Vietnamdefence.com

 

Chiến tranh Syria: Kết quả tháng không kích đầu tiên của Nga

VietnamDefence - Ngày 30/9/2015, chiến dịch quân sự của Nga ở Syria bắt đầu. Máy bay của Không quân Nga trong tháng đã tấn công hàng trăm mục tiêu của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS, gần đây, chúng chuyển sang gọi là Daesh), nhưng trên diễn đàn quốc tế, các hành động này không phải luôn luôn được hoan nghênh và không phải ai cũng hoan nghênh. Dưới đây là những kết quả đầu tiên của quân đội Nga trên đất Syria.

>> Chiến tranh Syria: Kết quả tháng không kích thứ hai của Nga

Từ lâu trước khi có lời yêu cầu chính thức của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga ngày 29/9/2015,  trong đó đã đưa ra quyết định cuối cùng trợ giúp quân đội Syria chiến đấu chống khủng bố, Bộ Quốc phòng Nga từ lâu đã bắt đầu chuẩn bị cho chiến dịch ở Syria - thực tế là cuộc điều binh thực sự đầu tiên kể từ cuộc chiến 5 ngày với Gruzia vào năm 2008.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, về các cuộc không kích sắp tới vào các vị trí của khủng bố Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo cho Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay từ cuộc gặp bên lề Đại hội đồng LHQ ở New York. Obama trả lời ngắn gọn: “Chúng tôi cũng đoán thế”.

Theo thông tin có được, việc tăng cường lực lượng và phương tiện tại trạm bảo đảm vật chất-kỹ thuật của Hải quân Nga ở cảng Tartus, Syria bắt đầu vào tháng 8-9, khi các tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk, Korolyov, Saratov, Azov, Tsezar Kunikov, cũng như, phà vận tải Aleksandr Tkachenko ở Novorossyisk được xếp hàng trang bị kỹ thuật đặc biệt, đạn dược và xăng dầu và lên đường đi Địa Trung Hải qua eo biển Bosphorus. Sau khi tích trữ tại trạm bảo đảm đủ số lượng vũ khí (bom, đạn hàng không và tên lửa không đối đất), quân đội Nga chỉ còn phải thực hiện một nhiệm vụ nữa là điều động máy bay đến. Làm việc đó trong khi đang tiến hành cuộc tập trận “Trung tâm-2015” với sự tham gia của hơn 150 máy bay là chuyện không khó về mặt khách quan. Dưới vỏ bọc che chắn đó, các tiêm kích Su-30SM, máy bay ném bom chiến thuật Su-34 và Su-24M, cường kích Su-25 của Nga đã bay chuyển sân đến các sân bay Krymsk và Mozdok, còn sau đó bay qua biển Caspie (hay không phận Azerbaijan), Iran và Iraq đến Syria. Đến ngày 30/9/2015, tại căn cứ không quân Hmeimim, Syria ở gần Latakia đã hình thành lực lượng không quân viễn chinh hỗn hợp thực sự với hơn 50 máy bay: ngoài các máy bay, đến lúc đó còn có thêm các trực thăng Mi-8 và Mi-24P, đến nay chúng vẫn đang thực hiện các cuộc tấn công ở các tỉnh của Syria có lực lượng khủng bố IS và Jabhat al-Nusra.

Theo thông tin của Bộ Quốc phòng Nga, trong giai đoạn từ ngày 30/9-22/10, các phi công Nga đã thực hiện 934 phi vụ chiến đấu từ Hmeimim (hơn 100 trong số đó thực hiện ban đêm) và tiêu diệt không dưới 819 mục tiêu. Đa số các cuộc không kích được thực hiện bằng tên lửa không đối diện chính xác cao Kh-29L và bom có điều khiển KAB-500S có sai số lệch mục tiêu không quá 5 m.

