Vietnamdefence.com

 

Ukraine vác bom nguyên tử đe Nga

VietnamDefence - Ukraine cáo buộc Nga xâm lược, chiếm đóng Crimea, dọa làm bom hạt nhân. Quân Nga chiếm các sân bay, vây biên phòng Ukraine. Tiêm kích hộ tống Yanukovich đến Rostov. Yanukovich họp báo...

>> SOS: Nga-Ukraine đại chiến? Hoàn toàn có thể!
>>Trận chiến giành Ukraine

Xe thiết giáp trên đường phố Simferopol, thủ phủ Crimea
VietNamDefence tiếp tục cập nhật diễn biến chính cuộc đối đầu Nga-Ukraine với tâm điểm là bán đảo Crimea.

Nga 'xâm lược' và 'chiếm đóng' Crimea, 28/2/2014

Ukraine cáo buộc Nga xâm lược và chiếm đóng bán đảo Crimea.

Ngày 28/2/2014, tân Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov đã cáo buộc “xâm lược vũ trang và chiếm đóng”.

Nghị sĩ đảng “Tự do” dân tộc chủ nghĩa tại Radar Tối cao Ukraine, Mikhail Golovko cũng đánh giá những gì đang diễn ra ở Crimea là “sự can thiệp quân sự rõ ràng từ phía nước Nga”.

Ngày 28/2/2014, Rada Tối cao Ukraine cũng đã thông qua lời kêu gọi đối với các nước bảo trợ Biên bản Budapest 1994 (Hiệp ước mà theo đó Nga, Mỹ và Anh cam kết tôn trọng chủ quyền, biên giới của Ukraine để đổi lấy việc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân). Các nghị sĩ Ukraine yêu cầu Nga “chấm dứt ủng hộ chủ nghĩa ly khai ở Ukraine dưới mọi hình thức”.

Rada Tối cao Ukraine ngày 28/2 đã thông qua nghị quyết nêu rõ ban lãnh đạo mới của Ukraine đã yêu cầu triệu tập Hội đồng Bảo an LHQ để xem xét tình hình ở Crimea. Quyền tổng thống Oleksandr Turchynov đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ không chỉ giám sát tình hình ở Crimea mà còn “áp dụng các biện pháp trong trường hợp có sự vi phạm chủ quyền của Ukraine”. Ông Turchynov cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh và quốc phòng Ukraine vào trưa 28/2 để thảo luận tình hình Crimea.

Quân Nga chiếm giữ, bao vây các sân bay

Lý do để tân Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Avakov cáo buộc Nga xâm lược và chiếm đóng là vì ông cho rằng, sân bay Belbek ở gần Sevastopol đã bị quân Nga phong tỏa và lính Nga cũng đã đến sân bay Simferopol.  Ông Avakov cáo buộc Nga kích động xung đột vũ trang trên lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, Hạm đội Biển Đen tuyên bố không có đơn vị nào của họ được điều đến sân bay Belbek.

Nhà ga nội địa sân bay Simferopol (cit.ua)
Đêm 27/2, những người có vũ trang đã tiến vào khu vực sân bay thành phố Simferopol. Các nhân chứng cho hay, ở gần nhà ga nội địa có mặt đến 150 người mặc đồ rằn ri, trang bị súng tiểu liên, cùng 4 ô tô KamAZ không biển số, không treo cờ và các dấu hiệu nhận biết khác.

Tuy nhiên, sáng sớm 28/2, số tay súng bị nghi chiếm giữ sân bay Simferopol đã rời đi, thư ký báo chí của doanh nghiệp hàng không này Igor Stratylaty cho biết.

Ông nói rằng, đêm 27/2, gần 50 người cầm cờ Nga đã xông vào sân bay. Không ai rõ mục đích của họ và họ cũng không bình luận gì. Họ nói với giọng Nga đặc sệt và đã thảo luận sẽ triển khai ở đâu và định đến sáng sẽ quyết định gì đó. Họ đã định chiếm giữ tòa nhà vì nghĩ rằng, “lực lượng đổ bộ Ukraine” đến đó, nhưng sau đó đã giải tán, xin lỗi và bỏ đi, trong khi đó sân bay vẫn làm việc bình thường. Tuy nhiên, có nguồn tin lại khẳng định vành đai phong tỏa vũ trang sân bay vẫn được duy trì. Sân bay vẫn tiếp tục hoạt động, cảnh sát không phản ứng với số người vũ trang, tình hình yên tĩnh.

