Vietnamdefence.com

 

Lục soát kho vũ khí của Bắc Kinh

VietnamDefence - Trung Quốc đang trở thành địch thủ chủ yếu của Mỹ trong cuộc chạy đua vũ trang.


Khi nói đến sự hiện đại hóa kỹ thuật quân sự của Trung Quốc, cần lưu ý đặc điểm chủ yếu của Trung Quốc - đó là tiềm lực khổng lồ. Xét về sức mua, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới, lại sở hữu quân đội đông đảo nhất thế giới. Có nghĩa là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc về đa số các loại vũ khí sẽ luôn có ưu thế lớn về số lượng không chỉ đối với các nước láng giềng, mà cả đối với các lực lượng Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, quan niệm cho rằng, Trung Quốc có khả năng sản xuất loạt các sản phẩm kỹ thuật tinh vi với giá rẻ mạt và ở số lượng khổng lồ dĩ nhiên chỉ là sự phóng đại.

Hiện nay, nhất là sau sự mất giá của đồng rúp xảy ra vào năm 2014, các mẫu vũ khí trang bị của Nga tương đương hay tốt hơn, có cùng chức năng trở nên rẻ hơn đáng kể các loại của Trung Quốc.

Điều đó đã được thể hiện cụ thể trong cuộc đấu thầu mua xe tăng ở Thái Lan vào năm 2016, nơi xe tăng VT-4 của Trung Quốc lại đắt hơn Т-90 của Nga. Điều thú vị là vấn đề giá cả cũng đã không cản trở  được Trung Quốc thắng thầu.

Trung Quốc hiện vẫn tụt hậu về nhiều hướng phát triển vũ khí trang bị so với cả Mỹ và Nga. Nhưng nếu như trong thập niên 1990 và vào đầu những năm 2000, người ta thường nói đến sự tụt hậu 20-30 năm, thì nay là nói đến sự lạc hậu chỉ 10 năm. Ngay hiện thời, một số loại vũ khí trang bị do Trung Quốc sản xuất gần như đang ở cùng một trình độ với các mẫu đang được Mỹ, Tây Âu và Nga sản xuất.

Ví dụ, Trung Quốc đang sản xuất tiêm kích thế hệ 4 J-10B trang bị các hệ thống radar phát hiện hiện đại nhất - đó là các radar với anten mạng pha chủ động; các tên lửa không đối không lắp đầu tự dẫn radar chủ động, tương đương với các tên lửa trong trang bị AMRAAM của Mỹ và R-77 của Nga; các hệ thống tên lửa phgongf không rất hiện đại; các tên lửa đường đạn và hành trình tầm trung chính xác cao.

Các hệ thống pháo Trung Quốc như lựu pháo 155 mm PLZ-05 và các hệ thống rocket phóng loạt hạng nặng như А100 đang giành thắng lợi trong các cuộc đấu thầu trước cả các đối thủ Nga, lẫn phương Tây do hiện tại chúng đang ở trình độ tiên tiến, được bảo đảm bởi các loại đạn chính xác cao.

Một số thành tựu của Trung Quốc khá độc đáo. Trung Quốc là nước đầu tiên trang bị tên lửa đường đạn tầm trung chống hạm (DF-21D, DF-26D) mà nếu độ tin cậy và tính năng của chúng sẽ được xác nhận thì chúng có thể làm thay đổi diện mạo chiến tranh trên biển. Trung Quốc cùng với Mỹ và Nga đang tích cực thực hiện chương trình chế tạo các hệ thống phòng thủ tên lửa trên chiến trường và phòng thủ tên lửa chiến lược có khả năng đánh chặn tên lửa ở giai đoạn bay giữa. Trung Quốc đang giữ vị trí dẫn đầu trong phát triển vũ khí chống vệ tinh. Theo các chuyên gia Mỹ, Trung Quốc có thể là nước đầu tiên sẽ đưa vào trực chiến các hệ thống vũ khí chống vệ tinh, có khả năng bắn hạ không chỉ các vệ tinh trinh sát trên quỹ đạo thấp, mà cả các vệ tinh định vị toàn cầu ở các quỹ đạo địa tĩnh cao hơn (đến 40.000 km).

