Vietnamdefence.com

 

Vũ khí siêu vượt âm - Trung Quốc bám sát Nga, Mỹ

VietnamDefence - Trung Quốc vừa thực hiện vụ thử tiếp theo phương tiện bay siêu vượt âm. Tiếp sau Mỹ và Nga, Bắc Kinh đã chọn vũ khí siêu vượt âm là hướng phát triển vũ khí ưu tiên. Tuy nhiên, lý do để Trung Quốc và Mỹ phát triển vũ khí siêu vượt âm là khác nhau.

Quân đội Trung Quốc đã tiến hành vụ thử thứ ba phương tiện bay liệng siêu vượt âm trong năm nay. Tên lửa này có khả năng bay với tốc độ cao gấp 10 lần tốc độ âm thanh (10M) và có thể đột phá hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ. Bắc Kinh dự định đưa vũ khí này vào trang bị trước năm 2020.

Đầu năm nay, báo chí đã đưa tin về việc Trung Quốc thử nghiệm thành công vũ khí siêu vượt âm mà giới quân sự Mỹ đặtt ên là WU-14. “Theo các quan chức, phương tiện bay siêu vượt âm nhiều khả năng là dùng để phóng đi trên một trong các tên lửa đường đạn xuyên lục địa để sau đó trên đường đến mục tiêu từ không gian gần trái đất, nó có thể liệng và đạt tốc độ gấp đến 10 lần tốc độ âm thanh”, The Washington Free Beacon đưa tin.

“Chúng tôi thường xuyên theo dõi hoạt động trong lĩnh vực quân sự ở nước ngoài nên chúng tôi biết được vụ thử này”, các quan chức Lầu Năm góc xác nhận. Các nguồn tin ở Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Washington chờ đợi ở Bắc Kinh “sự minh bạch nhiều hơn về các đầu tư quốc phòng và các mục tiêu để tránh những tính toán sai”.

Mùa hè 2014, có tin về vụ thử thứ hai. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng, việc phát triển vũ khí siêu vượt âm là thí nghiệm khoa học “bình thường” và không nhằm chống lại ai. Các chuyên gia cho biết, tên lửa có thể trở thành vũ khí tiến công chống tàu sân bay và tàu chiến Mỹ. Sau đó, tờ South China Morning Post dẫn các nguồn trong giới quân sự đưa tin, vụ thử thứ hai đã thất bại. Còn nay đã diễn ra vụ thử thứ ba và xem ra là thành công.

Mới đây, có tin Pháp cũng đã gia nhập cuộc chạy đua vũ khí siêu vượt âm. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã thông báo về việc phát triển tên lửa thế hệ mới, trong đó sẽ nghiên cứu các công nghệ siêu vượt âm.

Hiện nay, các phương tiện radar hiện đại không thể phát hiện chuyến bay siêu vượt âm và hiện chưa thấy khả năng chế tạo các vũ khí hiệu quả để đánh chặn các tên lửa đó. Gần đây, vũ khí siêu vượt âm là một trong những hướng phát triển ưu tiên của Nga và Mỹ. “Nga không hề bị tụt hậu ở hướng này, chúng tôi đang ở gần như cùng một trình độ”, cựu Tư lệnh Bộ đội Tên lửa chiến lược Nga (RVSN), Thượng tướng Viktor Esin cho biết.

Các công trình sư Nga cam kết thiết kế được các tên lửa siêu vượt âm trang bị cho máy bay đầu tiên trong 6 năm tới. “Chúng tôi đã đến gần điều đó. Đó là nói về tốc độ đến 6-8M. Việc đạt tốc độ cao hơn là nhiệm vụ của tương lai xa hơn”, Tổng giám đốc Tổng công ty Vũ khí tên lửa chiến thuật KTRV (NGa), ông Boris Obnosov cho biết.

Ông cho biết, xuất hiện đầu tiên sẽ chính là các tên lửa siêu vượt âm trang bị cho máy bay vì các tên lửa đó khi ở trên máy bay mang trước khi phóng đã có sơ tốc nào đó nhờ máy bay mang, nên dễ tăng tốc chúng lên tốc độ cần thiết để khởi động động cơ hành trình dòng thẳng.

Nhưng các công nghệ siêu vượt âm mà có lẽ Trung Quốc đang phát triển thì Nga từ lâu đã thử nghiệm và đưa vào ttang bị. Các tên lửa đường đạn xuyên lục địa của Nga như Bulava được trang bị các đầu đạn cơ động siêu vượt âm. Hiện nay, RVSN đang thử nghiệm tên lửa mới RS-26 mà dự kiến cũng được lắp các đầu đạn siêu vượt âm. Nga dự kiến trang bị tên lửa này vào năm 2015.

“Vũ khí của ngày hôm qua”

Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức của Mỹ đang cùng lúc tiến hành nhiều dự án siêu vượt âm: X-43A (NASA), X-51A (Không quân Mỹ), AHW (Lục quân Mỹ), ArcLight (DARPA, Hải quân Mỹ), Falcon HTV-2 (DARPA, Không quân Mỹ). Sự ra đời của chúng, theo các chuyên gia, sẽ cho phép chế tạo các tên lửa hành trình hàng không siêu vượt âm tầm xa, tên lửa hành trình hải quân ở phương án chống hạm và tấn công mặt đất vào năm 2018-2020, máy bay trinh sát vào năm 2030.

Thỉnh thoảng lại có tin về các vụ phóng thử không thành công. Một trong số đó đã xảy ra vào tháng 8/2014 từ trường thử Kodiak, Alaska. “Do sự xuất hiện tình huống bất thường, vụ thử đã bị đình chỉ không xa bãi phóng không lâu sau khi phóng để bảo đảm an toàn cho dân chúng”, Lầu Năm góc tuyên bố.