Các nguồn tin khẳng định số người này được trang bị vũ khí và ăn mặc giống như những người đã chiếm giữ trụ sở Quốc hội và chính phủ Crimea sáng sớm 27/2.

Sân bay Belbek ở Simferopol (dic.academic.ru)
Báo chí cũng đưa tin, gần 23 giờ đêm 27/2, quân Nga đã chiếm quyền kiểm soát sân bay Belbek ở gần Simferopol. Báo chí Ukraine đêm 27/2 thì đưa tin, sân bay Belbek bị những người lạ mặt vũ trang và gần 15 xe tải quân sự phong tỏa.

Các nguồn tin quân sự cho hay, lính Nga đến sân bay “để không cho những chiến binh nào đó bay đến đây”. Có nguồn tin lại nói là để ngăn chặn các quan chức an ninh Ukraine mà cụ thể là Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov và Giám đốc SBU Valentin Nalivaichenko.

Xe tải quân sự chở lính Nga trên quảng trường trước đơn vị biên phòng Ukraine ở Balaklava (@zlovv)
Ngoài ra, còn có tin, một đơn vị quân Nga đã bao vây lính biên phóng Ukraine ở Balaklava.

Cơ quan Biên phòng Ukraine cho biết, lính Nga đã phong tỏa đơn vị bảo vệ biển Ukraine ở Sevastopol. Sáng 28/2, gần 30 lính thuộc Lữ lính thủy đánh bộ 810 của Hạm đội Biển Đen của Nga mang theo vũ khí đi 4 ô tô đã tiến đến gần đơn vị biên phòng.

Họ triển khai trước trạm kiểm soát và bao vây tất cả các cửa ngõ đến đơn vị. Trên các điểm cao quanh đơn vị đã bố trí các tay súng bắn tỉa. Sau đó, chỉ huy toán lính Nga là Đại tá hải quân Aleksandr Tolmachev đã đến trạm kiểm soát và tuyên bố, không ai được rời đơn vị theo yêu cầu của “Hội đồng An ninh Crimea” không để bọn cực đoan chiếm giữ vũ khí. Sau khi thương lượng với chỉ huy đơn vị biên phòng, lính Nga đã lùi xa trạm kiểm soát 25 m và tiếp tục quan sát.

Cơ quan Biên phòng Ukraine cũng xác nhận thông tin nói rằng, sáng 28/2, xuồng tên lửa Ivanovets của Hạm đội Biển Đen của Nga đã đỗ ở bến cảng ngoài của vịnh Balaklava vì hỏng động cơ làm tắc lối ra khỏi vịnh của các tàu biên phòng Ukraine. Ngoài ra, trạm theo dõi kỹ thuật còn phát hiện hơn 10 trực thăng quân sự Nga bay qua ở độ cao đến 1 km, trong đó chỉ có 3 trực thăng xin phép, còn lại 7 chiếc đã bay qua biên giới Ukraine trái phép.

Đường đến sân bay Belbek bị phong tỏa (@smirnova_welt)
Phòng báo chí Hạm đội Biển Đen đã bác bỏ thông tin nói lính Nga phong tỏa sân bay Belbek.

“Không đơn vị nào của Hạm đội Biển Đen được điều đến khu vực Belbek, họ càng không tham gia gì vào việc phong tỏa khu vực đó”, đại diện Hạm đội Biển Đen của Nga nói.

Tuy nhiên, ông này thừa nhận rằng, do tình hình bất ổn xung quanh các vị trí đóng quân của các đơn vị Hạm đội Biển Đen ở Crimea, cũng như các nơi sinh sống tập trung của binh sĩ và gia đình họ, các vị trí này quả thực đã được tăng cường bảo vệ bằng các đơn vị chống khủng bố của Hạm đội Biển Đen.

Một hiện tượng lạ trong cuộc nổi loạn Euromaidan đánh đổ Yanukovich ở Kiev là sự hiện diện của các đội quân xung kích bịt mặt hung hãn cầm đao búa gậy gộc, sẵn sàng đâm chém, đốt phá giả danh  các đội tự vệ Euromaidan (Biểu tình đòi liên kết với EU) đã đóng vai trò gần như quyết định trong giao tranh với cảnh sát chống bạo động, khiến ông Yanukovich phải bỏ chạy và phe đối lập giành được chính quyền.

Điều đó hình như cũng tái diễn ở Crimea và Sevastopol khi cũng những người bịt mặt, nhưng có điều là mặc đồng phục, quân phục, mang mũ sắt không phù hiệu, trang bị cực tốt với súng trường AK, súng máy và cả xe bọc thép không phù hiệu, tuy không phá phách, giết người nhưng hành động chuyên nghiệp, quyết liệt, lặng lẽ chiếm lĩnh các trụ sở chính quyền, sân bay, tuyến đường chiến lược ở bán đảo Crimea.

