Vietnamdefence.com

 

Quy mô và khả năng quân đội TQ. Báo cáo 2012 của Lầu Năm góc

VietnamDefence - Ngày 18/5/2012, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức công bố: “Báo cáo năm 2012 về tình hình quân sự và sự phát triển hình thái an ninh Trung Quốc”.

>> Điểm mới trong Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc 2012

Nội dung báo cáo về quy mô, vị trí triển khai và khả năng của quân đội Trung Quốc như sau.

Chiến lược hiện đại hóa quân sự toàn diện trong một thời gian dài của Trung Quốc đã cải thiện đáng kể khả năng tác chiến của Quân giải phóng, làm cho nó có đủ khả năng tiến hành chiến tranh cục bộ cường độ cao trong phạm vi tác chiến “chống can thiệp”. “Chống can thiệp” là khái niệm dùng để chỉ việc áp dụng một loạt các hành động quân sự để ngăn cản các thế lực bên ngoài can thiệp vào Trung Quốc, làm cho Trung Quốc có đủ khả năng hoàn thành các mục tiêu tác chiến đã định trong tình hình đối mặt với sự can thiệp của nước ngoài. Trung Quốc âm mưu thông qua thủ đoạn “chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (Anti-Access/Area Denial - A2/AD) để thực hiện rộng rãi chiến lược chống can thiệp. Chiến lược này không giới hạn trong một khu vực địa lý hoặc một phạm vi nhất định nào.

Để đáp ứng được mục tiêu đối phó với các sự kiện đột ngột phát sinh ở khu vực eo biển Đài Loan trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã triển khai các hệ thống vũ khí tiên tiến nhất tại các quân khu tiếp giáp với Đài Loan. Cho dù họ có thể thông qua các lực lượng này để đối phó với xung đột hoặc nguy cơ tại các khu vực, nhưng về mặt triển khai quân trên phạm vi toàn cầu vẫn chưa có sự tiến bộ. Ngoài nhiệm vụ chống hải tặc trong thời bình ra, hải quân Trung Quốc cơ bản là không có kinh nghiệm tác chiến viễn dương. Việc Quân giải phóng mới tăng cường thêm sứ mệnh hòa bình chống hải tặc trên phạm vi toàn cầu đã phản ánh sự mở rộng hàng loạt lợi ích của Trung Quốc, nhưng đối phó với xung đột khu vực vẫn là nét chủ đạo trong kế hoạch phát triển và đầu tư quân sự của Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình

Trung Quốc vẫn đang nghiên cứu, phát triển tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình triển khai trên mặt đất. Họ đã phát triển được một số loại tên lửa tiến công mới và cải tạo, nâng cấp các hệ thống đã lạc hậu. Họ còn tăng cường biên chế và phát triển năng lực phòng thủ chống tên lửa đạn đạo. Quân giải phóng hiện có rất nhiều tên lửa hành trình chính xác cao tự sản xuất và một số lượng lớn tên lửa trước đây mua của Nga. Đó là các loại do Trung Quốc tự sản xuất: tên lửa hành trình đối đất CJ-10 và tên lửa hành trình chống hạm nội địa YJ-62, và các loại nhập khẩu từ Nga: tên lửa hành trình chống hạm siêu âm SS-N-22 (trang bị cho các tàu khu trục lớp Sovremenny) và các tên lửa hành trình chống hạm siêu âm 3M-54 (trang bị cho tàu ngầm lớp Kilo).

Tính đến tháng 10/2011, Quân giải phóng đã triển khai 1.000-1.200 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhằm vào Đài Loan. Một năm qua, Trung Quốc đã tăng cường các lữ đoàn tên lửa ở khu vực đông nam, triển khai các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn kiểu mới và tiến hành tăng tầm bắn, độ chính xác và tải trọng chiến đấu của các loại tên lửa hiện có.

Trong một bài báo hồi năm ngoái, phía Trung Quốc xác nhận họ đang tự lực phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21. Tên lửa mang đầu đạn cơ động, có tầm bắn thiết kế hơn 1.500 km, có thể tiến công các tàu cỡ lớn ở tây Thái Bình Dương, đặc biệt là hàng không mẫu hạm.

