Vietnamdefence.com

 

Đặc điểm các chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ

VietnamDefence - Trong suốt lịch sử của mình, Lầu Năm góc luôn có thái độ hiếu chiến công khai đối với thế giới còn lại.

Nhờ có sức cơ động cao và tiềm lực chiến đấu cao, các cụm tàu sân bay chiến đấu và các binh đoàn tàu sân bay vẫn là phương tiện chủ yếu trong thành phần vũ lực của chính sách đối ngoại của Washington (www.navy.mil)

Hiện nay, các chiến dịch quân sự của quân đội các nước phương Tây được tiến hành dưới những cái cớ mỹ miều là thiết lập hòa bình và cưỡng chế hòa bình, đấu tranh chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hủy diệt lớn, lập lại luật pháp và ngăn chặn diệt chủng...

Ở cái thời xa xưa tốt lành, tất cả đều đơn giản và lộ liễu hơn nhiều: “các nền dân chủ” Tây phuwownh không e ngại công bố thẳng mục đích các chiến dịch quân sự mà họ tiến hành. Chẳng hạn, quyết định của Hội đồng tối cao Đồng minh ngũ cường (Anh, Pháp, Mỹ, Italia, Nhật Bản) ngày 28/11/1917 về việc can thiệp vào nước Nga: “Các đồng minh để bảo vệ các lợi ích của mình sẽ áp dụng các biện pháp để thiết lập sự kiểm soát hiệu lực đối với... sự phát triển của chính sách đối ngoại của nước Nga. Trong việc thực hiện sử kiểm soát này, sẽ đóng vai trò chủ yếu là Mỹ và Nhật khi hai bên ký với nhau một hiệp ước đặc biệt”. Và chỉ vài tháng sau, đã bắt đầu cuộc can thiệp quân sự của 14 quốc gia chống lại nước Nga. Quân Mỹ vào tháng 5/1918 đã đổ bộ lên Murmansk, còn vào tháng 8-9, lực lượng viễn chinh Mỹ đổ bộ lên Vladivostok. Bằng cách cung cấp vũ khí cho tất cả những ai chiến đấu chống lại nước Nga, người Mỹ đã hy vọng rằng, lực lượng của họ sẽ đến được phần châu Âu của Nga. Nhưng kể cả việc sử dụng vũ khí hóa học cũng đã không cứu được cuộc phiêu lưu của bọn can thiệp khỏi thất bại. Có lẽ bài học mà nước Nga dạy cho ở Mỹ, Anh, Pháp và Nhật Bản người ta vẫn nhớ kỹ.

Tuy nhiên, Thế chiến II còn chưa kịp kết thúc, Mỹ đã bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch các chiến dịch quân sự chống Liên Xô. Năm 1949, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã soạn thảo kế hoạch chiến tranh chống Liên Xô mật danh Dropshot, trù tính đánh bại quân đội Liên Xô sau mấy năm tác chiến, sau đó chiếm đóng và chia cắt Liên Xô nhằm phục vụ mục tiêu bá quyền thế giới của Mỹ.

Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh, Lầu Năm góc tính chia lãnh thổ Liên Xô trước đây thành mấy vùng chiếm đóng với hơn hai chục khu vực nhỏ. Trong mỗi vùng chiếm đóng, Mỹ đã dự định thành lập 1 binh đoàn không quân với 7-8 cụm không quân (phi đoàn). Trên không gian rộng lớn từ Pribaltic đến Viễn Đông, dự định triển khai 26 sư đoàn chiếm đóng (2 sư đoàn ở Moskva, còn ở các thành phố lớn như Sevastopol, Odessa, Novorossyisk, Murmansk, Vladivostok thì bố trí 1 sư đoàn mỗi thành phố). Ở Biển Đen và vùng Baltic, mỗi vùng sẽ có một cụm tàu sân bay xung kích làm chức năng cảnh sát. Ngày nay, giai đoạn cuối dự định của cuộc chiến tranh này người ta có thể gọi là “chiến dịch lớn nhằm ổn định tình hình”.

Chỉ đạo hành động

Năm 1992, Lầu Năm góc đã soạn dự thảo văn kiện chỉ đạo hoạch định quốc phòng năm 1994-1999, trong đó nhấn mạnh: “Mỹ phải thể hiện quyền lãnh đạo cần để thiết lập và bảo vệ trật tự thế giới mới, cho phép thuyết phục các đối thủ tiềm tàng tin rằng, họ không nên cố đóng vai trò tích cực hơn hay có lập trường hung hăng hơn để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình”. Dưới đây là một ví dụ trong số các kịch bản “minh họa” các cuộc xung đột có thể xảy ra được nêu trong văn kiện này.

