|
Việc xem xét kỹ các ghi chép lịch sử và luật pháp cho thấy, các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là vô căn cứ.
|
Nửa đầu năm 2014 chứng kiến sự gia tăng đáng kể hành vi hung hăng của Trung Quốc khi họ tiếp tục chiến dịch gặm nhấm trên biển ở Biển Đông. Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi hiện trạng trong khu vực để củng cố tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam và các vùng biển kế cận.
Trong tháng 2.2014, Trung Quốc đã bắt đầu dự án cải tạo quy mô lớn tại đá Gạc Ma (Johnson South Reef) thuộc quần đảo Trường Sa để có thể triển khai một sân bay quân sự mới của quân đội Trung Quốc nhằm kiểm soát các tuyến đường biển chiến lược của khu vực đi qua Biển Đông. Trong tháng 3, chính quyền Trung Quốc bắt đầu thực thi cái gọi là các quy định đánh cá mới đòi hỏi các tàu cá nước ngoài phải được cho phép từ trước mới được đánh bắt trong vùng biển rộng 2 triệu km2 bị bao bọc bởi cái gọi là “đường chín đoạn” tai tiếng của Trung Quốc.
Tháng 5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý và bắt đầu khoan tìm dầu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Các tàu chiến của hải quân Trung Quốc và các tàu tuần tra khác của chính phủ Trung Quốc vùng một số lượng lớn tàu cá dân sự đã được triển khai cùng với giàn khoan để bảo vệ hoạt động khoan thăm dò của nó. Trong tuần sau đó, các tàu của Cục An toàn hàng hải Trung Quốc đã ngăn cản việc tiếp tế cho 10 lính thủy đánh bộ Philippines đồn trú trên xác tàu BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở quần đảo Trường Sa, mặc dù các toán lính Philippines trên chiếc tàu quân sự bị mắc cạn từng được Philippines tiếp tế thường xuyên từ năm 1999.
Cuối cùng, trong một hành động sỉ nhục đối với đề xuất đóng băng tất cả hành động khiêu khích ở Biển Đông mà Mỹ đưa ra tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF), trong tháng 8/2014, Bắc Kinh loan báo họ sẽ xây dựng các hải đăng trên 5 cấu trúc, trong đó có 2 đảo nhỏ ở quần đảo Hoàng Sa mà họ nói là để tăng cường an toàn hàng hải. Hai tuần sau, một tiêm kích Su-27 của Trung Quốc đã tiến hành một hành động ngăn chặn nguy hiểm đối với một máy bay tuần biển P-8 của Hải quân Mỹ đang tiến hành chuyến bay giám sát thường xuyên ở cách đảo Hải Nam 135 hải lý về phía đông. Giống như sự cố với chiếc máy bay EP-3 của Mỹ vào năm 2001, chiếc tiêm kích Trung Quốc đã nhiều lần bay sát sạt bên dưới và bên cạnh chiếc P-8 trước khi thực hiên một thao tác bay cuộn tròn bên trên chiếc máy bay Mỹ, chỉ cách chiếc Poseidon 20-30 bộ.
Trung Quốc biện minh cho các hành động này bằng cách tuyên bố họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển liền kề của chúng, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và đáy biển liên quan bên trong “đường chín đoạn”. Việc xem xét kỹ các ghi chép lịch sử và luật pháp cho thấy, các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là vô căn cứ.
Trung Quốc yêu sách đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa dựa trên việc thể hiện quyền quản lý rộng rãi và liên tục đối với các quần đảo sau khi khám phá ra chúng dưới triều Hán. Mặc dù các thủy thủ Trung Quốc có thể đã biết đến sự tồn tại của các hòn đảo ở Biển Đông, nhưng không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy, Trung Quốc đã thực sự “khám phá” ra các hòn đảo này trước khi những người đi biển ở các vương quốc láng giềng Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines.
Hơn nữa, ngay cả khi Trung Quốc đã phát hiện ra các hòn đảo, thì luật pháp quốc tế cũng rất rõ ràng - chỉ khám phá không mà không có các hành động chiếm hữu và kiểm soát hiệu quả tiếp theo thì không được coi là có chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đó. Việc chiếm hữu hiệu quả đòi hỏi phải có ý định và ý chí hành động như bên có chủ quyền và một sự thực thi thực tế hay thể hiện quyền đó. Tuy nhiên, đơn giản là không có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy, Trung Quốc đã chiếm hữu các quần đảo một một cách hòa bình và liên tục hoặc thực hiện quyền cần thiết đối với chúng.
