Vietnamdefence.com

 

Máy bay Su: Nỗi ám ảnh của Không lực Hoa Kỳ

VietnamDefence - Các máy bay Su, đặc biệt là Su-30MKI và Su-35BM, đang được coi là mối đe doạ nghiêm trọng đối với ưu thế trên không của Mỹ, Australia và có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh không quân tại châu Á-Thái Bình Dương.

Quật ngã “Đại bàng” Mỹ

Điều khiến Mỹ và đồng minh lo lắng nhất là các máy bay Su tỏ ra có ưu thế hơn nhiều các máy bay tiêm kích chủ lực thế hệ 4 của Mỹ như F-15 Eagle (Đại bàng), F-16 Fighting Falcon (Chim ưng chiến), F/A-18 Hornet (Ong bắp cày), thậm chí có thể thách thức F-22 Raptor và F-35 Lightning II thế hệ 5.

 

Máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35BM Flanker E của Không quân Nga. Ảnh: ausairpower. net

Năm 1992, phi công Nga Aleksandr Kharchevsky đã lái Su-27 lần đầu tiên vượt Đại Tây Dương sang Mỹ diễn tập và trong các tình huống không chiến với F-15, Su-27 đều giành chiến thắng. Trong cuộc tập trận không quân Mỹ-Ấn Cope India 2004 tổ chức tại Ấn Độ, F-15 của Không quân Mỹ đã bị Su-30K, MiG-21 và MiG-27 đánh bại nhiều lần, trong đó đặc biệt xuất sắc là MiG-21 và Su-30K.

Sau cuộc tập trận chung Cope India 2005 với Không quân Ấn Độ, bản tin Inside Air Force của Không quân Mỹ sau đó đã nêu những số liệu gây sốc với phía Mỹ vì các máy bay Su-30MKI, MiG-27, MiG-29 và thậm chí cả loại lạc hậu MiG-21 Bizon của Ấn Độ đã “giao tranh” với loại máy bay chủ lực của Không quân Mỹ là F-15C/D Eagle và giành thắng lợi ròn rã, các phi công Mỹ đặc biệt ấn tượng với MiG-21 Bison và Su-30MKI. Su-30MKI đã giành thắng lợi trong đa số các cuộc “giao chiến” với cả F-16 và F-15 của Không quân Mỹ. Washington ProFile đã gọi thành công của các máy bay Nga là “điều hoàn toàn bất ngờ” đối với các phi công Mỹ.

Tướng Hal M. Homburg, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Không quân chiến đấu (Air Combat Command) - Không quân Mỹ, nói đây là điều hoàn toàn bất ngờ đối với các phi công Mỹ, công nghệ Nga trong tay người Ấn Độ đã phát một “tín hiệu cảnh tỉnh” Không quân Mỹ và nói: “Các máy bay tiêm kích Su-30MKI của Nga tốt hơn máy bay tiêm kích chủ lực của Mỹ F-15С Eagle. Không quân các nước được trang bị những máy bay này có ưu thế nhất định và trong tương lai có thể là mối đe doạ với ưu thế trên không của Mỹ ”.

Trong cuộc tập trận mô phỏng trên máy tính ở căn cứ không quân Hickam, Hawaii, Mỹ vào tháng 8/2008 với sự sự tham dự của các đại diện Không quân Hoàng gia Australia, các máy bay Su-30 “ảo” cũng đã đánh bại một cách thuyết phục máy bay tiêm kích thế hệ 5 F-35 vốn đang được quảng cáo ồn ào mà Australia dự kiến chi 16 tỷ USD để mua sắm 100 chiếc.