Hải quân

Từ thập niên 1990 đến nay, hải quân nhân dân Trung Quốc đã phát triển từ một lực lượng chỉ có phương tiện tác chiến đơn nhất trở thành lực lượng có vũ khí trang bị hiện đại tác chiến đa nhiệm. So với 10 năm trước, rất nhiều tàu chiến của Trung Quốc đã được trang bị các hệ thống phòng không tiên tiến, ngư lôi và tên lửa hành trình chống hạm hiện đại. Các khí tài này không chỉ tăng cường khả năng tác chiến cho hải quân Trung Quốc mà còn làm cho họ có khả năng tiến hành tác chiến ở xa phạm vi bảo vệ của lực lượng phòng không triển khai trên bờ.

Hiện nay, hải quân Trung Quốc có 79 tàu mặt nước chủ lực (tàu hộ vệ và tàu khu trục), 50 tàu ngầm, 51 tàu lưỡng thê và tàu đổ bộ hạng trung cùng với 86 tàu cao tốc tên lửa. Hải quân Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng căn cứ hải quân Á Long trên đảo Hải Nam. Căn cứ này có thể tiếp nhận tàu ngầm hạt nhân tiến công, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và các tàu mặt nước tiên tiến, kể cả các hàng không mẫu hạm. Hệ thống đường hầm chứa tàu ngầm của căn cứ có thể bố trí tất cả các loại tàu ngầm ở bất kỳ độ sâu nào.

Trung Quốc còn đang tiến hành cải tiến và bắt đầu chạy thử hàng không mẫu hạm Thi Lang vào năm 2011. Ban đầu, tàu này có thể được sử dụng cho mục đích huấn luyện và đánh giá, một khi lực lượng không quân trên hạm hình thành, Trung Quốc sẽ có khả năng tiến hành các chiến dịch đường không từ tàu sân bay. Trung Quốc còn đang tự lực đóng hàng không mẫu hạm, dự kiến sau năm 2015, nó sẽ có năng lực tác chiến.

Trong vòng 10 năm tới, Trung Quốc có thể sẽ đóng thêm nhiều tàu sân bay và các lực lượng tàu hỗ trợ. Trung Quốc hiện đang tiến hành tu sửa các công trình huấn luyện phi công máy bay trên hạm. Tuy vậy, khả năng chiến đấu của Thi Lang vẫn còn rất thấp, Trung Quốc còn phải tiêu tốn không ít kinh phí và công sức trong vài năm tới.

Để cải thiện khả năng trinh sát tầm xa, hải quân Trung Quốc đang sử dụng radar ngoài đường chân trời sóng trời và sóng đất. Kết hợp với máy bay cảnh báo sớm, máy bay không người lái và các thiết bị trinh sát khác; radar ngoài đường chân trời có thể trinh sát và giám sát toàn bộ khu vực tây Thái Bình Dương. Nó còn có thể kết hợp với vệ tinh trinh sát để định vị mục tiêu tầm xa, hỗ trợ tên lửa đạn đạo chống hạm tiến công chính xác từ khoảng cách rất xa.

Trung Quốc đã phát triển các loại ngư lôi và thủy lôi đủ khả năng ngăn chặn các thế lực bên ngoài can thiệp vào vấn đề Đài Loan. Theo tính toán, hải quân Trung Quốc hiện có hơn 50.000 quả thủy lôi, đa số đều được chế tạo trong vòng 10 năm qua.

Trung Quốc còn đang đóng một loại tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo thế hệ mới nhất là tàu ngầm lớp Tấn (094) trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa JL-2 tầm bắn 7.400 km. Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa JL-2 lần đầu tiên mang lại cho hải quân Trung Quốc khả năng tiến công hạt nhân trên biển đáng tin cậy. Công tác nghiên cứu chế tạo JL-2 nhiều lần bị trì hoãn, nhưng khả năng sẽ đạt đến khả năng tác chiến ban đầu trong vòng 2 năm tới.

