Vietnamdefence.com

 

Kinh hãi chất lượng vũ khí Trung Quốc

VietnamDefence - Khi Hou Minjun, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tăng của tập đoàn quân 27 lên đường tham gia cuộc diễn tập 9 ngày ở Nội Mông, anh ta đã mất hơn một nửa số xe tăng được biên chế.

Một xe tăng hiện đại của Trung Quốc đang vượt vật cản, ngày 22/7/2014  (GREG BAKER/AFP/Getty Images)

Trong 48 giờ đầu tiên của cuộc tập trận Bắc Kiếm 2013, toàn bộ 40 xe tăng của tiểu đoàn anh ta liên tiếp hỏng, không thể hoạt động được nữa. Chỉ sửa chữa được tại chỗ 15 xe, bộ phận báo chí của quân đội Trung Quốc cho hay. Mặc dù tiểu đoàn này chỉ tham gia tạo giả tình huống chiến đấu, Hou Minjun đã mất gần như toàn bộ binh khí kỹ thuật trong diễn tập. Đối với một vị chỉ huy có 32 năm thâm niên, đây thực sự là một sự sỉ nhục.

Xe tăng chủ lực Type 99 (ZTZ99/ZTZ99A/ZTZ99B) của Trung Quốc (china-defense.com)

Thất bại trong cuộc tập trận này cho thấy những vấn đề trầm trọng của quân đội Trung Quốc. Bất chấp những nỗ lực đổi mới và cải tổ mới đây của Trung Quốc, quân đội nước này còn nhiều việc phải làm. Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, quân đội Trung Quốc thiếu nhất là vũ khí có chất lượng và cán bộ trình độ cao.

Những chiếc xe tăng cổ lỗ

Thất bại trong cuộc tập trận Bắc Kiếm 2013 là điều có thể dự kiến, không có gì bất ngờ. Trong số hàng ngàn xe tăng hiện có trong biên chế quân đội Trung Quốc, chiếm tuyệt đại đa số là các biến thể của xe tăng Liên Xô Т-55 vốn ra đời không lâu sau Thế chiến II. Việc hiện đại hóa đã kéo dài thời hạn sử dụng của loại xe tăng thành công một thời này, nhưng nay thì nó đã lạc hậu không thể cưỡng.

Một học viên Học viện kỹ thuật tăng-thiết giáp Trung Quốc đang rửa xe tăng, ngày 22/7/2014. Tuyệt đại đa số xe tăng Trung Quốc đã lạc hậu (GREG BAKER/AFP/Getty Images)

Sau chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, khi vũ khí tiên tiến của Mỹ đã tàn sát số lượng lớn binh khí khí thuật lạc hậu, Trung Quốc đã quyết định bắt tay vào đổi mới vũ khí trang bị của mình. Và họ đã chế tạo ra xe tăng ZTZ-99 bằng cách kết hợp các công nghệ của phương Tây và Liên Xô.

Nhưng theo bài báo trên trang quân sự War on the Rocks, việc hiện đại hóa bộ đội tăng-thiết giáp Trung Quốc diễn ra chậm chạp. Vũ khí trang bị mới được chuyển giao nhỏ giọt cho quân đội. Trong điều kiện hiện nay, triển vọng của binh chủng này trong bối cảnh xung đột hiện đại xe ra rất u ám.

Khó khăn về động cơ

Không quân Trung Quốc vốn được nước này rất chú trọng phát triển cũng không đuổi kịp kẻ thù tiềm tàng. Nhiều máy bay trong quân đội Trung Quốc cũng đã lạc hậu như xe tăng. Mặc dù Trung Quốc đã triển khai sản xuất các máy bay nội địa J-7 và J-8, nhưng chúng đã chỉ có thể thể hiện “đẳng cấp” của mình vào cuối chiến tranh lạnh.

Tiêm kích Trung Quốc J-11 bay trên Biển Đông trong không phận quốc tế, ngày 19 /8/2014 (U.S. Navy Photo/Released)

Đơn cử tiêm kích đánh chặn J-11 của Trung Quốc. Là bản sao của tiêm kích Liên Xô Su-27SK. Không quân Trung Quốc đặt mua máy bay này vào năm 1992, sau đó, Trung Quốc bắt đầu sản xuất hàng nhái J-11 của mình, nhưng động cơ thì vẫn phải mua của Nga.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc đã sẵn sàng mua sắm vũ khí hiện đại của Nga. Quan hệ đối tác này chỉ giúp đỡ phần nào cho quân đội Trung Quốc. Nga bảo vệ cẩn thận các bí mật của mình vì lo sợ thói quen đánh cắp và sao chép công nghệ nước ngoài của người Trung Quốc.

Hy vọng loại bỏ sự phụ thuộc vào động cơ máy bay Nga vốn có tầm quan trọng rất lớn trong ngành chế tạo máy bay, trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã nỗ lực chế tạo các loại động cơ tương đương của mình.