Theo một nguồn tin trong công nghiệp quốc phòng Nga, do nhu cầu vũ khí gia tăng phục vụ chiến dịch ở Syria, công nhân viên của Tổng công ty Vũ khí tên lửa chiến thuật (KTRV) đã phải chuyển sang làm 3 ca. Để vận chuyển hàng đến Tartus, Hải quân Nga đã khẩn cấp mua lại của các chủ tàu Thổ Nhĩ Kỳ 8 tàu vận tải và nhanh chóng đưa chúng vào danh sách tàu bảo đảm với quy chế quân sự: chỉ riêng các tàu đổ bộ cỡ lớn đã không còn gánh vác được khối lượng công việc đó nữa.

Ngoài lực lượng không quân, ngày 7/10/2015, 4 tàu của Phân hạm đội Caspie (3 tàu tên lửa nhỏ Uglich, Grad Svyiazhsk, Veliky Ustyug và tàu hộ vệ Dagestan) đã phóng 26 tên lửa hành trình 3М14 Kalibr-NK vào 11 mục tiêu mặt đất, việc này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu báo cáo ngay trong ngày với Tổng thống Vladimir Putin. Đây là trường hợp rất đặc biệt: Ngày 5-6/10, tình báo phát hiện các mục tiêu của phiến quân và theo quyết định của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga là phải tiêu diệt ngay lập tức. Giới quân sự Nga trong thời gian cực ngắn đã thuyết phục được Iran đồng ý cho Nga phóng tên lửa với quỹ đạo bay qua không phận nước này.

Theo thông tin cập nhật của Bộ Quốc phòng Nga, các cuộc không kích chính chủ yếu thực hiện ở các tỉnh Aleppo, Idlib, Deir ez-Zor, Raqqa, Latakia, Palmyra, Damascus và Hama. Theo thông tin của tình báo Nga, đa số các sở chỉ huy, các vị trí (trong đó có các cứ điểm, hỏa điểm cối), kho vũ khí và trại huấn luyện phiến quân bố trí chính là ở các tỉnh này.

Các cuộc không kích đầu tiên lập tức bị các nước phương Tây chỉ trích. “Chúng tôi sẽ hoan nghênh lập trường xây dựng của Nga nếu như Nga sẽ tác chiến chống IS. Chúng tôi không thấy họ tấn công các mục tiêu của khủng bố”,  phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói. “Nga và Syria không tấn công nhóm IS”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan khẳng định. “8 trong 10 cuộc không kích do Nga thực hiện không nhằm vào các mục tiêu của IS, mà vào phe đối lập Syria ôn hòa, trong đó có Quân đội Tự do Syria”, Thủ tướng ANh David Cameron phụ họa ông Erdoğan. Còn đại diện của Trung tâm quan sát nhân quyền Syria (SOHR) Rami Abderrahman khẳng định rằng, “từ thời điểm bắt đầu chiến dịch đã có không dưới 300 dân thường thiệt mạng, trong đó có hàng chục người chết ngay trong ngày đầu cuộc tấn công tên lửa của các máy ba ném bom Nga Su-24 vào trung tâm thành phố Tell Bis”. Còn ngày 22/10, đại diện Lầu Năm góc cáo buộc máy bay Nga sử dụng  bom chùm tại các khu vực có thể có thường dân.

Theo khẳng định của Tướng Kartapolov, trước khi tấn công vào mỗi mục tiêu cần tiêu diệt, người ta chuẩn bị một danh sách đặc biệt, tiến hành mô hình hóa trên máy tính các cuộc tấn công sắp tới, và chỉ sau đó mới đưa ra quyết định cuối cùng tiêu diệt một mục tiêu nào đó.

Giới quân sự Nga không thừa nhận bất kỳ một cáo buộc nào: tuyên bố mới nhất của quân đội Mỹ bị phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho là hoàn toàn vô lý và bịa đặt.

Bản đồ chiến sự Syria từ ngày 30/9-22/10/2015

Một nguồn tin trong Bộ Tổng tham mưu Nga cho hay, việc lựa chọn mục tiêu để tiêu diệt không chỉ dựa trên dữ liệu của bản thân Nga (việc giám sát tình hình được vệ tinh trinh sát quang-điện tử Persona N2 và các máy bay không người lái Orlan-10 thực hiện suốt ngày đêm), mà dựa trên cả thông tin từ các đồng minh trong chiến dịch là Iran, Iraq và Syria. Để điều phối hành động, các nước này đã thành lập trung tâm thông tin ở Baghdad, Iraq: các chức năng chính của trung tâm là thu thập, xử lý, tổng hợp và phân tích thông tin hiện có về tình hình trong khu vực. Đứng đầu trung tâm sẽ là các sĩ quan quân đội 4 nước luân phiên nhau 3 tháng/lần (đại diện cho phía hiện là Tư lệnh Tập đoàn quân binh chủng hợp thành số 6, Tướng Sergei Kuralenko).
 
