Vietnamdefence.com

 

Điểm mới trong Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc 2012

VietnamDefence - Báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Trung Quốc của Lầu Năm Góc công bố tháng 5/2012 nhìn chung ít thông tin và số liệu, bảng biểu so với các báo cáo trước đó.

>> Quy mô và khả năng quân đội TQ. Báo cáo 2012 của Lầu Năm góc

Việc trình các báo cáo thường niên này cho Quốc hội Mỹ đã trở thành bắt buộc đối với Bộ Quốc phòng Mỹ theo đạo luật về ngân sách quốc phòng năm 2000 (National Defense Autorisation Act for Fiscal Year 2000, Section 1202), sau đó các yêu cầu đối với các báo cáo được nêu rõ, điều chỉnh trong một đạo luật năm 2010 (National Defense Autorisation Act for Fiscal Year 2010, Section 1246).

Đánh giá các ưu tiên xây dựng quân sự của Trung Quốc, Báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Trung Quốc (Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2012) lưu ý rằng, “trong năm 2011, Đài Loan vẫn là mục tiêu có thể, quan trọng nhất của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa, vì thế Trung Quốc tiếp tục gia tăng mở rộng các khả năng tiến hành chiến dịch quân sự chống lại hòn đảo này nếu Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập khỏi Trung Quốc, cũng như ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột. Dự báo, Đài Loan sẽ vẫn là một ưu tiên đối với hoạt động xây dựng quân sự Trung Quốc trong thập niên tới, đồng thời Trung Quốc cũng đang từng bước tăng cường khả năng tung sức mạnh tới những vùng xa xôi của thế giới.

Việc xây dựng quân đội Trung Quốc được thực hiện xuất phát từ yêu cầu tiến hành “các cuộc chiến tranh cục bộ (khu vực) trong điều kiện tin học hóa” dựa trên cơ sở lý luận là “Các phương châm chỉ đạo về chiến lược quân sự trong thời kỳ mới” lần đầu tiên được công bố vào năm 1993 và được sửa đổi vào năm 2004.

Ngân sách quân sự chính thức của Trung Quốc trong giai đoạn năm 2001-2011 tăng trưởng với tốc độ trung bình 11,8%/năm, trong năm 2012 là 106,2 tỷ USD. Theo đánh giá của Lầu Năm góc, chi phí quân sự thực tế của Trung Quốc vượt quá con số công bố tới 30-100%. Ví dụ, nếu ngân sách chính thức năm 2011 là 91,5 tỷ USD, thì chi phí thực tế Mỹ ước tính là 120 -180 tỷ USD.

Về không quân Trung Quốc, trước đây lực lượng này chủ yếu tập trung cho nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc thì nay đang dần chuyển đổi để có khả năng tiến hành các chiến dịch tấn tấn công và phòng ngự ở nước ngoài.

Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường khả năng không quân vận tải nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài (4 máy bay vận tải Il-76 của không quân Trung Quốc đã tham gia sơ tán công dân Trung Quốc khỏi Libya khi nước này rơi vào nội chiến năm 2011).

Năm 2011, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung mới (không nêu tên).
Trong số những ưu tiên phát triển khác của không quân Trung Quốc là đầu đầu tư cho các hệ thống phòng thủ tên lửa, cũng như hệ thống cảnh báo tên lửa tấn công.

Đáng chú ý là báo cáo không chỉ không đề cập đến cuộc cải cách cơ cấu tổ chức quy mô lớn của không quân Trung Quốc bắt đầu trong năm 2011, đi kèm với việc giải tán một phần các sư đoàn không quân, chuyển đổi các trung đoàn của các sư đoàn không quân này thành các lữ đoàn và thành lập các căn cứ không quân, mà còn dẫn ra những số liệu rõ ràng là đã lạc hậu về số lượng các sư đoàn của không quân Trung Quốc.

Ví dụ, một bản đồ bố trí binh lực chủ yếu của không quân Trung Quốc cho thấy có sự hiện diện của 2 sư đoàn không quân tiêm kích và 1 sư đoàn không quân ném bom ở đại quân khu Lan Châu. Trong khi đó, người ta biết rằng, ít nhất 1 sư đoàn không quân tiêm kích (sư đoàn 37) đã không còn tồn tại từ cuối năm 2011, các trung đoàn của nó đã được chuyển thành các lữ đoàn nay trực thuộc căn cứ không quân Urumqi.

