Vietnamdefence.com

 

Hải quân Trung Quốc: Trường kiếm viễn chinh

VietnamDefence - Hải quân Trung Quốc chuẩn bị công phá đại dương.

Tại các xưởng đóng tàu Trung Quốc đang khởi công và đóng những tàu khu trục mới trang bị tên lửa có điều khiển. Các tàu trong biên chế hạm đội, kể cả các tàu mua từ Nga, đang được hiện đại hóa triệt để.

Tại Xưởng đóng tàu Jiangnan Chanxing ở Thượng Hải của Tổng công ty đóng tàu quốc gia Trung Quốc đã hoàn thành lắp ráp thân tàu đầu tiên vốn bắt đầu từ ngày 1/10/2010 và đang thi công thân tàu thứ hai và thứ ba của lớp tàu khu trục hạng nặng trang bị tên lửa có điều khiển Type 055. Tháng 5/2016, trên triền đà đã thấy rõ các đường nét của con tàu đầu tiên. Từ ngày 7/8/2016, đã bắt đầu lắp ráp các bộ phận của phần thượng tầng, đang tiến hành công việc lắp đặt. Tàu khu trục thứ tư lớp Type 055 đang được chuyên gia của cùng công ty đóng ở Đại Liên tiến hành. Theo các nguồn tin Trung Quốc, loạt tàu này sẽ gồm 12 chiếc. Hải quân Trung Quốc sẽ nhận được chiếc đầu tiên vào đầu năm 2018.

Trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất cho tàu chiến

Tàu khu trục tên lửa lớp Type 055 có các tính năng kỹ-chiến thuật như sau: chiều dài 183 m, chiều rộng 22 m, mớn nước 8 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 9.000 tấn, lượng giãn nước toàn phần 12.300 tấn, tốc độ tối đa 32 hải lý/h, cự ly hành trình 7.000 hải lý, thủy thủ đoàn 310 người.

Vũ khí của tàu khá hiện đại. Ở phần mũi tàu, bố trí 1 ụ pháo H/PJ-38 130 mm, nhưng trong tương lai sẽ lắp 1 pháo 155 mm; một bệ phóng thẳng đứng với 64 ngăn phóng, cho phép sử dụng các tên lửa hành trình CJ-10 (Trường kiếm 10), tên lửa chống hạm YJ-12 (Ưng kích 12), YJ-18, YJ-83, tên lửa phòng không có điều khiển HHQ-9 (Hải hồng kỳ 9), HHQ-16. Bệ phóng thứ hai với 64 ngăn phóng được bố trí sau cầu tàu chính và ống khói và chứa các tên lửa hành trình tấn công mặt đất.

Tính năng kỹ-chiến thuật của tên lửa hành trình CJ-10: chiều dài 8,3 m, đường kính 0,68 m, tốc độ tối đa 0,75 M, độ cao bay 50-150 m, trọng lượng phóng 2.500 kg, trọng lượng phần chiến đấu 300-500 kg.

Theo các nguồn tin Trung Quốc, khi chế tạo tên lửa CJ-10, các chuyên gia của Viện nghiên cứu số 3 của Tổng công ty KHKT Hàng không vũ trụ Trung Quốc đã sử dụng các bộ phận của tên lửa hành trình chiến lược Kh-55 của Nga và tên lửa hành trình  BGM-109 Tomahawk của Mỹ. Các mẫu tên lửa Tomahawk do Trung Quốc mua lại từ Taliban sau nỗ lực bất thành tiêu diệt Osama bin Laden của Hải quân Mỹ ở Afghanistan.

Đây là lần đầu tiên tên lửa hành trình được bố trí trên tàu chiến nổi của hải quân Trung Quốc do nhu cầu về tính đa năng, trong đó có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất nằm xa đường bờ biển.
 
Để đối phó với các lực lượng tàu mặt nước của đối phương, trong bệ phóng thẳng đứng của tàu khu trục lớp Type 055 có lắp các tên lửa chống hạm YJ-12, YJ-18, YJ-83. Trong hải quân Trung Quốc, đây cũng là lần đầu tiên bố trí 3 loại tên lửa chống hạm trên một tàu chiến. Cách tiếp cận này sẽ cho phép hoàn thành các loại hình nhiệm vụ khác nhau với chi phí thấp nhất.