Tiến sĩ Carlo Kopp, chuyên gia phân tích hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Air Power Australia cho rằng, các máy bay mới của Nga mà các nước châu Á-Thái Bình Dương mua có thể “tước vũ khí” các máy bay tiêm kích tiên tiến của Không quân Australia. Các máy bay Su-30 mang được số tên lửa tầm xa nhiều gấp nhiều lần nên khi chúng tấn công bằng mấy tên lửa một lúc sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay Australia với xác suất gần như 100%. Theo ông Kopp, kịch bản khả quan nhất đối với Không quân Australia “1 đổi 1”, tức là để tiêu diệt 1 chiếc Su-30, họ phải mất 1 chiếc F/A-18E/F Super Hornet hoặc F-35 Lightning II và hơn nữa, sau một số lần tấn công, các máy bay Australia sẽ hết sạch tên lửa và trở nên bất lực trước Su-30.

Sau cuộc tập trận không quân Red Flag 2008 tại Mỹ, tạp chí hàng không uy tín của Anh Flight, tháng 11/2008, đã đề nghị các độc giả website của mình bầu chọn loại máy bay tiêm kích tốt nhất thế giới từ một danh sách, trong đó có Su-30MKI, F-22 và F-15. Su-30MKI đã được bầu chọn là loại máy bay tiêm kích tốt nhất thế giới, hơn cả máy bay tiêm kích thế hệ 4 F-15 và máy bay tiêm kích thế hệ 5 duy nhất hiện nay F-22 khi giành được 59% số phiếu bầu; so với 37% của F-22 và 4% của F-15. Tạp chí Seguranza&Defesa (Brazil) số tháng 4/2009 cũng đăng bài thừa nhận Su-35 là loại máy bay tốt nhất trong các máy bay cùng loại và các công nghệ máy bay tiêm kích thế hệ 5 áp dụng cho Su-35 tạo cho nó có ưu thế so với các máy bay cùng loại đang được sản xuất và phát triển trên thế giới.

Tháng 2/2009, tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hoà James Inhofe đã nói: “Tất cả chúng ta đều thừa nhận rằng, trừ máy bay F-22 và F-35 JSF (Joint Strike Fighter), người Nga đang chế tạo các máy bay Su vượt trội các máy bay tiến công tốt nhất của chúng ta là F-15 và F-16” và kêu gọi tăng thêm 5,3 tỷ USD để mua máy bay tiêm kích thế hệ mới và các vũ khí tiên tiến khác để duy trì ưu thế về kỹ thuật của Mỹ so với các đối thủ tiềm tàng trên chiến trường.

Tình báo Mỹ săn lùng bí mật của máy bay Su 

Su-30MKI của Không quân Ấn Độ. Ảnh: ausairpower.net

Lo lắng trước số lượng ngày càng tăng và tính năng chiến đấu ưu việt của Su-27/Su-30, tình báo và Không quân Mỹ đang ráo riết dò la các bí mật tính năng và khả năng chiến đấu của chúng để tìm ra chiêu thức đối phó, chuẩn bị cho những cuộc đối đầu trên không với máy bay Su có khả năng diễn ra trong tương lai.

Trong họ Su, Su-30MKI của Không quân Ấn Độ là một trong những loại có khả năng chiến đấu cao nhất, gần với máy bay mới Su-35 thế hệ 4++ của Nga mà Mỹ coi như đối thủ nhiều khả năng nhất thời gian tới của F-22 và F-35. Bởi vậy, tình báo Mỹ rất chú ý tìm hiểu Su-30MKI để tìm ra các điểm mạnh yếu và có kinh nghiệm đối phó các máy bay Su.

Năm 2004, Không quân Mỹ đã cử F-15 cất công lặn lội bay sang tận Ấn Độ tham dự cuộc tập trận chung Mỹ-Ấn đầu tiên Cope India để “mục sở thị” khả năng của Su-30MKI. Trong khi đó, Không quân Ấn Độ lại muốn thấy F-16, loại máy bay hiện đại nhất của đối thủ truyền kiếp Pakistan. Không thấy F-16 xuất hiện, Ấn Độ cũng “giấu phỏm”, không chịu đưa ra Su-30MKI mà chỉ cho Su-30K tham gia. Tuy vậy, trong các cuộc không chiến giả định, Su-30K vẫn gây ra một cú sốc đối với Không quân Mỹ khi dễ dàng khuất phục F-15. Trong Cope India 2005, Su-30MKI chính thức “xuất trận”, hạ gục cả “Đại bàng” F-15 và “Chim ưng chiến” F-16 của Mỹ.

