|
JY-L dạng cơ động
|
Tại Syria hiện đã triển khai các đài radar phát hiện 3 tọa độ tầm xa JYL-1 (trong ảnh là biến thể tự hành) và JY-27 VHF, các radar phát hiện mục tiêu bay thấp Type 120 (LLQ120) 2D của Trung Quốc, nhà phân tích quân sự nổi tiếng Richard Fisher cho biết.
Trung Quốc sẽ có thể sử dụng những thông tin nhận được trong cuộc xung đột tiềm tàng với Mỹ vì vấn đề Đài Loan.
Nhưng đây là con đường hai chiều nên Mỹ cũng sẽ thu được những thông tin. Lầu Năm góc sẽ thu thập được thông tin về hiệu quả của các hệ thống của Trung Quốc và sẽ kiểm nghiệm các phương pháp vượt qua lưới phòng không mạnh mà Trung Quốc đang triển khai.
Ông Fisher nói rằng, Trung Quốc đã cung cấp cho Syria “hạ tầng điện tử phòng thủ mạnh, có ý nghĩa quyết định đối với sự sống còn của chế độ (Assad)”.
Ông Fisher cũng lưu ý rằng, Trung Quốc từng ủng hộ các chế độ được cho là độc tài. Cuối thập niên 1990, Bắc Kinh đã cung cấp cho Iraq các thiết bị của các công ty viễn thông Trung Quốc, cụ thể là cáp quang mà Iraq sử dụng làm phương tiện liên lạc để quan sát vùng cấm bay do Mỹ áp đặt.
“Máy bay Mỹ đã đánh bom các đầu mối cáp quang, sau đó các kỹ sư Trung Quốc đã khôi phục lại chúng”, chuyên gia này nói.
Vấn đề bức thiết hơn cả là hệ thống phòng không Syria mà Trung Quốc giúp hiện đại hóa sẽ đe dọa các máy bay tấn công của Mỹ đến mức độ nào. Syria hiện có 120 trận địa phòng không trang bị hỗn hợp các hệ thống tên lửa phòng không như SA-2 (S-75), SA-3 (S-125), SA-5 (S-200) và SA-6 (Kvadrat) của Liên Xô/Nga, cũng như 50 trạm tác chiến điện tử do Trung Quốc và Nga sản xuất, biên tập viên bản tin IMINT & Analysis (Mỹ) Sean O'Connor nói.
Các radar hiện đại của Trung Quốc có thể phát hiện các máy bay có độ bộc lộ thấp của Mỹ, thậm chí là máy bay tàng hình. Có thể đặc biệt hiệu quả là radar JY-27 (tầm phát hiện mục tiêu bay là 500 km) được Trung Quốc chuyển giao năm 2006. Hiện nay, các đài radar này được triển khai ở phía bắc và phía nam thành phố Palmyra, miền trung Syria. Các radar này có tầm phát hiện xuyên thấu không phận không chỉ của Syria mà cả của các nước láng giềng.
Người ta không biết nhiều về các radar 2 tọa độ yếu hơn Type 120 (LLQ120), vốn là sự phát triển tiếp theo của JY-29/LSS-1 2D, có khả năng đồng thời bám 72 mục tiêu ở cự ly 200 km. Có lẽ, các radar này chỉ trinh sát cự ly và phương vị của mục tiêu, nên chúng là sự tăng cường cho hệ thống radar phòng không chung. Bản thân Trung Quốc đang triển khai 120 radar này trong thành phần các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 và HQ-12, nhưng Syria có thể sử dụng chúng làm các trạm tác chiến điện tử chuyên dụng.
Syria có trong biên chế 4 trận địa radar Type 120 được triển khai ở Dar Jizzakh, Baniyas, Tartus và Kafr Buhum. Các radar JY-29 trước đó đã bị nhận dạng nhầm là JY-11B Hunter-1.
Một radar 3 băng tần JYL-1 với tầm phát hiện 320 km được triển khai ở Kafr Buhum. Trước đó, nó cũng bị nhận dạng nhầm là YLC-2V High Guard 3D.
Hiện có nhiều câu hỏi về việc liệu các radar Trung Quốc có thể truyền dữ liệu mục tiêu cho các trận địa tên lửa phòng không Liên Xô sản xuất không. “Không có sự phối hợp sẽ buộc (Syria) sử dụng liên lạc thoại để truyền dữ liệu giữa các đầu mối, đây là nguồn sai sót tiềm tàng, chúng cũng có thể bị gây nhiễu nếu dữ liệu được truyền ở chế độ công khai”, ông O’Connor nói.
Mỹ đã có những thông tin nhất định về các radar Trung Quốc, nhưng Lầu Năm góc chắc chắn không có đủ thông tin về các trạm tác chiến điện tử của Trung Quốc và các phương pháp hoạt động của chúng, ông John Wise, chuyên gia Anh về radar, người sáng lập trang web radars.org.uk, đánh giá. Ông nói rằng, Mỹ và NATO có ưu thế rõ ràng về tác chiến điện tử khi sử dụng hệ thống tác chiến điện tử chung (NATO Joint Electronic Warfare Core Staff).
Chuyên gia này nói rằng, các lực lượng NATO có nhiều kinh nghiệm tiến hành tác chiến điện tử nhiều lần đã được thử nghiệm trong các cuộc tập trận mặt đất và trên biển nên chúng ta sẽ nhanh chóng biết được liệu các kíp tác chiến điện tử Syria có khả năng đối phó hiệu quả với các lực lượng phương Tây hay không.
Cũng chưa rõ câu trả lời cho các câu hỏi như Syria đã thành công đến đâu trong việc làm chủ các radar và trạm tác chiến điện tử Trung Quốc này và liệu Assad có thông tin về những nguyên nhân khiến hệ thống phòng không và tác chiến điện tử Libya có hiệu quả thấp khi đối phó với lực lượng NATO vào năm 2011 hay không.
Nói cho cùng, hệ thống phòng không tích hợp của Syria sẽ không thể chống trả thành công một chiến dịch quân sự lớn của Mỹ và NATO, ông O’Connor nói. Mặc dù đã triển khai các hệ thống mới của Trung Quốc, Syria vẫn phụ thuộc vào các công nghệ lạc hậu của Nga và Liên Xô mà trong những năm qua các lực lượng Mỹ và NATO đã tiêu diệt dễ dàng.
“Phần cơ bản của phòng không Syria không phải là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các máy bay chiến đấu hiện đại, mặc dù một mối đe dọa bất kỳ cũng cần nhìn nhận như mối đe dọa nguy hiểm tiềm tàng, ông O’Connor nói. Ví dụ, hệ thống tên lửa phòng không SA-5 có tầm bắn 250 km có thể đe dọa các máy bay chỉ huy/báo động sớm và máy bay tiếp dầu.
Ông cũng cho rằng, không thể trông mong phiến quân Syria gây được thiệt hại lớn nào đó cho hệ thống phòng thủ của Syria, cuộc nội chiến ở Syria ít ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu chung của hệ thống phòng không, quân đội Syria đã duy trì quyền kiểm soát đối với phần lớn phương tiện tác chiến điện tử và tên lửa phòng không.
Liệu Mỹ có chịu tổn thất về máy bay chiến đấu trên bầu trời Syria? Tháng 12/1983, khi tấn công các trận địa phòng không Syria, hai máy bay Hải quân Mỹ gồm 1 A-7E Corsair và 1 A-6E Intruder đã bị bắn hạ.