Theo thông tin không được xác nhận trên báo chí, chiếm lĩnh tại các sân bay không phải là binh lính mà là “các đơn vị tự vệ Crimea”, không muốn các chiến binh của tổ chức cực đoan Pravy sektor ủng hộ Euromaidan lọt vào Cộng hòa Crimea.

Điều thật trớ trêu và lạ lùng khi những người giấu mặt đang dùng cùng một thủ đoạn để giành lấy chính quyền về tay mình, chỉ có điều là theo hai xu hướng hoàn toàn trái ngược nhau.  

Ukraine dọa làm vũ khí hạt nhân trong 3-6 tháng

Đáp lại các hành động của Nga ở Crimea, Ukraine có thể lấy lại quy chế hạt nhân cho mình, nghị sĩ đảng “Tự do” dân tộc chủ nghĩa tại Radar Tối cao Ukraine, Mikhail Golovko hăm dọa.

“Nước Nga sẽ không thể chiến thắng trong tình huống này, đây là sự vi phạm tất cả các chuẩn mực và bảo đảm quốc tế. Nếu chúng sẽ bị vi phạm thì chúng tôi có quyền khôi phục vũ khí hạt nhân. Chúng tôi sẽ khôi phục quy chế hạt nhân và chúng tôi sẽ giao tiếp hoàn toàn khác”, ông Golovko nói và khẳng định, Ukraine có các công nghệ cần thiết để tái tạo vũ khí hạt nhân và có thể có vũ khí hạt nhân trong 3-6 tháng.

Trước đó, các phần tử dân tộc chủ nghĩa Ukraine đã nhiều lần đòi khôi phục quy chế hạt nhân của Ukraine. Năm 2009, trong bối cảnh quan hệ với Nga xấu đi dưới thời Viktor Yushchenko nắm quyền ở Ukraine, họ đã đòi khẩn cấp “lắp ráp và đưa vào trực chiến 15-20 đầu đạn hạt nhân chiến thuật trên các tên lửa tầm trung” do có nguy cơ xâm lược quân sự từ phía Nga.

Nội dung tái lập quy chế hạt nhân cũng có trong cương lĩnh của đảng “Tự do”. Họ cũng viện cớ có đe dọa toàn vẹn lãnh thổ Ukraine từ phía nước Nga và đề xuất xin Mỹ, Anh giúp đỡ chương trình hạt nhân.

Yanukovich bay đến Rostov trên sông Đông, Ukraine đòi Nga giao nộp Yanukovich

Có tin tối 27/2, ông Viktor Yanukovich đã bay đến Rostov trên sông Đông, thủ phủ miền nam nước Nga. Máy bay chở ông được các máy bay tiêm kích hộ tống đã hạ cánh tại sân bay quân sự ở tây bắc thành phố lúc gần 10 giờ tối (giờ Moskva), nhưng không rõ máy bay xuất phát từ đâu. Dự đoán, ông Yanukovich đã nghỉ lại Rostov.

Trước đó, hôm 27/2, báo chí đưa tin ông Yanukovich định tổ chức họp báo ở Rostov vào ngày 28/2.

Tại cuộc họp báo này, ông Yanukovich nói rằng, Nga phải và có trách nhiệm hành động trong khuôn khổ các thỏa thuận hiện có với Ukraine. “Vì biết tính cách của ông Vladimir Putin nên tôi ngạc nhiên vì sao đến nay ông ấy vẫn im lặng kiềm chế”, ông Yanukovich. Kênh truyền hình Nước Nga 24 phát hình cuộc họp báo này.

Ông Yanukovich tại cuộc họp báo ngày 28/2 ở Rostov trên sông Đông
Ông Yanukovich nói ông coi Nga là đối tác chiến lược quan trọng và cho biết từ khi đến Nga, ông chưa gặp ông Putin mặc dù có nói chuyện qua điện thoại. Họ đã thỏa thuận gặp nhau khi ông Putin có điều kiện.

Ông nói rằng, Moskva không nên thờ ơ với số phận của Ukraine, nhưng ông cũng tuyên bố, sẽ không yêu cầu Nga trợ giúp quân sự và muốn Nga để Crimea tiếp tục ở trong thành phần Ukraine.

