Vietnamdefence.com

 

Laser chiến đấu: Vũ khí của các chiến binh Jedi viễn tưởng hay thực tế?

VietnamDefence - Không nên trông chờ các vũ khí laser chiến đấu công suất mạnh xuất hiện số lượng lớn trong quân đội trong những thập kỷ tới, nhưng cũng không nên trông đợi người ta dừng nghiên cứu các laser chiến đấu.

Laser ngay từ thời điểm được phát minh ra (1960) đã trở thành đối tượng chú ý sát sao của giới quân sự. Nó đã mang lại nhiều ích lợi - các laser đã khá nhanh chóng được ứng dụng trong quân đội với tư cách máy đo xa-chỉ thị laser hay radar laser.

Nhưng ý tưởng về “tia chết hủy diệt” đã áp đảo ngay từ đầu. Hầu như ngay lập tức các ông tướng đã bắt đầu yêu cầu các nhà khoa học, còn các nhà khoa học thì hứa hẹn với các ông tướng các laser có khả năng tác chiến với các mục tiêu trên mặt đất, trên không và thậm chí trong vũ trụ. Thế mà nửa thế kỷ đã trôi qua, các hệ thống vũ khí laser chiến đấu đến nay vẫn chẳng thấy tăm hơi.

Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Thí nghiệm là một chuyện - trong thời tiết tốt, từ cự ly gần đốt thủng và sau vài giây làm nổ tung một chiếc xe tăng cổ đại thời Thế chiến II. Loại tăng đó chỉ có vỏ giáp mỏng 5-7 cm. Hơn nữa để tạo hiệu ứng mạnh hơn cho nó, còn có thể nhồi cả thuốc nổ. Còn cuộc sống thực tế lại là chuyện hoàn toàn khác.

Trên chiến trường đầy khói bụi, từ cự ly 5-7 km, cần phải xuyên thủng vỏ giáp phức hợp của một xe tăng hiện đại. Độ dày của nó có thể lên tới 50-100 cm. Sau đó lại cần phải tìm đâu đó trong xe chỗ cơ số đạn được cất giấu và làm nổ nó trong vài phần giây thời gian của phát bắn laser.

Từ khoảng cách 500 m có thể tiêu diệt một tầng sơn ngôi sao đỏ của một tên lửa đường đạn vượt đại châu nhiên liệu lỏng thế hệ 1 Titan của Mỹ. Nhưng để xuyên thủng một tầng sử dụng nhiên liệu rắn của tên lửa Topol bay ở tầng bình lưu từ khoảng cách hàng trăm kilômet thì khó hơn nhiều. Còn tiêu diệt bằng laser từ khoảng cách 1.000 km một đầu đạn vốn an nhiên xuyên qua ngọn lửa của vụ nổ hạt nhân trong vũ trụ lại còn xa thực tế hơn nhiều nữa.

Ấy vậy mà những con chuột dù bị đâm đau nhói, vẫn cố sống cố chết gặm cây xương rồng có tên laser. Công việc nghiên cứu chế tạo laser chiến đấu đang diễn ra ở Mỹ, Nga, Israel, Trung Quốc và thậm chí Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bulava hay Sineva?


Các công trình sư vũ khí tên lửa Nga phải xuất phát từ sự kết hợp tồi nhất của những mối đe dọa tiềm tàng trong các điều kiện lý tưởng đối với đối phương. Vũ khí của Nga bắt buộc phải đối phó thắng lợi các laser đó. Bởi vậy, việc nhận vào tên lửa nhiên liệu rắn Bulava vốn “khó nhằn” đối với vũ khí laser đó và có khả năng khởi tốc nhanh hơn các tên lửa khác thật là quan trọng.

Lúc đó, các vũ khí laser bay của Mỹ, kể cả khi chúng được đưa đến trạng thái hoạt động thực sự, cũng sẽ không thể đe dọa gì các lực lượng tên lửa chiến lược Nga. Còn tên lửa nhiên liệu lỏng Sineva sẽ chống chọi kém hơn nhiều với mối đe dọa đó.

Người Mỹ nhằm bắn các tên lửa

Mỹ đang cố gắng chế tạo một số hệ thống laser chiến đấu. Ví dụ, hệ thống lắp trên máy bay ATL lắp cho máy bay vận tải С-130 dùng để tàn sát các mục tiêu mặt đất không bọc thép, chẳng hạn như ô tô. Người ta không nói đến xe tăng.

