đối phương thực hiện các đòn tiến công phủ đầu bằng tên lửa hạt nhân, các hệ thống tên lửa cơ động sống sót có khả năng gây ra tổn thất không thể chấp nhận cho kẻ xâm lược trong các cuộc tiến công đáp trả.
Cần thừa nhận rằng, các quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc dựa trên kết quả khái quát và phân tích có tính hệ thống nhiều tài liệu thông tin về kinh nghiệm xây dựng, phát triển và sử dụng các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất và đường sắt.
Do đó, quân đội Trung Quốc đặc biệt chú trọng hiện đại hóa các hệ thống tên lửa chiến lược cơ động hiện có và đang phát triển, cũng như hoàn thiện các hình thức và phương thức tác chiến cơ động của chúng trong các điều kiện tình huống khác nhau.
Phân tích hiện trạng của các hệ thống tên lửa chiến lược cơ động của Trung Quốc
Hiện nay, Lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc được triển khai tại 6 căn cứ tên lửa và bao gồm gần 180 bệ phóng và tên lửa sẵn sàng chiến đấu trang bị 1 đầu đạn (các hệ thống tên lửa bố trí trong giếng phóng trang bị ICBM DF-5 (Đông Phong 5), các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất trang bị ICBM DF-31 và DF-31А, các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất trang bị tên lửa đường đạn tầm trung DF-21 và DF-21А (Xem “Hans M. Kristensen and Robert S. Norris, Chinese nuclear forces, 2015”). Các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất trang bị chiếm hơn một nửa Lực lượng tên lửa Trung Quốc, điều đó khẳng định quan điểm của giới lãnh đạo chính trị-quân sự Trung Quốc về vai trò và tầm quan trọng gia tăng của thành phần cơ động trong các lực lượng tiến công chiến lược trong giải quyết các nhiệm vụ kiềm chế, răn đe và sát thương hạt nhân đối với các đối thủ tiềm tàng trong các hành động đáp trả.
Điều rõ ràng là tương quan số lượng ICBM và tên lửa đường đạn tầm trung trong cơ cấu các lực lượng tiến công chiến lược của Trung Quốc không cho thấy nỗ lực của giới lãnh đạo Trung Quốc gia tăng biên chế chiến đấu của các ICBM để thực hiện các cuộc tiến công tên lửa hạt nhân nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ. Đồng thời, xu hướng gia tăng biên chế các tên lửa đường đạn tầm trung cơ động khẳng định sự ưu tiên của nhiệm vụ kiềm chế hạt nhân khu vực và tiêu diệt các mục tiêu, cụm quân (lực lượng) của Mỹ và đồng minh của Mỹ ở Viễn Đông, Đông Nam Á, cũng như căn cứ quân sự Guam ở Thái Bình Dương.
Kết quả phân tích các nguồn tài liệu công khai nước ngoài cho phép đưa ra các kết luận sau đây về các tính năng kỹ-chiến thuật có thể của các ICBM cơ động DF-31, DF-31А.
Tính năng kỹ-chiến thuật có thể của các ICBM cơ động DF-31, DF-31А
Tính năng kỹ-chiến thuật | DF-31 | DF-31A |
Tầm bắn tối đa, km | 8.000 | 10.000-14.000 |
Chiều dài tên lửa, m | 13-16 | 18,7 |
Đường kính tối đa của tên lửa, m 2,0 | | 2,0 |
Trọng lượng phóng, t | 42 | 63 |
Loại phần chiến đấu | Đơn khối (hoặc 3-4 đầu đạn dẫn độc lập) | Đơn khối (hoặc 3-4 đầu đạn dẫn độc lập) |
Đương lượng nổ của đầu đạn hạt nhân, MT | ? | ? |
Tải trọng hữu ích, t | ? | ? |
Độ chính xác, m | Gần 300 | Gần 300 |
Hệ dẫn | Quán tính | Quán tính |
Số lượng tầng | 3 (động cơ tên lửa nhiên liệu rắn) | 3 (động cơ tên lửa nhiên liệu rắn) |
Theo đánh giá của các chuyên gia Mỹ, các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất trang bị DF-31, DF-31А có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ và các quốc gia khác trong tầm với của các tên lửa này. Các nhược điểm chính của chúng là chỉ được trang bị 1 đầu đạn, hệ thống chỉ huy chiến đấu của hệ thống tên lửa cơ động từ trạng thái hành quân và bố trí ở các trận địa phóng dã chiến ở xa chưa hiện đại, thời gian chuẩn bị phóng cho tên lửa dài. Ngoài ra, biên chế đầy đủ của các khí tài của các hệ thống tên lửa cơ động không được nêu ra.
