Vietnamdefence.com

 

Tổng quan tàu tên lửa Trung Quốc: Frigate, corvette... (3)

VietnamDefence - Các lớp tàu frigate, corvette, xuồng tên lửa chủ lực của hải quân Trung Quốc.

>> Tổng quan tàu tên lửa Trung Quốc (1)
>> Tổng quan tàu tên lửa Trung Quốc: Tàu khu trục (2)


Frigate

Các tàu frigate (khinh hạm) loại này hiện gồm mấy loại của lạc hậu lớp Type 053 vốn đang bị thay thế nhanh chóng bằng các tàu mới đưa vào biên chế lớp Type 054А (Type 054 chỉ được đóng 2 chiếc và là biến thể quá độ). Chủ lực của đội tàu frigate lạc hậu của Trung Quốc là các frigate lớp Type 053H2G và Type 053H3 (tương ứng có 4 và 10 tàu trong biên chế hải quân Trung Quốc tính đến năm 2014).

Type 053H2G được đóng vào đầu thập niên 1990 và được đưa vào biên chế hải quân từ năm 1991-1994. Tàu có lượng giãn nước đầy đủ 2.250 tấn, chiều dài 111,7 m, tầm hoạt động 4.000 hải lý khi chạy ở tốc độ 18 hải lý/h, trang bị 6 bệ phóng tên lửa chống hạm YJ-1 tầm bắn 40 km hay các tên lửa chống hạm hiện đại hơn tầm bắn đến 120 km, hệ thống tên lửa phòng không HQ-61 với bệ phóng mang 6 tên lửa tầm bắn đến 10 km (tương tự hệ thống tên lửa phòng không Sea Sparrow). Vũ khí pháo gồm 1 ụ pháo hai nòng 100 mm (tầm bắn 22 km, trọng lượng quả đạn 15,9 kg), 4 ụ pháo hai nòng 37 mm, 2 hệ thống phóng bom Type 87 và các thiết bị rải nhiễu, 1 trực thăng (Niên giám “Jane’s Fighting Ships 2004-2005” nêu có 2 trực thăng trên các tàu Type 053H2G và Type 053H3 - trang 128-129, nhưng điều này đáng ngờ vì do hạn chế về kích thước của tàu (chiều rộng  chỉ khoảng 11 м), kích thước hăng-ga và bố trí hai bên hăng-ga 2 ụ pháo 37 mm.

Type 053H3 là sự phát triển tiếp theo của Type 053H2G và có thân tàu, lượng giãn nước và kích thước trên tàu giống nhau. Các tàu này được đóng từ cuối thập kỷ 1990, được đưa vào biên chế từ năm 1998 đến đầu những năm 2000. Khác biệt chủ yếu so với Type 053H2G là việc lắp hệ thống tên lửa phòng không HQ-7 (Naval Crotale) với bệ phóng mang 8 ống phòng, các vũ khí còn lại gần như giống hoàn toàn Type 053H2G.

Frigate được trang bị các hệ thống phát hiện mục tiêu bay Type 517 (Knife Rest) và phát hiện mục tiêu bay/mặt nước Type 360 (DRBV-15 SEA TIGER của Pháp), dẫn đường Decca 1290 của công ty Racal, điều khiển hỏa lực Type 343G, Type 345 (Castor III) và Type 341G Rice Lamp.

Type 054

Các frigate Type 054 Giang Khải (Jiangkai) được đóng (hạ thủy vào năm 2003, đưa vào biên chế năm 2005) với số lượng 2 chiếc và là biến thể quá độ trước khi khởi đóng một lô lớn các frigate hiện đại hơn là Type 054А Giang Khải II (Jiangkai II), được đưa vào biên chế từ năm 2008. Chúng có lượng giãn nước 3.900 tấn và trang bị 2 bệ phóng (mỗi bệ mang 4 ống phóng) tên lửa chống hạm tầm trung YJ-83 (С-803), cũng như hệ thống tên lửa phòng không HQ-7 (biến thể Trung Quốc sản xuất của hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Naval Crotale của Pháp), 1 ụ pháo 100 mm (Creusot-Loire Т-100 của Pháp) và 4 ụ pháo 30  mm (AK-630 của Nga), 2 cụm x 3 ống phóng lôi 324 mm và 1 trực thăng chống ngầm Kа-28.

