Vietnamdefence.com

 

Bảo vệ MiG-29: Sukhoi và MiG phản đối bán động cơ máy bay cho Trung Quốc

VietnamDefence - Tham vọng xuất khẩu hàng ngàn máy bay chiến đấu giá rẻ như FC-1, J-10, J-11B có nguy cơ sụp đổ tan tành nếu Nga cấm xuất khẩu động cơ máy bay chiến đấu cho Trung Quốc. Đây cũng có thể là đòn cảnh cáo Trung Quốc trước việc giảm mua, đánh cắp, sao chép công nghệ vũ khí Nga và cạnh tranh với Nga trên thị trường vũ khí thế giới, trước hết là với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga là Su-27/30 và MiG-29.

Tiêm kích FC-1

Các công ty chế tạo máy bay Nga RSK MiG và OKB Sukhoi đã lên tiếng phản đối việc ký kết hợp đồng mới với Trung Quốc cung cấp các động cơ RD-93, loại đang được sử dụng trên các tiêm kích FC-1 của Trung Quốc và biến thể xuất khẩu JF-17 của nó.

Giám đốc RSK MiG và OKB Sukhoi Mikhail Pogosyan cho rằng, FC-1 là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của MiG-29. 

Như vậy, các nhà chế tạo máy bay Nga đã buộc phải thừa nhận Trung Quốc là đối thủ nặng ký mới trên thị trường vũ khí thế giới.

Cuối năm 2009, có tin hợp đồng bán cho Trung Quốc 100 động cơ phản lực RD-93 tiếp theo để lắp cho tiêm kích Trung Quốc-Pakistan FC-1 dự định ký trước tháng 5.2010. Nhưng hai nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết hợp đồng này chưa được ký kết. 

Rõ ràng là việc đàm phán đang tiến triển nhanh nên buộc ông Pogosyan phải lên tiếng phản đối.

Một người cho biết, việc ký kết hầu như đã bị ông Pogosyan phong tỏa sau khi gửi thư cho VSVTS và Rosoboronoexport trong đó nêu vấn đề FC-1 là đối thủ của MiG-29 trên hàng loạt thị trường nước ngoài.

Ông Pogosyan cũng nói: "Tôi không phản đối việc tái xuất khẩu một số công nghệ riêng lẻ, nhưng điều đó phải được bàn bạc, thống nhất với các nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng để việc tái xuất khẩu không gây tổn thất cho họ”.

Ông Pogosyan phản đối thương vụ với Trung Quốc bởi vì Trung Quốc dự định bán FC-1 cho Ai Cập, trong khi RSK MiG cũng muốn vào thị trường này với MiG-29. 

Được biết, Nga đã mấy năm đàm phán bán với Ai Cập để bán cho nước này 40 tiêm kích MiG-29SMT. Người ta đã dự kiến ký theo cơ chế trade in (máy bay mới đổi lấy máy bay cũ MiG-21 đã cung cấp cho Ai Cập hơn 35 năm trước).

Tháng 4.2010, Phó Tổng giám đốc Rosoboronoexport Aleksandr Mikheyev đã thăm Ai Cập và đàm phán về khả năng cung cấp cho nước này đến 32 tiêm kích MiG-29.

Song song, Ai Cập cũng đã bắt đầu đàm phán với nhà sản xuất FC-1 của Trung Quốc về việc mua FC-1. Tháng 3.2010, tạp chí Jane's Defence Weekly đưa tin Ai Cập đã bắt đầu thảo luận với Pakistan khả năng hợp tác sản xuất tiêm kích Trung Quốc JF-17 Thunder (biến thể FC-1 dành cho Pakistan). Người ta dự định tổ chức lắp ráp máy bay này tại Ai Cập. Khối lượng mua sắm có thể không dưới 48 JF-17 Thunder. Tuy nhiên, hiện chưa đạt được các thỏa thuận cụ thể và còn quá sớm để nói đến thời gian ký hợp đồng.

Trung Quốc từ lâu đã có mặt trên thị trường máy bay quân sự của Ai Cập. Tháng 12.1999, Bộ Quốc phòng Ai Cập đã ký hợp đồng 5 năm với Trung Quốc trị giá 345 triệu USD để sản xuất 80 máy bay huấn luyện chiến đấu K-8E Karakorum cho Không quân Ai Cập.

10 chiếc đầu tiên đã được chế tạo ở Trung Quốc. 2 lô tiếp theo gồm 15 và 10 máy bay đã được lắp ráp tại Công ty AOI của Ai Cập từ các linh kiện cỡ nhỏ và trung bình. 45 chiếc còn lại được sản xuất 90% tại Ai Cập.

Đầu năm 2005, Ai Cập đã đặt hàng thêm 40 K-8E. Như vậy, tổng khối lượng đơn đặt hàng của Ai Cập là 120 chiếc. Các động cơ turbine quạt TFE731-2A-2A dành cho K-8E của Ai Cập do công ty Allied Signal của Mỹ cung cấp.

JF-17/FC-1 được lắp động cơ turbine phản lực lưỡng mạch RD-93. Mẫu chế thử JF-17 bay lần đầu tháng 8.2003. Dự kiến sẽ chế tạo biến thể huấn luyện chiến đấu 2 chỗ ngồi của tiêm kích này.

FC-1 (JF-17) tuy thua kém đáng kể MiG-29 của Nga về tính năng, song lại rẻ hơn nhiều - chỉ gần 10 triệu USD (có nguồn nói 10-12 triệu USD) so với 35 triệu USD/chiếc. 

Giá rẻ và tính năng kỹ-chiến thuật tương đối chấp nhận được là lý do chính để tiêm kích Trung Quốc thành công trên thị trường các nước thứ ba.