“Một chính phủ chuyên chế, bành trướng” lên nắm quyền ở Liên bang Nga (khái niệm do các tác giả của văn kiện chỉ đạo đưa ra) với sự yểm trợ của Belarus đã đòi Litva, Latvia và Estonia trao quyền tự trị cho người Nga sinh sống ở đây. Sau 6-8 tháng leo thang căng thẳng, 18 sư đoàn Nga và 4 sư đoàn Belarus tấn công dọc biên giới Ba Lan-Litva. Trong vòng 30 ngày dêm, liên quân NATO triển khai ở các vùng tiếp giáp, ở Ba Lan và biển Baltic 18 sư đoàn lục quân, trong đó có 7 sư lục quân và 1 sư lính thủy đánh bộ viễn chinh Mỹ, 6 cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ, 66 phi đội không quân chiến thuật, trong đó có 45 phi đội của Mỹ, và bảo đảm chi viện cho chiến dịch 4 phi đội máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ. Sau 90 ngày đêm tác chiến, các lực lượng Mỹ và NATO đã ca khúc khải hoàn.

Trên giấy thì mọi kế hoạch có vẻ là khả thi, trên thực tế, nhất là ở Triều Tiên và Việt Nam, mọi thứ hoàn toàn khác. Nhưng quá khứ đang dần bị lãng quân và “hội chứng Việt nam” đã hết tác dụng từ những năm 1980, khi Mỹ chậm nhưng chắc bắt đầu trở lại với các hành động quân sự, còn sau đó là cả những chiến dịch quân sự ngày càng lớn, ngày càng xa lục địa nước Mỹ. Năm 1983, Mỹ chinh phục Grenada bị; năm 1986, Mỹ thực hiện mưu toan hạ sát lãnh tụ Libya; năm 1989, Mỹ “khôi phục trật tự” ở Panama; năm 1991, Mỹ đánh thắng Iraq; năm 1994, Mỹ đã chuẩn bị xâm lược vũ trang Haiti; năm 1999, Kosovo bị giật khỏi Serbia; năm 2001, chính quyền Taliban bị lật đổ ở Afghanistan; năm 2003, chế độ của đảng Baath bị lật đổ ở Iraq; năm 2011; Muamaar Gaddafi bị gạt hẳn khỏi quyền lực ở Libya, còn năm 2013, Mỹ địnhh lật đổ chế độ ở Syria…

Ít nhất thì có một bộ phận các hành động này đã được thực hiện theo lối leo thang căng thẳng đối kháng dần dần có sử dụng các phương tiện chiến tranh thông tin, các thủ đoạn gây áp lực kinh tế, có áp đặt phong tỏa đường biển, có sử dụng hạn chế vũ khí để thể hiện quyết tâm sử dụng sức mạnh quân sự đầy đủ sau đó. Trong thập niên cuối của thế kỷ XX, đã bắt đầu liên tục áp đặt các vùng cấm bay trên các quốc gia thù địch, bên cạnh việc sử dụng hạn chế các loại vũ khí phi sát thương, các phương tiện và phương thức chiến tranh không gian mạng, còn trong thế kỷ XXI, Mỹ đã bắt đầu sử dụng ngày càng nhiều các máy bay không người lái trinh sát/tấn công và các lực lượng tác chiến đặc biệt.

Theo nguyên tắc liên quân

Trong 25-30 năm gần đây, đã xuất hiện khá rõ sự phân biệt các chiến dịch quân sự của Mỹ và NATO thành hai loại khác nhau.

Loại thứ nhất là các chiến dịch của các bộ chỉ huy liên quân hay các đơn vị liên quân cấp chiến dịch với sự tham gia của các lực lượng của tất cả các quân chủng, gồm các lực lượng mặt đất (lục quân và lính thủy đánh bộ), được thực hiện trong các không gian trên bộ, trên không và biển của quốc gia đối địch. Quân số của các bộ chỉ huy liên quân/đơn vị chiến dịch liên quân lên tới mấy trăm ngàn người, còn lực lượng không quân thì lên tới 2.000-4.000 máy bay. Đó có thể nói là các chiến dịch quân sự cổ điển. Các chiến dịch đó đã được Mỹ và các đồng minh tiến hành chống Iraq (vào năm 1991 và 2003).

Thuộc loại thứ hai là các chiến dịch các bộ chỉ huy liên quân/đơn vị liên quân cấp chiến dịch, trong đó các hoạt động chiến sự trong không gian mặt đất, trên không và biển của quốc gia đối địch chỉ do các lực lượng và phương tiện tấn công đường không (máy bay triển khai trên mặt đất và trên tàu sân bay, vũ khí tên lửa) thực hiện. Nếu dùng thuật ngữ hiện đại thì đó là “các trận đánh hỗn hợp không-biển”.