Frigate Mã An Sơn [MaanShan] số hiệu 525, lớp Type 054 (Jeffhead.com)

Động cơ được sản xuất theo giấy phép của tập đoàn SEMT Pielstick (Pháp-Đức). Tập đoàn cũng trang bị các động cơ này cho các frigate tên lửa tàng hình lớp La Fayette của Pháp. Việc điều khiển hỏa lực tên lửa phòng không được thực hiện bằng hệ thống điều khiển hỏa lực Type 345 (Castor II do Thomson-CSF của Pháp phát triển), còn hệ thống điều khiển hỏa lực Type 347G đảm nhiệm điều khiển hỏa lực các ụ pháo 30 mm.

Type 054 được trang bị hệ thống thông tin-chỉ huy chiến đấu ZKJ-4B/6, kênh truyền dữ liệu tự động hóa HN-900, khí tài liên lạc vệ tinh SNTI-240, 2 radar dẫn đường Racal RM-1290, radar phát hiện mục tiêu mặt nước/trên không Type 360 (DRBV-15 Sea Tiger của Thompson-CSF/Pháp), radar phát hiện mục tiêu mặt nước (theo nguồn tin khác là radar dẫn đường) MR-36A, hệ thống điều khiển hỏa lực pháo MR34, hệ thống thủy âm chủ động/thụ động MGK-335.

Type 054А

Frigate Từ Châu (Xuzhou) số hiệu 530, lớp Type 054A
Từ Châu (Xuzhou) số hiệu 530 là frigate đầu tiên của lớp Type 054A được đưa vào biên chế hải quân vào tháng 1/2008. Lớp frigate này được gọi là “con ngựa thồ” của hải quân Trung Quốc vì tính năng và số lượng tàu. Có tin, hải quân Trung Quốc coi Type 054А là tàu mặt nước cỡ lớn đầu tiên được đóng một cách “đúng đắn (got right) [25].

Lượng giãn nước so với Type 054 tăng lên đến 4.050 tấn. Điểm cải tiến chính so với Type 054 là sự hiện diện của một bệ phóng thẳng đứng vạn năng chứa 32 tên lửa các loại. Trang bị tiêu chuẩn của bệ phóng này là các tên lửa phòng không của hệ thống HQ-16. Hệ thống này được chế tạo dựa trên hệ thống tên lửa phòng không Shtil-1 của Nga và sử dụng tên lửa 9М38 cho phép bảo đảm phòng không cho tàu ở tầm đến 25-32 km (theo các nguồn khác là đến 50 km) [26]. Có tin bệ phóng thẳng đứng này có thể sử dụng để bố trí tên lửa chống ngầm.

Tàu được trang bị 2 bệ phóng (x4 ống phóng) tên lửa chống hạm YJ-83, 1 ụ pháo 76 mm АK-176, các ụ pháo phòng không 7 nòng 30 mm Type 730, 2 ống phóng ngư lôi Yu-7, 2 hệ thống phóng bom 6 nòng Type 87, 1 trực thăng, 2 thiết bị rải nhiễu 18 nòng (vật phản xạ lưỡng cực).

Type 054A được trang bị radar phát hiện mục tiêu trên không/mặt nước MR-36A, 2 radar dẫn đường Racal RM-1290, radar ngoài đường chân trời chỉ thị mục tiêu cho tên lửa chống hạm Type 344 (Mineral-ME), 4 radar điều khiển hỏa lực tên lửa phòng không Type 345 (МR-90 Front Dome) cho phép điều khiển bắn đồng thời 2 tên lửa phòng không, hệ thống điều khiển hỏa lực các ụ pháo Type TR47C và Type 347G, trạm thủy âm chủ động-thụ động.

Ngày 16/1/2015, tàu tiếp theo của lớp này là Hoàng Cương (Huanggang) số hiệu 577 (hạ thủy ngày 28/4/2014) và là chiếc thứ 17 của loạt tàu. Có tin cho hay, đây là frigate Type 054А thứ tư được trang bị trạm thủy âm kéo với độ sâu thả thay đổi, cho phép mở rộng vùng phát hiện tàu ngầm lên đến 20 km. Sự cải tiến này được thực hiện vì bộ chỉ huy hải quân Trung Quốc lo ngại các tàu của họ thiếu khả năng phát hiện tàu ngầm đối phương. Được trang bị trạm thủy âm kéo này còn có các tàu khu trục lớp Type 052 và corvette lớp Type 056. Cũng có dự đoán rằng, hải quân Trung Quốc đang chuẩn bị cho các tàu chiến của họ khả năng đối kháng với các tàu ngầm diesel lớp Soryu của Nhật Bản [27].