Nhiệm vụ bảo vệ tàu chống máy bay và tên lửa chống hạm của đối phương được giao phó cho các tên lửa phòng không có điều khiển của hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HHQ-9 và hệ thống tên lửa phòng không tầm trung HHQ-16B.

Để phòng không tầm gần, tàu được trang bị 1 ụ pháo phòng không 11 nòng Type 1130 cỡ 30 mm. Để tác chiến chống mục tiêu trên không, trên nóc nhà chứa trực thăng sẽ lắp bệ phóng của hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn HHQ-10 với cơ số đạn 24 tên lửa, tầm bắn tối đa 12 km.

Có thể, các bệ phóng thẳng đứng sẽ cho phép phóng các tên lửa chống ngầm có điều khiển Yu-8 (Ngư 8) và Yu-11 với tầm bắn tương ứng là 50 và 150 km. Để bảo đảm sử dụng các loại đạn trên, tàu có trạm thủy âm lắp trong chụp rẽ dòng ở mũi tàu và trạm thủy âm kéo thụ động-chủ động, cũng như các trạm thủy âm thả từ các trực thăng chống ngầm trên hạm. Chiến thuật như sau: Tàu mang nhận từ trực thăng thông tin phát hiện tàu ngầm địch và thực hành phóng mò. Sau khi phóng đi, tên lửa nhận dữ liệu qua kênh của hệ thống dẫn đường, khi cần thì vòng ngoặt để chuyển hướng và chạy tới mục tiêu. Trạm thủy âm của trực thăng chống ngầm bảo đảm dẫn ngư lôi và tính toàn thời gian chính xác để ngư lôi tách khỏi động cơ phản lực. Theo ý tưởng của các chuyên gia Trung Quốc, Yu-11 sẽ đến khu vực tấn công sao cho kẻ địch không còn thời gian thực hiện thao tác cơ động chống ngư lôi.
 
Tàu khu trục lớp Type 055 (indianmilitarynews.com)

Hoàn toàn có thể là các tàu khu trục lớp Type 055 sẽ là thành phần trên biển của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Trung Quốc khi các bệ phóng thẳng đứng được lắp các tên lửa đánh chặn HQ-19 và HQ-26. Tàu có thể sử dụng các loại tên lửa này nhờ có các radar với anten mạng pha chủ động băng Х (Type 364Х, tầm giám sát không trung tối đa 600 km) và băng S (Type 364S, tầm phát hiện mục tiêu bay tối đa 400 km) do Viện nghiên cứu 14 thuộc Tập đoàn China Electronics Technology Group Corporation đang phát triển. Các radar này được lắp đặt trong cột tàu tích hợp duy nhất dạng kín.

Ngoài ra, trên tàu khu trục sẽ có các hệ thống liên lạc vô tuyến điện sóng cực ngắn (UHF), các phương tiện tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện tử và trinh sát khí tượng, truyền dữ liệu số mã hóa (dạng LINK). Các tàu này cũng được trang bị các phương tiện liên lạc vệ tinh và định vị vệ tinh Bắc Đẩu.

Bốn động cơ turbine khí QC-280 có tổng công suất 113 MW bảo đảm cho tàu chạy thông qua các động cơ điện. Điều đó sẽ cho phép giảm mạnh độ rung và độ ồn, có nghĩa là gây khó khăn cho đối phương trong việc phát hiện tàu.

Chi phí đóng một tàu khu trục tên lửa lớp Type 055 ước 5-6 tỷ nhân dân tệ.

Nâng cấp các tàu khu trục cũ

Việc hiện đại hóa các tàu khu trục thuộc các lớp khác nhau hiện có trong biên chế hải quân Trung Quốc được tiến hành theo hai hướng: thay thế các hệ thống vũ khí và trang thiết bị vô tuyến điện tử.

Tàu khu trục Thâm Quyến số 167 lớp Type  051В (NATO gọi là lớp Lữ Hải)
 
Tàu khu trục Thâm Quyến số hiệu 167 lớp Type  051В (Pcdvd.com.tw)
Theo các nguồn tin Trung Quốc, trên tàu khu trục số hiệu 167, bệ phóng tên lửa phòng không HHQ-7 cơ giới hóa  sẽ được thay thế bằng bệ phóng thẳng đứng 32 ngăn phóng tên lửa phòng không HHQ-16B, nên sẽ cho phép nâng cao hàng chục lần khả năng đánh chặn mục tiêu bay. Để có thể lắp bệ phóng thẳng đứng, một phần thượng tầng đã bị gỡ bỏ.