Khó khăn của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn là chưa đủ khả năng tự lực thực hiện những sản phẩm mới đột phá. Đa số các thành tựu của họ gắn với mô hình đặc thù của Trung Quốc là cải tạo sâu các công nghệ du nhập từ bên ngoài. Mô hình này trong đa số các trường hợp đã đi khá xa khỏi kiểu sao chép đơn thuần và trù định sử dụng các công nghệ nước ngoài ở giai đoạn 1, tìm hiểu chúng sâu sắc, tổng hợp lại và chế tạo ra vũ khí trang bị của mình trên cơ sở đó. Nhiều trong những kết quả mới đây của Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí trang bị chính là đạt được bằng cách đó.

Ví dụ, gần đây, Trung Quốc cuối cùng đã bắt đầu trang bị động cơ tự phát triển và sản xuất WS-10 Taihang cho không chỉ tiêm kích hai động cơ mà cả tiêm kích một động cơ.

Taihang bắt đầu được thiết kế từ cuối thập kỷ 1980 không phải là sự sao chép một mẫu động cơ nước ngoài nào mà là kết quả của sự phân tích và nghiên cứu sâu sắc cấu tạo của một số loại động cơ máy bay của Liên Xô, châu Âu và Mỹ thời những năm 1980-1990. Nhìn chung, sản phẩm của Trung Quốc vẫn thua kém các mẫu động cơ hiện đại tương tự do Nga sản xuất về tuổi thọ và độ tin cậy. Trong các nỗ lực xuất khẩu máy bay, Trung Quốc gần như luôn buộc phải trang bị cho máy bay của họ các động cơ nhập khẩu, kể cả đối với máy bay lẫn trực thăng. Ngoài ra, Taihang đáp ứng các yêu cầu của máy bay thế hệ 4, trong khi đó Trung Quốc đang sắp sửa đưa vào biên chế các tiêm kích thế hệ 5 J-20 đầu tiên nên Bắc Kinh vẫn muốn hợp tác với Moskva trong lĩnh vực chế tạo động cơ. Tuy nhiên, họ đã thực hiện được bước đi không kém phần quan trọng: Trung Quốc đã có khả năng bảo đảm động cơ cho các máy bay chiến đấu chủ lực của không quân mà không cần sự hỗ trợ của nước ngoài, điều có ý nghĩa quan trọng từ giác độ an ninh quốc gia.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa chủ lực của Trung Quốc HQ-9 là sản phẩm lai ghép: một số thành phần thiết bị mặt đất do Nga phát triển theo đơn đặt hàng của Trung Quốc, còn bản thân tên lửa được chế tạo trên cơ sở sử dụng các tài liệu nhận được từ Israel (theo một số phỏng đoán thì có cả nguyên mẫu) tên lửa phòng không có điều khiển MIM-104C của Mỹ và các kết quả nghiên cứu của Trung Quốc.
HQ-9 hiển nhiên là thua kém các hệ thống tối tân nhất của Nga, do đó, Trung Trung Quốc đã buộc phải mua sắm các hệ thống S-300PMU2 và S-400 của Nga song song vối việc sản xuất các hệ thống của mình. Tuy nhiên, hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 cũng khá tốt nên đã thắng thầu trong cuộc đấu thầu mua các hệ thống phòng không ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2013, nơi mà HQ-9 đã phải đối đầu với các hệ thống của Mỹ, châu Âu và Nga (kết quả đấu thầu đã bị hủy bỏ dưới áp lực chính trị của Mỹ). Có vai trò quyết định trong thắng lợi này là việc Trung Quốc sẵn sàng đưa ra các điều kiện tài chính hấp dẫn và chuyển giao công nghệ.
Họ cũng đang nghiên cứu chế tạo các hệ thống tên lửa phòng không nmowis với các tính năng chiến đấu cao hơn nhiều so với HQ-9 và các tính năng đánh chặn mục tiêu đường đạn mạnh hơn.
Chiến lược sao chép sáng tạo, kết hợp và ứng dụng thích ứng các thành tựu của nước ngoài cho các nhu cầu của mình cho phép Trung Quốc rút ngắn khoảng cách với các nước dẫn đầu đến mức nhỏ nhất, mặc dù không cho phép bứt phá lên trước. Giới lãnh đạo công nghiệp quốc phòng Trung Quốc nhận thức được những hạn chế tồn tại và đang nỗ lực khắc phục chúng. Trong một số trường hợp, họ đã làm được, chẳng hạn như trong lĩnh vực tên lửa đường đạn.