Frigate Diêm Thành [Yancheng] số hiệu 546, lớp Type 054A (Jeffhead.com)

Một thay đổi dễ thấy nữa là việc thay hệ thống pháo phòng không 7 nòng Type 730 bằng hệ thống 11 nòng Type 1130 (có ký hiệu nội địa là H/PJ-12 và H/PJ-11). Theo các nguồn tin Trung Quốc, hệ thống này là biến thể cải tiến của Type 730 và cho phép tăng tốc độ bắn lên đến 10.000 phát/phút. Trước đó, hệ thống chỉ được lắp đặt trên tàu sân bay Liaoning. Trung Quốc cho biết hệ thống có khả năng tiêu diệt tên lửa chống hạm bay tiếp cận với tốc độ 4M với xác xuất 96%.

Ngoài ra, thời hạn đưa vào biên chế tàu thứ 17 của loạt tàu này cũng dài hơn, từ 363 ngày đối với các frigate trước đó lên đến 628 ngày đối với tàu Hoàng Cương cho thấy, khối lượng các hệ thống mới hay hiện đại hóa trên tàu là khá lớn [28].

Frigate lớp Type 054А được biết đến nhiều hơn nhờ tham gia các chiến dịch chống cướp biển ở vịnh Aden, trong quá trình đó đã bộc lộ những điểm yếu của hàng loạt hệ thống, cơ bản là do Trung Quốc sản xuất, mặc dù nhìn hung, các đánh giá của chuyên gia là tích cực và không có thông tin về những vấn đề lớn [29]. Ngoài ra, frigate Từ Châu còn được phái đến Libya vào năm 2011 để bảo đảm sơ tán dân thường. Tuy nhiên, ngày 29/3/2015 mới là lần đầu tiên các tàu chiến Trung Quốc được sử dụng trực tiếp cho nhiệm vụ sơ tán, khi frigate Lâm Nghi (Linyi) đón lên boong 122 công dân Trung Quốc và 2 chuyên gia nước ngoài để di tản họ từ Aden sang Jibouti. Hôm sau, 30/3/2015, frigate Duy Phường (Weifang) đã nhận lên boong 499 công dân Trung Quốc [30].

Tàu hộ vệ (corvette) Type 056

Các tàu lớp Type 056 cũng thuộc nhóm frigate, nhưng sử dụng tên gọi là frigate hạng nhẹ. Chúng là các tàu ven bờ, có lượng giãn nước đầy đủ 1.365 tấn, chiều dài 89 m, chiều rộng 11,6 m, mớn nước 4,4 m, cự ly hành trình 2.000 hải lý ở tốc độ 18 hải lý/h và được biên chế vũ khí hạn chế.

Đáng chú ý là tốc độ đóng các tàu này cao một cách khác thường. Loạt tàu này khởi đầu bằng việc đưa vào biên chế vào tháng 2/2013 tàu đầu tiên là Bạng Phụ (Bengbu), số hiệu 582, nhưng đến cuối năm, hải quân Trung Quốc đã có đến 8 tàu. Có tới 4 xưởng đóng tàu được huy động đóng lớp tàu này. Tháng 3/2015, có tin là Tín Dương (Xinyang) (theo Jane’s là tàu thứ 19, còn theo các nguồn khác là tàu thứ 21) được nhận vào biên chế. Như vậy, mỗi năm hải quân Trung Quốc đưa vào biên chế mỗi năm đến 10 tàu chiến này.

