Vietnamdefence.com

 

9 cuộc chiến tranh ngắn nhất thế kỷ XIX-XX

VietnamDefence - Các cuộc chiến tranh đi cùng suốt lịch sử nhân loại. Có những cuộc chiến kéo dài hàng chục năm, nhưng có những cuộc diễn ra chỉ vài ngày, thậm chí vài giờ.

Chiến tranh Mavinas (Falklands), 1982

Quần đảo Malvinas (Falklands) đã là nơi tranh giành giữa Argentine và Anh vào năm 1982. Những mẫu đất mà nước Anh cướp được vào năm 1833 là một mất mát quốc gia đối với người dân Argentine. Họ mang theo ước mơ giành lại chúng qua nhiều thập kỷ và năm 1982, Buenos Aires đã đổ bộ quân lên quần đảo, đánh đuổi quân Anh khỏi đây. Sử dụng ưu thế trên biển, người Anh đã phong tỏa quần đảo, sau đó tiêu diệt đạo quân Argentine. Cuộc xung đột này kéo dài 74 ngày, các đảo bị đánh chiếm khá nhanh, nhưng hoạt động chiến sự trên biển và trên không vẫn kéo dài hơn một chút.

Mỹ xâm lược Panama, 1989-1990

Nguyên nhân xung đột là quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Panama. Ngoài sự bất bình lẫn nhau thường xuyên, quan trọng nhất là việc Mỹ mất quyền kiểm soát pháp lý đối với kênh đào Panama theo hiệp ước song phương. Mỹ đưa quân vào lãnh thổ một nước có chủ quyền với cớ bảo đảm an ninh cho 35.000 công dân Mỹ ở Panama. Do quân đội Panama đơn giản là không thể chống chọi được sức mạnh quân sự của một siêu vường nên chiến sự chỉ kéo dài có 5 ngày. Tuy nhiên, việc giải quyết pháp lý đã kéo dài lâu hơn vì vật thời gian chính thức của cuộc xung đột là 20/12/1989-31/1/1990.

Chiến tranh 6 ngày, 1967

Cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1967 còn có tên gọi chiến tranh 6 ngày, bắt đầu ngày 5 và kết thúc ngày 10/6. Sau cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, nhiều nước có xung đột với Israel.

Vào năm 1967, tại Cận Đông xuất hiện một tình thế bế tắc. Tăng cường sức mạnh quân sự một cách có kế hoạch, Ai Cập, Syria, Iraq và Jordanie đã xây dựng kế hoạch cùng tấn công Israel. Ngày 5/6/1967, Tel Aviv quyết định ra tay trước và tấn công các căn cứ không quân Ai Cập, tiêu diệt phần lớn máy bay chiến đấu của nước này. Điều đó đã mang lại ưu thế trên không cho Israel trong thời gian xung đột. Việc tiến hành chiến dịch mặt đất cùng lúc trên mấy mặt trận đã kết thúc bằng thắng lợi hoàn toàn của Israel.

Chịu tổn thất nặng nề, quân Arab ngừng chiến sự vào ngày 10/6/. Israel đã chiếm được các vùng lãnh thổ như Dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây sông Jordan và cao nguyên Golan.

Cuộc chiến tranh bóng đá, 1969

Tiền đề của cuộc xung đột này là những năm bất bình đẳng về kinh tế và bất mãn lẫn nhau giữa hai nước cộng hòa Nam Mỹ là El Salvador và Honduras. Hai nước cũng có tranh chấp lãnh thổ. Báo chí hai nước lại tìm cách thổi bùng căng thẳng. Ví dụ, ở Honduras, người ta nói rằng, nguyên nhân thiếu việc làm trong nước là do người nhập cư Salvador. Căng thẳng gia tăng trùng với việc đội tuyển Honduras thua đội tuyển El Salvador trong các trận play-off vòng loại giải vô địch bóng đá.

Hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao, sau đó là các cuộc tấn công nhằm vào người Salvador ở Honduras. El Salvador mở chiến dịch quân sự tấn công trước vào ngày 14/7, nhưng tình thế bế tắc nhanh chóng nảy sinh, trong đó Không quân Honduras tiêu diệt được các kho dầu của đối phương, làm cho người Salvador không còn nhiên liệu. Ngày 20/7, xung đột chấm dứt sau khi diễn ra chỉ được 6 ngày. Tuy diễn ra ngắn, cuộc xung đột khiến cả hai bên trả giá đắt với tổng tổn thất lên tới mấy ngàn người, kinh tế hai nước thiệt hại nặng.

