VietnamDefence -
Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống phòng không tập trung hóa vào giữa thập niên 1950 đồng thời với việc Liên Xô bắt đầu cung cấp ồ ạt các tiêm kích phản lực, trạm radar, đèn pha và pháo phòng không. Hàng ngàn chuyên gia Trung Quốc đã được đào tạo ở Liên Xô và sau này đã tạo thành đội ngũ cán bộ kỹ thuật nòng cốt của Trung Quốc.
Trong những năm 1950, không quân Mỹ và Quốc dân đảng Đài Loan thường xuyên xâm phạm biên giới trên không của Trung Quốc. Các tiêm kích MiG-15 и MiG-17 của Trung Quốc đã nhiều lần cất cánh ngăn chặn các máy bay xâm phạm. Một cuộc chiến tranh trên không thực sự đã diễn ra trên eo biển Đài Loan. Chỉ riêng trong năm 1958, không quân Trung Quốc đã bắn rơi 17 và bắn bị thương 25 máy bay địch, trong khi chịu tổn thất 15 tiêm kích MiG-15 và MiG-17. Các máy bay xâm phạm bay vào không phận Trung Quốc lợi dụng những dãy núi cao trên bờ biển Đông Nam Trung Quốc cản trở hoạt động của các trạm radar mặt đất.
Tình hình trở nên phức tạp hơn sau khi Mỹ cung cấp cho Đài Loan các máy bay trinh sát tầm cao RB-57D và U-2. Chỉ trong ba tháng đầu năm 1959, các máy bay trinh sát tầm cao đã thực hiện 10 chuyến bay kéo dài nhiều giờ trong không phận Trung Quốc, còn vào tháng 6/1959, các máy bay do thám đã hai lần bay qua Bắc Kinh. Lễ kỷ niệm 10 năm ngày quốc khách Trung Quốc đang đến gần và dự báo dịp lễ này bị phá vỡ là hoàn toàn có thể xảy ra. Ban lãnh đạo Trung Quốc hồi đó rất căm tức đối với những chuyến bay này.
Trong tình hình đó, Mao Trạch Đông đã đích thân đề nghị nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev cung cấp cho Trung Quốc các hệ thống tên lửa phòng không tối tân SA-75 Dvina. Mặc dù quan hệ Xô-Trung bắt đầu lạnh nhạt, yêu cầu riêng của Mao đã được đáp ứng và mùa xuân năm 1959, trong điều kiện cực kỳ bí mật, 5 tiểu đoàn hỏa lực và 1 tiểu đoàn kỹ thuật SA-75, bao gồm 62 tên lửa phòng không 11D đã được chuyển sang Trung Quốc. Đồng thời, Liên Xô đã cử một nhóm chuyên gia sang Trung Quốc để bảo dưỡng các hệ thống tên lửa phòng không này.
Các chuyên gia Liên Xô, ngoài việc đào tạo, huấn luyện các kíp trắc thủ Trung Quốc, còn tổ chức hệ thống phòng không cho các thành phố lớn: Bắc Kinh, Tây An, Thượng Hải, Quảng Châu, Vũ Hán, Thẩm Dương. Đây là bước đi rất quan trọng từ phía ban lãnh đạo Liên Xô. Các hệ thống tên lửa phòng không này mới vừa bắt đầu được trang bị cho các đơn vị phòng không Liên Xô và trong điều kiện chiến tranh lạnh có thể chuyển thành chiến tranh nóng bất kỳ lúc nào thì Liên Xô rất thiếu các hệ thống tên lửa phòng không.
Không lâu sau, các tên lửa phòng không Liên Xô đã bắn rơi trên lãnh thổ Trung Quốc mấy máy bay xâm phạm. Hơn nữa, trường hợp tác chiến thành công đầu tiên của SA-75 lại diễn ra ở Trung Quốc sớm hơn ở Liên Xô. Dưới sự lãnh đạo của cố vấn quân sự Liên Xô Đại tá Viktor Slyusar, ngày 7/10/1959, đã lần đầu tiên bắn hạ cách không xa Bắc Kinh ở độ cao 20.600 m một máy bay trinh sát hai động cơ tầm xa RB-57D của Đài Loan vốn là bản sao chép biến thể trinh sát của máy bay ném bom và trinh sát Canberra của Anh.