Ở mức độ nào đó, có thể cho rằng, những thay đổi tương tự cũng đã xảy ra với cả một số sư đoàn khác ở các đại quân khu khác, ví dụ như sư đoàn không quân tiêm kích 30 ở quân khu Thẩm Dương - sư đoàn này đã bị giải thể, các trung đoàn được chuyển thành các lữ đoàn trực thuộc căn cứ không quân Đại Liên (Tuy nhiên, báo cáo của Lầu Năm góc khẳng định đại quân khu Thẩm Dương vẫn có 3 sư đoàn không quân tiêm kích). Những thay đổi như thế rõ ràng cũng xảy ra với cả sư đoàn không quân tiêm kích 29 ở quân khu Nam Kinh (Báo cáo của Lầu Năm góc nói ở đại quân khu này có 3 sư đoàn không quân tiêm kích như thời trước cải cách).

Báo cáo lưu ý việc quân đội Trung Quốc tiếp tục những cải cách về cơ cấu trong lục quân, cũng như sự gia tăng ồ ạt quân số các đơn vị đặc nhiệm trong năm 2011.

Theo báo cáo, 2 tàu ngầm nguyên tử mới lớp Thương (093) đã đạt đến khả năng sẵn sàng chiến đấu ban đầu và trong vài năm tới Trung Quốc có thể đóng thêm đến 5 tàu ngầm hạt nhân lớp này. Dự kiến, các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn mới lớp Tấn (094) trang bị tên lửa đường đạn xuyên lục địa JL-2 tầm bắn trên 7.400 km sẽ đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu ban đầu trong hai năm tới.

Tàu sân bay Varyag của Liên Xô trước đây sẽ được sử dụng chủ yếu làm tàu huấn luyện và thử nghiệm, đồng thời sau khi Trung Quốc đưa vào sản xuất máy bay trên hạm thì tàu sân bay này có thể được sử dụng cho các chiến dịch hạn chế về quy mô và độ phức tạp. Những bộ phận riêng lẻ của tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc có lẽ hiện đã đang được chế tạo và tàu sân bay này sẽ đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu sau năm 2015.

Để chuẩn bị cho một chiến dịch có thể xảy ra chống Đài Loan, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến việc phát triển ngư lôi và thủy lôi. Mỹ cho rằng, hải quân Trung Quốc đã tích lũy được hơn 50.000 quả thủy lôi, ngoài ra trong 10 năm qua, họ cũng đã nhận vào trang bị các mẫu thủy lôi cải tiến.

Về lực lượng hạt nhân chiến lược, Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ khái niệm răn đe hạn chế và không tìm kiếm sự cân bằng hạt nhân với Mỹ, trong khi tiến hành sản xuất các tên lửa đường đạn xuyên lục địa nhiên liệu rắn cơ động DF-31A và các biến thể cải tiến của tên lửa đường đạn xuyên lục địa nhiên liệu lỏng DF-5A (chưa rõ đây là sản xuất các tên lửa mới hay hiện đại hóa các tên lửa hiện có)

Trung Quốc hiện có khoảng 50-75 tên lửa đường đạn xuyên lục địa các loại (số lượng tên lửa và bệ phóng là như nhau), 5-20 tên lửa đường đạn tầm trung có tầm bắn 3.000-5.500, 75-100 tên lửa đường đạn tầm trung có tầm bắn 1.000-3.000 km, 1.000-1.200 tên lửa (200-250 bệ phóng) tầm ngắn (dưới 1.000 km). Ngoài ra, còn có 40-55 hệ thống tên lửa hành trình triển khai trên mặt đất với 200-500 tên lửa có tầm bắn trên 1.500 km.

Dự đoán, trong biên chế của không quân và không quân hải quân Trung Quốc có tổng cộng 2.120 máy bay chiến đấu, trong đó có 1.570 tiêm kích và 550 máy bay ném bom. Ngoài ra, còn có 1.450 máy bay chiến đấu các loại đã lạc hậu được cất giữ trong kho, sử dụng để thử nghiệm, huấn luyện chiến đấu...
Trung Quốc chỉ có 300 máy bay vận tải quân sự các loại.

Lục quân Trung Quốc có 1,25 triệu quân, 18 quân đoàn, 18 sư đoàn bộ binh cơ giới, 22 lữ bộ binh cơ giới, 8 sư đoàn và 6 lữ đoàn cơ giới hóa, 9 sư đoàn và 9 lữ đoàn xe tăng, 2 sư đoàn và 17 lữ đoàn pháo binh, 3 sư đoàn đổ bộ đường không (thuộc biên chế không quân), 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ (thuộc biên chế hải quân), trong trang bị có gần 7.000 xe tăng và 8.000 hệ thống pháo.

Trong biên chế hải quân có 26 tàu khu trục, 53 tàu frigate, 48 tàu ngầm thông thường, 5 tàu ngầm nguyên tử, 86 tàu tên lửa, 28 tàu đổ bộ chở tăng và tàu đốc đổ bộ, 23 tàu đổ bộ hạng trung.

Nguồn: P2, 1.6.2012.

Print Print E-mail Print