Lãnh đạo nước Mỹ đang thực hiện khái niệm đòn đánh chớp nhoáng, theo đó, các vũ khí chính xác cao phải có khả năng tấn công trong vòng 1 giờ các mục tiêu ở bất cứ đâu trên thế giới. Các tên lửa đường đạn rất không thích hợp với mục đích đó vì các phương tiện theo dõi của nước ngoài khi phát hiện ra vụ phóng tên lửa thì không thể xác định liệu tên lửa đó có mang đầu đạn hạt nhân hay không. Các tên lửa siêu vượt âm là lối thoát cho tình huống này.

“Đối với người Mỹ, đây đã là vũ khí của ngày hôm qua, bởi lẽ họ có ưu thế lớn về vũ khí thông thường chính xác cao. Bởi vậy, họ muốn cắt giảm kho vũ khí của tất cả các quốc gia hạt nhân, trước hết dĩ nhiên là Nga. Nước Nga có khái niệm khác: chúng ta đang xây dựng hệ thống phòng không-vũ trụ trên cơ sở S-500 để vô hiệu hóa ưu thế của Mỹ trong lĩnh vực này. S-500 sẽ dùng cả để đánh chặn vũ khí siêu vượt âm tiến công tương lai mà Mỹ đang thử nghiệm”, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng (Nga) Igor Korotchenko nói.

Hai xu hướng

Theo ông Igor Korotchenko, Trung Quốc đang phát triển các phương tiện bay liệng siêu vượt âm theo hai xu hướng: (1) Với tư cách đầu đạn cơ động dành cho tên lửa đường đạn xuyên lục địa để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ; (2) Phát triển tên lửa dùng để tấn công tàu sân bay Mỹ.

“Các thành công của Trung Quốc phần nhiều liên quan đến hoạt động thành công của tình báo quân sự Trung Quốc ở Mỹ. Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc đã lập kế hoạch và thực hiện tốt nhiều hoạt động trên lãnh thổ Mỹ và đã tiếp cận được các công nghệ quân sự và bảo đảm chuyển giao chúng. Kết hợp với mô hình lãnh đạo công nghiệp quốc phòng kiểu Liên Xô ở Trung Quốc và áp dụng các thành tựu nghiên cứu tiên tiến Trung Quốc đang có những thành tựu chói sáng trong lĩnh vực này”, ông Korotchenko nói.

Theo các chuyên gia, Bắc Kinh đang đầu tư lớn để phát triển các phương tiện siêu vượt âm. “Đối với họ, điều chủ yếu là phát triển phần chiến đấu cơ động theo quỹ đạo không thể dự báo cho tên lửa đường đạn xuyên lục địa. Về mặt này, họ tụt hậu so với chúng ta nhưng chỉ vài năm.

Họ đang ráo riết phát triển hạ tầng để thử nghiệm các loại phương tiện bay siêu vượt âm, ví dụ xây dựng các ống thổi khí động chuyên dụng. Ít nhất là một trong số đó ở gần Bắc Kinh cho phép tiến hành các vụ thử với tốc độ trên 9М, Tổng biên tập Moscow Defense Brief, ông Vasily Kashin cho biết.

Liên quan đến việc vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ thì có các kịch bản khác nhau. Về hình thức, Trung Quốc có 70 tên lửa phù hợp với định nghĩa “tên lửa đường đạn xuyên lục địa”. Trong số đó, các tên lửa có khả năng vươn đến lục địa nước Mỹ thì còn ít hơn. Nếu Trung Quốc phóng tất cả các tên lửa này thì hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ là không đủ đối phó. Nhưng nếu như xem xét kịch bản đánh trả thực sự đối với mưu toán tiêu diệt và giải giáp Trung Quốc thì tất cả phụ thuộc vào việc bao nhiêu tên lửa Mỹ sống sót qua đòn đánh đầu tiên của Mỹ.

Ngoài ra, tất cả các tên lửa mà Trung Quốc triển khai đều mang đầu đạn đơn khối. Họ đang tiến hành và có những thành công trong việc phát triển đầu đạn tách dẫn đường độc lập (MIRV) cho tên lửa đường đạn, nhưng hiện thời các đầu đạn này dường như chưa được triển khai. Điều đó làm cho tên lửa Trung Quốc trở nên dễ bị tổn thương hơn. Hiện nay, họ có cơ hội chắc chắn nào đó gây tổn thất chắc chắn cho Mỹ bằng đòn đánh trả. Nhưng cơ hội này giảm đi cũng với việc Mỹ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa. Trung Quốc đanh đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển các lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược của mình.

Hiện nay, chi phí của Trung Quốc nghiêng về nghiên cứu phát triển - xét về chi phí phát triển các hệ thống mang phóng vũ khí hạt nhân thì Trung Quốc đứng đầu thế giới. Không có nước nào có nhiều chương trình như thế, ngay cả Nga cũng không sánh được, còn Mỹ thì hoàn toàn không có. Nhưng sản xuất ở Trung Quốc thì chưa nhiều. Song có những dấu hiệu cho thấy, khi các chương trình phát triển lớn nhất mang lại kết quả, Trung Quốc bắt đầu dịch chuyển nguồn lực đầu tư về hướng sản xuất loạt. Và việc phát triển các phương tiện siêu vượt âm là một bộ phận của những nỗ lực này”, vị chuyên gia nói.

Nguồn: Vz, 5.12.2014.

Print Print E-mail Print