Tổng quân số của đơn vị liên quân cấp chiến dịch hay các lực lượng của bộ chỉ huy liên quân được huy động cho chiến dịch đó là không quá 100.000 người, cụm không quân, được tăng cường máy bay ném bom chiến lược Mỹ, gồm 250-1.000 máy bay.

Ví dụ cho loại chiến dịch này là các chiến dịch quân sự của Mỹ/NATO chống Nam tư năm 1999 và Libya vào năm 2011, khi mà Mỹ/NATO giành chiến thắng mà không có sự tham gia của lực lượng trên bộ của đồng minh. Để đánh bai Nam Tư, họ đã cần 37.500 phi vụ (37% trong số đó là các phi vụ tấn công) để tấn công hơn 4.000 mục tiêu, sử dụng 23.600 quả bom, tên lửa hàng không và tên lửa hạm tàu trong 78 ngày đêm.

Để lật đổ chế độ Gaddafi, Mỹ và NATO đã mất 227 ngày đêm, thực hiện hơn 28.000 phi vụ (gần 37% là các phi vụ tấn công) và tiêu diệt hơn 5.900 mục tiêu. Kinh nghiệm chiến dịch quân sự chống Nam Tư ở mức độ nào đó đã khẳng định các ý tưởng của viên tướng Italia Giulio Douhet khi cho thấy rằng, các mục tiêu của chiến tranh hiện đại chống các nước nhỏ các nước đồng minh có thể đạt được chỉ bằng cách sử dụng lực lượng và phương tiện tấn công đường không.

Đặc điểm công tác chuẩn bị

Các hoạt động chuẩn bị chiến dịch quân sự khá phức tạp và quy mô. Trong quân đội Mỹ, công tác này chia thành mấy giai đoạn. Trước tiên là xây dựng phương hướng hành động (course of action). Theo các chỉ thị của giới lãnh đạo chính trị-quân sự Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng ban hành mệnh lệnh ban đầu (warning order), trong đó ông ta xác định mục tiêu và các nhiệm vụ của chiến dịch quân sự, thời gian phát động chiến sự dự kiến (D-Day) và độ dài thời gian chiến sự, các quy định sử dụng lực lượng quân sự (rules of engagement), thời gian bắt đầu động viên dự kiến (M-Day), thời gian bắt đầu điều động các đơn vị /lực lượng, vũ khí trang bị và các phương tiện vật chất khác từ Mỹ đến các khu vực đã định (C-Day), việc tổ chức chỉ huy, mức độ sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng (DEFCON), mức độ sẵn sàng của các lực lượng được điều chuyển và các phương tiện vận chuyển các lực lượng đó, các đơn vị/lực lượng được bộ chỉ huy liên quân sử dụng để tiến hành chiến dịch quân sự, cũng như các cảng được sử dụng và quyền sử dụng không phận để điều động các đơn vị/lực lượng.

Cũng trong mệnh lệnh này, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ yêu cầu Tư lệnh Bộ chỉ huy liên quân xác định phương hướng hành động, đưa ra đánh giá tình hình và các tính toán về triển khai lực lượng. Đồng thời với việc xây dựng các phương án hành động, Tư lệnh Bộ chỉ huy liên quân còn hoàn thiện kế hoạch chiến dịch ban đầu, điều chỉnh các kế hoạch khẩn cấp, xác định các module lực lượng cần thiết. Ở giai đoạn lựa chọn phương hướng hành động, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ ra lệnh bắt đầu lập kế hoạch (planning order) theo phương hướng hành động đã chọn trước khi ban lãnh đạo chính trị-quân sự quốc gia thông qua. Trong khi đó, việc điều chuyển cơ động các đơn vị/lực lượng chỉ có thể thực hiện khi được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho phép.

Ở giai đoạn lập kế hoạch chiến dịch, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, trên cơ sở phương hướng hành động và ý đồ chiến dịch đã được lãnh đạo chính trị-quân sự nhà nước thông qua, hạ lệnh nâng mức sẵn sàng (alert order) của các đơn vị/lực lượng được sử dụng và tiến hành lập kế hoạch chi tiết chiến dịch quân sự.

Tư lệnh Bộ chỉ huy liên quân, căn cứ vào các đơn vị/lực lượng đã có và thực tế được giao cho mình, tiến hành lên kế hoạch chi tiết và đệ trình cho Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ mệnh lệnh tiến hành chiến dịch (OPORD). Tiếp đó, bắt đầu giai đoạn thực hiện chiến dịch. Theo sắc lệnh của Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ ký mệnh lệnh thực hiện chiến dịch (execute order) sau khi phê duyệt kế hoạch của Tư lệnh Bộ chỉ huy liên quân và xác định thời gian chính xác bắt đầu thực hiện kế hoạch chiến dịch (D-Day, H-hour). Các đơn vị/lực lượng của Bộ chỉ huy liên quân vào thời gian đã định bắt tay vào thực hiện mệnh lệnh của Tư lệnh.