Năm 2008, Mỹ đã “khẩn khoản” mời được Không quân Ấn Độ cử 6 máy bay tiêm kích Su-30MKI lần đầu tiên dự cuộc tập trận quốc tế Red Flag 2008 tổ chức tháng 7-8/2008 tại căn cứ không quân Nellis, Las Vegas, bang Nevada, Mỹ. Theo hãng tin Headlines Today, khi tốp máy bay Ấn Độ bay vượt đại dương, Mỹ đã cho 2 máy bay trinh sát RC-135 bám theo chặn thu mã vô tuyến và tần số công tác của radar trên Su-30MKI. Trong quá trình tập trận, phía Mỹ tiếp tục trắng trợn dò xét tính năng kỹ thuật của radar N-011М Bars của Su-30MKI. Nắm được các tín hiệu của radar, Mỹ sẽ không chỉ xác định được tần số công tác để từ đó nhận dạng từ xa chủng loại radar theo tín hiệu, biết được tính năng kỹ-chiến thuật và thực hành chế áp điện tử hiệu quả. Mỹ còn quan tâm đến tính năng của các trang thiết bị khác như hệ thống bảo vệ và đối phó với tên lửa đất-đối-không của Su-30MKI.

Để có “giáo cụ trực quan” thường xuyên, Mỹ còn tìm cách mua Su-27 để sử dụng trong huấn luyện phi công Mỹ và tìm ra các biện pháp đối phó. Theo Strategypage ngày 11/5/2009, Mỹ đã mua được 2 Su-27 của Ucraina và sẽ sử dụng để huấn luyện phi công Mỹ và kiểm tra hiệu quả của các radar mới, hệ thống chế áp điện tử của Mỹ.

Lịch sử phát triển

Năm 1969, Viện Thiết kế Sukhoi bắt tay vào phát triển loại máy bay tiêm kích thế hệ 4 để đáp lại việc hãng McDonnell Douglas của Mỹ ráo riết phát triển máy bay tiêm kích F-15 từ năm 1969.

Su-27, NATO gọi là Flanker, nghĩa là “đòn tấn công tạt sườn”, là máy bay tiêm kích đánh chặn đa năng, mọi thời tiết, cơ động cao của Liên Xô/Nga. Su-27 thực hiện chuyến bay đầu ngày 20/5/1977 và được sản xuất loạt tại nhà máy hàng không mang tên Iu.A. Gagarin ở thành phố Komsomolsk trên sông Amur năm 1982. Năm 1984, máy bay tiêm kích với ký hiệu Su-27 được đưa vào trang bị của quân đội Liên Xô. Lần đầu tiên, được giới thiệu cho công chúng vào tháng 6/1989 tại triển lãm hàng không ở Le Bourget, Pháp. Chức năng chính của Su-27 là máy bay tiêm kích đánh chặn hạng nặng bán kính hoạt động lớn và giành ưu thế trên không. Su-27 hiện là loại máy bay chính của Không quân Nga và có trong trang bị của quân đội các nước SNG, Ấn Độ, TQ và các nước khác. Su-27 có tính năng tương đương F-15, nhưng giá rẻ hơn 1/3.

Trên cơ sở Su-27, đã phát triển nhiều biến thể khác nhau như: máy bay chiến đấu-huấn luyện Su-27UB, máy bay tiêm kích trên hạm Su-33 và biến thể chiến đấu-huấn luyện của nó là Su-33UB, các máy bay tiêm kích đa năng Su-30, Su-35Su-37, máy bay ném bom chiến thuật Su-34...

 

Su-27SK Flanker B của Không quân Trung Quốc.
Ảnh: ausairpower.net

 

Máy bay ném bom chiến thuật Su-34 Fullback. Ảnh: KNaAPO

Mẫu chế thử Su-37. Ảnh: Sukhoi.org

Trong lịch sử hàng không, cùng với Bf-109 Willie Messerschmidt, P-51 Mustang, máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và B-52, Su-27 là một trong số rất ít loại máy bay trong suốt vòng đời của mình luôn ở đỉnh cao về yêu cầu đối với máy bay chiến đấu.