Corvette (frigate hạng nhẹ) Đại Đồng [Datong] số hiệu 580, lớp Type 056 (Jeffhead.com)

Phỏng đoán của Jane’s Fighting Ships 2014-2015 (trang 148) [31] về mối liên hệ giữa số lượng các tàu lớp này với các lớp tàu bị thay thế là các frigate lớp Giang Hồ và tàu (xuồng) tên lửa lớp Houxin (Hộ đỉnh) xem ra hơi khó tin. Phỏng đoán đó với việc thay thế các tàu lạc hậu thì có lý, nhưng đối với các tàu tên lửa đóng với số lượng lớn vào đầu những năm 2000 (năm 1995 có 6 chiếc trong biên chế, năm 2000 - 16 chiếc, năm 2014 - 20 chiếc) [32] thì cần rất cân nhắc.

Vũ khí của tàu gồm 2 bệ phóng kép tên lửa chống hạm YJ-83, 1 bệ phóng mang 8 ống phóng tên lửa phòng không tầm gần HQ-10 (AJK-10) với tầm bắn 9 km, 1 ụ pháo 76 mm H/PJ-26 với tầm bắn 16 km, 2 pháo tự động hai nòng 30 mm điều khiển từ xa dẫn tự động hay bằng tay, 2 cụm x 3 ống phòng lôi 324 mm, sân đỗ cho 1 trực thăng Harbin Z-9C [33].

Tàu được trang bị radar phát hiện mục tiêu mặt nước/trên không Type 360, radar dẫn đường Type 760, radar điều khiển hỏa lực Type LR-66, radar bảo đảm bay cho trực thăng Type 754, 2 module tác chiến điện tử, các thiết bị phóng nhiễu lưỡng cực. Có tin tàu có 1 trạm thủy âm kéo.

Ngoài ra, tạp chí Signal Magazine, khi phân tích thiết kế tàu này vào năm 2011, đã nêu ra sự hiện diện của 2 thiết bị phóng bom 6 nòng 252 mm Type 87 và cho rằng, các thiết bị phóng này do Trung Quốc cải tiến từ các thiết bị phóng 5 nòng RBU-1200 của Nga, với tầm bắn tăng lên từ 1.200 lên 3.200 m. Người ta cũng chú ý tới việc tầm bắn của ụ pháo 76 mm so với ụ pháo 100 mm bị giảm từ 20 km xuống còn 15 km được bù đắp bởi tốc độ bắn cao của pháo - 120 so với phát phút 15. Một ụ pháo của corvette/frigate lớp Type Giang Đảo (Jiangdao) cao gấp 4 lần 2 ụ pháo của các frigate lạc hậu lớp Giang Hồ (Jianghu). Khẩu đội pháo cũng ít hơn, gồm 2 người thay vì 6 người, trọng lượng cũng nhỏ hơn - 16 tấn so với 49 tấn [34].

Tàu tên lửa Type 022

Tàu tên lửa Type 022 Houbei (china-defense-mashup.com)

Một trong các đặc điểm của hạm đội tàu nổi Trung Quốc là sự hiện diện của một số lượng lớn tàu (xuồng) tên lửa (tổng số theo đánh giá của CSIS [xxxvi] là hơn 104 chiếc vào năm 2014), nổi bật trong số đó là hơn 65 tàu hai thân lớp Type 022 Houbei đóng từ năm 2004. Theo số liệu đăng trên defensenews.com thì vào tháng 12/2014, số lượng tàu tên lửa Type 022 là 68 chiếc [xxxvii].

Các loại tàu tên lửa lạc hậu thường được trang bị 4-6 bệ phóng tên lửa chống hạm và ụ pháo cỡ 37 mm hoặc nhỏ hơn. Loại tàu tên lửa cũ chiếm số lượng lớn nhất Type 037/IG Houxin với 20 tàu trong biên chế vào đầu năm 2014 theo số liệu của CSIS. Các tàu có lượng giãn nước toàn phần là 478 tấn, chiều dài thân 62,8 m, tốc độ đến 28 hải lý/h, cự ly hành trình 750 hải lý ở tốc độ 18 hải lý/h. Được trang bị 4 bệ phóng tên lửa chống hạm YJ-1 với tầm bắn 40 km và phần chiến đấu 165 kg, 2 ụ pháo 2 nòng 37 mm và 2 súng máy 2 nòng 14,5 mm [xxxviii].

