Vietnamdefence.com

 

Nga thay đổi chính sách mua sắm quốc phòng: Hàng nội hết thời, hàng ngoại thành mốt

VietnamDefence - Mua máy bay không người lái (UAV) của Israel, tàu sân bay của Pháp, xe ô tô bọc thép của Italia, vỏ giáp của Đức, thành lập liên doanh sản xuất vũ khí trang bị... quân đội Nga đang gây ra những bất ngờ khi đang từ bỏ chính sách mua sắm vũ khí khá đóng kín của mình.

Thương vụ Mistral báo hiệu một sự thay đổi căn bản
trong chính sách mua sắm quốc phòng Nga

Thách thức của thời cuộc

Cải cách quân đội, công nghiệp quốc phòng và chính sách mua sắm quốc phòng là những thách thức của thời cuộc đặt ra với ban lãnh đạo nước Nga và quân đội Nga nếu muốn tiếp tục duy trì vị thế cường quốc quân sự của mình trong thế kỷ XXI.

Cơn lốc cải cách quân đội mà nét chính là chuyển từ cơ chế chỉ huy 4 cấp, sang 3 cấp (bỏ cấp sư đoàn), lấy cấp lữ đoàn làm nền tảng, giảm quân, xây dựng quân đội nhỏ gọn, hiện đại, cơ động làm các nhà phân tích nước ngoài sững sờ, dư luận trong nước phẫn nộ, tranh cãi.

Tiến trình tư nhân hoá, cổ phần hoá, tập đoàn hoá, tập trung hóa trong công nghiệp quốc phòng Nga thời gian qua nhằm tăng cường hiệu quả của ngành công nghiệp mũi nhọn này cũng tạo ra những dư luận trái ngược, bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, bên cạnh đó cũng để lộ những điểm yếu về chất lượng và số lượng các sản phẩm mới, tiên tiến.

Và nay, nhất là sau cuộc chiến 5 ngày với Gruzia năm 2008, nhu cầu hiện đại hoá vũ khí trang bị càng đặt ra cấp thiết hơn với quân đội Nga. Một giải pháp tất yếu mà Nga phải dùng đến là mở cửa thị trường, là mở rộng nhập khẩu vũ khí, trang bị và công nghệ quân sự hiện đại, là hợp tác-liên doanh phát triển và sản xuất vũ khí trang bị.

Đầu tháng 4.2010, Thứ trưởng quốc phòng Nga Vladimir Popovkin đã lên tiếng ủng hộ mua một số loại trang bị và linh kiện ở nước ngoài khi nói  Bộ Quốc phòng Nga sẽ chỉ mua sắm ở nước ngoài khi cần "trám các lỗ thủng". Các hợp đồng mua sắm sẽ đi kèm việc chuyển giao công nghệ giống như cách một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ... đang làm.

Mua sắm UAV của Israel để... thoả cơn khát tức thời

Cuộc chiến chóng vánh với quân đội Gruzia đã để lộ những điểm yếu chết người của quân đội Nga về trinh sát, tình báo (các đoàn xe tăng-thiết giáp Nga hành quân vô tổ chức, thậm chí vị tư lệnh chiến dịch còn bị thương vì lọt ổ phục kích), thông tin liên lạc (sĩ quan chỉ huy có khi phải "mượn" điện thoại di động của nhà báo đi cùng để chỉ huy bộ đội).

Thấy được vai trò và hiệu quả của UAV Israel mà quân đội Gruzia sử dụng, sau cuộc chiến, Bộ Quốc phòng Nga tức tốc đàm phán với Israel để mua UAV của nước này. Tháng 6.2009, Nga đã mua được 12 UAV thuộc các loại Bird-Eye 400, I-View MK150 và Searcher Mk II của Israel trị giá 53 triệu USD. Nga cũng đã bắt đầu đàm phán với công ty Israel Aerospace Industries (IAI, Israel) mua một lô UAV nữa trị giá 100 triệu USD. Các UAV Israel bán cho Nga sẽ được trang bị hệ thống quan sát tốt hơn.

