Vietnamdefence.com

 

Nga cho phép Trung Quốc sao chép Su-35, S-400

VietnamDefence - Nga chấp thuận bán cho Trung Quốc các loại vũ khí tối tân nhất như Su-35, S-400 đồng nghĩa gửi trứng cho ác để Trung Quốc thoải mái sao chép. AK, RPG-7 bắn lại người Nga trong thế kỷ XX, còn trong thế kỷ XXI thì sao?

AK, RPG-7 bắn lại người Nga trong thế kỷ XX, còn trong thế kỷ XX thì sao?

Trung Quốc có thể trở thành khách hàng đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không mới nhất của Nga S-400. Tờ Kommersant dẫn một nguồn tin ẩn danh trong Điện Kremlin đưa tin, thỏa thuận nguyên tắc về vấn đề này đã đạt được ở cấp cao nhất. Điều thú vị nhất là Nga khó lòng được lợi về kinh tế từ những thương vụ đó vì đó không phải là chuyện bán số lượng lớn mà chỉ là số lượng rất nhỏ. Điều đó khiến người ta nghĩ rằng, nước Nga đã đồng ý để người Trung Quốc sao chép các loại vũ khí tiên tiến của mình.

Buôn bán vũ khí là loại hình kinh doanh béo bở đối với những nước, trị giá các thương vụ tính bằng hàng tỷ đô la. Nhưng thường thì các nước không chỉ đến chuyện lợi nhuận mà cả về an ninh quốc gia. Bởi vậy, người ta một mặt cố bán thật nhiều vũ khí, còn mặt khác là bán những thứ mà bản thân họ không cần. Chẳng hạn, thương vụ bán cho AI Cập một lô lớn máy bay tiêm kích khá lạc hậu MiG-29 là phù hợp với cách hành xử chung trên thị trường vũ khí thế giới. Còn trong trường hợp với Trung Quốc thì tất cả có vẻ hoàn toàn ngược lại. Số lượng S-400 trong trang bị của bản thân quân đội Nga chẳng lấy gì là nhiều, không phận nước Nga đang được bảo vệ chủ yếu bằng các hệ thống thế hệ trước là S-300. Ấy vậy mà Nga đang sẵn sàng bán vũ khí hiện đại nhất cho Trung Quốc, hơn nữa lại là với số lượng quá ít ỏi. Hiện thời, người ta nói đến 2-4  bệ phóng (ở đây có thể có nhầm lẫn vì các nguồn tin khác nói 2-4 tiểu đoàn). Nghĩa là Nga sẽ không thu được những khoản tiền to.

Thông tin này phù hợp với tuyên bố mới đây của Tổng giám đốc Công ty Sukhoi, ông Mikhail Pogosyan rằng, Nga cuối cùng đã đồng ý bán cho Trung Quốc một lô nhỏ máy bay tiêm kích Su-35 mà Nga hiện mới chỉ sản xuất được 22 chiếc. Tất cả những năm trước, Nga đã kỳ kèo với Trung Quốc để đòi họ ký một đơn hàng lớn. Người Trung Quốc trả lời một cách lảng tránh là họ chỉ cần rất ít để bảo đảm an ninh cho đất nước rộng lớn của họ.

Các chuyên gia thừa biết là Trung Quốc đang sao chép gần như bất kỳ vũ khí trang bị hiện đại nào rơi vào tay họ. Gần như tất cả các mẫu máy bay, xe tăng, xe thiết giáp, bệ phòng tên lửa đang được sản xuất ở Trung Quốc đều là các bản làm nhái chính xác các mẫu của nước ngoài. Cần phải nói rằng, không chỉ Nga mà cả nhiều nước châu Âu bị tổn hại vì chuyện này, nhưng cơ bản bị sao chép vẫn là các vũ khí trang bị của Nga. Và kinh nghiệm đã cho thấy rằng, sau đó Nga thực tế không thể chứng minh bản quyền sở hữu trí tuệ của mình. Người Trung Quốc vẫn lải nhải: “Các vị hãy nhìn đi, chúng tôi đã thêm nhiều cải tiến, đây thuần túy là sáng chế của chúng tôi”. Nhưng ngay cả khi Trung Quốc thừa nhận bản quyền sở hữu trí tuệ của Nga đối với một mẫu vũ khí nào đó thì bằng việc đó, Nga cũng sẽ không thể lấy lại cho mình ưu thế kỹ thuật.