Các tính năng chiến đấu cao vào thời điểm đó của hệ thống tên lửa phòng không SA-75 của Liên Xô đã thúc đẩy ban lãnh đạo Trung Quốc mua giấy phép sản xuất SA-75 và tất cả các thỏa thuận cần thiết đã nhanh chóng đạt được.
Tuy vậy, những bất đồng Xô-Trung bắt đầu gia tăng vào cuối thập niên 1950 đã trở thành nguyên nhân vào năm 1960, Liên Xô thông báo triệu hồi toàn bộ chuyên gia quân sự từ Trung Quốc, đánh dấu sự bắt đầu sự đình chỉ trên thực tế trong thời gian dài hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Liên Xô và Trung Quốc. Mặc dù chấm dứt hợp tác với Liên Xô trong lĩnh vực quốc phòng, Trung Quốc đã bắt đầu tự chủ sản xuất được hệ thống tên lửa phòng không SA-75 với tên gọi НQ-1 (HongQi-1, Hồng kỳ-1).
Đồng thời với việc bắt đầu triển khai sản xuất hệ thống tên lửa phòng không НQ-1 vào năm 1965, Trung Quốc đã bắt đầu phát triển biến thể hiện đại hóa có tên НQ-2. Hệ thống tên lửa phòng không mới của Trung Quốc có tầm bắn lớn hơn, các tính năng cao hơn khi hoạt động trong điều kiện có sử dụng khí tài đối kháng vô tuyến điện tử. Biến thể đầu tiên của НQ-2 được đưa vào trang bị vào tháng 7/1967.
Việc nghiên cứu chế tạo “hệ thống tên lửa phòng không Trung Quốc” НQ-2 có được thuận lợi rất lớn từ cuộc chiến tranh đang bùng phát ở Đông Nam Á. Dù có những bất đồng chính trị gay gắt, một phần đáng kể viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam đã được vận chuyển bằng đường sắt qua lãnh thổ Trung Quốc. Các chuyên gia Liên Xô đã nhiều lần ghi nhận các trường hợp mất mát các mẫu vũ khí trang bị không quân và tên lửa khi vận chuyển qua lãnh thổ Trung Quốc. Như vậy, người Trung Quốc đã không ngần ngại đánh cắp và có được cơ hội tìm hiểu các mẫu vũ khí trang bị hiện đại của Liên Xô. Hệ thống tên lửa phòng không НQ-2 với các biến thể khác nhau đã trở thành hệ thống tên lửa phòng không chủ yếu và duy nhất trong thời gian dài bảo vệ không phận Trung Quốc.
Việc hoàn thiện và chế tạo các biến thể mới của hệ thống này đã được tiếp tục cho đến tận cuối thập niên 1980. Nhìn chung, biến thể do Trung Quốc chế tạo của hệ thống tên lửa phòng không S-75 của Liên Xô đã lặp lại con đường Liên Xô đã đi với độ trễ 10-15 năm.
Năm 1986, biến thể cơ động НQ-2В được nhận vào trang bị. НQ-2В sử dụng bệ phóng lắp trên khung gầm xích, tên lửa cải tiến lắp ngòi vô tuyến mới được kích hoạt tùy thuộc vào vị trí của tên lửa so với mục tiêu. Trung Quốc cũng đã chế tạo (đúng hơn là sao chép từ các tên lửa Liên Xô) phần chiến đấu mới giúp tăng xác suất diệt mục tiêu.
Tuy nhiên, НQ-2В đã không trở thành hệ thống tên lửa phòng không cơ động thực sự vì không thể vận chuyển đi xa tên lửa nạp đầy nhiên liệu và chất oxy hóa bằng khung gầm xích. Nó chỉ giúp nâng cao tính cơ động của các bệ phóng và việc không phụ thuộc vào các phương tiện kéo bệ phóng.