Trung Quốc phần lớn dựa vào các ghi chép cho thấy, ngư dân Trung Quốc đã đôi khi trú ngụ trên một số đảo trong quần đảo Trường Sa trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, theo luật pháp quốc tế, các hành động phi sở hữu của các cá nhân tư nhân không được coi là hành động của “quốc gia” trừ phi các hành động đó không được lập tức kế tiếp hoặc được cho phép bởi cơ quan chính phủ. Không có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy, chính phủ Trung Quốc từng trao quyền hoặc sau đó cho phép các hành động này.
Các hành động có thể kiểm chứng đầu tiên về chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa đã không xảy ra cho đến năm 1909. Tuy nhiên, các hành động này đã xảy ra gần 100 năm sau khi Hoàng đế Gia Long của Việt Nam chính thức chiếm hữu quần đảo vào năm 1816. Việt Nam và Pháp đã quản lý hiệu quả và liên tục các hòn đảo cho đến khi họ đã bị đánh bật đi bởi quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II.
Hành động có thể kiểm chứng đầu tiên về chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa xảy ra thậm chí còn muộn hơn - vào năm 1933 - và cũng là sau khi Pháp công bố tuyên bố vào năm 1929 rằng, Pháp tuyên bố chủ quyền với quần đảo trên cơ sở chúng là đất vô chủ (terra nullius). Sự chiếm đóng chính thức của Pháp đã diễn ra vào năm 1933. Tại thời điểm Pháp sáp nhập và chiếm đóng hiệu quả quần đảo Trường Sa, chinh phục vẫn còn là một phương pháp thụ đắc lãnh thổ được công nhận theo luật quốc tế cho đến khi Hiến chương LHQ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 10/1945.
Trung Quốc cũng dựa vào một số điều ước quốc tế, văn kiện và tuyên bố để hậu thuẫn tuyên bố chủ quyền của họ đối với các đảo ở Biển Đông, nhưng không cái nào trong đó hậu thuẫn quan điểm của Bắc Kinh.
Trung Quốc cho rằng, Pháp đã từ bỏ yêu sách của mình đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi họ ký kết Hiệp ước Pháp-Thanh năm 1887. Tuy vậy, lập trường của Trung Quốc không hề được hậu thuẫn bởi câu chữ rõ ràng của Hiệp ước hoặc các hành động tiếp theo của các bên tranh chấp. Đường ranh giới năm 1887 được xác lập theo công ước chỉ quyết định quyền sở hữu đối với các đảo ven bờ biển, chứ không phải là các hòn đảo ở giữa biển trong Vịnh Bắc Bộ hoặc các quần đảo xa hơn Hoàng Sa và Trường Sa.
Việc Trung Quốc dựa vào Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Potsdam để bênh vực cho yêu sách của mình cũng rõ ràng là sai. Các văn kiện này chỉ nói rằng, Trung Quốc sẽ thu hồi Mãn Châu Lý, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ sau chiến tranh. Câu tiếp theo nói rằng, Nhật Bản sẽ bị trục xuất khỏi “các vùng lãnh thổ khác” mà họ đã giành được bằng vũ lực, nhưng điều đó không có nghĩa là “các vùng lãnh thổ khác” này sẽ được trao cho Trung Quốc. Kết luận hợp lý duy nhất là “các vùng lãnh thổ khác” bao gồm cả các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Nhật Bản đã chiếm đoạt bằng vũ lực từ tay Pháp, chứ không phải từ tay Trung Quốc. Do đó, các quần đảo này sẽ phải được trả lại cho Pháp, chứ không phải Trung Quốc khi chiến tranh kết thúc.
Kết luận này được hậu thuẫn bởi thực tế là Thống chế Tưởng Giới Thạch đã có mặt tại Hội nghị Cairo, nhưng không có từ nào nhắc đến các đảo ở Biển Đông trong tuyên bố cuối cùng. Chắc chắn, nếu quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được coi là lãnh thổ của Trung Quốc trước chiến tranh, thì tại Hội nghị, Tưởng Giới Thạch sẽ đòi trả lại các quần đảo cho Trung Quốc kiểm soát.
