Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc sẽ mua 3 vũ khí đáng sợ của Nga?

VietnamDefence - Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã đi được một quãng đường dài, nhưng họ vẫn phải cần đến sự trợ giúp của Nga.

Thời thế đã thay đổi. Nga, nhà cung cấp vũ khí độc quyền cho Trung Quốc trong hơn 20 năm qua, nay nghe nói lại quan tâm đến vũ khí Trung Quốc. Chuyến viếng thăm của một lực lượng hải quân đặc nhiệm Trung Quốc đến Biển Đen, trong đó có 1 frigate hiện đại lớp Type 054A, đã làm dậy lên tin đồn là Nga có thể mua một lô frigate của Trung Quốc để khắc phục sự thiếu hụt về tàu chiến.

Một thương vụ như vậy, kể cả nếu nó diễn ra, có thể lại là một sự may mắn của lịch sử. Tuy Trung Quốc có những nỗ lực lớ nhằm xây dựng một nền công nghiệp vũ khí toàn diện, nhưng vẫn có những điểm mù trong khả năng sản xuất vũ khí của họ.

Nền công nghiệp và các viện thiết kế vũ khí Nga, vốn là cha đẻ của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, vẫn sản sinh ra nhiều loại vũ khí mà Trung Quốc thèm khát. Từ xe tăng đến tàu ngầm, Nga vẫn là một quốc gia hàng đầu về công nghệ vũ khí... và vẫn là cường quốc duy nhất chịu bán vũ khí cho Trung Quốc.

Việc bán vũ khí Nga cho Trung Quốc luôn là một việc hai bên cùng có lợi. Trung Quốc nhận được một số hệ thống vũ khí mới nhất và tiên tiến nhất thế giới mà không cần phí tốn và rắc rối của công tác nghiên cứu-phát triển. Ngược lại, Nga thu được ngoại tệ mạnh vốn rất cần đối với họ. Chừng nào Nga còn có cái để bán, mối quan hệ này sẽ không sớm thay đổi.

Dưới đây là ba vũ khí Trung Quốc rất thèm muốn mua của Nga.


Họ xe thiết giáp chiến đấu hạng nặng Armata

Có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc có biên giới đất liền an toàn. Lực lượng mặt đất đông đảo, được hỗ trợ bởi các lực lượng không quân và hải quân, đang có sức răn đe hiệu quả, khiến hầu như bất kỳ nước nào trên thế giới cũng không muốn gây chiến với quân đội Trung Quốc.

Trớ trêu thay, điều này có nghĩa là quân đội Trung Quốc - so với các quân đội khác - lại được hưởng lợi ít nhất từ hoạt động nghiên cứu-phát triển của Trung Quốc. Xe tăng chủ lực của Trung Quốc Type 99 vẫn là một sản phẩm phái sinh của xe tăng chủ lực T-72 của Liên Xô, với một thiết kế có từ thời giữa thập niên 1980.

T-14 Armata

Việc trang bị họ xe chiến đấu hạng nặng Armata sẽ làm biến đổi quân đội Trung Quốc. Xe tăng chủ lực T-14 Armata là một sự đoạn tuyệt dứt khoát khỏi dòng xe tăng chủ lực T-72/T-80/T-90, với thân xe mới, dài hơn. Kết hợp 1 pháo chính 125 mm, 1 súng máy 7,62 mm điều khiển từ xa, tháp pháo không người ngồi được điều khiển bởi một kíp xe 3 người. Các hệ thống bảo vệ tích cực và thụ động, cũng như hệ thống giáp module mới, kết hợp các công nghệ tân tiến nhất của Nga.

Thân xe T-14 Armata dự kiến còn được sử dụng làm khung gầm cho cả một họ xe chiến đấu. Xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15 sẽ cho phép quân đội Trung Quốc vận chuyển bộ binh trong các môi trường cao nguy hiểm cao đối phó với các loại vũ khí chống tăng tối tân nhất. Các biến thể xe cứu kéo-sửa chữa và xe tăng bắc cầu sử dụng khung gầm Armata nhiều khả năng cũng được chế tạo.

T-15 Armata

Việc sở hữu những chiếc xe tăng và xe chiến đấu bọc thép mới nhất có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc, nhưng trong đại kế của Trung Quốc, chúng có thể không đủ quan trọng để Trung Quốc phải tự phát triển tất cả các loại xe này. Nhập khẩu một thiết kế mới của Nga sẽ cho phép các viện nghiên cứu và công nghiệp Trung Quốc tập trung vào công việc khác, quan trọng hơn.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf

S-400 Triumf là một trong những hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến và uy lực khủng khiếp nhất thế giới. Được nâng cấp từ S-300, S-400 đã nhanh chóng có được danh tiếng là giải pháp một hệ thống để tiêu diệt nhanh hầu như tất cả các loại mục tiêu bay, từ tên lửa hành trình bay thấp cho đến tên lửa đường đạn chiến thuật.