Mẫu chế thử Т-10 đã thực hiện chuyến bay vào năm 1977, mẫu cải tiến theo các yêu cầu sửa đổi thực hiện chuyến bay vào năm 1981. Máy bay tiêm kích Su-27 được sản xuất loạt vào năm 1984 và đến nay vẫn duy trì được tiềm năng chiến đấy đủ và vẫn được coi là một trong những loại máy bay tiêm kích tốt nhất thế giới.

Máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK-FA của Nga. Minh hoạ: Saturn NPO

Su-30 (NATO gọi là Flanker C) là máy bay tiêm kích đánh chặn (máy bay chỉ huy) của Liên Xô/Nga, được chế tạo trên cơ sở hiện đại hoá sâu máy bay huấn luyện-chiến đấu Su-27UBS, được lắp hệ thống tiếp dầu trên không, thiết bị điện tử hàng không cải tiến, dùng để chỉ huy tác chiến của tốp máy bay tiêm kích khi thực hiện các nhiệm vụ giành ưu thế trên không (chặn đánh và tiêu diệt các máy bay có và không người lái), bảo đảm tác chiến cho các binh chủng khác của không quân, bảo vệ bộ đội và mục tiêu mặt đất, tiêu diệt lực lượng đổ bộ trên không, trinh sát đường không và tiêu diệt mục tiêu mặt đất/mặt nước. Được Nhà máy hàng không Irkutsk sản xuất loạt từ năm 1992. Su-30 sản xuất loạt thực hiện chuyến bay đầu ngày 14/2/1992. Trên cơ sở Su-30, đã phát triển một số biến thể. 

Các biến thể xuất khẩu của Su-30 sử dụng nhiều thiết bị do nước ngoài sản xuất như máy tính trên khoang, thiết bị dẫn đường, đặc biệt là Su-30MKI chế tạo theo đơn đặt hàng của Ấn Độ.... OKB Sukhoi đang hợp tác với các hãng cung cấp thiết bị của Pháp, Ấn Độ và Israel.

Su-30MK2 của Không quân Venezuela. Ảnh: airlines.net

 

Su-30K của Không quân Ấn Độ tại cuộc tập trận Cope India.
Ảnh: Không quân Mỹ

Su-30MKK. Ảnh: ausairpower.net

 

Su-33 (Su-27K), NATO gọi là Flanker D, là máy bay tiêm kích trên hạm 1 chỗ ngồi, cất cánh nhờ cầu nhảy và hạ cánh dùng cáp hãm đà, có cánh và cánh đuôi ngang gấp được (để cất giữ được trong hăng-ga); được trang bị hệ thống tiếp dầu và bơm dầu trên không.

Su-33 dùng để phòng thủ các hạm tàu của hải quân chống các phương tiện tiến công đường không của đối phương. Được chế tạo trên cơ sở Su-27 và đang được sản xuất loạt tại thành phố Komsomolsk trên sông Amur. 

Những năm 1980, thực tế đặt ra vấn đề hiện đại hoá hoặc thay thế Su-27. Theo đơn đặt hàng của Không quân Nga, Viện Thiết kế Sukhoi đã phát triển mẫu hiện đại hoá đầu tiên Su-27M cất cánh lần đầu năm 1988. Năm 1991, Liên Xô đã quyết định sản xuất loạt Su-27M với ký hiệu Su-35.

Máy bay Su-35 sản xuất loạt đầu tiên cất cánh tháng 4/1992 và tham gia nhiều triển lãm hàng không quốc tế từ năm 1992.

Từ 1992-1995, Không quân Nga nhận được 12 Su-35 sản xuất loạt, nhưng do thiếu tiền nên không được sản xuất tiếp, các máy bay đã nhận chủ yếu dùng để thử nghiệm và bay trình diễn.