“Chúng tôi chỉ đánh các mục tiêu của các nhóm bị quốc tế thừa nhận là khủng bố. Các máy bay của chúng tôi không hoạt động ở các khu vực miền nam Syria, nơi mà theo thông tin của chúng tôi có các đơn vị của Quân đội Tự do Syria”, Tướng Kartapolov phản bác.

Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, chiến dịch quân sự của Không quân Nga ở Syria là hoàn toàn hợp pháp ví nó được tiến hành theo yêu cầu của một nguyên thủ quốc gia hợp pháp, trong khi Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác tấn công vào lãnh thổ Syria không hề có căn cứ pháp lý. Hiện rất khó nói đến việc hợp tác đầu đủ vì Mỹ đặt ra mục tiêu lật đổ ông Assad hơn là chống IS, một nguồn tin ngoại giao quân sự nhận định. Tuy nhiên, một số chuyển biến nhỏ vẫn có, chẳng hạn như các bên đã thống nhất tất cả các vấn đề kỹ thuật để bảo đảm an toàn bay trên không phận Syria, ngoài ra, phía Nga vẫn hy vọng nhận được thông tin của quân đội Mỹ về tọa độ và vị trí của phiến quân, cũng như các khu dân cư.

Một số lần đã xảy ra các vụ scandal quốc tế không liên qua trực tiếp đến các cuộc không kích. Ví dụ, ngày 3/10/2015, vào hồi 12 giờ 08 (giờ địa phương), một máy bay ném bom Su-24М đã bay vào không phận tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian ngắn. Quân đội Nga giải thích nguyên nhân của sự cố là do thời tiết xấu, nhưng Ankara không chấp nhận và Erdogan đã dọa xem xét lại vấn đề mua khí đốt của Nga. Sau đó, tiêm kích Thổ đã bắn hạ một máy bay không người lái được cho là do Nga sản xuất ở gần biên giới với Syria - Thủ tướng Thổ Ahmet Davutoglu dọa nếu cần, quân đội Thổ sẽ làm thế với cả máy bay. Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ máy bay không người lái này có liên quan đến quân đội Nga.

Ngay từ đầu, Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga đều tuyên bố, Nga không có ý định tham gia chiến dịch trên bộ ở Syria. Một nguồn tin tại Bộ Tổng tham mưu Nga cho biết, đạo quân Nga ở Syria có hiện diện ở Syria, nòng cốt là lính hợp đồng của Lữ đoàn lính thủy đánh bộ độc lập 810 (đóng ở Sevastopol) và Sư đoàn dù sơn cước của Bộ đội Đổ bộ đường không Nga (đóng ở làng Raevskaya). Nhiệm vụ chính của lực lượng này cơ bản là bảo vệ các mục tiêu, chứ không phải là tác chiến với phiến quân Hồi giáo.

Trên thực tế, Nga đang lần đầu tiên trong lịch sử đương đại tiến hành tác chiến theo học thuyết của Tướng Italia Giulio Douhet. Năm 1921, Giulio Douhet đã xuất bản cuốn sách “Quyền khống chế trên không” (The Command of the Air), trong đó miêu tả vai trò hàng đầu của không quân trong chiến tranh vì cho rằng, các cuộc không kích vào các mục tiêu then chốt của đối phương có thể mang lại chiến thắng. Trước chiến dịch Syria, quân đội Nga tiến hành chiến tranh hoàn toàn khác: trong khi dần dần từ bỏ mô hình tiến hành chiến tranh toàn cầu dựa trên lực lượng mặt đất (sử dụng các tập đoàn quân, quân đoàn, tiểu đoàn xung kích) của quá khứ, quân đội Nga vẫn huy động các lực lượng hỗn hợp.