Trong những năm 1980 xa xưa đã có một kịch bản chuẩn bị chiến tranh tổng lực trong bối cảnh tình hình thế giới căng thẳng đột biến và nhanh chóng như sau.

Trong 15-17 ngày đêm trước khi mở cuộc chiến tranh tổng lực, Mỹ đã bắt tay vào việc triển khai chiến lược quân đội của mình. Với việc phát lệnh sẵn sàng chiến đấu số 2 (DEFCON 2) cho toàn bộ quân đội Mỹ và tổng động viên trong nước (M-Day), quân đội được chuyển từ trạng thái thời bình sang thời chiến. Với việc công bố ngày C (C-Day) đối với quân đội, bắt đầu tiến hành điều động chiến lược các đơn vị/lực lượng từ Mỹ tới các vùng tiền duyên ở châu Âu và châu Á, đồng thời thực hiện triển khai chiến dịch các đơn vị/lực lượng Mỹ tại các chiến trường tương lai của cuộc chiến. Điều có vẻ oái oăm là việc triển khai thực tế các đơn vị/lực lượng Mỹ để tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn ở một chiến trường xa xôi cần nhiều thời gian hơn là triển khai chiến lược quân đội Mỹ về mặt lý thuyết (theo kịch bản) để tiến hành cuộc chiến tranh tổng lực.

Thao dượt các kịch bản

Một sơ đồ chuẩn bị chiến dịch quân sự hoạt động thế nào trong tạp trận và trên thực tế? Tại một cuộc diễn tập chỉ huy-tham mưu vào cuối năm 2013, một kịch bản sự kiện như vậy đã được thao dượt tại khu vực Thái Bình Dương. Trong vòng 3 tháng trước khi bắt đầu chiến sự, quân đội Mỹ nhận được cảnh báo chiến lược (strategic warning) từ ban lãnh đạo chính trị-quân sự quốc gia về việc tất yếu sẽ sử dụng quân đội. Sau một thời gian, cuộc xâm lược xảy ra. Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra với quốc gia xâm lược yêu cầu rút quân trong vòng 50 ngày đêm.

10 ngày trước khi hết thời hạn tối hậu thư của Hội đồng Bảo an LHQ, Tư lệnh đơn vị liên quân cấp chiến dịch thiết lập tại khu vực xâm lược một vùng không gian đặc quyền (cấm bay đối với máy bay của quốc gia xâm lược) và áp đặt vùng biển đặc quyền (cấm tàu bè của quốc gia xâm lược và đồng minh của quốc gia đó ra vào).

Khi thao dượt trong các cuộc tập trận chỉ huy-tham mưu có quy mô nhỏ hơn, chẳng hạn như chiến dịch “sơ tán những người phi chiến đấu”, mệnh lệnh chuẩn bị (alert order) có thể được ban ra 6 ngày đêm trước khi bắt đầu chiến dịch, mệnh lệnh cơ động các đơn vị/lực lượng và triển khai tác chiến trong 3 ngày được ban hành  trước khi bắt đầu chiến dịch 5 ngày đêm và lệnh thực hiện đưa ra trong vòng 1 ngày đêm trước khi bắt đầu chiến dịch.

Khi chuẩn bị chiến tranh chống Iraq (chiến dịch được tiến hành trong tháng 1-2/1991), mệnh lệnh tăng cường lực lượng của Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ US CENTCOM bằng các đơn vị của các quân chủng quân đội Mỹ được ban ra 164 ngày đêm trước khi bắt đầu chiến sự, còn lệnh tăng gấp đôi lực lượng của US CENTCOM cùng với việc thông qua ý đồ chiến dịch và ấn định thời gian sơ bộ bắt đầu chiến tranh được đưa ra 79 ngày đêm trước khi khai chiến. Quyết định về ngày tháng và thời gian cụ thể bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự được thông qua 11 ngày trước ngày lựa chọn, còn lệnh thực hiện chiến dịch quân sự từ 03 giờ 00, ngày 17/1/1991 (giờ địa phương) đã được Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ ký trước khi chiến dịch mở màn 26-27 giờ. Điều đáng chú ý là nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về việc cho phép sử dụng mọi phương tiện cần thiết sau ngày 15/1 để chấm dứt việc chiếm đóng Kuwait đã được thông qua trước khi bắt đầu chiến dịch 49 ngày đêm, tức là 1 tháng sau khi Mỹ đưa ra quyết định.

