Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc làm nhái tàu ngầm Kilo và Lada của Nga

VietnamDefence - Mới đây, Trung Quốc đã hạ thủy một tàu ngầm diesel-điện mới, song không tiết lộ thông tin chính thức nào.

Việc nghiên cứu các bức ảnh cho phép kết luận rằng, có lẽ đây là tàu ngầm diesel-điện lớp 041С, có sử dụng các công nghệ của Nga được cải tiến thích ứng cho thiết kế của Trung Quốc.

Việc đóng tàu ngầm này cho thấy các kỹ sư hải quân Trung Quốc đã tiến bộ đáng kể trên hướng này.

Tàu ngầm lớp 041А trông giống như tàu ngầm lớp Kilo của Nga.

Cuối thập niên 1990, Trung Quốc đã đặt mua các tàu ngầm lớp Projekt 877 (Kilo) vốn được cho là tàu ngầm thông thường hiện đại nhất của Nga lúc đó. Nga đã bán các tàu này với giá 200 triệu USD/chiếc, chưa bằng một nửa giá một tàu ngầm cùng loại của phương Tây.

Tàu có lượng giãn nước khi nổi là 2.300 tấn, 6 ống phóng lôi và thủy thủ đoàn 57 người. Tàu có khả năng lặn 700 km ở chế độ độ ồn thấp với tốc độ 5 km/h, được trang bị 18 ngư lôi và tên lửa chống hạm SS-N-27 tầm bắn 300 km phóng bằng ống phóng lôi. Sự kết hợp giữa độ ồn thấp và tên lửa hành trình khiến các tàu ngầm này cực kỳ nguy hiểm với tàu sân bay Mỹ.

Bắc Triều Tiên và Iran cũng đã mua các tàu ngầm này.

Trung Quốc thì đóng 3 tàu ngầm lớp Nguyên (Yuan, 041). Tàu đầu tiên sao chép tàu ngầm Nga Projekt 877 (Kilo), tàu thứ hai (041В) là biến thể cải tiến của tàu đầu tiên và tương đương với biến thể cuối của lớp Kilo là Projekt 636. Các tàu ngầm này được đóng để thử nghiệm các công nghệ đánh cắp của Nga. Tàu lớp Yuan (041С) thứ ba được hạ thủy mới đây không khác nhiều với 2 tàu trước đó. Tàu này có thể là bản sao chép của biến thể mới nhất của Projekt 877 là Lada.

Tàu ngầm diesel-điện đầu tiên lớp Lada đã được chạy thử 3 năm trước và 1 năm trước đã được chứng nhận có khả năng hoạt động. Tàu ngầm thứ hai đang được đóng, Nga dự định đóng tổng cộng 8 tàu ngầm diesel-điện lớp này. Các tàu ngầm Kilo được đưa vào biên chế chiến đấu của hạm đội Liên Xô vào cuối thập niên 1980. Hải quân Nga có 24 tàu này, ngoài ra có 30 chiếc được xuất khẩu. Không lâu trước khi chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô/Nga bắt đầu phát triển Projekt Lada, nhưng nhanh chóng gặp bế tắc vì không có kinh phí.

Lada dùng để tiêu diệt tàu ngầm, tàu nổi và mục tiêu mặt đất, cũng như trinh sát hải quân. Các tàu này được đánh giá êm hơn 8 lần tàu ngầm Projekt 877. Đó là nhờ việc sử dụng các lớp phủ hấp thụ âm thanh và chân vịt chạy êm. Tàu được trang bị các sonar chủ động và thụ động, trong đó có trạm thủy âm kéo thụ động, vũ khí gồm có 6 ống phóng lôi 533 mm với cơ số đạn 18 ngư lôi và tên lửa hành trình. Tàu có lượng giãn nước khi nổi được giảm xuống còn 1.750 tấn, thủy thủ đoàn 38 người. Mỗi thành viên thủy thủ đoàn đều có phòng riêng nhỏ có giường, điều này có tác dụng tốt cho tinh thần các thủy binh.

Khi lặn, Lada có khả năng đạt và duy trì tốc độ gần 39 km/h và lặn sâu đến 800 ft (1ft = 0,3048 m), có khả năng hoạt động độc lập trong 50 ngày đêm, cự ly lặn tối đa với các động cơ diesel hoạt động ngầm dưới nước và cấp không khí qua cột nhô lên có thể lên tới 10.000 km. Khi dùng acquy, cự ly lặn là 450 km. Tàu được trang bị kính tiềm vọng điện tử, nên cho phép quan sát ban đêm và sử dụng máy đo xa laser.

Lada được thiết kế để sử dụng công nghệ động cơ không cần không khí AIP (tức tàu không cần nổi lên mặt nước). Nga trong một thời gian dài dẫn đầu về công nghệ này, nhưng gần đây Tây Âu đã giành được vị thế đó.

Tàu đầu tiên lớp Lada bắt đầu được đóng năm 1997, nhưng do thiếu kinh phí nên công việc bị đình trệ nhiều năm và chỉ đến năm 2005 tàu mới được đóng xong. Biến thể đơn giản hơn có tên Amurr đang được chào bán xuất khẩu.

Các tàu ngầm lớp Yuan của Trung Quốc cũng được cho là có sử dụng công nghệ AIP, cho phép các tàu ngầm thông thường lặn mấy ngày đêm liên tục.

Hiện nay, hải quân Trung Quốc có trong biên chế chiến đấu 13 tàu ngầm lớp Tống (Song, 039), 12 tàu ngầm lớp Kilo, 3 tàu lớp Yuan và 25 tàu lớp Romeo.

Đến nay, họ chỉ có vẻn vẹn 3 tàu ngầm nguyên tử lớp Hán, điều này nói lên những khó khăn mà Trung Quốc gặp phải khi sử dụng các lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm. Bất chấp hạn chế đó, các tàu ngầm nguyên tử đang chuẩn bị ra khơi, nơi chúng với độ ồn lớn của mình dễ dàng bị các hệ thống phát hiện âm thanh của phương Tây phát hiện.

  • Nguồn: strategypage.com, MP, 27.9.10. 

Print Print E-mail Print