Vietnamdefence.com

 

Sẵn sàng cơ động đánh trả: Tên lửa xuyên lục địa cơ động Trung Quốc (2)

VietnamDefence - Sự phát triển của các hệ thống tên lửa chiến lược cơ động của Trung Quốc.

Các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất của Trung Quốc trên biên giới Nga

Ban lãnh đạo chính trị-quân sự Trung Quốc cho rằng, các hệ thống tên lửa chiến lược cơ động là phương tiện chính để kiềm chế và răn đe hạt nhân và gây tổn thất không thể chấp nhận đối với kẻ địch tiềm tàng.

Họ đang hoàn thiện tổ hợp các biện pháp ngụy trang chiến lược và chiến dịch bằng cách phát tán các loại tài liệu thông tin giả về diện mạo bề ngoài, các công trình hạ tầng và tính năng kỹ-chiến thuật của các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất và các hệ thống tên lửa trên đường sắt hiện có và tương lai của Trung Quốc, thời gian đưa chúng vào trang bị, tình hình tăng cường biên chế chiến đấu, các loại đầu đạn, kết quả thử nghiệm tại trường thử và thử nghiệm vận chuyển, các lần phóng tập chiến đấu và phóng thử tên lửa, biên chế và các vị trí triển khai các hệ thống tên lửa cơ động.
Theo Tập Cận Bình, chính vũ khí hạt nhân là điểm tựa chiến lược cho vị thế đại cường thế giới của Trung Quốc

Thực hiện các nội dung chính của các văn kiện có tính học thuyết và các chỉ đạo của Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc đã xác định rõ các biện pháp chính nhằm xây dựng và phát triển lực lượng tiến công chiến lược: nghiên cứu xây dựng và thực hiện tổ hợp các biện pháp tổ chức và kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả kiềm chế và răn đe hạt nhân đối với kẻ địch tiềm tàng; phát triển tất cả các thành phần của bộ ba vũ khí hạt nhân, mở rộng hệ thống cảnh báo sớm tấn công hạt nhân; phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa; liên tục hiện đại hóa các hệ thống tên lửa chiến lược cơ động hiện có và phát triển các hệ thống tương lai, hoàn thiện khả năng cơ động của chúng, nâng cao khả năng sống còn, tính bí mật, vững chắc và độc lập hoạt động; ưu tiên phát triển các loại tên lửa nhiên liệu rắn, trong đó có các tên lửa đường đạn xuyên lục địa, dần ngừng sản xuất các tên lửa nhiên liệu lỏng; hoàn thiện trang thiết bị tác chiến trên các địa bàn phục vụ lực lượng tiến công chiến lược; đẩy nhanh quá trình thông tin hóa dựa trên tiến bộ kỹ thuật để hỗ trợ các dự án nghiên cứu chế tạo trong lĩnh vực vũ khí tên lửa-hạt nhân; bảo đảm độ an toàn, tin cậy và hiệu quả hoạt động cao hơn cho vũ khí tiến công chiến lược. Ưu tiên phát triển hệ thống chỉ huy tác chiến các lực lượng tiến công chiến lược trong các điều kiện tình huống khác nhau.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là, giới lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt chú ý các vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước và bảo đảm an ninh thông tin trong lĩnh vực chính sách hạt nhân quốc gia, các nguyên tắc sử dụng, xây dựng và phát triển lực lượng tiến công chiến lược. Duy trì tính đóng kín của thông tin, số lượng tài liệu công bố hạn chế, tính hình ảnh và độc đáo trong thể hiện các quan điểm chính thức, tin tức đưa ra có liều lượng và đặc điểm riêng. Các nhà phân tích nước ngoài cũng thừa nhận cả sự khó khăn để dịch và hiểu đúng lối viết tượng hình Trung Quốc. Điều rõ ràng là đa số tài liệu thông tin về tình trạng và triển vọng phát triển các lực lượng tiến công chiến lược Trung Quốc đều có nguồn gốc Mỹ hoặc được đăng tải trên báo chí Đài Loan.

Giới lãnh đạo chính trị-quân sự Mỹ thường xuyên nói rằng, việc hiện đại hóa các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất và các hệ thống tên lửa trên đường sắt hiện có và triển khai các hệ thống tương lai là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ và đồng minh.

Đa số các cơ sở tiềm lực kinh tế-quân sự Mỹ nằm trong tầm với của các tên lửa chiến lược Trung Quốc. Lầu năm góc coi việc phát hiện nhanh các vị trí bố trí các hệ thống tên lửa cơ động ở thời gian thực và cấp tốc lên kế hoạch tiêu diệt chúng là vấn đề trọng yếu. Theo giới lãnh đạo quân sự Mỹ, để tổ chức tác chiến chống các hệ thống tên lửa cơ động Trung Quốc sẽ cần những khoản kinh phí lớn, trước hết là để tăng cường lực lượng vệ tinh trên quỹ đạo và xây dựng (hiện đại hóa) các mục tiêu cơ sở hạ tầng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên lãnh thổ Mỹ. Việc hoàn thiện các thuật toán phần mềm phát hiện, nhận dạng và tính toán thông tin chỉ thị mục tiêu, truyền và nạp kịp thời các thông tin đó vào các hệ thống chỉ huy/điều khiển các phương tiện mạng phóng là vấn đề cấp thiết.
 