Tên lửa chống hạm YJ-62 được thay thế bằng các tên lửa chống hạm YJ-83 hiện đại hơn, lắp hệ dẫn có khả năng chống nhiễu và phần chiến đấu uy lực hơn.

Ụ pháo 2 nòng Type 76 cỡ 100 mm hiện vẫn được giữ nguyên, song trong tương lai hoàn toàn có thể bị thay thế bằng ụ pháo hiện đại hơn với tháp pháo có độ bộc lộ radar nhỏ hơn.

Hai khẩu pháo phòng không 11 nòng Type 1130 có 2 chế độ bắn 2.500 và 3.500 phát/phút được lắp thay thế cho 4 pháo phòng không 2 nòng 37 mm lạc hậu.

Tính năng kỹ-chiến thuật của các loại tên lửa phòng không HHQ-9 và HHQ-16B
Tính năngHHQ-9 HHQ-16B
Chiều dài, m6,85,5 
Đường kính thân, m0,470,4
Trọng lượng phóng, kg1.300700
Trọng lượng phần chiến đấu, kg180-
Tầm bắn máy bay, km20-15070
Tầm bắn tên lửa hành trình, km5-2510-15
Độ cao tác chiến tối đa, km2720
Bán kính sát thương của phần chiến đấu tạo mảnh, m3520
Tốc độ bay tối đa, m/s1.300-

Radar sục sạo mục tiêu mặt nước 360S được thay thế bằng radar 3 D Type 382 hiện đại hơn. Radar này cung cấp dữ liệu dẫn đường đến hệ thống điều khiển hỏa lực AKJ-16 để sử dụng tên lửa chống hạm. Radar sục sạo mục tiêu mặt nước và trên không lạc hậu Type 381А sẽ được thay thế bằng radar hiện đại hơn Type 364В dùng để dẫn tên lửa phòng không có điều khiển HHQ-16B.

Radar Type 366 đảm nhiệm nhiệm vụ điều khiển hỏa lực ụ pháo tàu. Việc sử dụng các trạm radar nói trên đã cho phép giảm tổng số lượng khí tài vô tuyến điện tử, tăng tầm phát hiện và bám mục tiêu, việc điều khiển vũ khí trên tàu trở nên đơn giản hơn. Việc hiện đại hóa trang thiết bị cho phép bố trí hệ thống tác chiến điện tử đa kênh mới  .

Các chuyên gia đóng tàu Trung Quốc đã cải tạo nhà chứa trực thăng để chứa được 2 trực thăng hạng nhẹ.

Tàu khu trục Quảng Châu số hiệu 168 lớp Type  052В Quảng Châu (NATO gọi là lớp Lữ Dương I)
 
Tàu khu trục Quảng Châu lớp Type  052В (flot.com)

Tại Xưởng đóng tàu Jiangnan Changxing đang tiến hành hiện đại hóa tàu khu trục viễn dương Quảng Châu số hiệu 168 vốn được hạ thủy vào năm 2004. Các chuyên gia đóng tàu sẽ thay thế ụ pháo 1 nòng Type 87 cỡ 100 mm bằng ụ pháo 130 mm H/PJ-38, nên tăng được tầm bắn. Bệ phóng thẳng đứng 32 ngăn phóng dành cho hệ thống tên lửa phòng không HHQ-16B sẽ được lắp thay thế hệ thống tên lửa phòng không М-22 Uragan tầm bắn 25 km và cơ số đạn 24 tên lửa. Ở phần đuôi tàu lắp đặt một bệ phóng quay dành cho hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn HHQ-10 với cơ số đạn 24 tên lửa. Điều đó sẽ cho phép cải tạo nhà chứa trực thăng để chứa được 2 trực thăng chống ngầm. Về nguyên tắc, các pháo phòng không khá hiện đại Type 730 sẽ được thay thế bằng pháo phòng không Type 1130, cho phép tăng mật độ hỏa lực pháo phòng không khi tác chiến chống các mục tiêu khí động và đường đạn ở tuyến bắn tự vệ của tàu.