Đồng thời với НQ-2В, Trung Quốc cũng đưa vào trang bị hệ thống tên lửa phòng không НQ-2J sử dụng bệ phóng cố định để phóng tên lửa. Trong suốt những năm sản xuất hệ thống tên lửa phòng không НQ-2, Trung Quốc đã sản xuất tổng cộng hơn 600 bệ phóng và 5.000 quả đạn tên lửa phòng không có điều khiển. Gần 100 tiểu đoàn tên lửa phòng không НQ-2 thuộc các biến thể khác nhau trong một thời gian dài đã là nền tảng của phòng không Trung Quốc.
|
Ảnh Google Earth: Trận địa tên lửa phòng không НQ-2 ở phía Bắc Bắc Kinh |
Các hệ thống НQ-2В và НQ-2J đến nay vẫn được trang bị cho các đơn vị phòng không quân đội Trung Quốc. Nhưng qua mỗi năm, số lượng các hệ thống này trong biên chế một ít đi. Các khu vực và mục tiêu đòi hỏi sự chú ý đặc biệt về mặt bảo vệ chống các phương tiện tiến công đường không hiện nay được bảo vệ bởi các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại do Nga hoặc Trung Quốc sản xuất.
|
Ảnh Google Earth: Một máy bay chở khách bay qua bên trên hệ thống tên lửa phòng không НQ-2 ở ngoại ô Urumqi |
НQ-2 hiện được sử dụng ở vai trò đóng đôi cùng với các hệ thống phòng không hiện đại hay ở các khu vực nội địa thứ yếu. Nhưng cả ở đây, chúng cũng không phục vụ lâu nữa và chỉ sau 4-5 năm nữa, hệ thống S-75 của Trung Quốc sẽ chỉ có thể thấy trong viện bảo tàng.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-2 đã sống lâu hơn hệ thống tiền bối S-75 của mình hơn 20 năm. Ở Nga, các hệ thống S-75 cuối cùng đã ngừng trực chiến vào đầu thập niên 1990.
Trong một thời gian dài, chủ lực của không quân Trung Quốc là các tiêm kích J-6 (MiG-19) và J-7 (MiG-21) mà Trung Quốc đã triển khai sản xuất trong nước. Nhưng chúng đã không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu đặt ra đối với tiêm kích đánh chặn phòng không. Trên các tiêm kích chiến thuật không hề tồi hồi đó này không có radar và các hệ thống dẫn đường tự động hóa, tầm bay, độ cao bay và các đặc tính tăng tốc rõ ràng là không đủ đáp ứng các yêu cầu đối với một máy bay đánh chặn. Nhưng trong điều kiện quan hệ Xô-Trung căng thẳng, Trung Quốc không thể trông đợi vào sự trợ giúp của Liên Xô.
Chính vì thế họ đã buộc phải bắt đầu tự phát triển tiêm kích đánh chặn. Tiêm kích đánh chặn này với tên J-8 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 5/7/1969. Bề ngoài, J-8 hơi giống MiG-21, nhưng lớn hơn đáng kể và có 2 động cơ. Do cuộc cách mạng văn hóa sôi sục khắp Trung Quốc khi đó, việc hoàn thiện máy bay đã bị kéo dài rất nhiều và đến tận năm 1980 mới được đưa vào trang bị.
|
Máy bay đánh chặn J-8 |
J-8 được trang bị 2 động cơ turbine phản lực có buồng tăng lực WP-7A và máy đo xa vô tuyến SR-4. Vũ khí của máy bay gồm 2 pháo 30 mm Type 30-I và 2 tên lửa không đối không tầm gần PL-2 (biến thể do Trung Quốc sản xuất của tên lửa không đối không tầm gần K-13 của Liên Xô) lắp đầu tự dẫn hồng ngoại.
Dĩ nhiên là với hệ thống vô tuyến điện tử trên khoang và vũ khí như thế, kể cả là có các đặc tính tăng tốc tốt, J-8 không thể là máy bay đánh chặn thật sự. Chính vì thế, máy bay này chỉ được sản xuất một lô nhỏ.
