Vietnamdefence.com

 

Đông Phong làm đổi chiều gió?

VietnamDefence - Tên lửa DF-21D làm thay đổi bố trí binh lực trên thế giới.

Tên lửa DF-21D làm các đô đốc Mỹ lo nghĩ kế đối phó

Trung Quốc đã thử nghiệm thành công trước dự đoán và đang ở giai đoạn đầu triển khai hệ thống tên lửa (Đông Phong) Dongfeng 21 D (DF-21D), Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Robert Willard tuyên bố. Bước đi này đang làm đảo lộn tận gốc bố trí binh lực ở Thái Bình Dương: hệ thống tên lửa này chuyên dùng để chống các cụm tàu sân bay tiến công (CSG) Mỹ, Financial Times nhận định.

Ý nghĩa chiến lược của hệ thống DF-21 với tên lửa đường đạn chống hạm (ASBM) lắp trên bệ phóng cơ động và các phương tiện vệ tinh phát hiện là ở chỗ, nó có khả năng chặn đứng sự xâm nhập của các CSG Mỹ gần hơn vài trăm kilômét tính từ bờ biển Hoa lục.

Nằm trong phạm vi này có cả hải phận eo biển Đài Loan trong trường hợp giả định có xung đột giữa Trung Quốc với Đài Loan, một đồng minh của Mỹ. “Vùng an ninh” của Trung Quốc như vậy đang mở rộng tới “vòng cung đảo thứ hai”, (từ quần đảo Ogasawara chạy qua quần đảo Mariana và Guam đến Palau).

Vùng biển này được Trung Quốc coi là “vùng biển gần”, nhưng hiện nay trong khu vực này hạm đội Mỹ đóng tại các nước đồng minh Nhật bản, Hàn Quốc đang hoạt động.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tháng 9.2010 khẳng định, nếu Trung Quốc hoặc một nước nào đó triển khai một hệ thống có khả năng đe dọa các CSG trên đại dương thì chiến thuật sử dụng chúng sẽ buộc phải xem xét lại toàn bộ. Ở hình thức hiện nay, CSG hầu như không có khả năng chống lại các tên lửa đường đạn tự dẫn như DF-21; hiện tại Lầu Năm góc chỉ nhìn thấy lối thoát ở sự liên kết chặt chẽ hơn giữa hải quân và không quân.

Tàu sân bay Mỹ hết thời tung hoành trên Thái Bình Dương...
(Ảnh: tàu sân bay George Washington)

Hệ thống hiện chưa thử nghiệm xong, Đô đốc Robert Willard đánh giá, để hoàn thành toàn bộ các thử nghiệm sẽ cần vài năm nữa; xuất hiện các câu hỏi cả về thành phần vệ tinh làm nhiệm vụ dẫn đường cho DF-21. Nhưng ngay từ bây giờ, các nhà phân tích quân sự đã nhìn thấy mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ: Trung Quốc sẽ có thể bù đắp sự thiếu hoàn thiện của phương tiện trinh sát bằng số lượng tên lửa phóng đi.

khi tên lửa Trung Quốc áp dụng chiến thuật 'đánh hội đồng'?

Theo chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (Nga) Konstantin Makienko, tên lửa DF-21 quả thực có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh bằng cách xua đuổi khỏi bờ biển Trung Quốc các tàu sân bay Mỹ, vốn là nền tảng sức mạnh toàn cầu của Mỹ. Nhưng tên lửa này khả năng thực sự có khả năng tác chiến đến mức nào thì chưa biết; việc chế tạo một tên lửa như vậy là vấn đề kỹ thuật hóc búa; ngay cả Liên Xô cũng đã phải từ bỏ việc chế tạo ASBM tuy đã có những dự án như thế.

Vấn đề là ở chỗ, tàu sân bay không đứng nguyên một chỗ nên việc dẫn một tên lửa như vậy là rất khó (Liên Xô từng dự định trang bị cho tên lửa này đầu đạn hạt nhân, nhưng kể cả như thế cũng không bảo đảm chắc chắn tiêu diệt được một tàu sân bay đang di chuyển). Bởi vậy, những bài báo hoảng hốt trên trang nhất các tờ báo Anglo-Saxon phản ánh những thay đổi sâu sắc trong thái độ của Mỹ và Anh đối với sức mạnh gia tăng của Trung Quốc chứ không phải là những nỗi sợ hãi hiện thực về kỹ thuật quân sự trước Trung Quốc, ông Makienko nhận định.

  • Nguồn: Vedomosti, 29.12.2010.

Print Print E-mail Print