Trong chiến dịch Bão táp sa mạc (Desert Storm), không quân đã góp phần chính vào việc tiêu diệt tăng-thiết giáp của quân đội Iraq (www.defense.gov)

Mỹ bắt tay vào soạn thảo kế hoạch chiến dịch quân sự quy mô lớn tiếp theo chống Iraq 14 tháng trước khi mở màn chiến dịch. Việc chuẩn bị về thông tin bắt đầu trước đó hơn nửa năm khi Tổng thống Mỹ kêu gọi Đại hội đồng LHQ thủ tiêu vũ khí hủy diệt lớn của Iraq. 86 ngày đêm trước khi mở chiến dịch, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hạ lệnh cho tăng cường liên tiếp tất cả các lực lượng của CENTCOM. Khi việc chuyển quân và triển khai tác chiến các lực lượng Mỹ và đồng minh ở Cận Đông hầu như đã hoàn tất, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu nhà lãnh đạo Iraq rời khỏi nước này trong vòng 2 ngày đêm. Hai ngày sau khi ra tối hậu thư, ngày 20/3/2003, quân đội Mỹ và đồng minh chính thức phát động chiến dịch quân sự chống Iraq.

Đôi khi, việc chuẩn bị chiến dịch được thực hiện trong một thời hạn rất ngắn. Ví dụ, quyết định tiến hành chiến dịch quân sự chống Afghanistan vào năm 2001 được thông qua chỉ 20 ngày đêm trước khi bắt đầu, mệnh lệnh tăng cường lực lượng của CENTCOM được ban hành 18 ngày đêm trước khi mở chiến dịch, còn quyết định cuối cùng tiến hành chiến dịch được công bố 5 ngày đêm trước khi bắt đầu.

Theo các tiêu chuẩn thống nhất

Công tác chuẩn bị chiến dịch quân sự của liên quân NATO trước đây về những nét chung tương ứng với tiêu chuẩn của Mỹ với sự khác biệt là buộc phải bàn bạc thống nhất thành phần các lực lượng và phương tiện của các nước thành viên được huy động tham gia chiến dịch và hành động trong điều kiện nhất trí ở cấp cao nhât. Các cơ quan lãnh đạo của khối (Hội đồng NATO và Hội đồng Quân sự NATO) xác định các mục tiêu, quy mô và ý đồ chiến dịch và ban hành các chỉ thị tương ứng. Việc lập kế hoạch chung chiến dịch do Tổng tư lệnh tối cao liên quân NATO phụ trách, còn việc lập kế hoạch chi tiết do Tư lệnh Bộ chỉ huy liên quân hay đơn vị liên quân cấp chiến dịch đảm nhiệm. Sau khi nhận được chỉ thị sử dụng lực lượng (force activation directive), Tổng tư lệnh tối cao NATO cảnh báo cho bộ chỉ huy quân đội quốc gia về việc huy động lực lượng sắp tới (activation warning) và đồng thời thông báo danh mục sơ bộ các lực lượng và khả năng mà ông ta cần. Sau đó, ông ta gửi cho bộ chỉ huy quân đội quốc gia yêu cầu cung cấp cho NATO các lực lượng cụ thể cần thiết và chuẩn bị cho việc cơ động các lực lượng này (activation request), hoàn thành việc soạn thảo kế hoạch cơ động chi tiết và trình cho các cơ quan lãnh đạo khối kế hoạch chiến dịch của bộ chỉ huy liên quân/đơn vị liên quân cấp chiến dịch đảm nhiệm. Đáng lưu ý là một phần các lực lượng được huy động đã có thể bắt đầu cơ động sau khi nhận được cảnh báo hay yêu cầu của Tổng tư lệnh NATO.

Các cơ quan lãnh đạo khối, sau khi thông qua kế hoạch chiến dịch và các quy tắc sử dụng sức mạnh quân sự, thì gửi cho Tổng tư lệnh NATO chỉ thị thực hiện kế hoạch (execution directive). Tổng tư lệnh hạ lệnh sử dụng lực lượng (activation order) với việc công bố thành phần các lực lượng, ngày tháng kế hoạch cơ động bắt đầu có hiệu lực, trình tự chuyển giao các lực lượng từ trực thuộc quốc gia sang quyền chỉ huy tác chiến của NATO. Sau đó, tất cả các lực lượng được cung cấp bắt đầu cơ động đến các khu vực tập kết đã định, nơi chúng được chuyển thuộc cho Tư lệnh bộ chỉ huy liên quân/đơn vị liên quân cấp chiến dịch và thực hành triển khai tác chiến dưới quyền của ông ta. Tiếp đó, Tổng tư lệnh NATO truyền đạt đến bộ chỉ huy liên quân/đơn vị liên quân cấp chiến dịch các quy tắc sử dụng sức mạnh quân sự (ROE implementation) và công bố thời gian bắt đầu tác chiến (execution date). Về phần mình, Tư lệnh bộ chỉ huy liên quân/đơn vị liên quân cấp chiến dịch hạ lệnh thực hiện kế hoạch chiến dịch.