Việc phát triển các lực lượng hạt nhân chiến lược, xây dựng hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa và phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa là những ưu tiên quan trọng nhất đối với Trung Quốc trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự và đang hút lấy những nguồn lực khổng lồ. Vào đầu những năm 2000, Bắc Kinh rõ ràng vẫn ở vị trí cuối cùng trong số 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ về số lượng đầu đạn hạt nhân triển khai.

Hiện nay, họ là cường quốc hạt nhân chính thức duy nhất đều đặn liên tục gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân sẵn sàng cho sử dụng mặc dù vẫn thua kém xa Nga và Mỹ  (theo đa số các đánh giá thì số lượng đầu đạn hạt nhân triển khai của Trung Quốc không quá 250). Xét về chủng loại phương tiện mang phóng vũ khí hạt nhân, Trung Quốc từ lâu đã rời khỏi nhóm cùng với Pháp. 

Trung Quốc đang phát triển 3 họ tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) cơ bản. Đó là các tên lửa nhiên liệu lỏng DF-5 hiện có trong trang bị mà biến thể mới nhất của nó được trang bị phần chiến đấu mang nhiều đầu đạn dẫn độc lập (MIRV), và tên lửa nhiên liệu rắn cơ động DF-31, với biến thể mang nhiều đầu đạn DF-31B đang được thử nghiệm. Đang trong quá trình đưa vào trang bị là ICBM nhiên liệu rắn nặng hơn DF-41 mà Trung Quốc sẽ phát triển theo các biến thể bố trí trong giếng phóng, cơ động mặt đất và triển khai trên đường sắt. Trung Quốc cũng đang sản xuất hàng loạt tên lửa tầm trung (từ 1.000-4.000 km) với các biến thể hạt nhân và phi hạt nhân chính xác cao.

Theo đánh giá của Mỹ, từ năm 2015, thành phần trên biển của các lực lượng hạt nhân chiến lược Trung Quốc với 4 tàu ngầm lớp Type 094 trang bị ICBM JL-2 có thể đã bước vào trực chiến. Trung Quốc cũng đang phát triển các biến thể cải tiến của các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn (SSBN) và chúng sẽ được lắp các tên lửa có tầm xa hơn. Giống như Nga, Trung Quốc cũng đang thử nghiệm bay các đầu đạn cơ động siêu vượt âm dành cho tên lửa đường đạn.

Các lực lượng hạt nhân chiến lược Trung Quốc chỉ thiếu thành phần trên không thực sự, nhưng Trung Quốc đã chính thức xác nhận việc phát triển máy bay ném bom chiến lược. Họ đang xây dựng các cơ sở của hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa mặt đất, chuẩn bị xây dựng thê đội vũ trụ của hệ thống cảnh báo.

Khác với Moskva và Washington, Bắc Kinh không bị ràng buộc bởi bất kỳ hiệp ước và hạn chế nào trong việc phát triển và sản xuất các hệ thống vũ khí hạt nhân và từ chối đối thoại về vấn đề này với cớ họ đến nay vẫn tụt hậu xa so với cả hai siêu cường.

