Vietnamdefence.com

 

Tìm hiểu lực lượng đặc nhiệm quân đội Trung Quốc

VietnamDefence - Đặc điểm huấn luyện và tác chiến của lực lượng đặc nhiệm quân đội Trung Quốc.

Chiến đấu tay không được huấn luyện cơ bản trong quân đội Trung Quốc (www.chinanews.com)
Lực lượng đặc nhiệm với tư cách đơn vị chiến đấu đặc biệt của lục quân Trung Quốc bắt đầu hình thành vào năm 1988, khi đơn vị đặc nhiệm tăng cường làm các nhiệm vụ như thực thi các sứ mệnh đặc biệt trong vùng hậu địch được thành lập tại đại quân khu Quảng Châu trên cơ sở tiểu đoàn trinh sát độc lập.

Tiếp đó, các đơn vị đặc nhiệm tăng cường như thế đã được thành lập ở các đại quân khu còn lại của quân đội Trung Quốc. Chúng có cơ cấu tổ chức biên chế khác với các đơn vị khác của lục quân Trung Quốc, được trang bị các loại vũ khí, binh khí kỹ thuật và thiết bị được chế tạo riêng để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt trong hậu phương địch, đã qua khóa giáo dục, huấn luyện được thiết kế đặc biệt để hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ đó. Khi tuyển chọn cán bộ cho lực lượng đặc nhiệm, người ta đặc biệt chú ý tới việc huấn luyện thể chất và trạng thái tâm lý-tinh thần của ứng viên.


Lịch sử

Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm lịch sử về huấn luyện thám báo kiểu như ninja của Nhật Bản. Bởi vậy, cơ sở của công tác huấn luyện binh lính đặc nhiệm lục quân Trung Quốc được xây dựng dựa trên các phương pháp của Trung Quốc. Đồng thời, tất cả những cái hay, tích cực trong lĩnh vực này tích lũy được ở nước ngoài cũng được ứng dụng với bản sắc Trung Quốc. Ví dụ, hệ thống tuyển quân phần lớn du nhập từ hệ thống của đặc nhiệm Anh SAS.

Hiện nay, lực lượng đặc nhiệm lục quân là niềm tự hào của quân đội Trung Quốc. Đây là đạo quân được thành lập, huấn luyện và trang bị đặc biệt của quân đội Trung Quốc, dùng để tiến hành các hành động trinh sát-phá hoại và lật đổ trong hậu phương địch. Theo các nguồn tin Trung Quốc, trong các chức năng của đặc nhiệm lục quân Trung Quốc còn có nhiệm vụ tiến hành chiến tranh chống du kích. Để hăm dọa và phá tan tinh thần đối phương, không loại trừ sử dụng cả các phương pháp như tổ chức các hành động khủng bố, tiến hành các chiến dịch tâm lý, thành lập lực lượng ngầm chống chính phủ và các phong trảo nổi loạn trên lãnh thổ đối phương, kể cả trên cơ sở dân tộc.

Do việc bảo mật đặc biệt mọi thông tin liên quan đến đặc nhiệm Trung Quốc, trên các sách báo của Liên Xô/Nga và nước ngoài có cực kỳ ít thông tin chính xác về vấn đề này và rất nhiều khi gặp các thông tin sai lầm. Chẳng hạn, khi mô tả cơ cấu tổ chức, biên chế của đặc nhiệm lục quân Trung Quốc, các đơn vị lớn nhất của nó mà trong tiếng Trung Quốc gọi là “đại đội” (dadui), dịch ra là “đơn vị tăng cường”, bị gọi là các nhóm, trong khi nhóm lại là đơn vị chiến đấu cơ bản gồm 2-3 lính.

Các đơn vị tăng cường của đặc nhiệm lục quân Trung Quốc mà quân số mỗi đơn vị có thể lên tới 1.000 quân có trong tất cả các đại quân khu của quân đội Trung Quốc. Chúng trực thuộc các tư lệnh các đại quân khu này và là phương tiện chủ yếu để tiến hành trinh sát và các hành động khác.

Việc lập kế hoạch và tiến hành các chiến dịch có sự tham gia của đặc nhiệm lục quân Trung Quốc do các bộ tư lệnh đại quân khu mà trong cơ cấu có các cơ quan chỉ huy tương ứng, thực hiện.

Tính chuyên nghiệp cao

Đặc nhiệm được cho là cần được biên chế các binh sĩ có tính chuyên nghiệp cao, vì vậy, nòng cốt của lực lượng này thường là các binh lính hợp đồng.

Trong trang bị của các đơn vị đặc nhiệm lục quân Trung Quốc có các loại súng giảm thanh đặc biệt, các loại súng không chớp lửa, các loại thiết bị nổ, trong đó có các thiết bị nổ giả trang thành các đồ vật sinh hoạt, các khí tài nhìn đêm, khí tài tác chiến điện tử, khí tài thông tin liên lạc, báo động, chỉ thị mục tiêu và định vị, kể cả từ vũ trụ, cũng như các thiết bị kỹ thuật để tiến hành tâm lý chiến, trang bị dù-đổ bộ và đồ lặn nhẹ. Vũ khí, trang thiết bị, cũng như các phương tiện ngụy trang được lựa chọn tùy thuộc nhiệm vụ mà đặc nhiệm sẽ thực hiện, và các điều kiện thực hiện các nhiệm vụ đó.