Trung Quốc còn tăng cường số lượng tàu ngầm hạt nhân tiến công. Tàu ngầm lớp Thương (093) đã được đưa vào trang bị. Trong một thời gian ngắn nữa, Trung Quốc sẽ đóng 5 tàu ngầm tiến công hạt nhân thế hệ 3. Đến lúc đó, các tàu ngầm Trung Quốc sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm tiếng ồn, làm cho khả năng phát hiện, trinh sát và phong tỏa của nó sẽ có hiệu quả rất cao.

Chủ lực của lực lượng tàu ngầm tiến công chạy diesel của Trung Quốc là 13 tàu ngầm lớp Tống (039) mang tên lửa hành trình chống hạm YJ-82. Ra đời sau đó là 4 tàu ngầm lớp Nguyên (039 cải tiến), tất cả đều được trang bị hệ thống động lực không cần không khí. Các tàu ngầm thuộc các lớp Tống, Nguyên, Thương và loại tàu ngầm tiến công kiểu mới đều được trang bị tên lửa hành trình chống hạm tầm xa.

Trung Quốc hiện đã triển khai 60 tàu cao tốc tên lửa hai thân lớp 022, mỗi tàu có thể mang 8 tên lửa hành trình chống hạm YJ-83. Số tàu cao tốc này đã tăng cường khả năng tác chiến gần bờ cho hải quân Trung Quốc.

Hải quân Trung Quốc đã được trang bị các tàu mặt nước nội địa tiên tiến nhất. Trong đó, có ít nhất 2 tàu khu trục tên lửa lớp Lữ Dương (052C) mang tên lửa phòng không tầm xa nội địa HHQ-9. Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đóng thêm nhiều tàu lớp này. Ngoài ra, Trung Quốc còn có 2 tàu khu trục tên lửa lớp Lữ Châu mang tên lửa phòng không tầm xa SA-N-20 của Nga; ít nhất 9 tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Khải-II (054A) mang tên lửa phòng không tầm trung phóng thẳng đứng HHQ-16. Với các tàu chiến này, khả năng tác chiến phòng không khu vực của hải quân Trung Quốc đã tăng lên rất cao, điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong tác chiến tại các khu vực nằm ngoài xa phạm vi phòng không của các căn cứ ven bờ.

Phòng không và không quân

Hoa lục có khoảng 490 máy bay chiến đấu có thể tác chiến ở Đài Loan mà không cần phải tiếp dầu lần thứ hai, các sân bay có phạm vi tác chiến bao trùm Đài Loan có thể tiếp nhận hàng trăm máy bay cất, hạ cánh. Ngoài ra, không quân Trung Quốc cũng đang đưa vào sử dụng ngày càng nhiều máy bay mới hiện đại.

Tháng 1/2011, máy bay thế hệ mới J-20 của Trung Quốc đã tiến hành bay thử. J-20 có tính năng tàng hình, trang bị thiết bị điện tử hàng không hiện đại, động cơ giúp máy bay có khả năng bay hành trình siêu âm. Trung Quốc còn tiến hành nâng cấp các máy bay ném bom H-6 (sao chép Tu-16 của Liên Xô), phát triển một biến thể mới có tầm bay xa hơn, mang tên lửa hành trình tầm xa thế hệ mới.

Không quân Trung Quốc liên tục luôn tăng cường các loại tên lửa phòng không tầm xa tiên tiến. Họ hiện có rất nhiều tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300, loại tên lửa phòng không tiên tiến nhất nhập khẩu từ Nga. Ngoài ra, không quân Trung Quốc còn được trang bị loại tên lửa phòng không HQ-9 do Trung Quốc tự sản xuất.

Các nhà sản xuất máy bay Trung Quốc còn đang nghiên cứu, chế tạo một số loại máy bay cảnh báo sớm, tiêu biểu là Y-8 và KJ-2000 dựa trên máy bay vận tải Il-76.