Các bệ phóng nghiêng ST-16M dành cho tên lửa chống hạm Ưng kích sẽ vẫn được giữ nguyên, nhưng sẽ cải tiến để phù hợp với cả các tên lửa hiện đại hơn.

Tóm lại, khi hoàn thành nâng cấp, tàu khu trục Thâm Quyến sẽ có các hệ thống phòng không mới, ụ pháo tàu sẽ cho phép tiêu diệt mục tiêu mặt đất ở tầm hơn 50 km. Tuy nhiên, việc hiện đại hóa sẽ không cho phép tàu này tấn công bằng tên lửa hành trình, điều mà các tàu có lượng giãn nước nhỏ hơn nhiều hiện đã có thể làm được.

Hoàn toàn có thể là tàu khu trục Vũ Hán số hiệu 169 cùng lớp cũng sẽ được nâng cấp theo cách tương tự.

Tàu khu trục lớp Hàng Châu Project 956E
 
Tàu khu trục Hàng Châu số hiệu 136 lớp Project 956E (navsource.narod.ru)

Tàu khu trục số hiệu 136 thuộc biên chế Hạm đội Nam Hải của hải quân Trung Quốc cũng đã được hiện đại hóa. Trong số các hệ thống vũ khí lắp đặt ở Nga, chỉ còn giữ lại 2 ụ pháo АK-130. Ở phần mũi, đã lắp thêm bệ phóng quay của hệ thống tên lửa phòng không tầm gần HHQ-10 với cơ số đạn 24 tên lửa. Ở phần thượng tầng trên boong đã lắp bệ phóng thẳng đứng với 16 ngăn phóng dành cho hệ thống tên lửa phòng không HHQ-16B thay cho hệ thống tên lửa phòng không М-22 Uragan nguyên bản của Nga, cũng như lắp 8 bệ phóng thẳng đứng dành cho tên lửa hành trình CJ-10 hoặc tên lửa chống ngầm Yu-8. Phía trước buồng lái có lắp hệ thống quang-điện tử dùng để phát hiện và bám mục tiêu ở các dải quang học và hồng ngoại.

Trên nóc buồng lái có lắp radar sục sạo do Trung Quốc sản xuất. Bên trên nó lắp radar điều khiển hỏa lực pháo Type 347.

Trên đỉnh cột tàu chính là radar 3D sục sạo mục tiêu bay Type 382, trên các giá nhô ra có lắp các hệ thống nhận dạng địch-ta và trạm dẫn đường.

Hai bên mạn tàu bố trí các bệ phóng nghiêng dành cho tên lửa chống hạm YJ-12, cũng như các bệ phóng nhiều nòng để phóng nhiễu xon khí và nhiễu điện từ Type 726-4.

Trên cột tàu thứ hai có thiết kế mới lắp radar sục sạo Type 364, các anten liên lạc vệ tinh cải tiến.

Tính năng kỹ-chiến thuật của các tên lửa chống hạm YJ-12, YJ-18, YJ-83
Tính năngYJ-12YJ-18YJ-83 (C-803)
Chiều dài, m6,3 (7)86,86
Đường kính, m0,60,340,36
Trọng lượng phóng, kg2.000 (2.500)700850
Trọng lượng phần chiến đấu, kg500300165
Tầm bắn tối đa, km640220250
Tốc độ bay tối đa, M432,8
Hai bên sân đáp trực thăng bố trí các ụ pháo phòng không 11 nòng 30 mm Type 1130 với radar và hệ thống phát hiện/bám mục tiêu quang-điện tử riêng.

Ngoài ra, tàu còn được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử mới do Trung Quốc sản xuất, các xuồng đáy cứng và các bè cứu hộ.

Nếu các chuyên gia Trung Quốc tích hợp thành công tất cả các hệ thống trên, tàu khu trục Hàng Châu hiện đại hóa sẽ là ví dụ hiện đại hóa rất thành công giúp tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của tàu.

Hệ thống động lực của các tàu chiến hiện đại hóa sẽ vẫn giữ nguyên vì đã chứng tỏ được độ tin cậy của mình trong nhiều năm khai thác.

Tóm lại, các nỗ lực của ngành đóng tàu Trung Quốc đáng được đánh giá cao và sự chú ý sát sao.

Nguồn: PTS Khoa học chính trị Maxim Kazanin / VPK № 23 (687), 21.6.2017.

Print Print E-mail Print