Liên quan đến các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất biên chế các tên lửa đường đạn tầm trung DF-21, DF-21А, thì các chuyên gia Mỹ cho rằng, các phần chiến đấu của DF-21А có thể được trang bị hệ dẫn hiệu chỉnh thiên văn chính xác cao. Các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất này có khả năng cơ động cao, có khả năng đột phá hiệu quả hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tiêu diệt các cụm quân (lực lượng) của Mỹ và đồng minh trong khu vực này.
Cần lưu ý rằng, Bộ tư lệnh Lực lượng tên lửa quân đội Trung Quốc đang thực hiện tổ hợp các biện pháp nhằm duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lữ đoàn tên lửa cơ động mặt đất. Hàng năm, với mỗi lữ đoàn đều tiến hành các hoạt động huấn luyện tác chiến nhằm luyện tập các nhiệm vụ đưa đơn vị vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, rời khu vực trú quân và phân tán tại các trận địa phóng dã chiến huấn luyện, thực hành cơ động thay đổi trận địa phóng dã chiến, bảo đảm khả năng sống còn và bí mật hoạt động, tổ chức phối hợp với các đơn vị của lục quân, không quân và hải quân, khắc phục hậu quả đối phương tiềm tàng sử dụng vũ khí hủy diệt lớn, phục hồi khả năng chiến đấu, chuẩn bị và thực hành các cuộc tấn công tên lửa hạt nhân tưởng định.
Trong thời bình, các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất nằm ở các điểm trú đóng thường xuyên trong những nơi trú ẩn kiên cố (hang, hầm và đường hầm) và rõ ràng là ở mức độ sẵn sàng phóng thấp hơn. Các tên lửa được cất giữ trong các contenơ và vận chuyển bằng các xe đầu kéo kiêm bệ phóng. Khi Lực lượng tên lửa chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến, các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất rời căn cứ đến các trận địa phóng chiến đấu dã chiến lựa chọn và chuẩn bị trước về mặt công trình và trắc địa, số lượng các trận địa này đến 4-6. Tốc độ di chuyển tối đa của các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất trên đường nhựa là đến 60 km/h. Định kỳ tiến hành luyện tập các bài tập hành quân và triển khai các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất tại các trận địa phóng chiến đấu dã chiến ở xa.
Theo kết quả phân tích các từ liệu ảnh, các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất của Trung Quốc không được trang bị các thiết bị ngắm bắn-dẫn đường hiện đại. Việc ngắm bắn tên lửa được thực hiện sau khi dựng tên lửa theo phương thẳng đứng, đây là yếu tố gây bộc lộ cao. Dự đoán, tên lửa được phóng nhờ thiết bị tích áp khí thuốc, sau đó động cơ tên lửa tầng 1 khởi động ở độ cao gần 25 m.
Tính năng kỹ-chiến thuật có thể của các tên lửa đường đạn tầm trung DF-21, DF-21A theo Jane’s Weapons Strategic, 2013-2014
Tính năng kỹ-chiến thuật | DF-21 | DF-21A |
Tầm bắn tối đa, km | 2.150 | 2.550 |
Chiều dài tên lửa, m | 10,5 | 12,3 |
Đường kính tối đa của tên lửa, m | 1,4 | 1,4 |
Trọng lượng phóng, t | 14,7 | 14,7 |
Loại phần chiến đấu | Đơn khối | ? |
Đương lượng nổ của đầu đạn hạt nhân, MT | ? | ? |
Tải trọng hữu ích, t | ? | ? |
Độ chính xác, m | 700 | 50 |
Hệ dẫn | Quán tính | Quán tính |
Số lượng tầng | 2 (động cơ tên lửa nhiên liệu rắn) | 2 (động cơ tên lửa nhiên liệu rắn) |
Dự đoán các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất của Trung Quốc không có khả năng phóng từ các tuyến đường di chuyển, có thời gian chuẩn bị hành quân và đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu tại các trận địa bắn dã chiến dài. Cũng có những vấn đề về tổ chức trinh sát các tuyến đường di chuyển, bảo vệ và phòng thủ các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất trên đường hành quân và tại các điểm dừng. Khả năng của hệ thống chỉ huy/điều khiển tự động hóa vũ khí tên lửa hạt nhân không bảo đảm được chắc chắn việc truyền đưa các mệnh lệnh (tín hiệu) phóng tên lửa trong điều kiện địa hình phức tạp.
Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất loại này dễ dàng bị các phương tiện trinh sát vũ trụ phát hiện và nhận dạng nên khiến giới lãnh đạo chính trị-quân sự rất lo ngại và yêu cầu có những biện pháp đặc biệt để bảo đảm ngụy trang và bí mật.
Triển vọng phát triển các hệ thống tên lửa chiến lược cơ động của Trung Quốc
Theo các nguồn tin nước ngoài, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đang thực hiện một tổ hợp các chương trình hiện đại hóa các hệ thống tên lửa chiến lược cơ động mặt đất trang bị các ICBM DF-31, DF-31А.
Đồng thời, họ cũng đang tiến hành phát triển một loại ICBM vạn năng cơ động tiên tiến (bằng cách hiện đại hóa sâu DF-31А) và nhận vào trang bị vào năm 2020. Khi phát triển tên lửa này, có áp dụng các giải pháp thiết kế-công nghệ đã áp dụng ở các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất và hệ thống tên lửa trên đường sắt của Nga. Họ cũng nhấn mạnh, hệ thống tên lửa cơ động đầu tiên dự kiến được triển khai ở tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc. Điều đó sẽ bảo đảm tên lửa bay đến các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ qua khu vực Bắc Cực hay qua Thái Bình Dương.
ICBM mới DF-41 sẽ có các tầng hoàn thiện hơn về mặt năng lượng, phần chiến đấu kiểu tách với các đầu đạn dẫn độc lập (MIRV) và độ chính xác bắn cao hơn. Với mục đích đó, tầng tách đầu đạn và hệ thống điều khiển tên lửa đang được cải tiến, phần chiến đấu được trang bị các thiết bị hiệu chỉnh thiên văn cho các đầu đạn ở giai đoạn bay cuối. Ngoài ra, ICBM này dự kiến được trang bị tổ hợp các phương tiện đột phá hiệu quả hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Đồng thời, cũng có những thông tin trái ngược về cách thức bố trí tên lửa mới. Phương án cơ bản dự kiến là sử dụng khung gầm xe nhiều trục do Belarus cung cấp, hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Bắc Kinh và Minsk liên quan đến việc cung cấp, sửa chữa, giám sát của nhà sản xuất và giám sát bảo hành đối với các khung gầm do hãng MZKT của Belarus sản xuất đang được mở rộng. Công ty liên doanh Belarus-Trung Quốc sản xuất tổng thành quan trọng và phức tạp nhất của khung gầm nhiều trục là bộ truyền động thủy-cơ đang hoạt động hiệu quả. Đã có tin về việc tiến hành chạy thử khung gầm 8 trục mang mô hình tên lửa đặt trong ống phóng dài.
Trong khi đó, theo tờ The Washington Free Beacon, Trung Quốc đã phóng thử thành công tên lửa mới từ module phóng trên đường sắt. Cũng có tin Trung Quốc dự định cho tàu hỏa mang tên lửa thử nghiệm cơ động đến trận địa dã chiến trên trường thử và tiến hành phóng thử tên lửa và tập luyện cơ động tại khu vực trận địa huấn luyện. Về thời hạn hoàn thành dự án hệ thống tên lửa trên đường sắt, chỉ biết rằng, các chuyên gia Trung Quốc đã đưa được hệ thống tên lửa cơ động tương lai đến giai đoạn thử nghiệm bay-thiết kế đầu tiên đối với bệ phóng trên đường sắt và tên lửa với việc chuyển sang tiến hành các thử nghiệm tổ hợp.