Trình tự tổ chức và tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn của NATO định kỳ được tập dượt trong các cuộc tập trận chỉ huy-tham mưu và trong các hoạt động huấn luyện chiến đấu khác của NATO. Ví dụ dưới đây là nội dung ngắn gọn các hành động tưởng định của NATO vào cuối thế kỷ XX tại một hoạt động huấn luyện theo kịch bản “khủng hoảng trên bán đảo”.

Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra cho kẻ xâm lược tối hậu thư yêu cầu rút quân khỏi lãnh thổ chiếm đóng trong vòng 60 ngày đêm. Dưới sự bảo trợ của NATO, đơn vị liên quân cấp chiến dịch viễn chinh đa quốc gia được thành lập với biên chế đến 8 sư đoàn lục quân, hơn 20 phi đội không quân, 2 cụm tàu sân bay xung kích và 2 cụm tàu sân bay chống ngầm, 1 binh đoàn đổ bộ đường biển, 4 cụm tàu ngầm, còn nòng cốt của đơn vị liên quân cấp chiến dịch là lực lượng NATO có quân số 200.000 quân. Giai đoạn đầu công tác chuẩn bị chiến dịch, bao gồm chu trình lập kế hoạch (tính đến lúc hoàn thành saonj thảo và gửi đi dự thảo kế hoạch) và chuyển các lực lượng được giao sang trạng thái sẵn sàng cơ động trong vòng 3 ngày đêm, kéo dài gần 24 ngày đêm. Giai đoạn triển khai và hăm dọa (có trù tính việc nghiên cứu cấm vận đối phương và bảo vệ các tuyến đường biển của mình) kéo dài gần 36 ngày đêm.

Tại sao trong các hoạt động huấn luyện của liên quân NATO người ta đã cho rằng, Hội đồng Bảo an LHQ cho kẻ xâm lược 60 ngày đêm để rút quân đội/các lực lượng của họ khỏi lãnh thổ chiếm đóng? Điều đó được giải thích bởi khả năng của NATO về mặt thời gian để đưa các lực lượng được điều động vào trạng thái sẵn sàng và để cơ động chúng đến chiến trường tương ứng. Chẳng hạn, có những lực lượng triển khai trước tiên của NATO (NATO response force) quân số 25.000 người. Một nửa các lực lượng này được đưa vào trạng thái sẵn sàng cơ động trong 2-30 ngày đêm, nửa còn lại - trong 10-60 ngày đêm. Trong lục quân các nước Âu-Á thuộc NATO trù tính có 9 quân đoàn lục quân phản ứng nhanh với quân số danh định trong mỗi quân đoàn là 100.000 quân (thời hạn lập quân đoàn là 60-90 ngày đêm).

Thời hạn đưa vào trạng thái sẵn sàng và cơ động đến các khu vực xa xôi của các thành phần của hải quân và đặc biệt là của không quân được điều chuyển cho đơn vị liên quân cấp chiến dịch của NATO ngắn hơn nhiều so với của lục quân, chính điều này quyết định khả năng bắt tay vào thực hiện chiến dịch quân sự của đơn vị liên quân cấp chiến dịch NATO sau 60 ngày đêm sau khi nhận được ủy quyền của Hội đồng Bảo an LHQ hay Hội đồng NATO. Điều đó cũng đúng cả đối với người Mỹ.

Ví dụ, vào năm 1990, một tuần sau khi Iraq chiếm Kuwait, tại khu vực trách nhiệm của CENTCOM đã có mặt 2, sau 3 tuần đã là 4 cụm tàu sân bay chiến xung kích của Hải quân Mỹ. Vào cuối ngày khủng hoảng thứ 7, lực lượng của Không quân Mỹ đã được tăng cường bởi phi đoàn không quân chiến thuật đầu tiên và sau đó tiếp tục được tăng cường. 18 ngày đêm sau khi Iraq xâm lược, tại địa bàn của CENTCOM, Lữ đoàn lính thủy đánh bộ viễn chinh số 7 đã ở trạng thái hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu (18.000 quân của lữ đoàn được cơ động bằng đường không từ Mỹ đã nhận được kịp thời vũ khí trang bị vận chuyển đến bằng tàu biển), còn sau 52 ngày đêm kể từ khi cuộc xâm lược của Iraq bắt đầu, cả Sư đoàn bộ binh 24 của Lục quân Mỹ cũng hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu (17.400 quân của sư đoàn này được không vận đến từ Mỹ, vũ khí trang bị và loại vật tư khác được chở đến bằng tàu biển).

