|
Su-35 (Sergei Bobylev/TASS)
|
Đây là thương vụ vũ khí lớn thứ hai giữa Moskva và Bắc Kinh sau hợp đồng S-400. Một năm trước, Bắc Kinh đã ký hợp đồng mua 4 tiểu đoàn S-400 trị giá gần 1,9 tỷ USD. Các lô trang thiết bị đầu tiên có thể bắt đầu được chuyển giao ngay trong năm 2016, còn các bệ phóng và tên lửa được chuyển giao vào năm 2017-2018.
Trung Quốc đang tiến hành các chương trình chế tạo 2 tiêm kích thế hệ mới J-20 và J-31, nhưng chỉ có J-20 có thể đáp ứng các yêu cầu của thế hệ 5. Tiềm năng hoạt động của J-20 đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Việc mua Su-35 sẽ cho phép Trung Quốc hiểu rõ hơn những phương hướng hiện đại hóa các tiêm kích J-11 (sao chép Su-27) của họ. Su-35 có thể cho Trung Quốc biết những công nghệ Nga đã sử dụng để giảm bề mặt tán xạ hiệu dụng của tiêm kích, sau đó các cải tiến mới sẽ dễ dàng được họ áp dụng cho các máy bay của mình.
Đối với Nga, việc thực hiện thành công hợp đồng sẽ giúp củng cố vị thế trên thị trường ngoài nước. Tháng 11/2015, có tin Nga sẽ chuyển giao cho Trung Quốc lô Su-35 đầu tiên vào quý 4 năm 2016.
Nga và Trung Quốc đã ký hợp đồng bán 24 Su-35 sau khi hoàn tất quá trình đàm phán kéo dài vào thời điểm căng thẳng trên Biển Đông có sự tham gia của Hải quân và Không quân Mỹ.
Vì thế, việc Trung Quốc mua sắm tiêm kích Nga thu hút sự tò mò trước hết đối với khả năng tác chiến của chúng chư không phải là vì Trung Quốc là khách hàng đầu tiên mua Su-35.
Các ưu tiên của Trung Quốc ở Biển Đông là khai thác tài nguyên dầu khí, mở rộng ảnh hưởng trong khu vực (nơi 1/3 lưu lượng vận tải đường biển thế giới đi qua). Các bên tranh chấp khác ở Biển Đông không đủ sức cản trở Trung Quốc bành trướng, không chế vùng biển này, nhưng Hải quân Mỹ đang can thiệp vào cuộc tranh chấp.
Ngày 27/10 và 13/11/2015, tàu khu trục USS Lassen đã tuần tra sát quần đảo Trường Sa của Việt Nam bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Tại Biển Đông có mặt cụm tàu sân bay Theodore Roosevelt. Một máy bay ném bom chiến lược bay trên quần đảo Trường Sa. Đáp lại, Bắc Kinh khoa trường các tiêm kích trang bị tên lửa và các tuyên bố phản đối của Bộ ngoại giao, còn Mỹ trả lời sẽ tiếp tục các chuyến tuần tra như vậy.
Lầu Năm góc cho rằng, sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông có nguy cơ gây ra xung đột. Như vậy, Mỹ một lần nữa khiến thúc đẩy Trung Quốc và Nga tiến tới quan hệ đối tác chiến lược và tích cực hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, hải quân và kỹ thuật quân sự. Chi phí quân sự của Trung Quốc đang tăng. Năm 2014, ngân sách quốc phòng của nước này vượt 145 tỷ USD.
Hạm đội đại dương của Trung Quốc đang trong quá trình xây dựng nên 24 tiêm kích hiện đại Su-35 sẽ rất đắc dụng để kiểm soát Biển Đông bằng cách sử dụng mạng lưới rộng lớn các sân bay quân sự ven biển và trên đảo của Trung Quốc.
Su-35 sẽ giúp mở rộng nhanh chóng sức mạnh của không quân Trung Quốc và đe dọa phá vỡ cán cân sức mạnh trong khu vực. Trung Quốc vẫn xúc tiến phát triển các tiêm kích tiên tiến của mình như J-20 và J-31 thuộc thế hệ 5 và sản xuất J-10. Nhưng bán kính hoạt động của các tiêm kích Trung Quốc không đủ xa để kiểm soát khu vực Biển Đôngn rộng lớn, trong khi đây là mục tiêu chiến lược của Trung Quốc.
Su-35 có dự trữ nhiên liệu lớn hơn, bán kính hoạt động hơn 1500 km nên sẽ cho phép Bắc Kinh kiểm soát hiệu quả vùng biển mà họ yêu sách chủ quyền với sự tham gia tối thiểu của hải quân.
Su-35 có khả năng tiến công mục tiêu mặt đất và trên biển nên có thể mở rộng phạm vi hoạt động tác chiến. Ngoài ra, tiêm kích này còn được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử tối tân nhất.
So với Su-27, Su-35 được trang bị động cơ mạnh hơn nhiều. Tuy Su-35 không có tính năng tàng hình, nhưng lại có khả năng siêu cơ động nhờ sử dụng các động cơ điều khiển vector lực đẩy 117S.
Máy bay được lắp radar mạng pha thụ động Irbis rất mạnh, có thể phát hiện mục tiêu có bề mặt tán xạ hiệu dụng 0,01 m2 ở cự ly 90 km, tức là sẽ nhìn thấy các tiêm kích tàng hình Mỹ F-35 và F-22 ở cự ly này. Su-35 còn được trang bị các tên lửa tầm xa đầy uy lực.
Các chuyên gia Trung Quốc tỏ ra quan tâm đến Su-35 vào năm 2008 trong triển lãm hàng không Chu Hải. Năm 2011, Bộ quốc phòng Trung Quốc chính thức đề nghị mua Su-35 và đã ký thỏa thuận sơ bộ vào năm 2012. Trong gần 3 năm, hai bên thương thảo các điều kiện kỹ thuật và tài chính, chẳng hạn Trung Quốc muốn trang bị thiết bị avionics của mình cho buồng lái.
Theo chuyên gia quân sự Mỹ Dave Majumdar, Su-35S là biến thể hoàn thiện nhất của họ Su-27 cho đến nay và là máy bay chiến đấu rất hiệu quả, nếu như được trang bị số lượng lớn sẽ đe dọa mạnh mẽ không quân phương Tây.
Hợp đồng không quy định việc sản xuất theo giấy phép Su-35 ở Trung Quốc, có nghĩa là Trung Quốc sẽ nhận được các máy bay hoàn chỉnh. Toàn bộ 24 Su-35 sẽ được sản xuất ở Nhà máy mang tên Gagarin, thành phố Komsolmolsk trên sông Amur.
Hợp đồng bán 24 Su-35 làm tăng đáng kể khối lượng đơn hàng vũ khí của Nga và giúp Trung Quốc duy trì vị trí trong số các khách hàng lớn nhất của vũ khí Nga.
Năm 2014, Trung Quốc là khách hàng đầu tiên mua 4 tiểu đoàn tên lửa phòng không tối tân S-400 Triumf trị giá gần 2 tỷ USD.
Năm 2013, Trung Quốc đã mua 2 tỷ USD vũ khí trang bị của Nga.
Năm 2012, Nga và Trung Quốc ký hợp đồng bán 140 động cơ tiêm kích AL-31F trị giá gần 700 triệu USD và hợp đồng khung về tàu ngầm điện-diesel Amur-1650 trị giá 2 tỷ USD.
Năm 2011, các hợp đồng về vũ khí trang bị hàng không là gần 1 tỷ USD. Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung phát triển mạnh sau thời kỳ khá im ắng 2006-2010.