Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc sẽ triển khai Giao Long ở Trường Sa

VietnamDefence - Bắc Kinh sẽ trang bị các thủy phi cơ lớn nhất thế giới dùng cho các nhiệm vụ quân sự.

Sau mấy tháng đồn đoán, cuối cùng, Trung Quốc đã thông báo việc lắp ráp thủy phi cơ Jiaolong AG-600 đầu tiên tại nhà máy ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông.

Việc lắp ráp sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015, chuyến bay đầu tiên dự kiến thực hiện vào giữa năm 2016.

Các nguồn tin nhà nước Trung Quốc cho hay, Công ty chế tạo máy bay Trung Quốc AVIC (China Aviation Industry General Aircraft Company) đã nhận được đơn đặt hàng mua 17 AG-600, trong đó 2 chiếc được trưng bày tại triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014. Các chuyên gia dự báo, chúng sẽ được sử dụng ở khu vực Biển Đông, nơi có các quần đảo tranh chấp.

Tuy nhiên, một quan chức công nghiệp hàng không Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ xuất khẩu các máy bay này. “Từ ngày đầu thiết kế, AG-600 đã được trù tính như máy bay để bán ra thị trường thế giới. Chúng tôi tin tưởng vào thành công xuất khẩu vì máy bay của chúng tôi về các tính năng như trọng lượng cất cánh tối đa và tầm bay là không có đối thủ trên thế giới”, Tổng giám đốc AVIC, ông Qu Jingwen khẳng định.

rong số 3 thiết kế máy bay, trong đó có máy bay vận tải Y-12 và máy bay chở khách thân rộng đầu tiên của Trung Quốc С919, thì AG-600 dài 40 m (trước còn có tên là JL-600 hay Dragon-600) sẽ là thủy phi cơ lớn nhất thế giới, lớn hơn cả US-2 của ShinMaywa/Nhật Bản và Be-200 của Nga.

Máy bay được trang bị 4 động cơ turbin cánh quạt WJ-6, trọng lượng cất cánh tối đa 60 tấn, tầm bay 5.500 km, có thể hút lên máy bay 12 tấn nước trong 20 s, thích hợp lý tưởng cho nhiệm vụ chữa cháy rừng, tìm cứu và thăm dò tài nguyên, chở khách và hàng và các nhiệm vụ khác. Máy bay có thể cất cánh từ mặt đất và mặt nước, tiếp nhận lên khoang một lúc 50 người bị nạn trên biển.

Ông Qu cho hay, “Quan tâm đến AG-600 là các nước có nhiều đảo như Malaysia và New Zealand và chúng tôi đang tiếp xúc với họ”.

Tuy nhiên, nhà phân tích Singapore, ông Sam Bateman không tin vào tiềm năng xuất khẩu của máy bay này. “Chương trình khó lòng hy vọng vào nhu cầu dân sự lớn, chắc chắn AG-600 được phát triển cho các mục đích quân sự”, ông Bateman nói.

Đáp lại các kết luận này, công trình sư trưởng máy bay này, ông Huang Lingcai nói rằng, máy bay trước hết dùng cho các chiến dịch cứu nạn. Vì yếu tố thời gian là then chốt cho việc cứu nạn thành công những người gặp nạn trên biển. Tốc độ hành trình của thủy phi cơ là 480 km/h cho phép sơ tán người trong một thời gian ngắn.


Nhưng ít có khả năng AG-600 sẽ được sử dụng cho các chiến dịch cứu nạn ở vùng biển hở, nơi có sóng cao và các dòng chảy mạnh. Nhiều khả năng, nó sẽ được sử dụng làm máy bay vận tải quân sự và dân sự để hạ cánh xuống nước và cất cánh ở vùng biển nông (người ta cũng nhấn mạnh là máy bay này có khả năng cất/hạ cánh trên các sân bay thông thường trên bộ). Ở ý nghĩa này, nó thích hợp lý tưởng để triển khai ở quần đảo Trường Sa, các chuyên gia nhận định.

Nguồn: The Diplomat, 23.7, MP, 17, 27.7.15.

Print Print E-mail Print