Năm 2003, để cơ động từ Mỹ đến địa bàn của CENTCOM (binh sĩ bằng đường không, vũ khí trang bị bằng đường biển) đã cần 35 ngày đêm kể từ khi phát lệnh đối với Sư đoàn dù 82, 37 ngày đêm đối với Sư đoàn dù 101, hơn 70 ngày đêm đối với Sư bộ binh 4 của Mỹ và hơn 75 ngày đêm để cơ động từ CHLB Đức Sư thiết giáp số 1 của Anh. Sư đoàn bộ binh 3 của Mỹ mà binh sĩ sau khi cơ động bằng đường không thì tiếp nhận vũ khí trang bị lưu kho ở Kuwait, Qatar và trên các tàu, đã được triển khai trong vòng 35 ngày đêm.

Hiển nhiên là thời hạn chuẩn bị các chiến dịch và thành phần các lực lượng tiến hành các chiến dịch đó trong thực tế và trong các hoạt động diễn tập thay đổi tùy thuộc vào tình hình thực tế xảy ra và tình huống huấn luyện đặt ra. Ví dụ, thời hành chuẩn bị chiến dịch quân sự của Mỹ/NATO chống Nam Tư năm 1998-1999 và chống Libya năm 2011, cũng như thành phần các lực lượng huy động tham gia các chiến dịch của Mỹ và đồng minh chống Iraq năm 1991 và 2003 là khác nhau.

Bảo đảm toàn diện và cơ động các lực lượng

Khi chuẩn bị một chiến dịch quân sự, các nước phương Tây lên kế hoạch chi tiết không chỉ công tác bảo đảm chiến đấu, hậu cần, kỹ thuật và bảo đảm đặc biệt. Có vai trò ngày càng lớn là khả năng thực hiện các chiến dịch thông tin tiến công (tâm lý chiến, tác chiến điện tử, tung tin giả, các hành động trên các mạng máy tính) để gây hỗn loạn ở nước đối địch và quân đội của nó. Họ tiến hành hướng dư luận ở các nước phương Tây vào cuộc đấu tranh “giữa các thế lực thiện chống các thế lực ác” và kích động dân chúng của quốc gia đối địch “xấu xa” nổi loạn chống chính phủ và hình thành “đạo quân thứ 5” ở nước này.

Các lực lượng và phương tiện tác chiến điện tử được chuẩn bị để làm mù và điếc đối phương bằng các phương tiện điện tử và hỏa lực - chế áp hoặc tiêu diệt các radar, đầu mối thông tin, các trung tâm phát thanh-truyền hình và các mục tiêu tượng tự khác. Người ta chuẩn bị cài cắm các phương tiện tung tin giả vào các kênh liên lạc, phát thanh-truyền hình của đối phương. Lên kế hoạch đưa vào hoạt động hơn 20 đơn vị yểm trợ mạng quốc gia và chiến đấu, mà từ trước khi chiến dịch quân sự mở màn sẽ có nhiệm vụ làm cho đối phương thấy được nguy cơ các hậu quả một khi đối phương leo thang căng thẳng, còn trong quá trình chiến dịch thì vô hiệu hóa hoạt động của các cơ sở hạ tầng mạng, ngăn chặn việc sử dụng các thông tin lưu trong các máy tính, vô hiệu hóa hoạt động của các cơ quan chỉ huy của ban lãnh chính trị-quân sự dân sự và các cơ quan chỉ huy quân đội/các lực lượng và điều khiển vũ khí của đối phương.

Họ cũng dự tính từ trước khi bắt đầu chiến sự, tung vào đất địch hơn 600 toán biệt kích-thám báo làm nhiệm vụ vô hiệu hóa các mục tiêu quân sự và dân sự quan trọng khi chiến dịch bắt đầu.

Nếu như trước đây, nền tảng của việc chuẩn bị chiến dịch là công tác bảo đảm hậu cần thì nay, nhiều thứ được xây dựng trên 3 trụ cột chính - bảo đảm hậu cần, bảo đảm tình báo và bảo đảm thông tin liên lạc. Dưới đây là hai ví dụ.

Năm 1990-1991, liên quân chống Iraq đã tập trung tại địa bàn CENTCOM đến 750.000 quân với trang bị biên chế và lượng dự trữ vật tư-phương tiện tiêu hao đủ cho 45-60 ngày đêm tác chiến. Trong thời gian chuẩn bị và tiến hành chiến dịch, hơn 400 máy bay vận tải quân sự và dân sự cỡ lớn của Mỹ đã vận chuyển đến khu vực địa bàn của CENTCOM hơn 500.000 quân và nửa triệu tấn hàng, còn 300 tàu quân sự và tàu do Mỹ thuê đã vận chuyển gần 3 triệu tấn hàng khô (chưa tính tất cả các loại nhiên liệu được các tàu dầu chở đến khu vực địa bàn CENTCOM).

