Vietnamdefence.com

 

Trình làng S-350E thay thế S-300

VietnamDefence - Tập đoàn Phòng không Almaz-Antei (Nga) lừng danh thế giới sẽ lần đầu tiên trưng bày công khai hệ thống tên lửa phòng không siêu hiện đại S-350E tại triển lãm MAKS-2013.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung thế hệ mới 50R6A Vityaz S-350E

>> Sinh con rồi mới sinh cha - ‘Vityaz khoác áo Hàn Quốc’

“Tập đoàn sẽ giới thiệu hầu như toàn bộ danh mục sản phẩm quân dụng đang được sản xuất của mình, trong đó có hàng loạt sản phẩm mới dưới dạng các mẫu thực tế sẽ được giới thiệu cho công chúng”, Almaz-Antei thông báo.

Sản phẩm mới chính của Almaz-Antei trưng bày tại triển lãm là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung tương lai S-350E, còn có tên gọi là 50R6A Vityaz. Xét về các tính năng kỹ-chiến thuật, Vityaz vượt trội so với các loại tương tự của nước ngoài và sẽ thay thế các hệ thống tên lửa phòng không S-300 đời cũ do Liên Xô sản xuất hiện còn khá nhiều trong trang bị của Nga, cũng như một phần các hệ thống tên lửa phòng không Buk.

Hệ thống tên lửa phòng không S-350E dùng để thực hiện các nhiệm vụ phòng không và bảo vệ các mục tiêu hành chính, công nghiệp và quân sự chống các cuộc tấn công ồ ạt của phương tiện tiến công đường không hiện tại và tương lai, kể các các binh khí tàng hình, tên lửa đường đạn chiến dịch và chiến dịch-chiến thuật.

S-350E có thể tiến hành tác chiến độc lập, cũng như trong thành phần cụm lực lượng phòng không và được chỉ huy từ các sở chỉ huy cấp trên.

Vityaz được phát triển trên cơ sở sử dụng các công nghệ và bộ phận của các tên lửa phòng không có điều khiển đang sử dụng cho S-400.  Vityaz nhỏ gọn hơn S-400, radar của nó nhỏ hơn nhiều radar của S-400, còn các bệ phóng chỉ sử dụng các tên lửa phòng không “nhỏ” tầm bắn 50 và 150 km.

Trong biên chế của 1 tiểu đoàn Vityaz sẽ có không dưới 12 bệ phóng, các đài radar, 1 sở chỉ huy và các khí tài khác. Dự kiến, Vityaz sẽ mạnh hơn S-300 về số lượng mục tiêu có thể bắn đồng thời.

Xe bệ phóng 50P6A của hệ thống 50R6A Vityaz (S-350E)

Đáng chú ý là nhiều giải pháp của Vityaz đã được kiểm nghiệm trên “chuột bạch” mà cụ thể là ở hệ thống tên lửa phòng không KM-SAM mà Almaz-Antei hợp tác với Hàn Quốc phát triển cho nước này. KM-SAM thậm chí còn được đặt tên là “Vityaz khoác áo Hàn Quốc”.

Năm 2010, nguyên Tổng giám đốc Almaz-Antei kể lại: “Chuyện rất đơn giản. Hồi đó, với ban lãnh đạo tiền nhiệm của Nga đến năm 2000, chúng tôi đã không thể thuyết phục được là cần phải có một hệ thống tầm trung mới vì hơn 50 hệ thống S-300PS đơn giản là ngừng tồn tại vào năm 2015 do đạt giới hạn tuổi thọ và phải loại bỏ. Cần loại thay thế. Chúng tôi đã không thể thuyết phục được. Sau đó, chúng tôi đã thắng người Mỹ và người Pháp trong cuộc đấu thầu quốc tế ở Hàn Quốc. Rồi chúng tôi với không ít khó khăn đã ký được hợp đồng xuất khẩu để phát triển cho Hàn Quốc một hệ thống tầm trung như vậy - đó là KM-SAM. Chúng tôi học được cách làm việc với linh kiện điện tử nhập khẩu, ở đó không hề có hạn chế nào. Chúng tôi đã chuyển giao thành công đến đó 2 radar và nay đang cung cấp chiếc thứ ba. Ở Hàn Quốc, người ta đã đang tiến hành bắn bằng tên lửa của họ vào các mục tiêu của họ.