“Tôi cho rằng, bất kỳ hành động quân sự nào cũng không thể chấp nhận. Ukraine phải là đất nước thống nhất và không bị chia cắt”, ông Yanukovich nói.

Nhưng ông cũng nhấn mạnh, Nga cần sử dụng mọi khả năng hiện có để chấm dứt hỗn loạn và khủng bố ở Ukraine.

Giữa Nga và Ukraine tồn tại Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác và đối tác ký ngày 31/5/1997. Điều 7 của hiệp ước nêu rõ, nếu tình hình ở một trong hai nước “đe dọa hào bình, phá vỡ hòa bình hay đụng chạm đến lợi ích an ninh của nước đó” thì hai nước phải tham vấn lập tức. Căn cứ kết quả tham vấn, hai nước có thể bắt đầu các hành động phối hợp hay chung để khắc phục tình hình. Ngày 28/2, Bộ Ngoại giao Nga đã từ chối việc tham vấn lập tức mà Bộ Ngoại giao Ukraine yêu cầu do tình hình Crimea nóng lên.

Cuộc họp báo của ông Yanukovich
Ông Yanukovich kêu gọi Crimea ở lại trong thành phần Ukraine với quyền tự trị rộng rãi, kêu gọi người dân Crimea không để xảy ra đổ máu và huynh đệ tương tàn. Ông Yanukovich còn đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý toàn quốc ở Ukraine để trả lời các câu hỏi liê nquan đến các khía cạnh chủ yếu trong sự phát triển đất nước, hiến pháp và thể chế nhà nước.

Ông tiết lộ là phải rời Ukraine vì mạng sống bị đe dọa. Khi rời Kiev, đoàn xe của ông đã bị bắn bằng súng tự động. Ông sẵn sàng trở về Ukraine khi bảo đảm các điều kiện an toàn cho ông. Ông Yanukovich cũng yêu cầu bảo đảm an toàn cho gia đình mình.

Ông Yanukovich đã kể lại hành trình chạy trốn của ông đến Nga: ban đầu, ông đến Kharkov, sau đó đến Donetsk, từ đó đi Lugansk, rồi từ Lugansk đi Crimea. Trên đường đến Kharkov, xe của ông bị bắn bằng súng tự động. Sau đó, khi ông đã trên trực thăng bay đến Lugansk thì nghe tin người ta định cho tiêm kích lên chặn ông. Ông đã được một số sĩ quan yêu nước giúp đưa sang Nga, nhưng không nói rõ cách thức ông được đưa đến Nga. Ông nói hiện ở Rostov vì một người bạn cũ sống ở đây và cho ông tạm trú.

Ông Yanukovich tuyên bố, ông không ra lệnh bắn giết người biểu tình và cho biết, cảnh sát chỉ bắt đầu trang bị vũ khí khi xuất hiện đe dọa đến tính mạng họ và họ bắt đầu bị bắn.

Ông nói, “không ai lật đổ tôi” và dự định tiếp tục đấu tranh vì tương lai của Ukraine. Ông gọi Rada Tối cao Ukraine hiện nay là bất hợp pháp và cáo buộc phe đối lập đã vi phạm các điều kiện của thỏa thuận ký ngày 21/2/2014.

Vị tổng thống ngã ngựa thất thế này còn kiêu hãnh từ chối tham gia cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn dự kiến vào tháng 5/2014 và khẳng định cuộc bầu cử này là phi pháp.

Viện công tố Ukraine dự định yêu cầu Nga dẫn độ Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovich. Sau khi bị lật đổ ở Ukraine, ông Yanukovich đã bị cáo buộc dính líu vào các vụ giết người hàng loạt (hơn 80 người chết trong quá trình đối đầu giữa người biểu tình và các nhân viên công lực ở Kiev) và bị truy nã quốc tế.

Cùng bị truy tố về tội giết người hàng loạt còn có cựu Bộ trưởng Nội vụ Vitaly Zakharchenko, cựu Chánh Văn phòng Tổng thống Andrei Klyuev, cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Ukraine SBU Aleksandr Yakimenko và cựu Tư lệnh Bộ đội Nội vụ Stanislav Shulyak.

Hôm 27/2, báo chí phát tuyên bố của ông Yanukovich, theo đó ông vẫn coi mình là nguyên thủ Ukraine và yêu cầu Nga bảo vệ ông trước những kẻ cực  đoan đã chiếm quyền ở Ukraine. Một nguồn tin Nga đã cho hay, thỉnh cầu bảo vệ an toàn của ông Yanukovich đã được Nga đáp ứng.

>>Trận chiến giành Ukraine

Print Print E-mail Print