Công tác bảo đảm vận tải, cơ động chuyển quân và, chuyên chở và tích trữ các phương tiện vật chất đã được tổ chức như thế. Năm 2003, tại khu vực của CENTCOM, để bảo đảm tiến hành một chiến dịch như vậy chống Iraq, các nước liên quân đã tập trung 118 máy bay trinh sát có và không người lái và 46 máy bay chỉ huy/báo động sớm. Đồng thời, để tiến hành trinh sát, duy trì liên lạc, tiến hành bảo đảm dẫn đường và các loại bảo đảm khác, đã sử dụng 50 khí cụ bay vũ trụ. Đây là ví dụ của việc chuẩn bị bảo đảm chiến đấu, kỹ thuật và bảo đảm đặc biệt.

Việc lập kế hoạch tổ chức cơ động quân và vũ khí trang bị được tiến hành theo phương hướng hành động quy định trật tự và trình tự đưa vào chiến đấu các quân chủng, các binh chủng/lực lượng của các quân chủng. Ví dụ, năm 2003, trong vòng 48 giờ, đã huy động chống Iraq ban đầu là các lực lượng tác chiến đặc biệt, ngày đêm sau đó, lục quân và lính thủy đánh bộ bắt đầu tiến công, còn sau một ngày đêm nữa, không quân và hải quân các nước đồng minh tham gia vào tiến công đường không. Năm 1991, trong chiến dịch dài 1,5 tháng chống Iraq, các lực lượng mặt đất liên quân đã chỉ nhảy vào tham gia trong 4 ngày đêm cuối cùng để hoàn tất các nỗ lực của không quân và hải quân liên quân. Từ đó, trong thập kỷ 1990, đã trở nên phổ biến là ý tưởng “định hình không gian chiến đấu”- tạo ra trong vòng 1,5 hay vài tuần tình thế có lợi cho việc tiến hành cuộc tiến công quyết định sắp tới của các lực lượng mặt đất.

Giai đoạn hình thành không gian chiến đấu bao gồm việc giành quyền khống chế trên biển và ưu thế trên không, tiến hành chiến dịch đổ bộ đường biển, tiến hành các hoạt động tác chiến trên bộ bằng các lực lượng mặt đất, chi viện đường không trực tiếp cho lính thủy đánh bộ và lục quân, cách ly các khu vực tác chiến, phá hủy vũ khí hủy diệt lớn, vũ khí tên lửa, thực hiện các hành động phong tỏa và rải thủy lôi tấn công. Hiện nay, ý tưởng định hình không gian chiến đấu được phát triển bởi khái niệm tiếp cận tác chiến phối hợp.

Rõ ràng là cuộc cách mạng trong quân sự đã ảnh hưởng đến việc chuẩn bị chiến dịch quân sự, khi nâng cao được mức độ nắm bắt tình hình, rút ngắn thời hạn ra quyết định tiến hành chiến dịch và độ dài quá trình lập kế hoạch chiến dịch với việc tiến hành vô số các tính toán.

Nhưng điểm lợi về thời gian hiện chưa đi cùng với đẩy nhanh đột biến thời hạn đưa quân đội/các lực lượng vào trạng thái sẵn sàng và thời hạn di chuyển của chúng trong không gian. Việc chưa có sự đẩy nhanh đột biến đó ở các nước phương Tây quy định thời hạn thực tế cơ động đến các khu vực cần đến những đội quân/lực lượng lớn và các phương tiện vật chất tương ứng và đòi hỏi Mỹ phải có ở gần các điểm nóng căng thẳng tiềm tàng các lực lượng được triển khai kịp thời, cũng như lượng dự trữ phương tiện vật chất được cất trữ kịp thời trên bộ và trên các tàu trên biển dành cho các đội quân được cơ động đến bằng đường không.

Khi chuẩn bị các chiến dịch quân sự quy mô khu vực, việc tập trung thật nhanh tại các khu vực xa xôi cần đến các lực lượng và phương tiện tiến công đường không và các lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ/NATO cũng có tầm quan trọng rõ ràng như thế.

Việc đe dọa và nghệ thuật tiến hành các chiến dịch không gian mạng tiến công có tính thị uy và cảnh cáo vốn không đòi hỏi nhiều thời gian để chuẩn bị chính là một yếu tố răn đe, kiểm chế chiến lược và khu vực ở giai đoạn chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự quy mô lớn.

Nguồn: Những cái cớ và lý do cho các chiến dịch quân sự / Markell Boitsov // VO, 6.6.2014.

Print Print E-mail Print