RD-93 do Viện thiết kế của Nhà máy Klimov phát triển. Biến thể RD-93 bán cho Trung Quốc là biến thể hiện đại hóa sâu của RD-33 dùng cho MiG-29 của Nga, có lực đẩy 8300 kgf và bảo đảm tốc độ bay đến 2000 km/h ở độ cao 16,5 km.

Nga cung cấp lô thử nghiệm 4 động cơ RD-93 cho Trung Quốc vào năm 2002-2003 để bay thử trên 3 mẫu FC-1 thử nghiệm.

Sau đó, việc đàm phán bán lô thương mại RD-93 đầu tiên kéo rất dài. Trung Quốc, ở giai đoạn đầu, đề nghị mua 15 động cơ để thực hiện đầy đủ tổ hợp các thử nghiệm bay, song Nga đòi Trung Quốc phải mua ban đầu 100 động cơ.

Cuối cùng, Trung Quốc chấp nhận yêu cầu của Nga và hợp đồng đầu tiên bán cho Trung Quốc 100 động cơ RD-93 trị giá 238 triệu USD đã được ký năm 2005. Hãng thực hiện hợp đồng là Xí nghiệp chế tạo máy Moskva mang tên Chernyshev (nằm trong Tập đoàn Động cơ Thống nhất ODK, 100% thuộc sở hữu của OPK Oboronprom). Hồi đó, Nga cũng đã ký hiệp định khung bán cho Trung Quốc 500 động cơ. 

Trong quá trình đàm phán hiệp định khung, Nhà máy Klimov cho biết sẵn sàng hiện đại hóa RD-93 cho máy bay FC-1. Động cơ cải tiến sẽ có  lực đẩy động cơ tăng gần 10% (từ 8.300 kgf lên 9.000 kgf), được lắp loa phụt vector lực đẩy thay đổi cho phép tăng đáng kể khả năng cơ động, tính năng bay và hiệu quả chiến đấu của FC-1.

Phía Trung Quốc lúc đó đã bày tỏ ý định tiếp tục hợp tác về động cơ RD-93 vì họ quan tâm đến việc tăng lực đẩy và lắp đặt loa phụt mọi hướng với vector lực đẩy thay đổi. Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng mua đến 1.000 động cơ cải tiến. Lúc đó, tổng giá trị hợp đồng sẽ là 3,75 tỷ USD.

Hiện nay, việc cung cấp động cơ cho Trung Quốc được thực hiện theo thỏa thuận hiện có của ủy ban liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự phục vụ cho bộ quốc phòng Trung Quốc. 

Ban đầu, vấn đề tái xuất khẩu RD-93 sang các nước thứ ba đã bị xem xét rất lâu. Người phản đối chính là Bộ Quốc phòng Nga. 

“Việc tái xuất khẩu được thực hiện theo quyết định của chính phủ Liên bang Nga. Hiện chưa có quy chế bàn bạc, thống nhất với các nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng, ở đây là máy bay", - Rosoboronoexport cho hay.

Giấy phép tái xuất khẩu RD-93 đi kèm FC-1 sang Ai Cập được FSVTS cấp tháng 11.2007. Động cơ này cũng có thể bán sang Nigeria, Bangladesh, Saudi Arabai và Algeria. 

Việc tái xuất khẩu được thực hiện theo quyết định của chính phủ Nga thì vấn đề hạn chế tái xuất khẩu động cơ Nga cũng phải do cấp chính phủ quyết định. 

Trung Quốc đã nhiều lần phải mua động cơ Nga cho tiêm kích của họ. Tháng 1.2009, Trung Quốc đã mua của Nga 122 động cơ AL-31FN để lắp cho tiêm kích J-10 của họ. Trị giá hợp đồng là 0,5 tỷ USD.

Đây không phải là lần đầu tiên Các nhà sản xuất Nga và Trung Quốc đã đụng độ nhau trên thị trường thế giới.

Từ tháng 3.2007, Thổ Nhĩ Kỳ mở thầu mua các hệ thống phòng không. Trong số các hệ thống tên lửa phòng không tham gia có S-400 của Nga và HQ-9 của Trung Quốc.

Cũng trong năm 2007, xe bọc thép chở quân của Nga và Trung Quốc lại cạnh tranh nhau trong cuộc thầu của Bộ quốc phòng Thái Lan.

Tháng 9.2008, Không quân Indonesia công bố kế hoạch thay thế các máy bay huấn luyện chiến đấu Hawk Mk-53 của Anh. Tháng 11.2009, đại diện Không quân Indonesia tuyên bố họ có thể mua cả Yak-130 của Nga và FTC-2000 của Trung Quốc.

Năm 2009, MiG-29 đã thắng trong cuộc thầu của Bộ quốc phòng Myanamar cung cấp 20 máy bay tiêm kích mà đối thủ chính là J-10 và FC-1 của Trung Quốc.

Chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Konstantin Makienko cho rằng, các yêu cầu của ông Mikhail Pogosyan là công bằng. "Nếu việc tái xuất khẩu động cơ Nga chỉ là từ Trung Quốc sang Pakistan thì còn được. Nhưng nếu như Nga thực sự đụng độ với Trung Quốc trên thị trường vũ khí Ai Cập thì phải làm điều gì đó", ông nói. 

Theo ông Ruslan Pukhov, thành viên Hội đồng xã hội Bộ Quốc phòng Nga, quan điểm đó "có quyền tồn tại, nhưng sẽ cực kỳ khó giải thích cho người Trung Quốc vì sao đến nay chúng ta vẫn cung cấp động cơ, nay bỗng đổi ý".

  • Nguồn: Kommersant, N.118/P (4418), ngày 5.7.2010; Armstrade, Lenta 5.7.2010.

Print Print E-mail Print