Vietnamdefence.com

 

Tình hình mua sắm vũ khí Nga của Trung Quốc năm 2013-2014

VietnamDefence - Trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc luôn là khách hàng lớn thứ hai của vũ khí Nga, chỉ sau Ấn Độ và giống như Ấn Độ, Trung Quốc cũng mua từ Nga không chỉ vũ khí thành phẩm, mà cả giấy phép sản xuất vũ khí (hoặc sao chép không giấy phép).

Năm 2013, Trung Quốc chiếm 12% tổng kim ngạch vũ khí Nga xuất khẩu, xếp sau Ấn Độ (38%). Năm 2013, Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí trang bị lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 64% hàng quốc phòng nhập khẩu của nước này, với trị giá 1,133 tỷ USD.

Đồng thời, Trung Quốc cũng vẫn là khách hàng chính mua sản phẩm quốc phòng của Ukraine sản xuất, (chiếm 12% khối lượng nhập khẩu quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2013). Đây có lẽ có liên quan đến khối lượng đáng kể các hợp đồng cung cấp linh kiện cho các mẫu vũ khí được phát từ thời Liên Xô.

Năm 2014, Trung Quốc tụt xuống thứ ba (0,909 tỷ USD) trong số các nước mua nhiều vũ khí Nga nhất, sau Ấn Độ (2,146 tỷ USD) và Việt Nam (0,949 tỷ USD.

Tính gộp cả hai năm 2013-2014, Trung Quốc đứng vị trí thứ hai trong số các khách hàng lớn nhất của vũ khí Nga với 2,042 tỷ USD, sau Ấn Độ (5,887 tỷ USD) và trên Việt Nam (1,433 tỷ USD).

 
Su-35


Tình hình chuyển giao vũ khí Nga cho Trung Quốc


Tên lửa chống hạm/chống radar Kh-31

Theo số liệu của SIPRI, Trung Quốc năm 2001-2014 đã sản xuất theo giấy phép tên lửa hành trình Kh-31 và các biến thể của chúng với các tên gọi KR-1, YJ-9 và YJ-91 để trang bị cho các tiêm kích Su-30, J-8M, JH-7. Trung Quốc đã nhận tổng cộng 910 tên lửa do Nga sản xuất và lắp ráp trong nước.

Tên lửa chống hạm Kh-59MK

Đến năm 2014, Nga đã cung cấp cho Trung Quốc 175 tên lửa chống hạm Kh-59MK (AS-18MK) hay biến thể của nó là Kh-59MK2 để trang bị cho các tiêm kích Su-30.

Tên lửa chống tăng 9M119 Svir

Đến năm 2013, Trung Quốc cũng sản xuất theo giấy phép tên lửa chống tăng có điều khiển 9М119 Svir (AT-11) phóng từ nòng pháo tăng 125 mm của tăng chủ lực Type 98 và Type 99. Tổng cộng quân đội Trung Quốc đã nhận 1.300 tên lửa.

Pháo tàu AK-176

Trung Quốc đang mua các loại vũ khí trang bị thành phẩm từ Nga. Đến cuối năm 2014, Nga đã chuyển giao cho Trung Quốc 18 ụ pháo AK-176 (trong số 20 ụ đặt mua) để trang bị cho 20 frigate lớp Type 054A.

Trung Quốc cũng đang sản xuất theo giấy phép 30 ụ pháo tàu cỡ 76 mm AK-176 để trang bị cho các frigate lớp Type 056 (lớp Giang Đảo). Đến cuối năm 2014, Trung Quốc đã sản xuất 18 ụ pháo AK-176.

Pháo phòng không trên hạm AK-630

Trung Quốc cũng nhập khẩu một phần và sản xuất một phần theo giấy phép các hệ thống pháo phòng không tầm gần AK-630 với số lượng 104 hệ thống (đặt mua 105). AK-630 dùng để trang bị cho 2 frigate lớp Type 054 (lớp Giang Khải I), hơn 80 tốc hạm tấn công Type 022 (lớp Houbei), 4 tàu đổ bộ lớp Type 071 (lớp Yuzhao), 4 tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr (Ukraine và Trung Quốc đã ký hợp đồng cung cấp 2 tàu và Ukraine đã kịp chuyển giao 2 tàu này cho Trung Quốc trước khi nổ ra khủng hoảng chính trị ở Ukraine, còn 2 tàu được đưa vào điều khoản phụ và nay Nga đang đàm phán với Trung Quốc về khả năng thực hiện).