Tính năng kỹ-chiến thuật có thể của tên lửa mới trang bị cho hệ thống tên lửa cơ động mặt đất và hệ thống tên lửa trên đường sắtTầm bắn tối đa, km | 12.000-15.000 |
Chiều dài tên lửa, m | 21,0 |
Đường kính tối đa của tên lửa, m | 2,25 |
Trọng lượng phóng, t | 80 |
Số lượng đầu đạn | 1 đầu đạn đơn khối hoặc phần chiến đấu MIRV (6-10 đầu đạn) |
Đương lượng nổ của đầu đạn, MT | 1 MT (đầu đạn đơn khối) hoặc 20, 90, 150 KT (MIRV) |
Tải trọng hữu ích, t | ? |
Sai số tối đa, m | 100-500 |
Hệ dẫn | Quán tính và hiệu chỉnh thiên văn |
Số lượng tầng | 3 (động cơ tên lửa nhiên liệu rắn) |
Đồng thời, Lực lượng tên lửa Trung Quốc cũng đang hoàn thiện các hình thức và phương pháp hiện có và nghiên cứu thử nghiệm các hình thức và phương pháp mới sử dụng các hệ thống tên lửa chiến lược cơ động. Họ đặc biệt chú ý việc giải quyết các vấn đề bí mật cơ động ra khỏi các điểm đóng quân thường xuyên, tiến hành cơ động chiếm lĩnh (thay đổi) trận địa phóng dã chiến, chuẩn bị và thực hiện các cuộc tấn công tên lửa hạt nhân giả định vào các mục tiêu của đối phương.
Căn cứ vào đặc thù của Trung Quốc, họ đang thao dượt các hình thức và cách thức khác thường nhằm bảo đảm khả năng sống còn, tính bí mật và khả năng hoạt động độc lập của các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất và hệ thống tên lửa trên đường sắt. Ví dụ, khi tối ưu hóa các thời hạn phân tán các hệ thống tên lửa cơ động tương lai thuộc cả 2 loại trên, trước hết có tính đến các nguy cơ hiện hữu và dự báo bị tên lửa hành trình Tomahawk Block 4 phóng từ tàu ngầm lớp Ohio của Hải quân Mỹ tấn công. Kết quả mô hình hóa do các nhà phân tích Trung Quốc thực hiện cho thấy, khi các tàu ngầm Mỹ tuần tra chiến đấu cách các địa điểm trú đóng của các lữ đoàn tên lửa Trung Quốc 2.500-4.000 km, thời gian để các tên lửa hành trình bay đến mục tiêu là đến 16 phút, cho phép tiêu diệt các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất ngay tại các điểm trú đóng thường xuyên và các trận địa phóng dã chiến phát hiện được. Theo quan điểm của giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc, các điều kiện chính bảo đảm khả năng sống còn và bí mật của các hệ thống tên lửa cơ động là bí mật cơ động, triển khai và ngụy trang tổ hợp tại các trận địa phóng dã chiến. Điều quan trọng cần chú ý là Trung Quốc cho rằng, việc cơ động nhiều nhằm thay đổi trận địa dã chiến là các dấu hiệu gây bộc lộ mạnh các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất mà trinh sát vũ trụ và điệp báo đối phương tiềm tàng dễ dàng phát giác.
Cần lưu ý rằng, việc nghiên cứu xây dựng các phương thức tác chiến cơ động cho các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất và hệ thống tên lửa trên đường sắt hiện có và tương lai được tiến hành có tính đến triển vọng phát triển các phương tiện trinh sát vũ trụ của các quốc gia hàng đầu nhằm phát hiện, nhận dạng và bám các hệ thống tên lửa cơ động. Trên cơ sở mô hình hóa trò chơi dạng “hệ thống tên lửa cơ động” - “radar vũ trụ của Mỹ”, người ta đánh giá hiệu quả của các phương tiện trinh sát vũ trụ và các biện pháp đối phó.
