|
Hình ảnh minh họa hệ thống tên lửa Sapsan (vpered-i-vhoru.livejournal.com) |
>> Thấy quan tài mới đổ lệ: Ukraine hô hào phát triển tên lửa
Các tài liệu tuyên truyền về “siêu vũ khí” mới có nói rằng, tên lửa mới có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng không hiện có ở Nga, kể cả S-400 và thậm chí có thể đe dọa Điện Kremlin.
Tại cuộc họp mới đây của Hội đồng An ninh quốc gia và quốc phòng Ukraine, người ta đã thảo luận về tương lai của công nghiệp quốc phòng. Mặc dù vấn đề thảo luận là bí mật, nhưng Kiev đã cố tình rò rỉ thông tin sắp tới quân đội Ukraine sẽ được trang bị siêu vũ khí tối tân có thể sánh với tên lửa Kalibr của Nga được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu ở Syria. Vậy con quái vật mang cái tên liên quan đến biển, nhưng dành cho lục quân này là gì?
Ukraine đã và đang không có các cơ sở để sản xuất tên lửa hành trình. Thời Liên Xô, các tên lửa này chỉ được sản xuất trên lãnh thổ Nga. Ngay sau khi tuyên bố độc lập, lãnh đạo Ukraine đã có ý tưởng tự lực sản xuất tên lửa tầm trung và xa. Trong thập niên 1990, đó không chỉ là giấc mơ không tưởng mà hơn thế là mưu toan xây dựng một dự án kinh doanh hoàn toàn dễ hiểu đối với giới tinh hoa Ukraine hồi đó vì toàn bộ vũ khí kể cả vũ khí cũ của Liên Xô mà họ thừa hưởng đều bị bán tống bán tháo với giá rẻ cho các nước thế giới thứ ba.
Tổng thống Viktor Yushchenko đã thổi sức sống mới vào dự án này nhưng là vì động cơ chính trị. Hãng Yuzhmash nảy sinh ý tưởng phát triển một tên lửa đa năng ban đầu gọi là Borisfen, còn sau khi thay đổi nhiệm vụ sản xuất thì gọi là Sapsan. Tên lửa vạn năng này phải có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm 30-489 km tùy thuộc vào cấu hình. Mục tiêu có thể là ở mặt đất, trên biển và trên không - tên lửa phải đồng thời là tên lửa đường đạn một tầng, phòng không tầm xa và chống hạm tầm trung. Giấc mơ ảo giác này đã chấm dứt vào năm 2011 khi người ta hiểu rằng, khoản tiền 12 triệu USD do Yushchenko cấp đã hết. Bản thân Yuzhmash thì xin cấp 460 triệu USD. Với 12 triệu, họ đã sản xuất ra mẫu thiết kế phác thảo đúng kích thước thật.
Thời Yanukovich, việc phát triển tên lửa lại tiếp tục. Nhưng theo thông tin “rò rỉ” cho báo chí Ukraine thì chính Yanukovich có lỗi trong thất bại của dự án khi chấm dứt hẳn tải trợ, còn Yuzhmash gần như bằng tiền của mình đã phát triển ra một tên lửa ngang hàng với Tomahawk của Mỹ và các tên lửa Nga sử dụng trong các hệ thống Iskander và Kalibr, hay ít nhất là hoàn toàn tương đương với tính năng của các tên lửa này.
Ukraine không có cơ sở sản xuất điện tử để có thể lắp hệ thống quét địa hình vào các tên lửa mới. Họ cũng không có cụm vệ tinh để bám theo tên lửa trong khi bay và dẫn đường cho nó. Nhưng ở Yuzhmash, người ta nói rằng có thể sản xuất các hệ dẫn quán tính cho phép tên lửa bay bám địa hình, nhưng phải đến năm 2018 mới sẵn sàng cung cấp mẫu thử nghiệm.
Còn Tổng thống Ukraine lại yêu cầu đưa các tên lửa mới vào trang bị ngay trong năm nay. Có tin Nhà máy Motor Sich hứa triển khai sản xuất động cơ MS-400 sao chép động cơ Nga R95-300, nhưng lại nhẹ hơn 50 kg. Hãng sản xuất ô tô cũng báo cáo có thể triển khai sản xuất xe bệ phóng bánh lốp cho các tên lửa triển khai trên mặt đất và cơ động. Thực ra ở Ukraine hoàn toàn không có nhà máy sản xuất lốp xe và thậm chí những đợt giao hàng phương tiện bánh lốp và xe tải cho quân đội cũng bị phá vỡ do Nga ngừng cung cấp từ Yaroslavl. Các động cơ cho các hệ thống cơ động này dự tính mua của hãng Ford hay Deutz, nhưng các hãng này từ một năm rưỡi trước đã ngừng hợp tác với Ukraine về các sản phẩm lưỡng dụng.