...đến thành lập liên doanh

Đầu tháng 4.2010, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga V. Popovkin đau khổ thừa nhận, Nga đã chi 5 tỷ ruble để phát triển và thử nghiệm UAV mà chẳng thu được kết quả gì, không một loại UAV của Nga nào qua được chương trình thử nghiệm. Tư lệnh Không quân Nga Aleksandr Zelin khẳng định, UAV của Nga không đáp ứng một thông số nào theo yêu cầu của quân đội Nga.

Quân đội Nga hầu như không sử dụng các loại UAV nội địa. Các loại hiện có là Reis, Strizh, Reis-D, Stroi và Troi-P đều đã quá lạc hậu, chỉ có duy nhất UAV Tipchak là đáp ứng tiêu chuẩn hiện đại.

Vậy là Nga phải xem xét đến một khả năng táo bạo hơn - liên doanh sản xuất UAV. Tổng giám đốc tập đoàn quốc doanh Rostechnology Sergei Chemezov cho biết, Nga đang dự định hợp tác với IAI thành lập liên doanh sản xuất UAV và quyết định cuối cùng về việc thành lập liên doanh sẽ được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga tiến hành thử nghiệm các UAV của Israel. Bộ Quốc phòng Nga đã mua của Israel 15 UAV và tất cả số này sẽ tham gia thử nghiệm.

Cơn bão có tên Mistral

Nhưng vấn đề chính làm xáo trộn dư luận trong quân đội và giới công nghiệp quốc phòng Nga nhất là dự định mua tàu sân bay trực thăng của Pháp. Bất chấp sự phản đối gay gắt của một bộ phận quan chức quân sự và của ngành đóng tàu Nga, Nga đã thông qua quyết định chính trị về việc mua của Pháp các tàu sân bay trực thăng Mistral. Dự kiến, hợp đồng mua tàu sẽ được ký trước cuối năm 2010.

Nga đề xuất mua 1 tàu đóng sẵn tại Pháp, còn 3 tàu sẽ đóng ở Nga với sự hợp tác của hãng đóng tàu DCNS (Pháp), còn Pháp thì muốn Nga mua 2 tàu đóng sẵn và đóng 2 tàu tại Nga. Mistral có lượng giãn nước đầy đủ 21000 tấn, chiều dài 200 m, chiều rộng 32 m, tốc độ 19 hải lý/h, cự ly hành trình 20000 hải lý, có thể chở 6 trực thăng trên boong, 4 xuồng đổ bộ, 2 tàu đệm khí và 450 lính bên trong tàu. Đơn giá tàu Mistral cho Hải quân Nga sẽ là từ 400-500 triệu euro (540-675 triệu USD).

Tăng-thiết giáp: Hàng nội hết thời...

Tiếp sau lĩnh vực đóng tàu quân sự, một lĩnh vực từng là thế mạnh, niềm tự hào của Liên Xô/Nga là chế tạo tăng-thiết giáp cũng bị Bộ Quốc phòng Nga chê không tiếc lời.

Thực tế chiến tranh ở Iraq (1991, 2003), Chechnya (1996, 1999-nay) với hàng loạt xe tăng-thiết giáp của Nga bị tiêu diệt cho thấy chúng không còn đáp ứng yêu cầu hiện nay. 
 
Các xe tăng T-72, T-80 bị trúng đạn dễ gây nổ xe, làm chết toàn bộ kíp xe vì vỏ giáp yếu, đạn pháo bố trí dưới chỗ ngồi. Xe tăng hiện đại nhất T-90 của Nga không thể tác chiến ban đêm, nên Nga phải mua khí tài ảnh nhiệt của Pháp để trang bị cho chúng. Xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân, xe chiến đấu đổ bộ đường không của Nga lẽ ra phải bảo vệ được bộ đội ngồi trong xe thì lại thường xuyên chở họ ngồi... trên nóc xe vì như vậy khi xe bị bắn trúng, họ chưa chắc chết, chứ ngồi trong xe là cầm chắc chết cháy.

Bên cạnh đó, với mô hình quân đội mới, Nga cũng sẽ từ bỏ phần lớn trong số 20 xe tăng chủ lực hiện có, chỉ giữ lại 2000 chiếc, số còn lại đem niêm cất, loại bỏ hay bán lại cho nước ngoài.

 

 

Hàng nội hết thời...

 

Hàng ngoại lên ngôi?