Không lâu sau, trên cơ sở Su-35, đã chế tạo Su-37 (hay bị lầm lẫn với máy bay thử nghiệm S.37/Su-47). Su-37 khác với Su-35 chủ yếu là ở chỗ sử dụng các động cơ có thể điều khiển vector lực đẩy. Máy bay này còn có tên “Bort 711” đã gây ấn tượng với các chuyên gia nhờ sức cơ động xuất sắc, nhưng chỉ có một mẫu được chế tạo.

Máy bay tiêm kích trên hạm Su-33. Ảnh: ausairpower.

Từ cuối thập niên 1990, Nga bắt đầu phát triển biến thể hiện đại hoá sâu của Su-27 là T10-BM còn gọi là Su-27M2, ký hiệu chính thức là Su-35BM (2 chữ cái “BM” - “Bolshaya Modernizatsya” - có nghĩa là “hiện đại hoá lớn”), còn NATO gọi là Flanker Е. Máy bay tiêm kích Su-35BM là biến thể mới nhất cho đến nay được chế tạo dựa trên mẫu cơ sở Т-10 (tức Su-27 lừng danh), là loại máy bay quá độ để thay thế các máy bay Su-27 đời đầu cho đến khi Nga sản xuất máy bay tiêm kích thế hệ 5. 

Su-33

Nỗi ám ảnh mang tên Su

Không quân Mỹ rất đau đầu trước sự gia tăng liên tục của các máy bay họ Su-27/Su-30 của Nga trên khắp thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Venezuela, Việt Nam và Algeria,.. Theo Strategy Page, hiện có hơn 1.000 Su-27/Su-30 đang trực chiến ở nhiều quốc gia, trong đó có các máy bay lắp ráp theo giấy phép ở Trung Quốc và Ấn Độ. Theo tạp chí Mỹ Aviation Week & Space Technology, trong giai đoạn 2009-2013, các máy bay Su sẽ chiếm 13,3% thị trường máy bay chiến đấu thế giới với Công ty Sukhoi có thể sản xuất 211 chiếc trong giai đoạn này.

Ước tính sơ sơ thì riêng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã có trên dưới 400 máy bay Su-27/Su-30. Với sự xuất hiện của siêu tiêm kích Su-35BM, tình hình có thể diễn biến tồi tệ hơn với Không quân Mỹ vì máy bay này có thể đối phó với máy bay tiêm kích thế hệ 5 duy nhất hiện nay là F-22 Raptor của Mỹ, cũng như F-35 Lightning II sắp chế tạo. Siêu tiêm kích Su-35BM thế hệ 4++ có khả năng siêu cơ động và bay siêu hành trình, có thể phát hiện mục tiêu bay ở cự ly 350-400 km, tàu sân bay tàu/xuồng - 100-120 km, máy bay tàng hình - đến 90 km; có khả năng tác chiến hiệu quả với mục tiêu trên không, mặt đất và mặt nước bằng các vũ khí tiên tiến không-đối-không, kể cả loại tầm xa 200-400 km trong tương lai; cũng như không-đối-diện, trong đó có tên lửa chống hạm siêu âm hạng nặng Yakhont-M tầm xa 300 km. Su-35BM được dự báo là loại máy bay phổ biến nhất trong thập kỷ nhờ có tính năng cao và đơn giá rẻ chỉ là 30-38 triệu USD so với 133,1 triệu USD của F-22 và 120-140 triệu USD của F-35.

Các đối thủ chủ yếu của máy bay Su

F/A-18E Hornet. Ảnh: Không quân Mỹ


 

F-22A Raptor. Ảnh: Không quân Mỹ


 

Một chiếc F-15C Eagle bay đôi với một chiếc F-22A Raptor (trên).
Ảnh: Không quân Mỹ


 
Máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 JSF F-35 Lightning II

 

 Máy bay tiêm kích F-15E Eagle. Ảnh: Không quân Mỹ

 

 

F-16 Fighting Falcon. Ảnh: Không quân Mỹ

Print Print E-mail Print

Các tin khác