Lục quân

Trung Quốc có 1,25 triệu bộ đội lục quân, trong đó có 400.000 quân bố trí ở 3 đại quân khu tiếp giáp Đài Loan. Trung Quốc luôn nỗ lực hiện đại hóa lục quân của họ, đa phần lực lượng hiện đại nhất đều đảm nhận nhiệm vụ đối phó với các sự kiện đột ngột phát sinh quanh eo biển Đài Loan.

Các lực lượng hiện đại nhất của lục quân được trang bị: xe tăng chủ lực thế hệ 3 Type 99, xe thiết giáp lưỡng thê thế hệ mới và hàng loạt các hệ thống pháo hỏa tiễn thế hệ mới nhất.

Lực lượng hạt nhân

Trung Quốc hiện có 50-75 tên lửa đạn đạo vượt đại châu nhiên liệu lỏng phóng từ giếng phóng và tên lửa đạn đạo vượt đại châu nhiên liệu rắn cơ động. Ngoài ra, còn có các tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng tầm trung và tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn, cơ động, tầm ngắn.

Đến năm 2015, Trung Quốc sẽ trang bị thêm tên lửa đạn đạo kiểu mới CSS-10 Mod2, biến thể cải tiến của tên lửa đạn đạo CSS-4, và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2. Hai tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn tuy đã đưa vào sử dụng, nhưng việc lắp tên lửa JL-2 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Dự kiến, khoảng 2 năm nữa mới hoàn thành thử nghiệm tên lửa và có được năng lực tác chiến đầy đủ.

Việc tên lửa chiến lược kiểu cơ động được đưa vào sử dụng đã gây ra những khó khăn mới cho công tác chỉ huy, kiểm soát của quân đội Trung Quốc, đặt ra những bài toán khó trong việc triển khai bố trí tên lửa hạt nhân và truyền đạt chỉ thị, mệnh lệnh. Ví dụ, năng lực thông tin trên biển của tàu ngầm Trung Quốc rất có hạn, hơn nữa họ cũng không có kinh nghiệm sử dụng tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa hạt nhân trong hoạt động tuần tra chiến lược; các loại tên lửa cơ động trên mặt đất cũng đứng trước những thách thức về chỉ huy, kiểm soát giống như tàu ngầm trên biển.

Các chính sách có liên quan đến vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh cũng chưa có chuyển biến gì, chủ yếu vẫn là duy trì đủ lực lượng hạt nhân ở mức độ thấp nhất để “trả đũa hạt nhân” đối với kẻ địch. Tên lửa hạt nhân cơ động thế hệ mới của Trung Quốc đang phải đối mặt với sự uy hiếp chiến lược từ hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ và Nga.

Trung Quốc vẫn đang nghiên cứu, phát triển công nghệ khắc chế hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và các quốc gia khác; đồng thời còn đi sâu nghiên cứu, tìm tòi cơ chế đào tạo, huấn luyện và thể chế phát triển công nghệ. Các biện pháp này đã tương hỗ nâng cao tiềm lực hạt nhân và khả năng tiến công chiến lược cho Trung Quốc. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn không làm rõ chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên” sẽ được áp dụng trong trường hợp nào và cũng không giải thích trường hợp nào hội tụ điều kiện để sử dụng vũ khí hạt nhân để uy hiếp.

Chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên” của Bắc Kinh vẫn không có gì thay đổi: “trong bất kỳ thời điểm nào, bất kể tình huống nào cũng sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên” và cũng bảo đảm sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân vô điều kiện đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ phi hạt nhân.

Trung Quốc sẽ tiếp tục thông qua đầu tư phát triển có giới hạn lực lượng hạt nhân của mình để bảo đảm có đủ khả năng trả đũa hạt nhân sau khi chịu các đòn tiến công hạt nhân của đối thủ.

Nguồn: Lược dịch từ “Toàn văn báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2012 về tình hình quân lực Trung Quốc” đăng trên thời báo “Tinh Đảo Hoàn Cầu” ngày 21/5/2012.

Print Print E-mail Print