Trước thực tế đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov khẳng định: "Chúng tôi sẽ không mua xe ô tô và xe thiết giáp ở dạng như hiện nay đang có". Tướng Popovkin cũng đã tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga trong chương trình vũ khí năm 2011-2020 dự định ngừng mua sắm vũ khí và trang bị cũ không đáp ứng các yêu cầu hiện đại, cụ thể là các xe chiến đấu bộ binh BMP-3, xe bọc thép chở quân BTR-80 có cửa đổ bộ bên sườn (mà ông Popovkin nói là ông không biết cách chui ra) không được hiện đại hoá và các mẫu xe đầu của tăng Т-90. Chương trình vũ khí mới sẽ trình để TT Nga D. Medvedev phê chuẩn vào tháng 6.2010. 
 
... hàng ngoại thành mốt

Bộ trưởng Serdyukov cho biết, Bộ Quốc phòng Nga sẽ mua vỏ giáp cho ô tô và xe thiết giáp nhẹ của Đức. Theo lời ông, việc đó là cần thiết để đáp ứng nhu cầu bảo vệ binh sĩ, đồng thời nhấn mạnh, công nghiệp quốc phòng Nga cần phải chế tạo ra vũ khí trang bị đáp ứng những yêu cầu của thời đại. Theo ông Serdyukov, Bộ Quốc phòng Nga đã "buộc" KamAZ và một số công ty Nga khác ký hợp đồng với các nhà sản xuất nước ngoài. Vỏ giáp nhẹ sẽ được mua để lắp cho xe ô tô trinh sát, xe bọc thép chở quân, xe chiến đấu bộ binh và các phương tiện vận tải thiết giáp khác.

Đầu tháng 4.2010, có tin Bộ Quốc phòng Nga đang đàm phán mua một số lượng lớn xe ô tô bọc thép IVECO M65 (LMV) do hãng Iveco Defence Vehicles (Italia) phát triển và sản xuất. Quyết định mua các xe này dự kiến sẽ sắp được đưa ra. IVECO M65 đã qua thử nghiệm ở Nga, được các chuyên gia quân sự Nga đánh giá tốt, hiện đang đàm phán vấn đề giá cả và điều kiện cung cấp xe.

Ô tô bọc thép nhẹ LMV (Light Multirole Vehicle) có trọng lượng tối đa 7-7,5 tấn, công thức bánh 4х4. Do IVECO tự đầu tư phát triển năm 2001-2003 (ký hiệu của hãng là IVECO M65), hiện là một trong những xe ô tô bọc thép phổ dụng nhất trong các xe cùng loại. Từ khi bắt đầu sản xuất năm 2003, khách hàng đã đặt mua gần 3000 xe LMV, khách hàng lớn nhất là quân đội Italia (1286 xe, có tên gọi là VTLM Lince), Bỉ (440 ), Anh (401), Áo (150), Tây Ban Nha (120), Nauy (107), Czech (114), Croatia (94), Bosnia và Herzegovina (12), Slovakia (10). Đơn giá xe cùng vũ khí là 350000 euro. 

LMV được kiểm nghiệm thành công trong chiến đấu và được các đạo quân của các nước NATO sử dụng nhiều ở Afghanistan. Bỉ có khả năng mua thêm 180 xe, Nauy - 63 xe. Tây Ban Nha dự định mua đến 480 xe LMV. Anh không loại trừ khả năng mua thêm 400 xe, còn Slovakia là 30 xe. Nhu cầu dài hạn của quân đội Italia ước tính là 7700 xe, chủ yếu để thay thế đội xe ô tô IVECO VM 90.

Công ty OAO KamAZ của Nga dự định đề xuất thành lập liên doanh sản xuất xe ô tô bọc thép nhẹ LMV cho Bộ Quốc phòng Nga với mục tiêu cung cấp đến 1000 xe (chủ yếu để trang bị cho các đơn vị trinh sát của các lữ đoàn lục quân kiểu mới. KamAZ đưa ra đề xuất này để cạnh tranh với xe GAZ-2330 Tigr do hãng OOO VPK sản xuất và đươc quân đội và các cơ quan quyền lực Nga mua với số lượng nhỏ.