Laser như thế hiện chỉ có thể bắn từ khoảng cách gần. Điều đó có nghĩa là thân hình kềnh càng, kém cơ động của máy bay vận tải mà những ông phiến quân râu ria có thể chẳng mấy khó khăn bắn thủng lỗ chỗ bằng pháo cao xạ hay thết đãi bằng tên lửa phòng không vác vai. Chi phí để tiêu diệt một hệ thống laser tốn kém sẽ chỉ là vài trăm afghani.

Công tác phát triển laser tĩnh trên bộ THEL dùng để tiêu diệt rocket (tên lửa không điều khiển), đạn pháo, cối mới đây đã bị đình chỉ.

Quốc gia tham gia dự án này là Israel đã bắt đầu chế tạo pháo laser Skyguard để bảo vệ chống rocket ‘Katyusha’ của HAMAS. Nhưng sau đó họ cũng lạnh nhạt với “vũ khí thần diệu” này.

Té ra khẩu pháo này chỉ có thể hoạt động khi thời tiết đẹp, từ khoảng cách gần. Còn khi có mưa, mây, sương mù và khi có mây thấp là anh chàng bó tay, hoàn toàn vô dụng.

Hơn nữa, việc đánh chặn đạn pháo, cối cũng không bảo đảm chắc chắn vì lớp vỏ bằng gang dày của quả đạn đang quay nhanh không dễ đốt thủng bằng một xung laser. Hơan nữa, giá thành của phát bắn đó còn đắt hơn cả loạt đạn do cả tiểu đoàn pháo bắn đi.

Hiện nay, dự án được quảng cáo rùm beng nhất là laser bay chống tên lửa ABL-1Y lắp trên máy bay Boeing-747. Nó dùng để tiêu diệt các tên lửa đường đạn đang khởi động.

Máy bay mang vũ khí laser này được phát triển từ thập niên 1990. Còn bản thân ý tưởng này thì dựa trên một laser bay thử nghiệm khác là NKC-135A, loại đã được thử nghiệm từ đầu thập niên 1980. Hồi đó, người ta bắn vào các bia yếu xìu làm từ các tên lửa không-đối-không tầm gần. Và cũng ngay hồi đó, người ta khám phá ra là tầm bắn đối với các bia bay đó cũng không quá 5 km thay vì 50-60 km như dự tính.

Tiếp theo là một nỗ lực nữa. Người Mỹ khao khát muốn có một phương tiện có thể tiêu diệt các tên lửa đang khởi động từ khoảng cách 300-500 km. Tất cả các kế hoạch này nhằm vào chống các tên lửa Nga phóng từ tàu ngầm. Máy bay Boeing không thể nào mò tới được các trận địa tên lửa đường đạn xuyên lục địa trên lãnh thổ Nga được.

Hiện thời, laser của Mỹ cũng chẳng thành công cho lắm. Không đạt được công suất dự định - thay vì 14 module của thiết bị chính, người ta đã chỉ nhồi được vào chiếc Boeng 6 module. Hiện cũng không đạt tầm bắn đặt ra. Sẽ khó lòng mà tiêu diệt được một tên lửa dù là thô sơ trong điều kiện thực tế từ khoảng cách 100 cây số.

Tối đa mà người Mỹ đã làm được là bắn trúng vào vài cái bia mà họ nói là mô phỏng các tên lửa nhiên liệu rắn và nhiên liệu lỏng. Nhưng về cự ly và tốc độ của các mục tiêu thì họ e thẹn chẳng nói ra - xem ra họ chẳng có gì mà khoe cả. Hơn nữa, họ lại bắn vào ban đêm trên đại dương - trong điều kiện lý tưởng đối với cả các hệ thống phát hiện và cả với thiết bị laser. Mới đây, vụ thử tiếp theo đã bị đình hoãn 2 lần. Giờ thì ngày tháng họ cũng khai ra.

Đối sách của Nga

Liên Xô trước đây cũng đã nghiên cứu chế tạo vũ khí laser ráo riết ngay từ khi laser rа đời. Những hướng chính là phòng không và phòng thủ tên lửa. Đứng đầu các hướng nghiên cứu này là các viện sĩ Basov và Prokhorov, họ đồng thời cũng là những nhà phát minh ra laser.

Người ta đã chế tạo vô số thiết bị thí nghiệm, trong đó có các chương trình chế tạo các laser phòng thủ tên lửa tĩnh tại công suất lớn Terra có khả năng tấn công các vật thể vũ trụ.