Tuy nhiên, ở cấp độ kỹ thuật, Trung Quốc đã tạo lập được các tiền đề cho cú đột phá trong tăng cường vũ khí hạt nhân mà kết quả của nó trong thập kỷ tới có thể là việc tiến gần Nga và Mỹ về số lượng đầu đạn triển khai trên các phương tiện mang phóng chiến lược. Kiềm chế hạt nhân vẫn là nền tảng vô hình của hệ thống quan hệ quốc tế hiện hữu trong lĩnh vực an ninh, nên sự xuất hiện tiềm tàng của siêu cường thứ ba sẽ có những hậu quả nghiêm trọng nhất đối với nền chính trị thế giới. Chẳng hạnh, Mỹ sẽ buộc phải suy tính lại hệ thống các liên minh và cam kết của mình ở châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh nguy cơ tổn thất không thể chấp nhận tăng mạnh một khi nổ ra xung đột không chỉ với Nga, mà cả với Trung Quốc. Những hậu quả của các thay đổi đó sẽ có tính toàn cầu và sẽ phản ánh trong cả nền chính trị thế giới, lẫn trong nền kinh tế thế giới.

Một đặc điểm của Lực lượng tên lửa Trung Quốc (được thành lập với tư cách quân chủng độc lập trong đợt cải cách năm 2015 trên cơ sở Lực lượng pháo binh 2) là việc lực lượng này, ngoài các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, còn có một số lượng lớn (đến 1.700) tên lửa thông thường, chính xác cao tầm trung và tầm ngắn, cũng như hàng trăm tên lửa hành trình triển khai trên mặt đất. Điều đó cho phép Trung Quốc phần nhiều bù đắp được sự tụt hậu của mình về sức mạnh không quân so với Mỹ và tạo cơ hội tiêu diệt hạ tầng quân sự của kẻ thù tiềm tàng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở giai đoạn sớm của cuộc xung đột. Việc phát triển các hệ thống phi hạt nhân, chính xác cao đó, nâng cao khả năng đột phá hệ thống phòng thủ tên lửa đang được Trung Quốc coi là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Thậm chí cả ở nơi mà mô hình đuổi theo của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn tồn tại thì các kết quả cũng thật ấn tượng.

Trung Quốc đã vượt lên gia nhập nhóm các nước dẫn đầu về xuất khẩu m,áy bay không người lái (UAV) lớp MALE (độ cao bay trung bình và thời gian bay dài).
Các UAV này là những hệ thống vũ khí cực kỳ quan trọng đối với các cuộc chiến tranh chống nổi dậy đang diễn ra ở Cận ĐÔng, nhiều khu vực ở châu Phi và Trung Á. Đến nay, UAV Pterodactyl của công ty AVIC và CH-4 Rainbow của tập đoàn CASC của Trung Quốc đã được Saudi Arabia, Ai Cập, Algeria, Iraq, Nigeria, cũng như Kazakhstan, Uzbekistan ở không gian hậu Xô-viết mua sắm. Các UAV này rõ ràng là được làm phỏng theo MQ-1 Predator của Mỹ đang được tích cực sử dụng trong tác chiến và được mua sắm bởi các nước đồng minh của Mỹ, nhưng muốn hạn chế sự phụ thuộc vào Washington. Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên có thể thách thức vị thế bá chủ của Mỹ trong phân khúc quan trọng này của thị trường vũ khí. Nga hiện thời còn chưa sản xuất được các UAV lớp này.

Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn tồn tại những mặt yếu kém. Quan trọng nhất trong số đó, theo đánh giá của đa số chuyên gia, là sự tụt hậu trong lĩnh vực chống ngầm. Sự tụt hậu này có ý nghĩa quan trọng do Trung Quốc phụ thuộc vào thương mại đường biển và mấy năm gần đây họ đã xây dựng được thành phần trên biển có khả năng hoạt động thật sự đầu tiên của các lực lượng hạt nhân chiến lược.

Trung Quốc hiện đang tư duy lại về mình trước hết như một cường quốc biển, chứ không phải cường quốc lục địa. Trên lục địa, sau khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc  không có kẻ thù tiềm tàng đáng gờm. Xu hướng liên tục cắt giảm lục quân Trung Quốc được quan sát từ nửa cuối thập niên 1980, khi diễn ra việc bình thường hóa quan hệ Xô-Trung.