Trung Quốc còn yêu sách thêm rằng, chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông đã được công nhận trong khi soạn thảo Hiệp ước Hòa bình năm 1951 với Nhật Bản. Tuy nhiên, văn bản cuối cùng của hiệp ước đã ghi nhận việc Nhật Bản từ bỏ các quyền đối với Đài Loan và quần đảo Bành Hồ, và quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa ở hai tiểu mục riêng biệt của Điều 2: Như vậy, Nhật Bản có lẽ là đã từ bỏ quyền của mình đến Đài Loan và quần đảo Bành Hồ để trao lại cho Trung Quốc và các quyền của họ đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để trả lại cho Pháp. Nếu những người soạn thảo hiệp ước mà định trao trả các đảo này chỉ cho một quốc gia duy nhất thì họ sẽ không đưa chúng vào hai tiểu mục riêng biệt.
Lập luận của Trung Quốc rằng, Nhật Bản đã trả lại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho Trung Quốc trong hai hiệp ước riêng biệt chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng là không có cơ sở như vậy. Điều 2 của Hiệp ước Đài Loan-Nhật Bản năm 1952 chỉ đơn giản nói rằng, Nhật Bản từ bỏ các quyền của mình đối với Đài Loan, quần đảo Bành Hồ và các đảo ở Biển Đông. Nếu mục đích của hiệp ước là trao trả quyền sở hữu các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho Đài Loan, thì việc chuyển giao rõ ràng các quyền cho Đài Loan đã được đưa vào hiệp ước. Tương tự như vậy, Thông cáo chung Trung-Nhật năm 1972 cũng không hậu thuẫn lập trường của Bắc Kinh. Thông cáo chỉ nói rằng, Điều 8 của Tuyên bố Potsdam sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, cả Tuyên bố Potsdam lẫn Tuyên bố Cairo đều không hỗ trợ tuyên bố của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông.
Trung Quốc cũng khẳng định, mặc dù không đúng rằng, họ đã giành lại quyền chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào năm 1946 khi các lực lượng quốc dân đảng tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật ở Đông Dương thuộc Pháp ở phía bắc vĩ tuyến 16. Quân quốc dân đảng đã được cử đến đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa) và đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) với tư cách một lực lượng chiếm đóng theo mệnh lệnh số 1 của Tướng MacArthur. Tuy nhiên, mệnh lệnh đó không hề chuyển giao quyền quản lý các hòn đảo ở Biển Đông cho Trung Quốc. Ngược lại, Trung Hoa Dân quốc và Pháp sau đó đã thảo thuận để quân đội Pháp thay thế quân đội quốc dân đảng Trung Quốc ở phía bắc Đông Dương, kể cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vào ngày 31/3/1946. Với tư cách là lực lượng chiếm đóng, quân đội quốc dân đảng có nghĩa vụ pháp lý rời khỏi Đông Dương thuộc Pháp, nhưng họ đã không làm như vậy.
Việc lực lượng của Trung Hoa Dân quốc vẫn còn ở lại bất hợp pháp trên đảo Ba Bình và đảo Phú Lâm sau khi sự chiếm đóng Đông Dương của quân đồng minh chính thức kết thúc vào tháng 3/1946 là một sự vi phạm rõ ràng Điều 2(4) của Hiến chương LHQ, và do đó, không hề trao quyền sở hữu hai quần đảo cho Trung Quốc. Tương tự như vậy, việc Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình vào năm 1956 và việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và một số cấu trúc trong quần đảo Trường Sa vào năm 1988 và năm 1995 bằng lực lượng vũ trang cũng vi phạm Hiến chương LHQ, và do đó, không mang lại cho Trung Quốc quyền sở hữu hợp pháp đối với các đảo .
Trung Quốc cũng khẳng định rằng, miền Bắc Việt Nam đã từ bỏ quyền của mình đối với các đảo ở Biển Đông trong những năm 1950 và 1960. Tuy nhiên, việc Trung Quốc dựa vào các tuyên bố này cũng không ổn vì nhiều lý do. Quan trọng nhất là miền Bắc Việt Nam không có gì để mà từ bỏ trong khoảng thời gian này. Hiệp định Geneva năm 1954 chia Việt Nam thành Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam tại vĩ tuyến 17 - cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm ở phía nam vĩ tuyến 17. Với tư cách nhà nước thừa kế quyền quản lý của Pháp, các đảo Biển Đông do đó hải thuộc sự quản lý và kiểm soát của Nam Việt Nam, chứ không phải Bắc Việt Nam. Do đó, Bắc Việt Nam không ở vị trí có thể từ bỏ lãnh thổ; bất kỳ tuyên bố nào do các quan chức Bắc Việt đưa ra đối với hai quần đảo đó đều vô nghĩa về mặt pháp lý.
(Còn nữa)