Trong khuôn khổ chương trình Omega, các laser phòng không, kể cả các loại cơ động, đã được chế tạo. Thông tin về thành công trong sử dụng các hệ thống thử nghiệm là khá trái ngược và dao động từ “hoàn toàn vô dụng” đến “đã tiêu diệt các bia ở độ cao từ 15-40 km”.

Một câu chuyện hài hước về một trong các hệ thống của chương trình Terra kể rằng, nó đã chiếu xạ ở công suất nhỏ vào một tàu con thoi Space Shuttle của Mỹ. Sau đó, trên tàu con thoi, toàn bộ máy móc đã bị tắt ngấm. Dĩ nhiên là chẳng có sự xác nhận thực tế nào cho điều này. Nhưng cần phải xét đến cả tính tuyệt mật của các công việc nghiên cứu này. Toàn bộ vốn liếng, thành tựu nghiên cứu về các vũ khí laser đã được gìn giữ sau khi Liên Xô tan rã và sẽ chẳng có ai muốn chia sẻ thông tin này với thế giới cả. Tất cả các chương trình chế tạo vũ khí nguyên lý vật lý mới và vũ khí laser của Nga được bảo mật nghiêm ngặt.

Song người ta cũng biết được đôi chút gì đó. Một phần là nhờ quá trình chuyển đổi công nghiệp quốc phòng. Mấy năm trước, công chúng đã được giới thiệu một hệ thống cắt kết cấu kim loại từ xa MLTK-50 được chế tạo cho hãng Gazprom. Nó có thể cắt các ống thép dày và cốt thép của các giếng khoan cháy gặp sự cố từ khoảng cách 1 km.

Liên Xô còn chế tạo cả các vũ khí laser bay. Nổi tiếng nhất là máy bay А-60. Các máy bay này được chế tạo vào đầu thập niên 1980, trong khuôn khổ chương trình chế tạo phương tiện mang vũ khí laser quỹ đạo Skif-DM, mà maket của nó đã được phóng đi không hoàn toàn thành công trong lần phóng đầu tiên tên lửa đẩy Energya.

Sau đó, chương trình А-60 đã được tiếp tục như một dự án phát triển các phương tiện hủy diệt các khí cầu do thám không người lái mà người Mỹ thả hàng trăm cái đến Liên Xô và trở thành căn bệnh đau đầu đối với phòng không Liên Xô. Mục tiêu bay đầu tiên bị А-60 tiêu diệt vào năm 1984.

Bảo vệ chống laser

Ngày từ những năm 1980, các nhà thiết kế tên lửa, đầu đạn tên lửa và các hệ thống phương tiện đối phó với phòng thủ tên lửa đã quan tâm đến việc chế tạo các phương tiện bảo vệ trước mối đe dọa của laser. Đó có thể là các đám mây xon khí được tạo ra bằng các phương tiện khác nhau, gồm những hỗn dịch hấp thụ tia laser. Hơn nữa, người ta đã nghiên cứu việc tạo ra “các dải che chắn” như vậy kể cả trong vũ trụ, trên đường của thê đội đầu đạn hạt nhân đang lao đến mục tiêu. Làm cho tên lửa hay đầu đạn hạt nhân quay trong khi bay cũng có thể “làm loang rộng” điểm bị nung nóng có nguy cơ gây nổ trên bề mặt rộng lớn của mục tiêu.

Đa số các nguồn khẳng định rằng, Liên Xô đã chế tạo 2 máy bay А-60, một trong số đó vì ngu ngốc và tắc trách đã bị cháy thui trên sân bay vào đầu thập kỷ 1990. Còn chiếc thứ hai đang sử dụng làm máy bay vận tải hoặc đã bán đi đâu đó mất rồi. Cũng có tin đồn rằng, đã có 3 máy bay như vậy được chế tạo và một trong số đó chỉ mới đây đã được cải tạo để lắp một “khẩu pháo” hoàn toàn khác.

Việc Nga đang phát triển laser chiến đấu lắp trên máy bay đã được cố vấn khoa học đương chức của Viện Hàn lâm Khoa học kỹ thuật Nga (AIN) Nga Yuri Zaitsev nói ra vào tháng 8.2009. Theo ông thì trong chương trình vũ khí đã được Hội đồng KHKT của Ủy ban Công nghiệp quốc phòng thông qua có những chương mục nói đến việc tiến hành phát triển vũ khí laser.

Ông cũng nêu ý kiến về chương trình ABL-1Y của Mỹ và nói rằng, kết quả tối đa mà hệ thống này có thể hy vọng đó là tiêu diệt các tên lửa chiến dịch-chiến thuật có tầm bắn vài trăm cây số. “Trong tương lai khả kiến, vũ khí laser với tư cách một thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa không có triển vọng”, - ông Zaitsev nhận định.