Tổng biên tập tạp chí Arsenal, ông Viktor Murakhovsky nói: “Nguy cơ bị sao chép đã luôn hiện hữu trong hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc. Khi chúng ta cung cấp cho họ mấy tiểu đoàn S-300 thì sau một thời gian, ở Trung Quốc đã xuất hiện hệ thống của họ mà như người ta nói là có “mặt giống hệt” hệ thống của chúng ta. Còn liên quan  đến lợi ích tài chính thì việc cung cấp mấy bệ phóng chẳng có ý nghĩa gì đối với chúng ta. Đây chắc là một cử chỉ chính trị. Rằng chúng ta tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong việc cung cấp kỹ thuật quân sự và rằng sự hợp tác này đã lên tới một cấp độ cao và chúng ta không còn lo chuyện sao chép trực tiếp”.

SP: Liệu có thể tin Trung Quốc không?

- Hiện giờ, ở đó có ban lãnh đạo mới do Tập Cận Bình đứng đầu. Tất cả phụ thuộc vào việc liệu các vị lãnh đạo nhà nước có nhắm mắt trước việc các viện nghiên cứu Trung Quốc bắt đầu sao chép, hoặc là sẽ cứng rắn lên tiếng là không được làm việc đó hay không. Nhưng xét kinh nghiệm hợp tác trong lĩnh vực vũ khí trang bị không quân và phòng không, thì không có hy vọng tốt đẹp đâu. Trung Quốc đã không hề lăn tăn gì để sao chép mọi vũ khí trang bị.

SP: Việc chuyển giao các vũ khí công nghệ tiên tiến có nguy hiểm không?

- Hệ thống S-400 đang được đưa vào trang bị cho quân đội Nga với tốc độ khoảng 2 trung đoàn, tức là 8 tiểu đoàn một năm. Sau năm 2016, chúng ta sẽ đưa hệ thống S-500 vào trang bị. Đây là hệ thống phòng không thế hệ mới nhất. Bởi vậy, không có gì đáng sợ trong việc Trung Quốc sẽ sao chép các công nghệ trước đó. Đến lúc đó, chúng ta sẽ tiến về phía trước mấy năm.

SP: Nhưng hiện chưa có các tên lửa tầm xa cho S-400, còn S-500 hiện đang ở giai đoạn phát triển.

- Đúng là chưa phải tất cả đã xong. Nhưng các công việc nghiên cứu đang diễn ra theo kế hoạch, đúng theo chương trình nhà nước. Mặc dù có sự chậm trễ về tiến độ về tên lửa tầm xa cho S-400, cả về linh kiện điện tử và về một số thứ khác. Với S-500, hiện thời chúng ta đang đi đúng tiến độ mặc dù ở đây cũng có những khó khăn. Nhưng các nghiên cứu đang tiến triển, chúng ta sẽ hoàn thành chương trình. Và đó không chỉ ở trong lĩnh vực phòng không. Vừa mời đây, chúng ta đã nhận vào trang bị hệ thống rocket phóng loạt Tornado-G, nó cũng chưa có tên lửa. Ở đây chẳng có gì quá nghiêm trọng cả.

SP: Trên thế giới, người ta thường bán vũ khí mới như thế nào?

- Tất nhiên là thông thường, người ta bán các vũ khí mà trong quân đội của chính họ đã coi là không còn tương lai và dự định thay thế. Đó là cách làm bình thường ở các nước phát triển đi tiên phong về các nghiên cứu vũ khí thế hệ mới. Chẳng hạn, vào năm 2003, khi xuất hiện nguy cơ Iraq tấn công Israel, thì người Mỹ đã từ chối bán các hệ thống Patriot cho Israel. Họ đơn giản chỉ gửi các bệ phóng cùng quân Mỹ đến thôi.

SP: Vậy thì chúng ta bán các vũ khí mới nhất cho Trung Quốc để làm gì?

- Đây là quyết định chính trị. Điều đó liên quan đến S-400 hay Su-35. Mặc dù nếu nói về vũ khí trang bị không quân, chúng ta sắp có máy bay thế hệ 5 Т-50. Về công nghệ, kiểu gì chúng ta vẫn sẽ ở phía trước. Việc chuyển giao các công nghệ thế hệ trước không phải là nghiêm trọng.

SP: Công nghiệp Trung Quốc hùng mạnh sẽ làm được những vũ khí trang bị lạc hậu một chút, nhưng ở số lượng lớn.

- Vấn đề đó đã luôn tồn tại và hiện không có giải pháp rõ ràng. Thời chiến tranh, người Đức nói rằng, với mỗi chiếc (xe tăng) Panzer (Con báo), người Nga có 10 chiếc Т-34. Và trình độ kỹ thuật cao hơn đã không cứu được nước Đức. Ở đây cũng là vấn đề như thế. Về nguyên tắc, bằng số lượng có thể vượt qua các vũ khí hoàn thiện hơn về mặt kỹ thuật.