Radar hải quân

Radar Mineral
Năm 2008-2014, Trung Quốc đã mua một phần và một phần tự lực sản xuất 18 radar cảnh giới/điều khiển hỏa lực Mineral (năm 2004 đã đặt mua 20 radar) để trang bị cho 20 frigate lớp Type 054A (lớp Giang Khải II). Các chuyên gia SIPRI cho rằng, Trung Quốc sản xuất trái phép các radar này. Còn 7 radar tương tự để trang bị cho các tàu khu trục lớp Type 052C (lớp Lỗ Dương II) và lớp Type 052D (lớp Lỗ Dương III) được đặt mua vào năm 2008. Tính đến cuối năm 2014, có lẽ Trung Quốc đã sản xuất không giấy phép 3 radar.

Radar Fregat

Để trang bị cho 20 frigate lớp Type 054A và tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc đã đặt mua 21 radar 3 tọa độ phát hiện/bám mục tiêu Fregat, 19 trong số đó đã được bàn giao cho bên mua vào cuối năm 2014. Có lẽ việc sản xuất radar này cũng đã được tiến hành một phần không có giấy phép ở Trung Quốc.

Radar MR-90

Để sử dụng với các hệ thống tên lửa phòng không HHQ-16 trên các frigate lớp Type 054A, Trung Quốc đã mua 80 radar điều khiển hỏa lực MR-90, và đến năm 2014, 72 radar trong số đó đã được chuyển giao. Cũng giống như với các radar khác, một phần MR-90 có thể cũng bị sản xuất tại Trung Quốc mà không có giấy phép.

Radar MR-123

Các tàu đổ bộ đệm khí Zubr của Trung Quốc dự kiến được trang bị radar điều khiển hỏa lực MR-123. Năm 2009, Trung Quốc đã mua 4 radar, đến cuối năm 2014, 2 trong số các radar này đã được bàn giao.

Trực thăng

Bắc Kinh tiếp tục mua số lượng lớn trực thăng Nga. Năm 2014, Nga hoàn thành chuyển giao cho Trung Quốc 55 trực thăng Mi-171Е trị giá 660 triệu USD.

SIPRI cũng nhắc đến việc cung cấp thêm 52 trực thăng Mi-171Е, có lẽ là để trang bị cho các đơn vị cảnh sát và các cơ quan chính phủ phi quân sự trong năm 2014.
S-400 Triumf


Động cơ máy bay

Trung Quốc là một trong những khách hàng mua nhiều động cơ máy bay của Nga nhất.

Đến năm 2014, Trung Quốc đã nhận 123 động cơ turbine phản lực lưỡng mạch với các tổ máy đặt thấp AL-31FN trị giá 500 triệu USD để trang bị cho các tiêm kích J-10, 40 động cơ AL-31F để lắp cho tiêm kích hạm J-15, 104 động cơ D-30 để lắp cho máy bay ném bom H-6, máy bay vận tải quân sự Y-20 và để hiện đại hóa máy bay vận tải quân sự Il-76. Năm 2013, Trung Quốc đã nhận được 5 máy bay vận tải quân sự đã qua sử dụng Il-76М.

Ngoài ra, các chuyên gia SIPRI còn nhắc đến việc Trung Quốc chọn mua các hệ thống tên lửa phòng không siêu hiện đại S-400 và siêu tiêm kích Su-35, nhưng không dẫn thông tin chính xác về các hợp đồng liên quan.

S-400 và Su-35 là những vũ khí mà Trung Quốc kỳ vọng mua được nhằm đối phó với các địch thủ ở biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và Biển Đông, cũng như để thúc đẩy các dự án vũ khí tham vọng then chốt trong các lĩnh vực phòng thủ tên lửa và tiêm kích thế hệ 5.


Nguồn:

VPK, №20 (586), 3.6.2015.

Print Print E-mail Print