Trước khi gửi đi, chúng tôi đã mời lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga và cho họ xem trong xưởng một mẫu hoạt động dành cho Hàn Quốc, sau đó, công tác nghiên cứu-thử nghiệm được mở ra cả cho quân đội Nga, với diện mạo khác và các tính năng kỹ-chiến thuật khác, tốt hơn. Công việc này được tiến hành từ năm 2007 trong một thời hạn kỷ lục. Chúng tôi được giao nhiệm vụ: trong vòng 5 năm, sản xuất loại vũ khí trang bị mới từ con số 0. Những nhiệm vụ đó chỉ từng được hoàn thành trong vòng 5 năm dưới thời Lavrentyi Beria, khi mà Almaz (hồi đó là Viện KB-1) trong 5 năm đã làm được các hệ thống phòng không S-25 (SA-1 Guild, hệ thống tên lửa phòng không hoạt động đầu tiên của Liê Xô) đầu tiên cho Moskva. Hiện nay, đang tiến hành giai đoạn xây dựng tài liệu thiết kế. Năm sau là mẫu thử nghiệm, còn năm 2013, chúng tôi phải hoàn thành thử nghiệm nhà nước”.

KM-SAM - biến thể của Vityaz do Almaz-Antei phát triển cho Hàn Quốc

Bệ phóng thẳng đứng của Vityaz kết hợp với một đài radar nhìn vòng đa năng mạnh cho phép hệ thống đánh trả nhanh chóng các cuộc tấn công từ bất kỳ hướng nào, điều đó tạo ra sự khác biệt của Vityaz so với các đối thủ sử dụng bệ phóng nghiêng, kể cả Patriot của Mỹ.

Đồng thời, nhờ thiết kế bệ phóng cải tiến và sử dụng các tên lửa mới nhất họ 9М96, cơ số đạn tên lửa đã tăng mạnh khi trên một bệ phóng bố trí được 12 tên lửa thay vì 4 như ở S-300.

Năm 2011, nguyên Tư lệnh Không quân Nga, Tướng Aleksandr Zelin từng nói: “Nó (Vityaz) vượt trội nhiều lần hệ thống S-300 hiện có trong trang bị của phòng không Nga. Vityaz là sự hoàn thiện tiếp theo của hệ thống S-300 với khả năng chiến đấu tăng lên nhiều lần”.

Hai loại tên lửa 9M96E và 9M96E2 dành cho hệ thống S-350E

Yếu tố then chốt quyết định hiệu quả của hệ thống mới là khả năng của nó đồng thời đánh trả các cuộc tấn công của các phương tiện tiến công đường không từ mọi hướng (vòng tròn) ở toàn bộ dải độ cao bay của chúng, trong mọi thời tiết, ban ngày và ban đêm, trong điều kiện nhiễu phức tạp. Điều đó có được là nhờ sử dụng trong hệ thống này phương tiện thông tin lần đầu tiên được phát triển ở Nga là radar đa năng. Radar đa năng này có khả năng đồng thời thực hiện các chức năng của radar phát hiện và radar bám chính xác các mục tiêu và tên lửa phòng không có điều khiển.

Ngoài ra, S-350E còn có khả năng cơ động và sống còn cao. Ví dụ, thời gian chuyển hệ thống từ trạng thái hành quân sang chiến đấu là không quá 5 phút.

Tháng 6/2013, Vityaz đã được giới thiệu với Tổng thống Vladimir Putin ở St. Petersburg khi ông đến thăm công ty “Nhà máy Obukhov” nằm trong Almaz-Antei và đã được ông Putin đánh giá cao.

Tổng thồng Nga Vladimir Putin Vityaz tham quan S-350E khi đến thăm Nhà máy Obukhov ở St. Petersburg, ngày 19/6/2013



Nguồn: kommersant, №77 (4377), ngày 30.4.2010 saidpvo.livejournal.com, bmpd, 10.8.2011; i-korotchenko.livejournal.com, AN, 27.06.2013; raspletin, i-mash, VZ, 22.8.2013; Pravda, 23.8.2013.

Print Print E-mail Print