|
Các trực thăng quân sự Nga hầu như thuộc tất cả các loại và các biến thể hiện bay lên trời bằng động cơ Ukraine (RIA Novosti) |
Mấy ngày trước, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tuyên bố cấm hoàn toàn “mọi sự hợp trong lĩnh vực tổ hợp công nghiệp quốc phòng với Liên bang Nga. Quyết định đó dường như được thông qua từ tháng 3/2014 bởi quyền tổng thống Oleksandr Turchynov. Nhưng sắc lệnh của ông ta khi đó chỉ liên quan đến vũ khí và trực tiếp là kỹ thuật quân sự. Nay thì mọi việc cung cấp sang Nga động cơ và linh kiện cho máy bay và trực thăng quân sự, tàu chiến và tàu, các chuyên gia Ukraine sẽ không bảo dưỡng các tên lửa đường đạn xuyên lục địa được sản xuất trước đây ở Dnepropetrovsk.
Các chuyên gia đánh giá tình huống này là rất phức tạp. Theo thông tin của họ, do cắt đứt hợp tác của Ukraine với Nga trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, sẽ có 79 xí nghiệp quốc phòng Ukraine và 859 xí nghiệp quốc phòng Nga bị thiệt hại.
Tỷ trọng của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự của Ukraine trước đây là gần 80% tổng khối lượng hoạt động này và hàng năm ước trị giá 200 triệu USD. Tỷ trọng của Ukraine trong công nghiệp quốc phòng Nga là gần 3,5%. Con số đó thoạt nhìn là không nhiều, nhưng nước láng giềng cung cấp cho Nga những sản phẩm cực kỳ quan trọng. Công nghiệp quốc phòng Nga nhận 60% bộ giảm tốc do Ukraine sản xuất cho tàu chiến mặt nước. Ngoài ra, Ukraine sản xuất cho các tiêm kích Su-27, Su-30 và Su-35 các loại dù phanh và các hệ thống thủy lực. Trong sản xuất các máy bay ném bom chiến thuật tối tân Su-34 cũng có sử dụng linh kiện Ukraine. Hầu như tất cả các mẫu trực thăng Mil đều được trang bị động cơ Ukraine sản xuất tại Nhà máy Motor Sich ở Zaporozhie, cả các máy bay huấn luyện chiến đấu mới Yak-130, các máy bay Antonov… cũng đều lắp động cơ Ukraine. Thực chất, lệnh cấm vận của Ukraine sẽ liên quan đến 1/5 các đơn đặt hàng quân sự cho Không quân và Hải quân Nga.
Ban lãnh đạo Nga dường như không lo sợ gì trước thực tế này. “Bộ Công thương Nga đã chuản bị một kế hoạch thay thế nhập khẩu hoàn toàn cho sản phẩm quân sự từ Ukraine”, Phó Thủ tướng Nga Rogozin, người phụ trách công nghiệp quốc phòng trong chính phủ Nga, hôm 16/6 thông báo trên trang. Nhưng nhiệm vụ đó Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt ra cho chính phủ từ cuối tháng 4/2014. Khi đó, ông đã tuyên bố rằng, hợp tác Nga và Ukraine trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự “có tầm quan trọng lớn đối với công nghiệp quốc phòng Nga và có tầm quan trọng quyết định, then chốt đối với công nghiệp quốc phòng Ukraine”. Theo ông Putin, nước Nga hoàn toàn có khả năng cả về lý do tài chính và cả về trình độ công nghệ thực hiện thay thế nhập khẩu trong vòng 1,5 năm đến 2,5 năm. Thời hạn mà kế hoạch của Bộ Công thương Nga xác định thì chưa được công bố.
Các chuyên gia nghi ngờ khả năng của công nghiệp quốc phòng Nga trong thời hạn do ban lãnh đạo nêu ra thiết lập được dù là về kỹ thuật tại các cơ sở của mình việc sản xuất thay thế toàn bộ các sản phẩm nhập khẩu. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị-xã hội Vladimir Yevseyev cho rằng: “Để thay thế các sản phẩm quân sự chính nhập khẩu từ Ukraine bằng sản phẩm nội địa, Nga cần từ 5-7 năm. Dĩ nhiên là quá trình có thể đẩy nhanh chút ít. Nhưng điều đó sẽ đòi hỏi đầu tư khác nhiều các nguồn lực và tiền bạc”.
Theo ý kiến chuyên gia này, tìm cách thuyết phục Kiev tiếp tục cung cấp sản phẩm quân dụng cho Nga sẽ có lợi và rẻ hơn nhiều. Bên cạnh đó, đối với công nghiệp quốc phòng Ukraine vốn bán sang Nga ¾ sản phẩm của mình thì lệnh cấm vận được công bố cũng giống như là sự tự sát.
Trong khi đó, cũng đã có những tín hiệu lạc quan về phía Nga. Chủ tịch Tổng công ty đóng tàu thống nhất Nga OSK Aleksei Rakhmanov cho biết, vào cuối năm 2016, Nga sẵn sàng tiến hành thử nghiệm các động cơ turbine khí dành cho tàu chiến tự sản xuất và bắt đầu cung cấp chúng cho các dự án đóng tàu.
Trước đó, Bộ trưởng Công thương Nga Denis Manturov nói rằng, Ukraine đang trì hoãn việc chuyển giao thiết bị cho công nghiệp quốc phòng Nga, cụ thể là các turbine khí cho các hãng đóng tàu Nga.
“Quan ngại chủ yếu nhất của chúng tôi liên quan đến các tổ máy turbine khí đang lắp trên các tàu nổi của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng, quyết định hiển nhiên đã được thông qua, Tổng thống đã nói về chuyện này - chúng tôi sẽ đi theo hướng sản xuất thay thế nhập khẩu. Cần hiểu rằng, vào cuối năm 2016, những tổ máy turbine khí đầu tiên do Nga sản xuất sẽ được thử nghiệm và sẵn sàng cho việc lắp đặt trên các lớp tàu”, ông Rakhmanov nói.
Theo ông, nói Nga không có kinh nghiệm chế tạo turbine khí là không đúng. Nhà sản xuất các tổ máy turbine khí đã được xác định - đó sẽ là hãng Saturn.
“Tại các cơ sở của mình, hãng này sẽ xây dựng khả năng sản xuất các tổ máy turbine khí cho hạm tàu, phần cơ khí sẽ do các xí nghiệp ở St. Petersburg đảm nhiệm, cụ thể là Nhà máy Zvezda”, ông Rakhmanov cho biết thêm.