Điều đáng lưu ý là cho đến gần đây, trở ngại chính để mua số lượng lớn xe Tigr là xe này dùng động cơ nhập khẩu Cummins do Brazil sản xuất, vì thế việc thảo luận khả năng mua xe LMV nhập toàn bộ (dù là lắp ráp tại Nga) là một bằng chứng nữa cho thấy Bộ Quốc phòng Nga đang thay đổi triệt để chính sách mua sắm của mình. 

Vũ khí trang bị bộ binh vốn là lĩnh vực mà Nga từng được coi là nước dẫn đầu thế giới cũng không phải là ngoại lệ. Các cơ quan sức mạnh của Nga đã buộc phải nhập khẩu súng bắn tỉa của Anh và Phần Lan. Bộ Quốc phòng Nga cũng đang xem xét khả năng mua sắm bộ trang bị cho lính bộ binh FELIN của Pháp.

Súng ngắn Beretta 90two (beretta.com)

Tiếp sau đó, đầu tháng 5.2010, có tin Tổng giám đốc tập đoàn quốc doanh Rostechnology Sergei Chemezov trong cuộc gặp Thủ tướng Vladimir Putin mới đây cho biết, Rostechnology đã bắt đầu đàm phán với công ty vũ khí Italia Beretta về việc thành lập xí nghiệp liên soanh sản xuất súng. Liên doanh này sẽ sản xuất súng săn, súng thể thao và súng ngắn dành cho các cơ quan đặc vụ và cảnh sát. Sản phẩm sẽ được sử dụng trên thị trường nội địa của Nga và xuất khẩu sang các nước, kể cả khối SNG. Theo thông tin ban đầu, liên doanh sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2011. Công ty Beretta thành lập năm 1526 là hãng sản xuất vũ khí lâu đời nhất thế giới, chuyên sản xuất súng ngắn, tiểu liên, súng trường, súng carbine, súng săn và súng ngắn ổ quay.

Trong cuộc gặp với ông Putin, ông Chemezov cũng tuyên bố Rostechnology dự định tập trung việc sản xuất súng bộ binh tại các xí nghiệp tại thành phố Izhevsk là Izhmekh và Izhmash. Trước đó, Đại tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Popovkin cũng đã nói đến việc tập trung cơ sở sản xuất các loại hàng quân dụng vào một trung tâm để hạ giá thành sản phẩm. 
 
Kết luận

Việc Nga thay đổi chính sách mua sắm quốc phòng, mở cửa thị trường nội địa và hợp tác, liên doanh với nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng là việc chẳng đặng đừng, là một tất yếu.

An ninh quốc gia Nga ngày càng phụ thuộc vào loại vũ khí đáng sợ song không thực tế vì rất khó có thể được sử dụng là vũ khí hạt nhân. Lực lượng thông thường thì lạc hậu về lý luận, yếu kém về trang bị vũ khí. Tháng 9.2009, ông Nikolai Tabachkov thuộc Cơ quan kiểm toán Nga cho biết, tỷ trọng vũ khí trang bị hiện đại cung cấp cho quân đội Nga chỉ là 6%, trong khi tỷ lệ vũ khí trang bị hiện đại trong quân đội là gần 10%. Trong khi đó, để thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình, Thủ tướng Nga V. Putin đặt ra yêu cầu đến trước năm 2020, tỷ trọng vũ khí trang bị mới trong quân đội Nga sẽ phải là không dưới 70-80%.

Trong khi tiềm lực công nghiệp quốc phòng suy giảm mạnh, vốn liếng công nghệ vũ khí của Liên Xô đã cạn kiệt, chất lượng vũ khí sản xuất giảm sút, không có nhiều sản phẩm công nghệ mới, chất lượng và hàm lượng công nghệ cao thì để thực hiện yêu cầu đó, bên cạnh việc đầu tư mạnh hơn để phát triển công nghiệp quốc phòng nội địa, Nga không thể không nhập khẩu vũ khí trang bị và công nghệ quốc phòng từ nước ngoài, kể cả từ những "cựu thù" như Mỹ hay NATO. Bản thân Mỹ và một số nước NATO cũng đã và đang mua vũ khí trang bị của Nga. Đó cũng là xu thế hiện nay trên thế giới./.

Print Print E-mail Print