Vietnamdefence.com

 

Siêu tăng Armata sẽ trang bị pháo điều khiển số

VietnamDefence - Nga trên đường chế tạo xe tăng robot.

>> Thông qua thiết kế xe tăng thế hệ 5 Armata

Pháo tăng điều khiển từ xa là bước quan trọng trên con đường
chế tạo xe tăng robot. Armata giả định (alternathistory.org.ua)

Xe tăng mới của Nga ra đời vào năm 2015 trên cơ sở bệ mang chiến đấu hạng nặng Armata sẽ được trang bị pháo kỹ thuật số điều khiển từ xa

Đó là tiết lộ của một nguồn tin trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga.

Từ bên trong cáp-xun bọc giáp, kíp xe sẽ điều khiển pháo. Cáp-xun này có khả năng chống chịu mọi loại đạn của các xe tăng hiện có bắn trực tiếp.

"Xe tăng sẽ có hệ thống điều khiển hoàn toàn số hóa. Các kênh liên lạc sẽ được bảo vệ chống chế áp và chặn thu nhờ vỏ giáp xe tăng vì không có bất cứ tín hiệu bên ngoài nào xâm nhập được qua vỏ giáp. Bên cạnh đó, kíp xe còn được ngăn cách khỏi cả khoang động cơ với nhiên liệu, cả cơ số đạn bằng cáp-xun nhiều lớp làm bằng vỏ giáp và compsite", nguồn tin nói.

Theo chuyên gia về xe tăng, Tổng biên tập tạp chí Arsenal, Viktor Murakhovsky, 2.000 xe tăng mới là hoàn toàn đủ cho cả quân đội Nga.

Ông Murakhovsky lý giải: "Cùng với việc khả năng bảo vệ của kíp xe tăng lên, thì khả năng sống còn của xe tăng cũng tăng lên, có nghĩa là để giải quyết cùng những nhiệm vụ sẽ cần số xe tăng ít hơn trước kia".

Theo ông, sự ra đời của các xe chiến đấu dựa trên bệ mang mới có thể làm thay đổi mạnh cơ cấu lục quân, dẫn rời sự xuất hiện của những thủ đoạn chiến thuật mới: "Các xe được bảo vệ tốt dựa trên cơ sở Armata sẽ có thể hoạt động tự tin hơn trên tuyến đầu - điều đó liên quan đến cả các xe dọn chướng ngại, cả các bệ phóng của hệ thống dọn mìn, cả các hệ thống phun lửa hạng nặng".

Ông Murakhovsky dự báo, các xe tăng Т-90, Т-80 và Т-72 mà Bộ Quốc phòng Nga đang ráo riết hiện đại hóa, sau khi xuất hiện Armata sẽ bị đưa tới các cơ sở cất giữ dành cho lưc lượng dự bị.

Phó Chủ tịch thứ nhất Học viện Các vấn đề địa-chính trị, TS KHQS Konstantin Sivkov thì cho rằng, sự xuất hiện của pháo không có người (ngồi trong khoang chiến đấu để điều khiển) sẽ đưa nước Nga tới việc chế tạo xe tăng hoàn toàn tự hoạt, được điều khiển từ xa hoặc tiêu diệt mục tiêu ở chế độ tự động.

"Các xe tăng robot sẽ xông lên trước, hoạt động trên khu vực tiền duyên, nguy hiểm nhất, còn tiến sau chúng là các xe tăng có kíp xe điều khiển để giải quyết các nhiệm vụ phức tạp", ông Sivkov phác họa bức tranh chiến tranh tương lai.

Ông Sivkov cho biết, Liên Xô từng phát triển xe tăng tự hoạt và vào cuối thập niên 1990, đã chế tạo một xe tăng hoàn toàn tự động với hệ thống nhận dạng mục tiêu dựa trên cơ sở tăng Т-80. Nhưng thiết kế này đã không được thực hiện do Liên Xô sụp đổ.

Chủ nhiệm Tổng cục Ô tô-tăng giáp, Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Aleksandr Shevchenko cuối tuần trước đã thông báo, dự án Armata đang được hãng Uralvagonzavod tích cực thực hiện và sau 3 năm nữa, sẽ có thể thật sự trông thấy chiếc xe tăng mới.

Một đại diện của Uralvagonzavod tiết lộ tình hình còn khả quan hơn: “Vào năm 2015, sẽ bắt đầu chuyển giao xe tăng cho quân đội. Còn bản thân xe tăng sẽ sẵn sàng sớm hơn”. Song nguồn tin này không nêu rõ thời hạn chế tạo xong xe tăng và các tính năng kỹ thuật của nó với cớ đó là bí mật nhà nước.

Xe tăng mới của Nga Armata được Uralvagonzavod phát triển từ năm 2009 theo nguyên lý module trên cơ sở một bệ mang hạng nặng dành cho cả một họ xe thiết giáp.

Ngoài bệ mang hạng nặng Armata, các bệ mang hạng trung Kurganets và hạng nhẹ Bumerang cũng đang được phát triển theo đơn đặt hàng của quân đội Nga.

  • Nguồn: Izvestia, 26.3.12.

Print Print E-mail Print