Vietnamdefence.com

 

Tương lai của vũ khí laser phòng thủ tên lửa ABL

VietnamDefence - Mỹ đã lần đầu tiên bắn hạ các tên lửa đường đạn đang khởi tốc bằng vũ khí laser lắp trên máy bay (ABL). Theo thông tin của Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA), trong tương lai, vũ khí laser sẽ là nền tảng của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, cho phép tiêu diệt “đồng thời một số tên lửa của kẻ địch với tốc độ ánh sáng”.

YAL-1 bay trên căn cứ không quân Edwards, California (USAF)

Tuy nhiên, cũng còn rất xa để làm được điều đó vì hiện nay, vũ khí laser còn nhiều nhược điểm, không cho phép coi nó là vũ khí mạnh mẽ.

Các vụ thử vũ khí laser diễn ra ở Mỹ buổi tối ngày 11.2.2010. Máy bay mang vũ khí laser thử nghiệm ALTB (Airborne Laser Testbed) cất cánh từ căn cứ không quân Poin Mugu của Hải quân Mỹ ở California.

Các tên lửa đường đạn được phóng đi từ một bệ mang cơ động trên biển và từ đảo San Nicolas, cách Poin Mugu khoảng 100 km. Tên lửa đầu tiên là loại nhiên liệu lỏng, quả thứ hai là loại nhiên liệu rắn.

Theo MDA, hệ thống laser lắp trên máy bay Boeing 747-400F hoạt động thành 3 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, 6 sensor hồng ngoại đã bắt được một dấu vết nhiệt của một tên lửa đang tăng tốc. Lúc đó, một laser yếu được hướng vào mục tiêu - laser này đóng vai trò chiếu xạ mục tiêu. Ở giai đoạn 2, một tia laser yếu được phóng đi để đánh giá ảnh hưởng của khí quyển đối với sự tán xạ laser và độ chính xác bắn.

Ở giai đoạn 3, người ta sử dụng 1 laser cỡ MW và nó đã bắn hạ tên lửa. Tổng cộng mất gần 2 phút cho tất cả các thao tác kể trên. Một giờ sau khi bắn rơi mục tiêu đầu tiên, vũ khí laser lại tiêu diệt mục tiêu thứ hai. Quy trình hoạt động cũng như vậy.

Thành tựu

Mỹ phát triển vũ khí laser lắp trên máy bay ABL (Airborne Laser) từ thập niên 1970. Cần lưu ý rằng, đây là một trong những dự án dài hạn nhất của MDA, trù tính cho mấy chục năm. Lần đầu tiên,vũ khí laser được thử nghiệm vào đầu thập niên 1980 - hệ thống có công suất 0,5 MW lắp trên máy bay NKC-135ALL (là máy bay tiếp dầu được cải tạo lại cho mục đích này). Laser đã không tiêu diệt được các mục tiêu, nhưng MDA nhận được khẳng định là có thể sử dụng vũ khí laser trong tương lai.

Phát triển vũ khí laser là một trong những ưu tiên của Mỹ, ngang bằng với việc cải thiện các tính năng của các máy bay không người lái chiến đấu. Cụ thể, Boeing đang chế tạo hệ thống laser mặt đất Laser Avenger lắp trên xe ô tô quân dụng Humvee. Các vụ thử hệ thống này cho thấy nó có thể phá mìn, tiêu diệt các mục tiêu cố định và máy bay không người lái bay ở các độ cao khác nhau. Quân đội Mỹ dự định sử dụng vũ khí laser trên các máy bay không người lái. Ví dụ, vũ khí laser đang được xem xét như một trong những loại vũ khí chính trên máy bay không người lái phản lực trên hạm X-47B.

Năm 1985, Mỹ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí laser trên mặt đất khi cho nó bắn vào một thùng nhiên liệu cố định cách laser 1 km. Tia laser đã đốt nóng và làm nổ tung thùng nhiên liệu. Song không biết mất bao lâu để làm việc đó.
Hiện nay, vũ khí laser lắp trên máy bay (ABL) đang được công-xooc-xi-om của các công ty Boeing, Northrop Grumman và Lockheed Martin phát triển. Tập đoàn Boeing phụ trách chế tạo máy bay mang để lắp vũ khí laser. Northrop Grumman phát triển hệ thống laser, còn Lockheed Martin phát triển tháp ụ di động và và hệ dẫn chính xác ABL.

Ụ quay lắp vũ khí laser ở mũi máy bay B747-400F (boeing.com)

Hiện tại, ABL gồm một số thành phần: các sensor hồng ngoại để phát hiện mục tiêu, 3 laser và hệ thống các thấu kính để hội tụ tia laser. 2 laser hỗ trợ công suất 1 kW dùng để chiếu xạ mục tiêu và đánh giá tác động của khí quyển. Laser thứ ba là vũ khí tác chiến, là laser hóa học oxy-iod công suất 1 MW.

Các cuộc thử nghiệm hệ thống laser được tiến hành hầu như hằng năm, tuy nhiên ABL (mẫu thử nghiệm YAL-1) chỉ được thử nghiệm lần đầu với các tên lửa đường đạn vào năm 2009. Tháng 8.2009, một máy bay Boeing 747 cải tiến lắp laser đã cất cánh từ căn cứ Edwards của Không quân Mỹ. Một quả tên lửa đã được phóng đi từ đảo San Nicolas cách căn cứ này khoảng 300 km.