Chỉ mới đây được biết rằng, dựa trên máy bay А 60, Nga đã chế tạo hệ thống laser chiến đấu mới dùng để làm mù các khí tài trinh sát quang-điện tử của đối phương. Có đúng là “khẩu pháo” mới là dùng để làm việc đó không thì hiển nhiên là không rõ. Nhưng hoàn toàn có thể là như vậy bởi vì chính “làm mù” ở giai đoạn hiện nay là ứng dụng thực tế hơn nhiều của vũ khí laser.

Những khó khăn của vũ khí laser

Chẳng có gì ngạc nhiên khi giới quân sự nhiều nước chi tiền cho việc này. Laser có một ưu thế tiềm tàng mà không loại vũ khí nào khác có được.

Đó là khả năng đưa năng lượng sát thương gần như tức thì, với tốc độ ánh sáng, đến mục tiêu. Không loại nào, kể cả tên lửa, hay đạn pháo, thậm chí bất cứ pháo điện từ nào, có khả năng đó.

Khó khăn chủ yếu là trên đường truyền tải năng lượng sát thương có cả đống những trở ngại. Đó vừa là sự tán xạ của tia laser bởi khí quyển, vừa là sự hấp thụ năng lượng của tia laser trong mây, sương mù, trong mưa. Trên chiến trường, còn có thêm cả màn khói. Tia laser nhanh chóng mất đi năng lượng và “sa lầy”. Nó lan truyền tốt hơn một chút trong các tầng trên của khí quyển, song cả ở đó cũng có những khó khăn.

Khoa học đang tìm và tìm thấy những con đường vòng qua những trở ngại này. Ví dụ, việc lựa chọn kết cấu tối ưu cho các laser mạnh, lựa chọn dải sóng ít bị khí quyển hấp thụ nhất, sử dụng các laser đặc biệt đi xuyên qua kênh ion hóa trong không khí ngay trước laser chính.

Ngoài ra, còn có khó khăn hội tụ tia laser. Nếu như tia laser tạo ra “đốm sáng” có đường kính hàng mét hay chục mét thì chả có ý nghĩa gì. Kể cả khi bơm bằng công suất hàng mấy chục MW cũng không tác dụng. Mà làm việc đó thì ngay cả các laser tĩnh tại cũng không dễ. Do bản chất sóng của ánh sáng nên hầu như không thể tạo chùm tia laser tập trung bắn đi ra khoảng cách xa, - ngay ở cự ly vài kilômet thì “đốm sáng” laser đã nhòe to ra gấp nhiều lần.

Để có được năng lượng cần thiết tại mục tiêu, người ta buộc phải tăng công suất pháo laser, mà việc này lại kéo theo làm tăng đột biến kích thước, trọng lượng và giá thành của nó. Ngoài ra còn có vấn đề hiệu suất thấp của laser, bởi vì nó hiếm khi vượt quá mức vẻn vẹn 30%, điều đó lại gây ra vấn đề phát nhiệt thừa từ laser siêu mạnh.

Lúc đó thì thay vì xe tăng, tàu chiến, máy bay hay tên lửa thì bản thân laser có thể nung chảy hoặc nổ tung cùng với kíp chiến đấu. Lại còn cả vấn đề bảo đảm năng lượng nữa, yếu tố này làm cho việc lắp đặt các laser công suất lớn trên phương tiện cơ động nhỏ gọn là phi thực tế - người ta còn chưa nghĩ ra các nhà máy điện nguyên tử bỏ túi mà.

Vũ khí laser chống thị giác

Việc phát triển các phương tiện gọi là vũ khí laser phi sát thương gần đây trở thành một chủ đề quen thuộc. Các nước phương Tây đã nghiên cứu vũ khí này với món nước chấm chống khủng bố.

Đến cả Trung Quốc cũng nhảy vào cuộc khi lắp trên xe tăng mới ZTZ-99G của họ một cái bệ lắp laser dùng để loại khỏi vòng chiến các hệ thống quang học của đối phương và làm mù mắt những người điều khiển chúng. Quả thực, trên biến thể mới của xe tăng này không thấy có bệ này. Rõ ràng là vẫn như chuyện thường xảy ra với người Tàu, việc tự lực phát triển thường là bất thành. Họ chỉ là bậc thầy giỏi sao chép các hệ thống có sẵn.