Kết quả phân tích các cuộc tập trận chiến lược và các công trình nghiên cứu cho thấy, giới lãnh đạo Trung Quốc đang dựa chính là vào các hệ thống tên lửa cơ động

Những nỗ lực chính của cộng đồng tình báo Mỹ là nhằm khám phá tiến trình nghiên cứu và thiết kế-thử nghiệm nhằm chế tạo các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất và trên đường sắt mới của Trung Quốc, thời hạn và vị trí dự kiến triển khai và khả năng cơ động, khả năng sống còn, bảo mật, tính độc lập và khả năng sẵn sàng tấn công hạt nhân của chúng nhằm vào các mục tiêu ở châu Á-Thái Bình Dương, trên lãnh thổ Mỹ và đồng minh.

Nhân đây, cũng cần đưa ra kết luận từ phân tích thông tin trên báo chí in và điện tử về việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa cơ động mặt đất trang bị ICBM DF-41 tại tỉnh Hắc Long Giang giáp giới Nga.

Trong các báo cáo nghiên cứu của các chuyên gia Mỹ có uy tín (E. Wolf, G. Christensen, R. Norris…) có nêu rằng, tên lửa vạn năng tương lai dành cho các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất và trên đường sắt vẫn còn đang ở giai đoạn thử nghiệm bay-thiết kế. Vì thế, đó có thể nói đến tên lửa DF-31.

Sự xuất hiện của lực lượng tên lửa cơ động mặt đất trên biên giới với Nga không bị các phương tiện trinh sát vũ trụ Mỹ và các nước khác phát hiện. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Đó là những suy đoán của người dùng Internet và những phỏng đoán không đúng sự thật”. Phía Nga tuyên bố, “nếu thông tin này là đúng sự thật thì việc xây dựng quân sự ở Trung Quốc chúng tôi không xem là mối đe dọa đối với Nga”.

Có lẽ đây lại là một hành động thông tin tuyên truyền khoa trương tiềm lực hạt nhân gia tăng của Trung Quốc dành cho công chúng trong nước và dành cho Mỹ. Với mục đích đó, Trung Quốc cũng cho các đoàn xe chiến đấu nhiều trục di chuyển định kỳ để tập luyện các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu.

Giữa Moskva và Bắc Kinh không có hiệp định về vũ khí tiến công chiến lược và các cơ chế kiểm soát giống như Hiệp ước START giữa Nga và Mỹ. Ngoài ra, trong biên chế chiến đấu của Lực lượng tên lửa Trung Quốc có một số lượng lớn tên lửa đường đạn tầm trung và tên lửa chiến dịch-chiến thuật cơ động các loại trang bị đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, phía Nga lại không có các tên lửa như vậy do giữa Nga và Mỹ có Hiệp ước vô thời hạn về tên lửa tầm trung. Ngoài ra, Mỹ còn có các đồng minh hạt nhân Anh và Pháp vốn không hề nghĩ đến chuyện tham gia START cả hiện nay, lẫn trong tương lai.

Trong tình huống tình hình chính trị-quân sự và chiến lược trở nên phức tạp, theo các kế hoạch của Lực lượng tên lửa, Trung Quốc hoàn toàn có thể di chuyển và triển khai các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất trên biên giới với Nga. Sau khi chúng hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu tiến công hạt nhân vào các mục tiêu của đối phương, Trung Quốc có thể chủ định tiến hành bảo vệ chúng bằng cách lợi dụng sự che chắn của các lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa Nga trước các đòn đánh trả của đối phương. 

Việc báo chí thảo luận sự xuất hiện của các hệ thống tên lửa cơ động mặt đất của Trung Quốc trên biên giới với Nga và phân tích phát biểu của các chuyên gia trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân chiến lược và phòng thủ tên lửa một lần nữ cho thấy vấn đề then chốt của học thuyết kiềm chế chiến lược (hạt nhân) - đó là các cơ quan lãnh đạo quân sự và nhà nước Nga, các tổ chức nghiên cứu khoa học của Bộ Quốc phòng và Viện Hàn lâm khoa học Nga hiện chưa đưa ra được các hình thức và phương thức kiềm chế hạt nhân khu vực đối với quốc gia giáp giới có đường biên giới chung khá dài là Trung Quốc.

Cuối cùng, cần nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phát triển hợp tác Nga-Trung trong lĩnh vực đánh giá các mối đe dọa an ninh quốc gia và khả năng chiến đấu của lực lượng tiến công chiến lược Mỹ, hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ, bộ phận của nó ở châu Á-Thái Bình Dương và các loại vũ khí siêu vượt âm tiến công toàn cầu tương lai của Mỹ. Tiến hành lên kế hoạch và tập luyện chung các biện pháp đối phó trong các hoạt động huấn luyện chiến đấu của lực lượng hạt nhân tiến công chiến lược Nga và Trung Quốc.

Nguồn: Midykhat Petrovich Vildanov, Thiếu tướng, PTS KHQS, PGS; Chuyên gia quân sự công huân Liên bang Nga; Giảng viên Học viện Quân sự BTTM Các LLVT Liên bang Nga // Oborona, N.2, tháng 2.2017. 

Print Print E-mail Print