Trong khi bay, các hệ thống trên khoảng của máy bay B747-400F đã phát hiện được tên lửa, định hướng cho các laser và phóng tia laser vào mục tiêu. Tên lửa đường đạn không bị bắn hạ vì không đặt ra nhiệm vụ đó mà chỉ đặt ra mục đích kiểm tra khả năng của ABL dẫn chính xác vào một mục tiêu đang bay. Các hệ thống đặc biệt lắp trên tên lửa mục tiêu đã ghi nhận tia laser bắn chính xác vào tên lửa.

và hạn chế

Mặc dù Mỹ đã đạt được những thành tựu lớn trong phát triển vũ khí laser, song còn rất xa mới đạt được khả năng sử dụng thực tế vũ khí laser trong thành phần hệ thống phòng thủ tên lửa. Ví dụ, tầm hoạt động tối đa của laser chỉ bị hạn chế ở vùng nhìn thẳng. Trên thực tế, tầm hoạt động của nó còn gần hơn nhiều – khoảng cách càng xa, công suất của tia laser càng giảm do nhiễu loạn khí quyển và hỗn loạn trong không khí. Ngoài ra, các nhà khoa học hiện chưa khắc phục được hiệu ứng xuyên điện trong tia laser, vì thế công suất tia ở khoảng cách càng xa còn suy giảm nhiều hơn nữa.

Tháng 8.2009, nhà khoa học Nga Yuri Zaitsev tuyên bố, Nga đang phát triển vũ khí laser để lắp trên máy bay. Ông không nói cụ thể về tính năng kỹ thuật và khả năng sử dụng vũ khí mới. Không loại trừ, Nga đã nối lại chương trình chế tạo laser sử dụng máy bay А-60 (Il-76 cải tiến). А-60 và vũ khí laser đã được Liên Xô phát triển và thử nghiệm trong thập niên 1970-1980. Sau khi Liên Xô tan rã, chương trình bị đình chỉ.

Bản thân tháp ụ laser cũng chưa hoàn thiện. Một là tháp và vỏ máy bay trở nên rất nóng rất dù chỉ sử dụng laser trong thời gian ngắn, tạo ra nguy cơ tai nạn hàng không. Hai là, hệ thống ABL còn quá chậm – nó không thể thực hiện liên tục mấy phát bắn vào các mục tiêu khác nhau, một phần do quá nóng. Tuy nhiên, tất cả những khó khăn kỹ thuật đó sẽ giải quyết được trong tương lai.

Cần nghi ngờ hiệu quả của hệ thống laser do một lý do khác. Vấn đề là ở chỗ, vũ khí laser phòng thủ tên lửa chỉ có thể dùng để chống tên lửa đường đạn khi các tên lửa này đang ở giai đoạn bay tích cực, tức là trước khi phần chiến đấu tách ra và các đầu đạn dẫn đường độc lập tách khỏi phần chiến đấu. Điều đó tự động có nghĩa là phải xây dựng hệ thống laser phòng thủ tên lửa nhiều tầng với các bộ phận đầu tiên của nó phải nằm sát biên giới quốc gia đối phương.

Khi tên lửa đường đạn ở giai đoạn bay cuối thì hệ thống laser phòng thủ tên lửa không còn hiệu quả. Chủ yếu là vì sẽ phải chiếu xạ laser vào các đầu đạn chiến đấu tách ra khỏi tên lửa rất lâu mới tiêu diệt được chúng vì các đầu đạn đều có vỏ chắc chắn bằng vật liệu carbon chịu nhiệt cao. (Đây là biện pháp bảo vệ để chống quá nhiệt cho các bộ phận của đầu đạn trong khi bay).

Cũng lưu ý rằng, nhiều quốc gia đang nghiên cứu phát triển các tên lửa đường đạn xuyên lục địa mà hệ thống phòng thủ tên lửa không thể ngăn chặn. Chẳng hạn, Nga chủ yếu dựa vào biện pháp giảm giai đoạn bay tích cực của tên lửa đường đạn, hiện là 3-5 phút. Điều đó có nghĩa là hệ thống laser phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ phải tuần tra ngay trên lãnh thổ Nga, điều mà ngay trong thời bình cũng khó mà làm được.

Đồng thời, Nga cũng đang phát triển tên lửa đường đạn xuyên lục địa Bulava mà dự kiến kể cả hệ thống phòng thủ tên lửa tương lai của Mỹ cũng không thể ngăn chặn. Chẳng hạn, các tên lửa này ở giai đoạn bay tích cực sẽ sử dụng thao tác cơ động đổi hướng - đột ngột thay đổi quỹ đạo bay.

Như vậy là còn rất lâu hệ thống laser phòng thủ tên lửa của Mỹ mới trở thành một hệ thống hoạt động thực sự - sẽ còn mất không chỉ một thập kỷ để khắc phục các nhược điểm của ABL, nghiên cứu khái nhiệm lá chắn phòng thủ mới và xây dựng nó. Còn ở giai đoạn hiện nay, ABL có lẽ vẫn chỉ là một đèn chiếu công suất mạnh, cồng kềnh và tuyệt đối vô ích.
  • Nguồn: Мощный фонарь / Василий Сычев // Lenta, 15.02.2010. 

Print Print E-mail Print