Họ đã phát triển động cơ phản lực WS-10, nhưng theo bài báo trên Globalsecurity.org, vào năm 2007, giới quân sự Trung Quốc đã không hài lòng với các tính năm của nó. Năm 2009, một quan chức Trung Quốc nói rằng, họ đến nay vẫn không giải quyết hết được các vấn đề với động cơ máy bay.

Năm 2010, tờ Washington Post đưa tin, các chuyên gia Nga và Trung Quốc thừa nhận rằng, WS-10A phải được bảo dưỡng chỉ sau... 30 giờ hoạt động. Các động cơ làm việc liên tục không có bảo dưỡng trong gần 400 giờ.

Năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu lắp ráp một lô nhỏ tiêm kích trên hạm J-15 vốn cũng giống với Su-27. Các mẫu ban đầu của J-15 được trang bị động cơ Nga. Năm 2010, Trung Quốc tuyên bố, các J-15 mới sẽ được lắp động cơ Trung Quốc WS-10H. Tuy nhiên, có tin đây vẫn là điểm yếu của các máy bay Trung Quốc.

Mặc dù chất lượng của động cơ máy bay Trung Quốc vẫn còn rất thấp, giới quân sự nước này đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo tiêm kích thế hệ 5 J-20. Nó được xem là sự đáp trả của Trung Quốc đối với F-22 Raptor của Mỹ.

Trong bài báo đăng trên blog War is Boring, có khẳng định rằng, J-20 sẽ không thể đưa vào sử dụng trước năm 2021 do vô số vấn đề chưa giải quyết được.

Khó khăn về đào tạo, huấn luyện

Ngay cả bây giờ, khi Trung Quốc đã mua được một số vũ khí mới, binh sĩ Trung Quốc vẫn chưa đủ trình độ sử dụng chúng theo yêu cầu. Cần mất nhiều thời gian và nỗ lực để đào tạo, huấn luyện các cán bộ trình độ cao vốn sẽ là các chuyên gia giỏi về chiến lược và chiến thuật. Báo cáo mới đây “Sự cải cách quân sự nửa vời của Trung Quốc” do RAND công bố đã khám phá nhiều nhược điểm trong công tác huấn luyện, đào tạo chuyên gia quân sự.

Theo báo cáo, mùa hè năm 2012, Lực lượng pháo binh 2 của Trung Quốc vốn quản lý vũ khí hạt nhân của nước này đã tiến hành cuộc tập trận dài 15 ngày trong một boong-ke ngầm. Nhiều sĩ quan đã không chịu được áp lực. Chỉ sau khoảng một tuần, họ rơi vào trạng thái chán chường, ủ rũ khiến cấp trên phải đưa văn công nữ đến biểu diễn để khích lệ tinh thần. Các ông tướng thanh minh rằng, các sĩ quan trẻ đã không được chuaanrt bị cho việc hoạt động thời gian dài dưới lòng đất. Nhưng khi thực hiện cuộc diễn tập lặp lại dài 3 ngày, kết quả còn đáng buồn hơn. Nhiều sĩ quan đã cần phải có bác sĩ tâm lý ngay vào ngày thứ hai, nhiều người bỏ ăn.

Trung Quốc đang duy trì một hạm đội tàu ngầm lớn, trong đó có các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn. Nhưng hiện tại, chúng vẫn chưa thể ra khơi tuần tra dài ngày. Năm 2003, một tàu ngầm diesel của Trung Quốc đã bị đắm cùng toàn bộ thủy thủ đoàn, điều đó cho thấy tình trạng huấn luyện tồi tệ trong hải quân Trung Quốc.

Một viên tướng Trung Quốc nói với phóng viên tờ The New York Times rằng, do “chính sách một con” của Trung Quốc, 80% sĩ quan và binh lính quân đội Trung Quốc đều được cha mẹ, ông bà nuông chiều từ bé.

Kết quả là binh sĩ trở nên khó đoàn kết trong một tập thể gắn kết, có khả năng sống sót trong điều kiện chiến đấu. Scott W. Harold, một trong các tác giả báo cáo của RAND nói với tờ New York Times rằng, binh lính gia nhập quân đội với tư cách những người vốn được nuông chiều vì từ bé là đứa con duy nhất trong gia đình.

Chất lượng và hiệu quả tập trận của quân đội Trung Quốc thường là đề tài cho sự chỉ trích. Các cấp chỉ huy thường giả mạo kết quả huấn luyện để tạo ấn tượng với cấp trên.

Báo chí quân sự thường nêu ra chủ nghĩa hình thức quá nặng trong quá trình đào tạo, huấn luyện. Nhìn chung, quân đội Trung Quốc thường rơi vào tình thế khó khăn khi mô phỏng môi trường thực tế. Điều đó cho thấy vô số “khâu yếu” trong học thuyết quân sự Trung Quốc.

Ngoài ra, quân đội còn cần nhiều kinh phí hơn cho xăng dầu, đạn dược và các vật tư khác cần cho huấn luyện. Các chuyên gia phương Tây cho rằng, việc chú trọng công tác chính trị (hơn 1/3 thời gian) hơn là huấn luyện cũng có ảnh hưởng tiêu cực.

Nguồn: The Epoch Times, 11.3.2015.

Print Print E-mail Print