Chiến tranh Anh-Zanzibar, 1896

Cuộc xung đột quân sự ngắn nhất trong lịch sử loài người được ghi chép chính thức là chiến tranh Anh-Zanzibar. Do trò chơi chính trị giữa các cường quốc lục địa, người anh họ Khalid bin Barghash Al-Busaid (1874-1927) của quốc vương Hamad bin Thuwaini vừa băng hà đã chiếm lấy quyền lực tại quốc gia Phi châu này. Ông ta nhanh chóng lập ra một đội quân khoảng 3.000 người và cố thủ trong cung điện. Nước Anh không công nhận Khalid và quyết định giành lại thuộc địa của mình. Họ đưa ra tối hậu thư cho nhà lãnh đạo mới của Zanzibar, yêu cầu giao lại chính quyền. Nhưng Khalid đã từ chối và chuẩn bị phòng ngự.

Lúc 9 giờ 00, ngày 26/8, hết hạn tối hậu thư của người Anh, sau đó, quân Anh nổ súng từ các hạm tàu của mình ở gần bờ biển. Các loạt đại bác của Anh đã biến cung điện thành đống đổ nát khói lửa nghi ngút, còn bản thân tân quốc vương Zanzibar thì bỏ chạy. Chiến sự chỉ diễn ra trong 38 phút và có lẽ sẽ kết thúc sớm hơn nếu như quân Zainzibar hạ lá cờ của mình xuống. Nhưng đơn giản là không có ai làm việc này cả. Trong cuộc xung đột này, có khoảng 500 người phía Zanzibar thiệt mạng và chỉ có 1 thủy binh Anh bị thương. Quốc vương Khalid bỏ trốn, Anh lập ra chính phủ mới trung thành hơn và khôi phục nguyên trạng. Như vậy, Khalid cũng chỉ cầm quyền trong ba ngày, từ ngày 25-28/8/1896.

Chiến tranh Ấn Độ-Pakistan lần thứ ba, 1971

Cuộc chiến này kéo dài từ ngày 3-16/12/1971 giữa Ấn Độ và Pakistan lúc đó bị chia thành hai phần Tây và Đông Pakistan. Cuộc xung đột xảy ra sau khi hàng triệu người tị nạn chạy từ Đông Pakistan sang Ấn Độ. Họ buộc phải chạy sang quốc gia gần nhất là Ấn Độ vì bị chính quyền Tây Pakistan truy bức. Chính quyền Tây Pakistan không thích việc Ấn Độ mở cửa biên giới cho người tị nạn, kết quả là xảy ra xung đột vũ trang. Chiến thắng thuộc về phía Ấn Độ, Đông Pakistan giành được độc lập, nước Bangladesh ra đời.

Chiến tranh Serbia-Bulgaria, 1885-1886

Đây là một ví dụ kinh điển khác về việc hai quốc gia láng giềng không thể chia xẻ lãnh thổ một cách hòa bình. Cuộc chiến này bùng nổ sau khi Bulgaria sáp nhập các vùng lãnh thổ từng do đế chế Ôtôman thống trị. Serbia không hài lòng về việc Bulgaria chứa chấp những người lãnh đạo của kẻ thù chính của họ. Ngày 14/11/1885, xung đột bùng nổ, nhưng chỉ hai tuần sau, Bulgaria tuyên bố giành chiến thắng. Trong cuộc chiến, có khoảng 1.500 người thiệt nạng kể cả hai phía, mấy ngàn người bị thương.

Chiến tranh Armenia-Gruzia, 1918

Quân đội đế chế Ôtôman đã chiếm lĩnh các vùng dọc biên giới Gruzia và Armenia trong Thế chiến I. Khi chúng rút đi, các nước này đã lao vào xung đột tranh giành quyền làm chủ một số vùng đất. Cuộc xung đột này chỉ kéo dài 24 ngày. Chiến tranh bùng nổ ngày 3/12 và kết thúc ngay trước năm mới - ngày 31/12. Nhờ sự giúp đỡ của Anh, cuộc chiến đã được giải quyết. Hai bên đã cùng nhau quản lý biên giới cho đến năm 1920. Chính vào năm đó, Armenia gia nhập Liên Xô.




(Còn tiếp)



Nguồn: politvzor, 24.7.15.

Print Print E-mail Print