Tóm lại, tất cả những gì gọi là các sản phẩm nghiên cứu phát triển này đều là sản phẩm của sự tưởng tượng. Chính “mẫu chế thử” mà Yuzhmash trình cho chính phủ cũng giống một cách đáng ngờ với tên lửa hành trình tầm xa phóng từ máy bay Kh-55 của Nga. Thời Liên Xô, các mẫu maket cho tên lửa này được làm ở Kharkov, Ukraine, tại Liên hiệp sản xuất hàng không nhà nước KhAPO nên có lẽ maket vẫn còn ở đó. Có thể đâu đó vẫn còn tài liệu về sản phẩm này, thậm chí có thể ở ngay tại Yuzhmash. Nhưng ở Ukraine chưa từng thực hiện lấy một lần thử nghiệm một cái gì đó bay được và dù là hơi giống tên lửa hành trình. Việc này thậm chí rất nan giải về kỹ thuật vì ở một quốc gia đông dân, đơn thuần là không có các trường thử cho những thử nghiệm đó, không có thảo nguyên hay lãnh thổ miền bắc hoang vắng. Không có cả những hệ thống viễn trắc kiểm tra, radar, thiết bị theo dõi và dẫn đường.
Theo những rò rỉ trước đó, các tên lửa hành trình và đường đạn dự kiến được triển khai ở vùng Cận Karpat, ở sư đoàn tên lửa đầu tiên và duy nhất của Ukraine với sở chỉ huy tại thành phố Khmelnitsky. Dự án này đã có cả ngàn cái tên trung tính: Olkha, Neptune, Borisfen, Sapsan, Korshun, Grom hay cái tên dữ dằn “Mũi lao tên lửa đâm vào trái tim nước Nga”.
Mục tiêu dự kiến cho siêu vũ khí này được báo chí Ukraine nhắc đến trước hết là vùng Donbass, tiếp đó là các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, trong đó có 6 sân bay quân sự lớn ở vùng giáp biên. Nhưng ấn tượng nhất là việc tính toán cây số từ làng Lyutoie ở tỉnh Sumshchina đến Moskva. Bởi lẽ, người ta cho rằng, siêu tên lửa Ukraine có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng không của Nga nên chỉ cần bố trí nó ở chỗ mà từ đó chắc chắn có thể bay đến được thủ đô Nga khi hết nhiên liệu. Từ đó mà chọn ra làng quê hẻo lánh Lyutoie với ưu điểm chủ yếu là gần biên giới Nga-Ukraine nhất. Từ đó đến Moskva theo đường thẳng là 466 km trong khi tầm bay của tên lửa được tuyên bố là 489 km.
Người ta còn thảo luận sôi nổi về khả năng và sự cần thiết trang bị đầu đạn chân không để chống boong-ke cho một bộ phận các tên lửa này.
Yuzhmash cũng cố gắng quảng cáo biến thể chống hạm của tên lửa, nhưng cũng ở dạng mẫu maket bằng nhựa. Lý do khách quan duy nhất cho toàn bộ trò hề này là việc hoàn toàn không có ở Ukraine các loại vũ khí tên lửa hiện đại ngoại trừ tàn dư của công nghiệp tên lửa-vũ trụ Liên Xô. Tên lửa Ukraine mới nhất cũng mới đây cũng đã qua 25 tuổi, còn tên lửa Tochka-U thì đã lạc hậu vô hình ngay sau chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Còn về phòng không thì chẳng cần nói đến làm gì.
Tâm lý chính là động lực chính cho loại tưởng tượng này. Thành công của kỹ thuật tên lửa hiện đại của Nga ở Syria đã thu hút sự chú ý không chỉ của cả thế giới mà của cả ban lãnh đạo Ukraine. Họ phải và họ nhất định phải làm được các tên lửa tốt hơn và dữ dội hơn người Nga.
>> Thấy quan tài mới đổ lệ: Ukraine hô hào phát triển tên lửa