Điều thú vị là thân tàu Type 22 Houbei, loại tàu chủ lực của lực lượng tàu nhỏ hiện nay của Trung Quốc được phát triển dựa vào liên doanh Seabus International Co. thành lập trước đó, vào năm 1993 với sự tham gia của công ty tư nhân AMD Marine Consulting của Australia đóng ở Sydney và Tổng công ty Kỹ thuật hàng hải Quảng Châu (Guangzhou Marine Engineering Corporation) của Trung Quốc. Seabus International Co. đã bắt tay vào thiết kế các tàu hai thân cao tốc vỏ nhôm và tàu cứu hộ dùng cho vùng ven biển. Nhưng các công nghệ mua theo con đường này dần dần đã được sử dụng để thiết kế xuồng tên lửa với cấu trúc dựa trên biến thể dân sự của xuồng tuần tra AMD 350 [xxxix].

Nhờ quá trình ứng dụng công nghệ cải tiến thành công, hải quân Trung Quốc có được loại tàu tên lửa nhỏ có chiều dài 42,6 m và chiều rộng 12,2 m, lượng giãn nước 225 tấn, thủy thủ đoàn 12-14 người, tốc độ 36 (có nguồn nói đến 46) hải lý/h, cự ly hành trình dự đoán (dựa trên số liệu của AMD 350) 300 hải lý. Vũ khí gồm 8 tên lửa chống hạm YJ-83 và 1 ụ pháo 30 mm (cũng có tin nói tàu có 1 bệ phóng mang 12 tên lửa phòng không mang vác). Đặc biệt, tàu được lắp 2 động cơ diesel có tổng công suất 6.865 mã lực, mỗi động cơ đều hoạt động thông qua hộp số giảm tốc đến 2 bộ dẫn tiến phụt nước đảo chiều, bảo đảm độ ồn thấp.

Như vậy, chỉ một lớp xuồng tên lửa của hải quân Trung Quốc cũng trở thành phương tiện để triển khai hơn 500 tên lửa chống hạm ở các vùng ven biển, khiến cho Hải quân Mỹ cũng như hải quân các nước trong khu vực, trước hết là Đài Loan cực kỳ lo ngại.

Đài loan có tiềm lực thua kém Trung Quốc hàng chục lần, nhưng cũng sở hữu một hạm đội xuồng tên lửa 31 chiếc. Các xuồng tên lửa lớp Kuang Hua VI có lượng giãn nước 170 tấn, thân tàu kiểu truyền thống, vũ khí chính là 4 tên lửa Hùng Phong II (Hsiung Feng II, hay HF-2).

Ngày 23/12/2014, hải quân Đài Loan đã tiếp nhận chiếc corvette mới mà thực tế là loại tàu tương tự nhưng có kích thước lớn hơn Type 022 của Trung Quốc. Tàu đầu tiên của loạt tàu 12 chiếc là Tuo Jiang (Đà Giang) có thiết kế tàu hai thân, lượng giãn nước 500 tấn, vũ khí chính là 2 loại tên lửa chống hạm là 8 tên lửa siêu âm HF-3 tầm bắn 130 km (sát thủ tàu sân bay) và 8 tên lửa dưới âm HF-2 tầm bắn 160 km (biến thể cải tiến của HF-2 có tầm bắn 250 km đang trong giai đoạn thử nghiệm). Tàu cũng được trang bị 1 ụ pháo 76 mm Otobreda, 1 hệ thống pháo Mark 15 Phalanx, 4 ụ súng máy 12,7 mm, 6 ống phóng lôi Mark 32. Sàn đỗ ở đuôi có thể dùng cho máy bay không người lái, nhưng không đủ rộng cho một trực thăng. Tốc độ hành trình của tàu là đến 34 hải lý/h, cự ly hành trình 2.000 hải lý [xl].

Như vậy, có thể thấy rằng, cả hải quân Trung Quốc và hải quân Đài Loan đều rất chú ý phát triển tàu (xuồng) tên lửa khi tìm ra những giải pháp thiết kế thú vị và các phương án trang bị cho các tàu này.

>> Tổng quan tàu tên lửa Trung Quốc (1)
>> Tổng quan tàu tên lửa Trung Quốc: Tàu khu trục (2)


(Còn tiếp)

Nguồn: Các loại tàu nổi trang bị tên lửa có điều khiển của hải quân Trung Quốc / Oleg Valetsky, Oleg Ponomarenko // csef, 30.04.2015.

Print Print E-mail Print