Năm 1985, Trung Quốc đưa vào trang bị biến thể cải tiến J-8I với radar SL-7A (tầm hoạt động 40 km), 1 pháo hai nòng 23 mm Type 23-III. Máy bay có 4 điểm treo tên lửa. Tuy nhiên, do radar trên khoang có tính năng thấp nên biến thể J-8I cũng không được trang bị phổ biến.
|
Máy bay đánh chặn J-8I bên cạnh tiêm kích J-7 với khác biệt rõ ràng về kích thước |
Vào đầu thập niên 1990, biến thể mới là J-8II được nhận vào trang bị. Vì radar mới, tính năng mạnh không để vừa trong nắp hình côn của bộ hút khí nên phần mũi máy bay đã được cải tạo triệt để. Trên J-8II đã xuất hiện cánh đuôi đứng gấp lắp dưới thân và các bộ hút khí ở hai bên sườn.
Trong khi phát triển họ tiêm kích đánh chặn J-8, các kỹ sư Trung Quốc cơ bản lặp lại quá trình tiến hóa của các tiêm kích đánh chặn Liên Xô: Su-9, Su-11, Su-15.
|
J-8II |
Máy bay được trang bị radar cải tiến SL-8A với tầm phát hiện đến 70 km; các động cơ cải tiến WP-13AII. Vũ khí bao gồm 1 pháo hai nòng 23 mm Type 23-III (sao chép pháo GSh-23L của Liên Xô) và đến 4 tên lửa không đối không PL-5 hoặc PL-8.
J-8II có các tính năng điền hình của máy bay thế hệ 3:
Kích thước: sải cánh 9,34 m, chiều dài 21,59 m, chiều cao 5,41 m.
Diện tích cánh 42,2 m2.
Trọng lượng cất cánh thông thường 14.300 kg.
Dự trữ nhiên liệu trong các thùng nhiên liệu bên trong máy bay 5.400 lít.
Loại động cơ: 2 động cơ turbine phản lực có buồng tăng lực 13А II, lực đẩy không tăng lực 2х42,66 kN, lực đẩy có tăng lực 2х65,9 kN.
Tốc độ tối đa 2.300 km/h. Bán kính chiến đấu khi bay cao 800 km, khi có tiếp dầu là 1.200 km.
Tầm bay thực tế 1.500 km. Trần bay thực tế 19.000 m. Tổ lái 1 người.
Sau đó, trên cơ sở J-8II đã phát triển các biến thể hiện đại hơn, trang bị các động cơ mới. hệ thống tiếp dầu trên không và radar xung-Doppler đa năng mới. Tiêm kích J-8II có thể sử dụng các thùng treo tác chiến điện tử, cũng như các thùng chứa các hệ thống chỉ thị mục tiêu và dẫn đường. Trong biên chế vũ khí có thể có các tên lửa không đối không tầm trung R-27 và PL-11 và 1 tên lửa chống radar YJ-91.
Tóm lại, J-8II thể hiện khá rõ trình độ sản xuất máy bay của Trung Quốc hồi cuối thập niên 1980, kết hợp công nghệ thập niên 1960 của Liên Xô với việc “cấy ghép” thêm các bộ phận thiết bị điện tử hàng không, vũ khí hiện đại của phương Tây và Nga. Dù có những nỗ lực hiện đại hóa J-8II bằng cách trang bị các hệ thống và vũ khí hiện đại cho các biến thể mới, máy bay này nhìn chung không đáp ứng các yêu cầu của thời đại. Trong biên chế của quân đội Trung Quốc hiện có gần 200 tiêm kích loại này, trong tương lai chúng sẽ được thay thế bằng tiêm kích J-11 và tiêm kích thế hệ 5 do Trung Quốc phát triển.
Sự cố lớn nhất xảy ra với J-8II là vụ va chạm trên không vào ngày 1/4/2001 với máy bay trinh sát vô tuyến điện tử ЕР-3Е ARIES II của Mỹ. Theo thông tin của phía Trung Quốc, sáng sớm ngày 1/4/2001, 2 tiêm kích của không quân Trung Quốc đã cất cánh để đẩy đuổi chiếc máy bay trinh sát Mỹ đang bay trên vùng biển chủ quyền của Trung Quốc.
Từ tin tức của các hãng tin thế giới, có thể kết luận rằng, chiếc ЕР-3Е đã theo dõi các tàu chiến tối tân của hải quân Trung Quốc là các tàu khu trục lớp Projekt 956E do Nga đóng. Các quan chức Trung Quốc khẳng định, khi cách đảo Hải Nam 104 km, máy bay Mỹ đã có thao tác cơ động bất ngờ về phía các máy bay Trung Quốc và đâm một trong số đó.
