Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc vất vả với bạo loạn trong nước

VietnamDefence - Căng thẳng xã hội đang gia tăng ở Trung Quốc. Những hoạt động phản đối lối hành xử tự tiện của các quan chức, ô nhiễm môi trường đã lan rộng ở mấy tỉnh.

Cảnh sát vũ trang trấn áp hoạt động phản đối bột phát
ở Trung Quốc (Reuters)

Cảnh sát vũ trang giải tán những người biểu tình và bắt giữ những người bị coi là gây rối. Chính quyền vì lo lắng đã tăng ngân sách cho các cơ quan công lực. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình mang tính cục bộ và không nhằm chống lại đảng cộng sản Trung Quốc.

Làn sóng phản đối sự tham gia có khi tới cả 10.000 người đã lan rộng ở một số tỉnh của Trung Quốc. Để dẹp yên biểu tình, chính quyền đã phải huy động sự trợ giúp của các đơn vị cảnh sát vũ trang. Vụ xung đột lớn nhất mấy ngày gần đây xảy ra ở huyện Liên Hoa, tỉnh Giang Tây. Ngày 16.8, hàng ngàn nông dân đã phong tỏa lối vào một nhà máy hóa chất.

Chất thải từ nhà máy này đã đe dọa mùa màng và nghề cá cảu người dân.

Sự xung đột chỉ gia tăng sau khi hàng trăm cảnh sát đến hiện trường. Họ bắt giữ hơn 10 người, một số người biểu tình, trong đó có phụ nữ đã bị thương. Người biểu tình liền phong tỏa quốc lộ 319.

Một sự cố tương tự đã xảy ra ở thành phố cảng lớn Đại Liên với sự tham gia của gần 10.000 người.

Thậm chí Thượng Hải vốn là biểu tượng của sự phát triển thần tốc của kinh tế Trung Quốc cũng không tránh khỏi các cuộc bạo loạn đường phố. Lý do của một cuộc bạo động như vậy là cách đối xử thô bạo của lực lượng dân phòng với một người bán quần áo. Người bán hàng không có giấy phép và trong cuộc cãi vã, dân phòng đã đánh ngã người phụ nữ khiến cô ta bất tỉnh. Lập tức, một đám đông chừng 100 người đã tấn công lực lượng chức năng và đập phá các ô tô của họ.

Một bằng chứng khác cho thấy sự bất mãn leo thang đối với chính quyền là sự cố xảy ra trong thời gian Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm tỉnh Tứ Xuyên. 50 người đã tìm cách xông vào hội trường nơi ông đang diễn thuyết. Họ muốn nói gì đó với ông Biden. Một phụ nữ sau đó đã kể lại với các nhà báo: “Tôi không định phản đối. Tôi chỉ muốn 2 quan chức cấp cao là Tập Cận Bình và Joe Biden nhìn thấy cuộc sống của chúng tôi như thế nào … Dù họ biện luận về nhân quyền thế nào thì cái đó tôi vẫn không có”.

Phó Giám đốc Viện Các nước Á-Phi, Đại học Tổng hợp Moskva MGU Andrei Karneyev bình luận, “các hành động phản đối của đông đảo quần chúng cho thấy, cơ chế thống nhất lợi ích của công dân và các cơ quan chính quyền không hoạt động. Mặt khác, sự bùng phát bạo lực phá vỡ trật tự và ổn định xã hội”.

Báo chí phương Tây đưa tin, số lượng các vụ phản đối tập thể ở Trung Quốc đã gia tăng và lên tới hơn 100.000 vụ một năm. Bởi vậy, chính quyền bắt đầu che giấu thông tin về các vụ việc đó. Không thể kiểm chứng các phỏng đoán này, song một thực tế là năm 2010, kinh phí chi cho các cơ quan công lực đã vượt quá kinh phí cho quân đội.

Chính quyền có lý do để lo lắng bởi vì ở Trung Quốc thời trước khi thành lập đảng cộng sản đã có truyền thống phản đối sự bất công.

Ở Trung Quốc, người dân dễ dàng bị khích động, người Nga nhẫn nại hơn. Chỉ khi sự việc sẽ dẫn đến một thảm họa nào đó, người ta mới sẵn sàng đứng lên. Trả lời câu hỏi liệu có thể so sánh các hoạt động phản đối ở Trung Quốc với cuộc biểu tình của những người bảo vệ cánh rừng Khimki ở Nga, ông Karneyev nêu ý kiến các sự kiện ở ngoại ô Moskva có dấu ấn xung đột ở cấp liên bang. Còn ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông thường giải quyết các vấn đề nội bộ đảng nhờ quảng trường. Nhưng từ đó, giới lãnh đạo Trung Quốc không bao giờ dùng đến các thủ đoạn đó nữa. “Những hoạt động phản đối ở Trung Quốc không liên quan đến phong trào đối lập, không mang sắc thái ý thức hệ và không nhằm chống lại chế độ hiện tại. Nguyên nhân để người dân bất bình thường là sự lạm quyền của quan chức địa phương. khoảng cách thu nhập giàu nghèo cũng làm gia tăng tâm lý chống đối”, vị chuyên gia kết luận.

Nguồn: NG, 23.8.11.

Print Print E-mail Print