|
F-16 không có cơ hội trước Su-35S |
Nga đã điều đến Syria 4 tiêm kích tối tân nhất có trong trang bị của mình cho đến nay là các tiêm kích siêu cơ động thế hệ 4++ Su-35S. Lữ đoàn không quân đặc nhiệm Nga ở Syria vẫn thua xa về số lượng so với không quân Thổ Nhĩ Kỳ triển khai cách đó không xa, nhưng cơ cấu của nó cho phép đối phó hiệu quả với những vụ khiêu khích, cũng như các vụ đụng độ nghiêm trọng hơn.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov ngày 1/2/2016 đã xác nhận rằng, các tiêm kích siêu cơ động Su-35S đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở Syria.
“Từ tuần trước, các tiêm kích siêu cơ động Su-35S đã bước vào thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở căn cứ không quân Hmeimim”, ông Konashenkov nói.
Ông cho biết, cách đây không lâu, tất cả các máy bay Nga làm nhiệm vụ trên không phận Syria đều bắt buộc phải có sự bảo vệ của tiêm kích Nga, Syria và các hệ thống phòng không hiện đại, kể cả S-400.
Trước đó, có tin không chính thức cho hay, 4 chiếc Su-35S đã đến Syria. Ban đầu, các máy bay này thuộc biên chế của Trung đoàn tiêm kích 23, Sư đoàn không quân cận vệ hỗn hợp 303, Tập đoàn không quân-phòng hông 11 của Quân khu miền Đông (sân bay Dzemgi), sau đó được chuyển đến Astrakhan (sân bay Privolzhsky). Nhưng mấy ngày trước, các máy bay Su-35S đã cất cánh từ Astrakhan và bay qua biển Caspie, không phận Iran và Iraq và đến tỉnh Latakia, Syria.
Su-35 (NATO gọi là Flanker-T+) là tiêm kích đa năng, siêu cơ động, thế hệ 4++, do Viện thiết kế Sukhoi phát triển và là biến thể hiện đại hóa sâu của mẫu cơ sở Т-10S.
Thế hệ 4++ mà Su-35 được xếp vào chỉ là sự ước lệ, cho thấy xét tổng thể các tính năng, Su-35 tiến sát đến tiêm kích thế hệ 5 vì ngoại trừ công nghệ tàng hình và radar mạng pha chủ động, Su-35 thỏa mãn đa số các yêu cầu đặt ra đối với tiêm kích thế hệ 5.
Năm 2009, Công ty Sukhoi đã ký với Bộ Quốc phòng Nga hợp đồng bán 48 Su-35S đến trước cuối năm 2015 và tháng 12/2015 ký hợp đồng thứ hai cung cấp 50 máy bay đến năm 2020.
“Máy bay này có khả năng cơ động ở cái gọi là các góc tấn ngoài tới hạn. Máy bay có nhiều ưu điểm kỹ thuật: hệ thống avionics mới, radar anten mạng pha mới, cũng như các động cơ điều khiển vector lực đẩy. Su-35S có thể thực hiện trên bầu trời những gì không một máy bay nào khác trên thế giới có thể làm được: ở mặt phẳng ngang, không cần giảm tốc, thực hiện thao tác bay “bánh kếp” (quay 365 độ trên không ở mặt phẳng ngang mà không bị mất tốc độ và độ cao), nhờ đó mà tăng mạnh khả năng chiến đấu của máy bay. Máy bay này vượt trội tất cả các máy bay cùng loại về tốc độ bay - 2.400 km/h”.
Hiện nay, biên chế đội máy bay của Lực lượng Không quân-vũ trụ Nga (VKS) tại căn cứ không quan Hmeimim có hơn 70 máy bay và trực thăng, gồm các loại máy bay Su-27SM, Su-30SM, Su-34, Su-24SM và Su-25SM, cũng như các trực thăng Mi-8 và Mi-24. Trước thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc Su-24M của Nga và các tay súng thân Thổ bắn chết sĩ quan Nga Oleg Anatolievich Peshkov khi nhảy dù khỏi máy bay, Nga chỉ duy trì 4 tiêm kích Su-27SM ở Syria vì bộ chỉ huy Nga không nghĩ là phải bảo vệ các máy bay cường kích và ném bom. Từ đó, số lượng tiêm kích Nga ở Syria bắt đầu tăng lên (số lượng chính xác không được tiết lộ), ngoài ra, các hệ thống phòng không trên các chiến hạm cũng được triển khai.
Thổ Nhĩ Kỳ bố trí ở các khu vực giáp giới Syria gần 100 tiêm kích mà phần lớn là F-16. Sau vụ tấn công máy bay Nga, 18 tiêm kích F-16 của Thổ đã tiến hành chiến dịch lớn tuần tra biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Thổ hiện có hơn 200 tiêm kích các loại. Một mặt, lực lượng này đông hơn lực lượng Nga có trong khu vực, nhưng Thổ không phải đang ở tình trạng chiến tranh với Nga vì thế không nên nói đến những vụ đụng độ quy mô lớn. “Tôi không nghĩ rằng, người Thổ sẽ trực tiếp đụng độ trên không với các máy bay Nga”, Phó Chủ tịch Học viện Các vấn đề địa-chính trị, Đại tá không quân Vladimir Anokhin nói.
Ông Anokhin cho rằng, số lượng tiêm kích của Nga hiện có ở Syria là đủ để bảo đảm an toàn cho cường kích và máy bay ném bom Nga trước các vụ khiêu khích: “Tôi nghĩ rằng, người Thổ với tất cả những khuynh hướng đê hèn sẽ không dám làm việc đó. Họ đã chịu lỗ nhiều tỷ do những biện pháp trừng phạt của chúng ta”.
“Lực lượng tiêm kích đang bảo vệ các khu vực trọn vẹn. Không phải làm trĩu cánh máy bay ném bom. Tiêm kích có thể có mặt ở khu vực chờ đợi và kiểm soát một không gian rộng lớn và khi có nguy hiểm dù nhỏ nhất là lập tức xông tới. Chúng ta đã lập thế trận phòng ngự nhiều tầng trên không”, ông Anokhin nói.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, tiêm kích F-16 Thồ Nhĩ Kỳ khi giao chiến không có bất kỳ cơ hội nào trước Su-35S “cả về tầm bay lẫn tốc độ, cả về vũ khí lẫn về trình độ huấn luyện phi công”.