|
Cần Căn cứ vào tình hình chính trị-quân sự thế giới hiện nay, Bắc Kinh cho rằng cần phải cải cách mạnh mẽ quân đội Trung Quốc |
Trung Quốc cũng đang nghiên cứu đưa ra một tập hợp các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức-kỹ thuật ngụy trang để đảm bảo bí mật cho hoạt động phân tán và đa dạng hóa cách bố trí của bộ phận của hệ thống tên lửa tại trận địa. Các biện pháp đó bao gồm: bố trí các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất trong các đường hầm và hang động; xây dựng các công trình giả, sử dụng các thiết bị nghi trang tổng hợp về trực quan, hồng ngoại, radar và tần số vô tuyến điện; sử dụng lưới ngụy trang đa phổ; lựa chọn các tuyến đường phân tán và cơ động giữa những ngọn đồi, ở vùng rừng núi và dân cư thưa thớt; lựa chọn mạng lưới đường bộ được che phủ hoàn toàn bởi cây cối và có tính đến các góc chết đối với hoạt động quan sát của vệ tinh đối phương; trồng thêm cây cối trên các tuyến đường di chuyển; tiến hành diễn tập trong đêm và điều kiện tầm nhìn hạn chế; di chuyển ở chế độ im lặng vô tuyến hoàn toàn, tạo giả các đoàn xe và trận địa dã chiến bằng các mô hình phương tiện, khí tài….
Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc cho rằng, sự hiện diện của các hệ thống tên lửa cơ động trong biên chế Lực lượng tên lửa và việc không có thông tin tin cậy về việc bố trí chúng tại các trận địa phóng dã chiến sẽ buộc kẻ địch tiềm tàng khi lên kế hoạch tiêu diệt chúng với tư cách các mục tiêu diện, phải sử dụng nhiều hơn đầu đạn hạt nhân. Bắc Kinh coi việc Mỹ cắt giảm biên chế chiến đấu của lực lượng tiến công chiến lược theo quy định của Hiệp ước Hạn chế và cắt giảm vũ khí chiến lược Nga-Mỹ (START) và đề nghị lãnh đạo Nga đàm phán cắt giảm sâu hơn nữa vũ khí tiến công chiến lược là yếu tố có lợi cho Trung Quốc.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc còn tính đến cả các mặt yếu của các hệ thống tên lửa cơ động: xe máy, trang bị, phương tiện có kích thước, trọng lượng lớn; có nhiều dấu hiệu gây bộc lộ; các phương tiện chiến đấu sơ hở và được bảo vệ không đủ mạnh trước các cuộc tiến công đường không và mặt đất của đối phương, các toán thám báo-phá hoại và tấn công khủng bố; sự phụ thuộc vào thời gian phân tán binh khí kỹ thuật và cơ động vào điều kiện thời tiết theo mùa và khả năng giao thông trên địa hình; cần tính đến các tiêu chuẩn đường sá quốc gia đối với phương tiện kỹ thuật và giao thông đường sắt, cũng như phải chuẩn bị sẵn các tuyến đường và trận địa phóng dã chiến; chi phí lớn cho chuẩn bị công trình các tuyến đường di chuyển, gia cường các công trình đường sá, cầu cống; khó đáp ứng các yêu cầu ngụy trang vô tuyến điện...
Trung Quốc cũng đang hiện đại hóa các hệ thống tên lửa cơ động trang bị các tên lửa tầm trung DF-21, DF-21А. Trung Quốc dự kiến triển khai thêm các đơn vị trang bị các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất hiện có và tương lai trong tổ chức biên chế các lữ đoàn tên lửa hiện có.
Theo các chuyên gia nước ngoài, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, nhờ tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế, ngành chế tạo máy hạng nặng, những khoản đầu tư lớn vào các ngành công nghiệp then chốt, có khả năng chế tạo các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất và hệ thống tên lửa trên đường sắt tiên tiến trong tương lai gần.
Cần lưu ý rằng, Trung Quốc hiện có mạng lưới đường sắt và đường ô tô rộng lớn, cho phép giữ bí mật tốt cho hoạt động và tạo sự bất định về vị trí của các hệ thống tên lửa cơ động. Ví dụ, độ dài đường sắt của Trung Quốc là hơn 133.000 km, trong đó độ dài các tuyến đường sắt 2 làn là hơn 32.000 km, độ dài các tuyến đường sắt điện khí hóa là gần 24.000 km. Tốc độ trung bình của tàu hàng là 60-100 km/h, trên các tuyến đường sắt chính là đến 100 km/h. Tổng số đầu tàu là 22.500. Tổng độ dài đường ô tô mặt cứng, mọi thời tiết là gần 4.000.000 km, trong đó có 125.000 km là cao tốc và đường nhựa cấp 1. Các chuyên gia cũng lưu ý tính rộng lớn và chằng chịt của các đường ô tô và đường sắt tại các vùng biên giới tiếp giáp với Nga.