S-400 sử dụng các biến thể khác nhau của cùng một tên lửa để chặn đánh các mục tiêu khác nhau. Tên lửa 40N6 mang lại cái tên cho hệ thống này vì có khả năng với tới và tiêu diệt máy bay ở tầm đến 400 km. Tên lửa 9M96E2 có thể đánh chặn mục tiêu bay ở độ cao từ 5 m đến 30 km ở tầm 120 km, khiến nó trở thành vũ khí lý tưởng để chặn đánh tên lửa hành trình. Tên lửa 77N6N1 có khả năng đánh chặn tên lửa đường đạn.

S-400 Triumf. Tầm bắn xa cho phép S-400 với tới và đánh chặn các mục tiêu trên bầu trời New Delhi, Calcutta, Hà Nội và Seoul

Tháng 4/2015, Trung Quốc đã đàm phán thành công thương vụ mua một trung đoàn S-400s trị giá 3 tỷ USD. Mỗi trung đoàn có 36 xe bệ phóng, chia thành 6 tiểu đoàn.

Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ triển khai S-400 ở khu vực đối diện Đài Loan, nơi S-400 có khả năng phát hiện và chặn đánh các mục tiêu bay cao trên không phận Đài Loan. Các phương án triển khai khác là ở Triết Giang, đối diện Nhật Bản và quần đảo Senkaku, Tây Tạng và Tân Cương đối diện Ấn Độ, Quảng Tây đối diện Việt Nam và Vân Nam đối diện Myanmar.

Trong mỗi trường hợp, tầm bắn xa của S-400 đều cho phép đe dọa các địch thủ ngay trên không phận của họ vì thực sự S-400 có thể với tới và đánh chặn các mục tiêu trên bầu trời New Delhi, Calcutta, Hà Nội và Seoul.

Rõ ràng là một trung đoàn sẽ không thể đáp ứng đầy đủ tất cả nhu cầu của Trung Quốc. Việc bổ sung thêm mấy trung đoàn S-400, có thể là sản xuất theo giấy phép ở Trung Quốc, sẽ mất nhiều thời gian để cải thiện khả năng phòng không của Trung Quốc.

Tàu ngầm hạt nhân tiến công lớp Yasen

Chương trình tàu ngầm hạt nhân tiến công của Trung Quốc tiến triển không được tốt cho lắm.

Các tàu ngầm hạt nhân tiến công thế hệ 1 lớp Hán bắt đầu được đóng vào giữa những năm 1970. Lớp tàu ngầm này vấp phải hàng loạt vấn đề rủi ro, trong đó có độ ồn và hệ thống động cơ hạt nhân không an toàn.

Thế hệ 2 là lớp Thương có thời gian phát triển quá dài, nhưng vẫn không thể tạo ra một tàu ngầm mà Trung Quốc sẵn lòng sản xuất số lượng lớn. Thế hệ 3 là lớp Type 095 hiện đang được phát triển.

Một phương án thay cho việc đóng tàu ngầm thế hệ 3 đơn giản sẽ là mua và sản xuất theo giấy phép của Nga các tàu ngầm hạt nhân tiến công mới lớp Yasen. Lớp Yasen có lượng giãn nước khi lặn là 13.500 tấn, chiều dài 119 m, tốc độ 31 hải lý/h và có thể lặn sâu 600 m. Các ống phóng ngư lôi 533 mm của nó có thể bắn các ngư lôi tự dẫn tiêu chuẩn và các tên lửa hành trình đáng sợ P-800 Oniks và Klub. Đây là tàu ngầm đầu tiên của Nga có mạng sonar hình cầu ở mũi.

Tàu ngầm lớp Projekt 885 Yasen

Các quan ngại chiến lược mới sẽ thúc đẩy việc bán Yasen. Việc Mỹ đưa vào trang bị các hệ thống chiến đấu mới sẽ làm tăng ham muốn củng cố bố phòng chuỗi đảo thứ hai  kéo dài từ đảo Honshu của Nhật Bản đến quần đảo Mariana và Palau.

Việc Ấn Độ xây dựng lực lượng răn đe hạt nhân trên biển dựa trên các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Arihant sẽ khiến Trung Quốc thấy cần phải có khả năng đe dọa các tàu ngầm này của Ấn Độ.

Nguồn: 3 Lethal Russian Weapons of War China Needs to Buy / Kyle Mizokami // TNI, 31.5.2015.

Print Print E-mail Print