Kết quả là một chiếc J-8II rơi xuống biển, phi công thiệt mạng. Sau đó, phi hành đoàn máy bay Mỹ do bị đe dọa sử dụng vũ khí đã hạ cánh bắt buộc xuống sân bay Lĩnh Thủy trên đảo Hải Nam.
|
Máy bay do thám điện tử ЕР-3Е trên sân bay Trung Quốc |
Trung Quốc đã đổ hết trách nhiệm về sự cố với máy bay Mỹ cho phía Mỹ. Người Mỹ đã buộc phải xin lỗi về sự cố và đền bù tiền cho vợ góa của phi công Trung Quốc thiệt mạng. Trong vụ này, khả năng quốc phòng của Mỹ đã bị tổn hại lớn. Sau khi phải hạ cánh bắt buộc, phi hành đoàn Mỹ đã không kịp phá hủy toàn bộ máy móc cơ yếu và trinh sát. Máy bay đã bị phía Trung Quốc dỡ tung để nghiên cứu chi tiết và sau đó được trả cho Mỹ (tháng 7/2001). Chiếc ЕР-3Е đã trở về Mỹ dưới dạng bị tháo dỡ và khoang hàng của máy bay vận tải An-124-100 Ruslan của công ty hàng không Polyot của Nga.
Đầu thập niên 1990, tình trạng chung của hệ thống phòng không Trung Quốc là không đáp ứng các yêu cầu thực tế hiện đại. Các đơn vị radar chịu trách nhiệm theo dõi tình hình trên không cơ bản được trang bị kỹ thuật lạc hậu, có nguồn gốc Liên Xô. Ví dụ, trạm radar trực hai tọa độ, cơ động phổ dụng nhất YLC-8 được chế tạo trên cơ sở radar P-12 của Liên Xô. P-12 được Liên Xô sản xuất từ năm 1956.
|
Radar YLC-8 |
Nỗ lực tự lực chế tạo máy bay AEW&C trong thập niên 1960 trên cơ sở máy bay ném bom Tu-4 do Liên Xô chuyển giao đã thất bại.
Công nghiệp Trung Quốc tỏ ra không có khả năng đạt đến độ tin cậy và ổn định cần thiết cho các tính năng của một hệ thống vô tuyến điện tử tinh vi và việc chế tạo máy bay báo động sớm đầu tiên của Trung Quốc chỉ dừng ở 1 chiếc.
|
Máy bay báo động sớm KJ-1 |
Nền tảng của không quân Trung Quốc là 3.000 tiêm kích J-6 (sao chép MiG-19) và J-7 (sao chép MiG-21). Một số lượng không lớn theo chuẩn mực Trung Quốc các tiêm kích đánh chặn J-8 vốn không có hệ thống dẫn đương tập trung hóa và các tên lửa tầm xa cũng không đáp ứng các yêu cầu hiện đại.
Các hệ thống tên lửa phòng không HQ-2 mà Trung Quốc sở hữu thì đến đầu năm 1990 đã không thể tác chiến hiệu quả chống các phương tiện tiến công đường không hiện đại. Chúng có khả năng chống nhiễu kém, chỉ có một kênh hoạt động và mất nhiều thời gian để cơ động.
Mấy ngàn khẩu pháo phòng không 85 mm và 100 mm của Trung Quốc chỉ có thể tiến hành bắn ngăn chặn kém hiệu quả. Xét về trình độ trang bị kỹ thuật, các đơn vị phòng không Trung Quốc vào đầu những năm 1990 giỏi lắm chỉ tương đương phòng không Liên Xô vào đầu năm 1970.
Nhận thức được điều đó, ban lãnh đạo chính trị và quân đội Trung Quốc đã dành nhiều nỗ lực và đầu tư nhiều tiền của để cải thiện tình hình. Trong quãng thời gian tương đối ngắn, các đơn vị phòng không Trung Quốc đã được trang bị vũ khí trang bị mới, hiện đại mới do nước ngoài và Trung Quốc sản xuất.
Nguồn: TW, china-inc, 22.12.2014.