Chuyên gia quân sự Aleksandr Perenhzhiev cho rằng, trong chiến dịch ở Syria, lính Nga đã chạm trán với hàng loạt khó khăn. “Vấn đề thiếu vắng sự phối hợp với liên minh phương Tây, ngoài ra, không phải mục tiêu nào cũng có thể tiêu diệt mà không làm căng thẳng quan hệ với dân chúng địa phương. Sắp tới, còn rất nhiều việc phải làm về quân sự, với một số người, bức tranh đang sáng sủa hơn trên thực tế”. Theo chuyên gia này, vấn đề là ở sự tiến triển yếu ớt của quân chính phủ của Assad: “Sự tham gia của Không quân Nga trong chiến dịch phần lớn hỗ trợ Basha al-Assad về tinh thần, gieo vào ông niềm hy vọng sẽ quét sạch khủng bố khỏi lãnh thổ Syria”.

Theo thông tin không chính thức, binh lính của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran có thể hỗ trợ cho quân Assad, nhưng chưa có thông tin về sự tham gia của lực lượng này trong các cuộc đụng độ. Cuộc tấn công quy mô lớn đầu tiên vào lãnh thổ do IS chiếm đóng bắt đầu ngày 8/10. Điều này đã được Tổng tham mưu trưởng quân đội Syria, Trung tướng Ali Abdullah Ayyoub loan bao. Quân đội Syria đã tấn công vào các vị trí của IS ở thung lũng al-Ghab và vùng núi tỉnh đông bắc Latakia. Đóng vai trò đặc biệt trong chiến dịch là quân đoàn xung kích số 4 của quân đội Syria trước đó chưa từng trực tiếp tham chiến.

Ở Kremlin, người ta cũng thừa nhận rằng, không có chiến dịch trên bộ thì không thể giành thắng lợi. “Dù có ném bao nhiêu bom, cũng không thể chiến thắng, chúng tôi hiểu điều đó ngay từ đầu và đã lên kế hoạch các hành động này chỉ với sự phối hợp với quân đội Syria. Đúng ra là với ai cũng được miễn là họ thực sự muốn chống lại bọn dã man, khủng bố, những kẻ chặt đầu người, hãm hiếp phụ nữa và làm những việc tương tự như thế”, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov tuyên bố tại diễn đàn Valdai -2015.

Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học tên lửa và pháo binh Konstantin Sivkov cho rằng, chưa hoàn thành được nhiệm vụ nào trong số các nhiệm vụ đặt ra vào đầu  chiến dịch Syria: “Lực lượng không quân Nga hoạt động hiệu quả tối đa, các phi công thể hiện trình độ huấn luyện cực cao, nhưng sự tiến bộ của quân đội Assad chỉ là cục bộ - không có đủ quân Nga ở Syria để tiến hành tác chiến, còn lực lượng của Assad thì không đủ cả đạn dược, lẫn chuyên gia để nhanh chóng thực hiện tiến công”.

Mới đây, ông Assad đã bay đến Moskva gặp Putin bằng một cách thức khác thường: trên chiếc Il-62М của Bộ Quốc phòng Nga bay theo chặng Latakia-sân bay Chkalovsky và ngày 21/11 thì bay trở lại Syria. Nội dung đàm phán không được tiết lộ: Putin chỉ nhắc đến “những kết quả tích cực to lớn” Syria đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Tại diễn đàn Valdai -2015, ông Sergei Ivanov nói rõ rằng, hai nguyên thủ đã đề cập các vấn đề phối hợp giữa Không quân Nga và lục quân Syria và nêu ý kiến, chiến dịch mặt đất chống IS, Jabhat al-Nusra và các nhóm khủng bố khác ở Syria nên do quân đội Syria và dân quân người Kurd tiến hành. Tuy nhiên, không ai đưa ra được câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi chính yếu là điều đó sẽ còn kéo dài bao lâu nữa.

>> Chiến tranh Syria: Kết quả tháng không kích thứ hai của Nga

Nguồn: Kommersant, 26.10.2015.

Print Print E-mail Print