Liên Xô từng chế tạo các hệ thống như vậy từ lâu và thậm chí chúng vẫn đang có trong trang bị. Ví dụ, đầu thập kỷ 1980, các trung đội quan trắc trang bị các xe chiến đấu bộ binh BMP-1S (biến thể đặc biệt của BMP-1 trang bị thiết bị laser AV-1) được phiên chế cho một số sư đoàn Liên Xô thuộc các cụm quân đóng ở Đông Âu và các quân khu phía Tây. Thực ra, các xe này dùng để phá hỏng khí tài quang của tăng-thiết giáp và các hệ thống vũ khí chống tăng của đối phương, làm mù các trắc thủ và người điều khiển chúng tạm thời. Bề ngoài, các xe BMP-1S không khác với xe BMP thường nên chúng có khả năng sống còn cao.

Ngoài ra, một bài báo của một nhà thiết kế laser hàng đầu của Nga cho hay, các hệ thống laser làm mù mắt công suất mạnh hơn đã được Liên hiệp khoa học-sản xuất (NPO) Astrofizika phát triển và nhận vào trang bị. Cụ thể, hệ thống Stilet được trang bị từ năm 1982, hệ thống Sangvin từ năm 1983 dùng để chống các hệ thống quang-điện tử của máy bay và trực thăng. Nó được lắp trên khung gầm pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka.

Sangvin có khả năng phát hiện các hệ thống ngắm của trực thăng địch và loại chúng khỏi vòng chiến hàng chục phút ở khoảng cách trên 10 km. Còn từ khoảng cách gần hơn - 8-10 km - thì đốt cháy chúng hoàn toàn. Chuyện gì sẽ xảy ra với đôi mắt phi công nhòm vào thị kính chắc ai cũng hiểu. Còn nếu có một tên lửa sẽ lao vào trực thăng thì còn tồi tệ hơn nữa.

Người ta còn chế tạo các hệ thống Akvilon để chế áp khí tài quang học của các phương tiện phòng thủ bờ biển, năm 1992 chế tạo hệ thống Szhatie. Được lắp trong tháp và trên khung gầm pháo tự hành Msta-S để ngụy trang, hệ thống laser đa kênh này có khả năng tự động tìm kiếm các đối tượng nhấp nháy sáng và loại chúng khỏi vòng chiến bằng cả đại đội laser. Điều đó xem ra cực kỳ ấn tượng, cứ như vũ khí của người ngoài hành tinh vậy.

Người ta đang chế tạo và thử nghiệm trên thực tế các hệ thống laser làm mù mắt xạ thủ bắn tỉa của đối phương. Những hệ thống này đang là vấn đề rất bức thiết trong kỷ nguyên xung đột cục bộ với các đơn vị phi chính quy. Việc chế tạo các hệ thống để loại khỏi vòng chiến máy móc trên vệ tinh do thám đối phương cũng rất có triển vọng.

Vào giữa thập niên 1980, Liên Xô thậm chí đã phát triển được các súng ngắn và súng ngắn ổ quay laser dành cho các nhà du hành vũ trụ. Chúng dùng để tiêu diệt các khí tài quang của đối phương và sát thương mắt các nhà du hành vũ trụ đối phương mà không làm hư hại vỏ tàu vũ trụ. Phải chăng người ta đã muốn phái các phi công vũ trụ Liên Xô lao đi đánh tàu địch trong vũ trụ? Nhưng quả thực thiết bị đó đã hoạt động, có 6-8 “viên đạn” bơm dùng một lần trong hộp đạn hay ổ quay.

Hiện giờ thì đã rõ một điều: không nên trông chờ các vũ khí laser chiến đấu công suất mạnh xuất hiện số lượng lớn trong quân đội trong những thập kỷ tới. Nhưng cũng không nên trông đợi người ta dừng nghiên cứu các laser chiến đấu. Bởi lẽ, cùng với “nuốt tiền” của đủ loại ngân sách quân sự, những nghiên cứu đó còn có thể mang lại cả hiệu ứng thực sự. Ngoài ra, có thể các nhà khoa học sẽ giải quyết được những khó khăn hiện đang làm cho việc phạm vi ứng dụng laser là rất hẹp.

Bởi vậy, Nga cũng sẽ tiến hành các nghiên cứu về những hệ thống đó, cũng như các phương tiện đối phó với chúng.

  • Nguồn: Thanh kiếm ánh sáng chết chóc. Laser chiến đấu - vũ khí của những Jedi viễn tưởng hay thực tế ngày hôm nay? / Yaroslav Vyatkin, chuyên gia quân sự // AN.-8.9.2010.

Print Print E-mail Print