Tùy thuộc vào việc trực thuộc đại quân khu nào với khu vực trách nhiệm và nhiệm vụ tác chiến tương ứng, đặc nhiệm lục quân Trung Quốc được trang bị và chuẩn bị sẵn để tiến hành các hành động chống một địch thủ cụ thể. Họ nghiên cứu ngôn ngữ của đối phương, đặc điểm tính cách dân tộc, phong tục tập quán, các quy định trực chiến, hệ thống bảo vệ các sở chỉ huy, khu vực trận địa, tên lửa đường đạn, sân bay, radar và các mục tiêu quan trọng khác. Để ngụy trang, có thể mang mặc quân phục của địch hay trang phục dân tộc của cư dân địa phương.

Người ta đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục, rèn luyện tinh thần-tâm lý, huấn luyện thể chất, dạy các miếng đánh và kỹ thuật chiến đấu tay không cho binh lính. Ví dỵ, các quân nhân sẽ làm nhiệm vụ ở hướng bắc trong điều kiện nhiệt độ thấp về mùa đông, Trung Quốc xây dựng riêng một hệ thống rèn luyện đặc biệt, cho phép duy trì sức chiến đấu ngay cả sau những cuộc hành quân đường dài, trong đó có sử dụng cả ván trượt tuyết, trong điều kiện cực kỳ giá lạnh và ở lâu ngoài tuyết.

Để hoạt động ở hướng nam trong điều kiện địa hình núi non, đặc nhiệm lục quân Trung Quốc được trang bị đồ leo núi và được huấn luyện thích hợp.

Ở hướng đông nam, đặc nhiệm Trung Quốc tập luyện cách thức tác chiến trong rừng rậm trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, ẩm và hệ động-thực vật đặc biệt của khu vực địa lý này.

Binh lính của tất cả các đơn vị tăng cường đều được huấn luyện tác chiến trong đô thị, nghiên cứu các đặc điểm hạ tầng đô thị, hệ thống điện nước.

Tất cả các chương trình huấn luyện chiến đấu và giáo dục binh lính bất kể vào điều kiện hoạt động tương lai đều phải có khâu huấn luyện chuyên gia chất nổ, xạ thủ bắn tỉa, thông tin, điều khiển máy bay không người lái.

Khi thực hiện các cuộc hành quân và di chuyển, đặc nhiệm Trung Quốc sử dụng xe ô tô, xe thiết giáp như xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân, ô tô có khả năng việt dã cao. Nếu phải hoạt động xa các binh đoàn, đơn vị binh chủng hợp thành, đặc nhiệm sẽ sử dụng xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân và trực thăng. Xe thiết giáp trong trường hợp này là một trong những phương tiện chi viện hỏa lực chính của đặc nhiệm. Khi không cần sự chi viện của các xe thiết giáp, đặc nhiệm lục quân Trung Quốc thường sử dụng xe ô tô, kể cả xe nhỏ chạy nhanh dạng xe 4 bánh buggy.

Máy bay không người lái trinh sát và tiếp phát

Phương tiện chính vận chuyển binh sĩ đặc nhiệm vào hậu phương đối phương là trực thăng. Người ta đang xem xét khả năng sử dụng các tàu lượn lắp động cơ điện ít ồn làm phương tiện vận tải và trinh sát.

Mặc dù, mỗi đơn vị đặc nhiệm tăng cường thường được phối thuộc một phân đội trực thăng được biên chế các trực thăng vận tải và trực thăng chi viện hỏa lực, nhưng các đơn vị không quân đặc nhiệm như trong lực lượng tác chiến đặc biệt Mỹ thì đặc nhiệm lục quân Trung Quốc không có. Cần lưu ý rằng, để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, đặc nhiệm lục quân Trung Quốc đã sử dụng rộng rãi từ khá lâu nay các máy bay không người lái (UAV).

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, hiệu quả nhất đối với đặc nhiệm là các UAV cỡ nhỏ, ít ồn có bán kính hoạt động 2-5 km. Các UAV đó dễ điều khiển và khó bị phát hiện khi hoạt động trên lãnh thổ đối phương. Việc sử dụng UAV cho phép giảm mạnh số lượng toán trinh sát, cũng như thời gian tìm kiếm, giúp quan sát bao quát rộng hơn đối với khu vực quan tâm nhằm phát hiện các mục tiêu đối phương và cung cấp thông tin chỉ thị mục tiêu cho các loại vũ khí tiêu diệt và hiệu chỉnh hỏa lực.

Ngoài ra, việc sử dụng UAV còn cho phép giảm mạnh xác suất toán trinh sát bị phát hiện, cũng như khả năng vấp phải sự đối kháng của đối phương. Trong điều kiện địa hình núi non, UAV có thể sử dụng để làm phương tiện tiếp phát để bảo đảm hoạt động tin cậy cho các khí tài liên lạc sóng ngắn.

Nhìn chung, có thể nói rằng, lực lượng đặc nhiệm lục quân Trung Quốc là cơ cấu chiến đấu khá nhuần nhuyễn, có khả năng thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong các cuộc xung đột quân sự mọi cường độ.

Nguồn: “Chiến binh bóng đêm” bảo vệ Trung Quốc / Aleksandr Vasilevich Shlyndov, Đại tá về hưu, PTS sử học, nghiên cứu viên chính Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga // NVO, 27.2.2015.

Print Print E-mail Print