Vươn lên đầu là hải quân với nhiệm vụ kép đặt ra. Một là, hải quân phải đóng vai trò chủ yếu trong việc hiện thực hóa cái gọi là chiến lược chống can thiệp - ngăn chặn sự can thiệp hiệu quả của Mỹ vào các cuộc xung đột trong khu vực, chẳng hạn xung quanh Đài Loan. Họ đặt trọng tâm vào sản xuất các loại tàu ngầm thông thường khá hiện đại, trong đó có các loại trang bị động cơ không cần không khí, ché tạo các loại tên lửa chống hạm siêu âm mới, các tên lửa đường đạn chống hạm. Điểm yếu tương đối trong lĩnh vực chống ngầm Trung Quốc đang tìm cách bù đắp bằng việc xây dựng một mạng lưới rộng lớn các sensor thủy âm đáy biển rộng lớn dọc theo toàn bộ đường bờ biển trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất (Quần đảo Nhật Bản - Ryukyu - Đài Loan - Philippines - Indonesia). Một ưu tiên khác là vũ khí thủy lôi.

Trung Quốc đồng thời cũng đang xây dựng hạm đội viễn dương hùng mạnh nhằm bảo vệ lợi ích chính trị-quân sự của Trung Quốc ở các khu vực như châu Phi và Cận Đông.

Năm 2015, Trung Quốc đã bắt tay vào xây dựng cơ sở quân sự thường trực đầu tiên ở nước ngoài là trạm tiếp vận hải quân ở Gibouti. Tổng số tàu khu trục trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300FM và HQ-9H đã đóng xong và đang đóng của Trung Quốc  hiện đã là gần 20 chiếc - đó là nhiều hơn số lượng tàu chiến từng được trang bị hệ thống S-300 trong Hải quân Liên Xô. 

Lực lượng đổ bộ của hải quân Trung Quốc đã vượt xa trình độ kỹ thuật và khả năng so với lực lượng đổ bộ của Liên Xô. Họ đang xây dựng hạm đội các tàu vận tải tiếp vận hải quân vạn năng cao tốc có kích thước khổng lồ (lượng giãn nước đến 50.000 tấn). Ngoài tàu sân bay Varyag của Liên Xô mà Trung Quốc đóng hoàn thiện và đặt tên là Liêu Ninh, hiện nay còn có 2 tàu sân bay đang đóng theo thiết kế cải tiến ở Đại Liên và Thượng Hải.

Trong tương lai, Trung Quốc dự định chuyển sang đóng các tàu sân bay hạt nhân cỡ lớn “kiểu Mỹ”, được trang bị các máy phóng máy bay điện từ và chở theo ngoài các tiêm kích còn có cả máy bay chỉ huy/báo động sớm.

Không quân Trung Quốc đang hoàn tất thử nghiệm 2 loại máy bay tiêm kích thế hệ 5 (J-20, J-31). Do đây là các máy bay tinh vi nên triển vọng chúng nhanh chóng đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu là đáng nghi. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đầu tư nhiều kinh phí để chế tạo các biến thể mới của những tiêm kích thế hệ 4 hiện có. Ví dụ, bước phát triển tiếp theo của tiêm kích J-11B sao chép Su-27 là J-11D với khung thân cải tiến và radar với anten mạng pha chủ động đang được thử nghiệm; tăng sản lượng sản xuất tiêm kích hạng nhẹ cải tiến J-10B.

Việc bắt đầu trang bị từ năm 2017 các máy bay vận tải hạng nặng Y-20 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với không quân Trung Quốc. Theo các nguồn tin có thể tiếp cận, Trung Quốc dự định xây dựng một lực lượng không quân vận tải chiến lược mạnh mẽ mà cùng với hải quân mạnh sẽ cho phép Trung Quốc duy trì sự hiện diện quân sự ở những khu vực xa xôi trên thế giới. Ngoài ra, máy bay vận tải hạng nặng nội địa còn bảo đảm cung cấp cho không quân Trung Quốc các máy bay tiếp dầu hiệu quả và các máy bay chuyên dụng khác (máy bay chỉ huy/báo động sớm, máy bay trinh sát điện tử...).


Nguồn: Vasily Kashin // Gazeta,19. 9.2016.

Print Print E-mail Print