Vietnamdefence.com

 

Không quân Trung Quốc và mục tiêu hiện đại hóa

VietnamDefence - Mục tiêu chiến lược của công cuộc hiện đại hóa không quân Trung Quốc (PLAAF) là đánh thắng lực lượng không quân nước ngoài.

Muốn vậy, Trung Quốc đang xây dựng lực lượng không quân tinh gọn, hiện đại về phương tiện kỹ thuật, nâng cao năng lực tác chiến hiện đại, mở rộng tầm hoạt động.

Thực trạng không quân Trung Quốc

Không quân Trung Quốc (PLAAF) hiện có hơn 600.000 quân và nhân viên phục vụ, khoảng 2.000 máy bay các loại, và được đánh giá là lực lượng không quân lớn nhất châu Á hiện nay.

Tiến trình hiện đại hóa của PLAAF được khởi động từ giữa những năm 1990, theo đó hàng ngàn chiếc máy bay chiến đấu J-6 đã dần được chuyển hóa hoặc loại ra khỏi biên chế.

Tuy nhiên, số máy bay già cỗi được sản xuất từ những năm 1950-1970 vẫn là gánh nặng cho các nhà hoạch định chiến lược hiện đại hóa PLAAF.

Trong tổng số khoảng 2.000 máy bay hiện đang vận hành, có ít nhất 900-1.000 máy bay chiến đấu J-7 và J-8 lỗi thời; khoảng 120 máy bay chiến đấu kiểu Su-27 nội địa, 50-60 máy bay Su-27 mua của Nga đang xuống cấp, cần phải đại tu và thay thế.

Bên cạnh đó, Trung Quốc có khoảng 70 máy bay chiến đấu J-10 hiện đại tự chế tạo, khoảng 80 Su-33 MKK do Nga sản xuất, khoảng 20–30 J-11 hiện đại nhất Trung Quốc.

Ngoài ra, không quân nước này đang sở hữu một số máy bay chỉ huy/báo động sớm KJ-200 và KJ-200; khoảng 50 máy bay tác chiến điện tử và có chức năng C4ISR như: Y-8 MPA, Y-8J, JianZhen-8, Yun-8 (GaoXin 1, GaoXin 2,…GaoXin 7), JianZhen-8F, Tu-154M và JianZhen-6; các máy bay ném bom H-6M/K/H; máy bay tiến công JH-7 và Q-5; khoảng 200 máy bay vận tải Y-5, Y-7, Y-8, Y-9 và máy bay vận tải đổ bộ đường không hạng nặng IL-76.

Mục tiêu hiện đại hóa

Để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược không quân, quân đội Trung Quốc đã đặt ra nhiều hướng phát triển, bao gồm: Hiện đại hóa lực lượng máy bay để có tính năng kỹ thuật hiện đại, có thể bay cao hơn và xa hơn; Trang bị các loại vũ khí điều khiển tiên tiến, chính xác cao; Nghiên cứu và chế tạo máy bay tiếp dầu trên không, máy bay vận tải và máy bay chỉ huy/báo động sớm hiện đại.

Cụ thể hóa mục tiêu trên, Trung Quốc đặt ra nhiệm vụ phát triển và cải hoán các máy bay H-6 thành máy bay tiếp dầu HY-6. Đây được coi là bước phát triển mũi nhọn, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả tác chiến của các máy bay chiến đấu như J-10, J-11 và J-XX trong tương lai.

Máy bay Trung Quốc thực hành tiếp dầu trên không

Hướng ưu tiên tiếp theo của PLAAF là tăng cường nghiên cứu và tích hợp các kỹ thuật và thiết bị công nghệ hiện đại cho các máy bay chỉ huy/báo động sớm, máy bay tác chiến điện tử, máy bay chiến đấu, máy bay đổ bộ đường không và vận tải.

Trung Quốc còn đề ra nhiệm vụ trong giai đoạn 2011-2012, công nghiệp quốc phòng nước này thực hiện thành công mục tiêu nâng cao khả năng tấn công cho các máy bay tiến công mặt đất và đối hạm. Theo đó, các máy bay tiêm kích-bom JH-7 và máy bay ném bom H-6 sẽ được chú trọng chuyển đổi và cải tiến trang bị.

Cụ thể, JH-7 sẽ được nghiên cứu và tích hợp hệ thống tên lửa chống hạm C-801 và C-802. Đây là loại tên lửa có khả năng tiến công và tiêu diệt các hạm tàu mặt nước và các mục tiêu khác trên biển. Với mặt bằng công nghệ quốc phòng Trung Quốc hiện nay, nhiệm vụ này khá khó khăn, nhất là nhiệm vụ đồng bộ công nghệ.

Máy bay H-6 sẽ được tích hợp loại tên lửa chống hạm và tên lửa hành trình chống hạm nhằm nâng cao khả năng tác chiến linh hoạt và đa năng, sẵn sàng thực thi bất kỳ phi vụ nào khi có yêu cầu.

Tên lửa chống hạm C-801 trang bị trên máy bay thuộc PLAAF

Để nâng cao khả năng tác chiến cho lực lượng máy bay chiến đấu, PLAAF cũng đặt ra mục tiêu xây dựng mạng lưới hóa khả năng chỉ huy, điều khiển và thông tin liên lạc hiện đại, phù hợp với bước tiến của mục tiêu phát triển trang bị kỹ thuật và thông tin hóa của toàn lực lượng.

Song song với việc phát triển lực lượng máy bay, quá trình hiện đại hóa cũng đặt ra mục tiêu về con người gồm: Nâng cao tri thức cho nhân viên phục vụ, tinh gọn lực lượng, nâng cao trình độ cho các phi công, huấn luyện và đào tạo lực lượng sử dụng vũ khí trên máy bay tới mức độ tinh nhuệ, kỹ năng tác chiến linh hoạt.

Về kỹ năng chiến đấu, PLAAF đang tập trung nâng cao khả năng tiếp dầu trên không tầm xa, huấn luyện bay biển và hạ cánh chính xác trên sân bay nhỏ, hẹp (tàu sân bay, sân bay trên hải đảo...). Khả năng này bảo đảm cho việc nâng cao trình độ tác chiến tầm xa trong tương lai.

Trung Quốc hiện đại hóa không quân theo hướng "vươn cao, vươn xa" nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới

Nâng cao khả năng hoạt động dài ngày trên biển cho các máy bay chiến đấu, khả năng thu thập thông tin tình báo, nâng cao hiệu quả của nhiệm vụ tác chiến điện tử trên máy bay …là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn vươn tầm tác chiến chiến lược cho lực lượng không quân, trở thành đối trọng với kỹ thuật quân sự Mỹ trong tương lai.

Trong quá trình thực hiện, PLAAF đặt mục tiêu, phát huy tối đa nội lực và tự phát triển công nghệ nội địa. Ngoài ra sẽ tiếp tục hợp tác với Nga và Pakistan, nhằm tiếp thu công nghệ tiên tiến và hợp tác hoàn thiện các mục tiêu chuyển đổi kỹ thuật phù hợp.

Nguồn: Tuấn Anh (Tổng hợp) / ĐV, 8.12.2010.

Print Print E-mail Print