Tất cả phụ thuộc vào chính trị. Nếu như chúng ta coi Trung Quốc là đối tác chiến lược thì cần thông qua một quyết định. Nếu chúng ta lo ngại họ thì cần ra một quyết định khác. Đó đã là câu hỏi đặt ra cho ban lãnh đạo chính trị và quân sự của nước Nga.


Trưởng Phòng Phân tích của Viện Phân tích quân sự và chính trị (NGa), Aleksandr Khramchikhin coi chiến thuật đó là có hại cho Nga:

- Có thể nói chắc chắn 100% là người Trung Quốc có được các mẫu vũ khí của chúng ta là sẽ sao chép. Không thể nào khác được. Người ta cứ nói đến những thỏa thuận nào đó về việc người Trung Quốc sẽ tôn trọng bản quyền trí tuệ của chúng ta. Thế cơ chế thực hiện những thỏa thuận này là gì mới được chứ.

SP: Thế thì đâu là nguyên nhân để chúng ta sẵn sàng bán vũ khí trang bị của chúng ta?

- Điều đó cần hỏi ban lãnh đạo nước Nga. Mặc dù cũng có sự vận động của “đạo quân thứ năm” thân Trung Quốc vốn rất hùng mạnh. Còn việc ở Nga có đội ngũ vận động cho quyền lợi của Trung Quốc từ lâu đã chẳng còn gì lạ. Theo tôi, “đạo quân thứ năm” mạnh nhất chính là đám thân Trung Quốc. Nhóm này có quan hệ với số lượng lớn quan chức Nga. Và trước hết là trong các cơ quan sức mạnh và công nghiệp quốc phòng. Chúng ta phải hiểu rằng, mối đe dọa lớn nhất đối với chúng ta là xuất phát từ Trung Quốc.


Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm các vấn đề địa-chính trị Konstantin Sokolov trái lại cho rằng, Nga đang quan tâm đến một Trung Quốc hùng mạnh:

- Từ 10 năm trước, ở Bắc Kinh, tôi đã giải thích rằng, Trung Quốc giờ đây đối với Nga phải thực thi chính sách giống như Liên Xô đã thực thi với Trung Quốc. Nghĩa là hậu thuẫn xây dựng một nhà nước độc lập. Hồi đó, chúng ta đã giúp người Trung Quốc tăng cường sức mạnh, tiến hành công nghiệp hóa. Thậm chí bất chấp việc sau đó chúng ta đã trở thành các địch thủ chính trị, đã xảy ra những cuộc xung đột quân sự trên biên giới, từ góc độ địa-chính trị, đây đã là một thắng lợi lớn.

Hiện nay, chúng ta cũng đang giúp Trung Quốc trở thành một nước mạnh. Việc chúng ta trao cho Trung Quốc những sản phẩm công nghệ quân sự của mình kể cả khi chẳng có lợi ích kinh tế lớn có thể nhìn nhận một cách tích cực. Bởi vì nếu không chúng ta sẽ không có các đồng minh trong cuộc xung đột có thể với khối NATO. Trung Quốc hoặc có thể là nước mạnh và độc lập hoặc có thể là thân phương Tây.

SP: Đụng độ với NATO là ít có khả năng, chúng ta có lá chắn hạt nhân. Còn một Trung Quốc mạnh có thể đưa yêu sách đối với vùng Viễn Đông của chúng ta.

- Trung Quốc không thế tấn công chúng ta vì một lý do đơn giản: người Mỹ một khi xảy ra cuộc tấn công đó sẽ không cho phép Trung Quốc chiếm hữu các tài nguyên của Siberia. Các nước phương Tây đã chia chác lẫn nhau đất nước chúng ta. Bởi vậy, cuộc tấn công của Trung Quốc vào Nga sẽ có nghĩa là chiến tranh giữa họ với NATO.

Chiến chỉ không xảy ra khi có cái gì đó kiềm chế nó. Nếu Trung Quốc sẽ mạnh thì phương tây sẽ không muốn đánh nhau với họ trên lãnh thổ của chúng ta.

Còn về lá chắn hạt nhân của Nga thì ở phương Tây người ta đang xây dựng kế hoạch làm thế nào vô hiệu hóa các lực lượng hạt nhân của chúng ta.

SP: Vậy té ra là trong khi cung cấp cho Trung Quốc vũ khí mới, chúng ta đang củng cố sự thống nhất chính trị giữa hai nước chúng ta.

- Không chỉ giữa các nước chúng ta mà cả trong khuôn khổ cả BRICS. Đó là xây dựng một trung tâm thay thế phương Tây. Với một thị trường lớn, một số lượng lớn tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực lao động, những công nghệ tốt và tiềm lực sản xuất không nhỏ.

Nguồn: SP, 28.3.2014.

Print Print E-mail Print